Ủng hộ các hội từ thiện hay các tổ chức đấu tranh dân chủ?
Nguyễn Ngọc Ẩn
08-06-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6387
Có lẽ đây là một đề tài sẽ mang nhiều tranh cãi giữa những người có trái tim rộng lượng, yêu tha nhân và những người yêu dân chủ và yêu quê hương và đồng bào. Xin cho phép tôi được nói lên cách suy nghĩ của tôi về vấn đề này.
Khi chúng ta cho một người đói khổ một chén cơm để ăn và sống qua ngày thì không ai có thể chối cãi là hành động giúp đỡ đó phát sinh từ tấm lòng thương người. Nhưng sau khi trao chén cơm hay tiền bạc rồi bước đi, hiếm khi chúng ta nghĩ đến lý do và hoàn cảnh nào đưa đẩy họ đến cảnh bần cùng.
Chính quyền và những nhà lãnh đạo một đất nước nghèo khổ phải chịu trách nhiệm trước sự bần cùng của người dân.
Không có một đất nước nào có thể trở thành phồn vinh bằng cách thành lập thật nhiều hội từ thiện và đi xin khắp thế giới. Lòng từ thiện của mọi người phải mỏi mòn khi chính quyền đất nước đó không có cố gắng cứu giúp người dân của họ mà ngược lại càng gây thêm khổ lụy cho dân.
Tại Việt Nam, phần lớn người cần được giúp đỡ lẽ ra đã không phải lâm vào cảnh không nhà, không đất canh tác và trở thành những kẻ sống nơi đầu đường xó chợ. Chính quyền đã cướp nhà, cướp ruộng vườn của người dân để xây sân golf và hiện nay lại bắt đầu đào xới cả vùng Tây nguyên lên để lấy bô-xít. Rồi đây những người dân Tây nguyên mất đất canh tác đó sẽ trở thành những người cần các hội thiện nguyện giúp đỡ. Những hình ảnh đau khổ của người dân Tây nguyên sẽ được quay phim, chụp hình đưa ra ngoại quốc để đánh động và lợi dụng lòng nhân từ, để xin tiền cứu giúp.
Cứ như thế thì nhà cầm quyền CSVN cứ lấy đất xây sân golf và cứ đào xới vùng đất màu mỡ Tây nguyên và biến nó thành đất chết. Sau đó vài triệu dân không có đất canh tác và nhà cầm quyền CSVN lại thành lập thêm nhiều hội thiện nguyện kêu gọi mọi người đóng góp. Từ ngày có nghị quyết 36 thì phong trào hội thiện nguyện nở rộ.
Khi bụng đói thì không còn biên giới và rào cản nào có thể ngăn chận dân chúng tự tìm con đường sống. Đã có những cuộc di dân vĩ đại vượt biên giới do nạn đói.
Khi con người đói khổ thì họ tìm đến và ủng hộ, mang ơn những tổ chức giúp họ. Nhà cầm quyền CSVN biết rõ điều này nên họ chỉ muốn nhận tiền và phẩm vật cứu trợ từ các tổ chức để đem phân phát cho dân sau khi ăn chận và luôn cấm cản các tổ chức từ thiện muốn đưa phẩm vật cứu trợ trực tiếp cho nạn nhân.
Chính sách không thay đổi của nhà cầm quyền độc tài CSVN là không cho phép bất cứ hội thiện nguyện nào được hoạt động nếu không qua sự kiểm soát của CS.
Năm 2004, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTH) đem vài chục tấn phẩm vật cứu trợ đưa tận tay đồng bào bão lụt vùng đồng bằng sông Cửu Long thì đã bị công an CSVN tịch thu toàn bộ số phẩm vật và bắt giam một số tu sĩ. Thượng tọa Thích Không Tánh đã phơi bày những sự việc này trên các đài phát thanh.
Trong buổi họp với Tiêu Dao Bảo Cự ở trường đại học Berkeley có một em sinh viên kể rằng đã theo hội thiện nguyện về Việt Nam khám bệnh và phát thuốc cho người nghèo trong năm 2008. Sau lần phát thuốc đầu tiên, công an đã đến hăm dọa người bác sĩ trưởng đoàn và kết quả là chuyến đi phát thuốc ngày hôm sau đã phải bãi bỏ. Đoàn thiện nguyện này có cả người ngoại quốc và người đang sinh sống ở Việt Nam.
