Sân golf là cái nạn của nông thôn
Thiện Giao, phóng viên RFA, Bangkok
2009-06-08
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/More-and-more-agricultural-land-becoming-golf-courts-06082009140450.html
Báo chí trong nước thống kê hiện nay Việt Nam có “139 dự án sân golf nhưng chỉ có 41 dự án, với diện tích khoảng hơn 7 ngàn hecta là có trong qui hoạch.
Số còn lại thì hoàn toàn không có trong qui hoạch hoặc lấn vào diện tích dành cho các hoạt động khác.” Hiện đang có tình trạng lợi dụng hình thức xây sân golf để kết hợp kinh doanh bất động sản khiến nông dân điêu đứng và đất nông nghiệp thì bị xâm hại nghiêm trọng. Biên tập viên Thiện Giao trình bày sau đây.
Phá đất nông nghiệp bóc lột nông dân
Bản tin của báo điện tử VietNamNet ngày 8 tháng Sáu dẫn lời tiến sĩ Lê Văn Thiện thuộc Đại Học Quốc Gia Hà Nội cho biết, “trong số 144 dự án sân golf trên 39 tỉnh, thành đã được cấp giấy phép hoặc chấp thuận chủ trương, chỉ 20 dự án là kinh doanh golf thuần túy.Còn lại là kết hợp giữa golf với bất động sản.”
Giới quan sát tại Việt Nam cho rằng hiện tượng lợi dụng hình thức kinh doanh sân golf để kết hợp kinh doanh bất động sản đang phổ biến tràn làn tại Việt Nam, gây thất thu cho Nhà Nước, gây thiệt hại cho nông dân do đền bù thấp, làm mất đất nông nghiệp, và chỉ làm lợi cho một số ít cá nhân đầu cơ cùng quan chức duyệt dự án.
Các cuộc thảo luận tại Quốc Hội những ngày gần đây cho thấy việc xây và lợi dụng hình thức sân golf để kinh doanh đang trở thành một cái “nạn” của nông thôn và nông dân.
VietNamNet dẫn lời đại biểu Nguyễn Lân Dũng, rằng “tất cả các lũy tre xanh đều đã mất hết,” và “đâu phải để làm sân golf, mà toàn xây biệt thự bán với giá rất cao, trong khi thu hồi đất với giá rất thấp…”
Cơ chế qui hoạch như hiện nay đang là nguyên nhân đưa đến tình trạng cấu kết của chính quyền địa phương với giới có tiền nhằm “xin” giấy phép đầu tư, ép dân bán đất giá rẻ để trục lợi.
Sự cấu kết giữ chính quyền và nhà đầu tư?
Luật sư Lê Công Định từng nói với Đài chúng tôi, rằng “Luật Đất Đai và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến vấn đề đền bù – giải tỏa trao cho chính quyền quyền thực hiện công việc này.
Lý do là để tránh trường hợp nhà đầu tư ép dân, không thỏa thuận được giá.” Tuy nhiên, thực tế của tiến trình “chính quyền được trao quyền đền bù, giải tỏa” lại đưa đến tình trạng “lợi bất cấp hại,” trong đó nhà đầu tư “đi” với chính quyền và né tránh nói chuyện trực tiếp với người dân.
“Ở rất nhiều nơi, nhà đầu tư lại không đứng ra trực tiếp nói chuyện với người dân mà mọi chuyện họ lại đùn đẩy cho chính quyền. Thậm chí ở một số nơi có chuyện cấu kết bên trong (mà mình không biết) giữa quan chức với nhà đầu tư đưa tới việc là cố tình kiềm giá khiến cho người dân không hài lòng với giá đền bù.
Trong những buổi làm việc lẽ ra cả hai bên [nhà đầu tư và Chính Quyền] cùng xuất hiện để nói chuyện với người dân, thì gần đây trong tất cả những vụ tranh chấp xảy ra do nhà đầu tư tránh né việc tiếp cận với người dân.
Tôi biết có nhiều trường hợp khác nữa là người dân cũng đến thẳng gặp nhà đầu tư nhưng nhà đầu tư tránh né bằng cách nói rằng ‘chuyện này tôi không biết mà do nhà nước,’ nhưng thực ra họ biết rất rõ song họ cố tình tránh né và do đó họ làm người dân càng nổi giận, nghi ngờ và bất hợp tác với cơ quan nhà nước.”
Bản tin ngày 8 tháng Sáu trên VietNamNet dẫn lời đại biểu, luật sư Nguyễn Đăng Trừng, rằng hiện tượng kết hợp xây sân golf để kinh doanh địa ốc là “trá hình, trái pháp luật.”
Một đại biểu khác thì đặt vấn đề trách nhiệm. Chẳng hạn: “Nếu dự án được qui hoạch chỉ để xây sân golf mà chuyển mục đích sử dụng thì lỗi ở nhà đầu tư. Còn nếu dự án lại kèm dịch vụ hoặc phê duyệt diện tích lớn hơn cần thiết thì lỗi là do người duyệt qui hoạch.”
“Đất đai không thể sinh sôi nảy nở”
Đại biểu này nói, VietNamNet ghi lại, là “đất đai không thể sinh sôi nảy nở …” và “hạn chế lắm mới dùng diện tích đất lúa, đất canh tác để xây” sân golf.
Lập luận dựa trên ý tưởng “đất đai không sinh sôi nảy nở” đã từng được một quan chức Nhà Nước đưa ra trong các vụ tranh chấp đất đai giữa giáo xứ Thái Hà và chính quyền Hà Nội.
Ông Phó Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ, tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân từng nói với chúng tôi rằng “vụ Thái Hà” có bản chất “khiếu kiện liên quan đến đất đai,” và việc này, ở Việt Nam “không phải là không có.” Ông Phó Trưởng Ban cũng đưa ra dữ kiện với Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ khi Ủy Ban này đến Việt Nam, rằng trong một thế kỷ, dân số Việt Nam tăng gấp 5 lần, đất đai không tăng lên, mà trước đó thì “Công Giáo bao chiếm, sỡ hữu rất nhiều đất.”
“… Ở Việt Nam trong 1 thế kỷ 20 thôi, dân số đã tăng gấp 5 lần, mà đất đai thì không tăng. Trước khi đó, do hoàn cảnh, thì các tôn giáo, trong đó có Công Giáo bao chiếm và sở hữu rất nhiều đất. Tại Việt Nam trước đây đã có khái niệm “địa chủ Nhà Chung,” tức là Nhà Chung, hay Giáo Hội, đã trở thành địa chủ. Do đó, tất cả đất đai Nhà Nước đã sở hữu thì không trả lại cho các tôn giáo.
Nhà Nước giải quyết nhu cầu thờ tự, nhu cầu các cơ sở như dòng tu, trường, trụ sở, là căn bản theo nhu cầu. Không trả lại đất đai. Mà nếu có trả lại đất đai tôn giáo, thì hiện nay đất đai tôn giáo rất nhiều, nên không thể trả được.”
Nạn người nông dân không còn đất canh tác
Giới quan sát trong nước, cả giới báo chí, bắt đầu đặt câu hỏi liên quan đến vấn nạn người nông dân không còn đất canh tác. Tiền đền bù từ các dự án qui hoạch thì trả với giá rẻ; người nông dân bị đẩy bật ra khỏi ruộng vườn. Nhiều người phải lên thành phố, bươn chải, đối mặt với một xã hội, và cả cuộc sống mới, hoàn toàn xa lạ. Tệ nạn sinh ra từ đây, và mọi thảm cảnh đều đặt lên vai người nông dân.
Báo Sài Gòn Tiếp Thị viết rằng, năm ngoái, xã Sài Sơn tỉnh Hà Tây khởi công xây dựng một dự án “rộng tới 254 hecta gồm sân golf, khu vui chơi, giải trí, biệt thự, chung cư, trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao” “xa lạ” với người nông dân.
Không chỉ ở Sài Sơn, hầu hết 744 dự án cấp trước khi Hà Nội mở rộng đã không theo quy định là nếu thu hồi đất nông nghiệp của nông dân thì phải đền bù bằng đất phi nông nghiệp.Bài báo viết, giá đền bù rẻ mạt là “nguy cơ chính cho bất đồng leo thang.”
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
No comments:
Post a Comment