Ngư dân, nông dân và người dân sắc tộc ở Tây nguyên sẽ trở thành những nạn nhân sống bằng sự giúp đỡ của hội thiện nguyện, và câu hỏi được đặt ra là ai đã biến thành những người ăn xin và con cái họ trở thành thất học, bán vé số, bán báo, ăn xin, ở đợ, làm điếm?
Đảng CSVN đang biến những người sắc tộc Tây nguyên thành kẻ thù của người Việt Nam và đẩy họ vào vòng tay người TQ khi cả vùng Tây nguyên chứa đầy người TQ.
Với sự thâm độc của TQ và mộng bá quyền thì TQ có lẽ sẽ không bỏ lỡ cơ hội để khơi dậy lòng thù hận của người sắc tộc và trang bị súng ống cho người sắc tộc để chống lại người kinh. Người sắc tộc đã hai lần tay không đứng dậy đòi trả đất đai canh tác lại cho họ thì họ sẽ không ngồi yên khi bị dồn đến đường cùng và có vũ khí cùng với sự chống lưng của TQ.
Đọc đến đây thì những người có trái tim nhân ái sẽ thắc mắc là nếu như vậy thì chẳng lẽ chúng ta cứ nhìn người nghèo chết đói hay sao? Không hẳn là như thế.
Trước khi cho một em bé bán vé số hay một chị gánh hàng rong, một bác xích lô đạp một ít tiền, chúng ta đừng quên hỏi những người được giúp đỡ một câu “nhà nước không có giúp đỡ gì cho bác, chị, em hay sao?”. Đó là làm từ thiện và dân vận, người được giúp sẽ hiểu là nhà nước CSVN cũng phải có trách nhiệm đối với dân.
Tôi đoán là những người có trái tim rộng lượng sẽ hỏi câu kế tiếp: giúp đỡ như thế thì đâu có tính cách quy mô. Tôi xin trả lời là hãy đóng góp cho các tổ chức đấu tranh đòi dân chủ ở VN thay vì đóng góp cho các hội thiện nguyện.
Sẽ không có một biên giới hay rào cản nào có thể ngăn chận người dân cùng khổ tìm đường đến với những tổ chức đấu tranh đòi dân chủ để được giúp đỡ, trong lúc các hội thiện nguyện không còn gì để cho họ.
Khi họ đến với các tổ chức đấu tranh dân chủ thì không ít thì nhiều họ sẽ tham gia và bảo vệ các tổ chức đó, họ sẽ được hấp thụ, giải thích mục đích tốt đẹp của dân chủ để chuẩn bị tinh thần cho cuộc tranh đấu chống lại độc tài toàn trị CSVN. Khi con người đã trải qua giai đoạn cùng khổ thì họ dám hy sinh để chống lại bạo lực.
Chúng ta không phải chỉ giúp những tổ chức, tập hợp dân chủ trong nước mà hãy đóng góp cho cả những tổ chức thực sự đấu tranh cho dân chủ ở hải ngoại.
Nếu CSVN ngăn chận không cho dân đến để nhận trợ giúp từ các tổ chức dân chủ thì dân sẽ có phản ứng chống lại nhà cầm quyền.
Đóng góp cho các hội thiện nguyện thì chắc chắn là không làm rụng một sợi lông chân của bọn chóp bu độc tài toàn trị CSVN mà ngược lại chỉ giúp cho bọn chúng càng ngày càng giàu, càng có nhiều tiền và rảnh tay khỏi phải lo dân nghèo nổi loạn.
Chúng ta vẫn tiếp tục giúp đỡ cho những hội thiện nguyện đưa được phẩm vật tận tay các nạn nhân. Người được giúp có thể sẽ trở thành những thành viên ủng hộ dân chủ.
Nếu các hội thiện nguyện đưa tiền qua tay nhà nước CSVN thì đừng cho dù chỉ một cắc.
Nếu dân chủ không làm cho người dân giàu hơn thì ít ra các hội thiện nguyện tư nhân được quyền trao tận tay người nghèo những phẩm vật qua các tổ chức tôn giáo chứ không phải qua bàn tay ăn chận của bọn tham nhũng CSVN.
Chế độ dân chủ thì không chắc sẽ một sớm một chiều làm dân giàu nước mạnh nhưng chắc chắn là sẽ xây một nền móng vững chắc để người dân chọn người tài giỏi ra lãnh đạo đất nước bằng lá phiếu. Và như thế người dân Việt sẽ tìm được ánh sáng ở cuối đường hầm.
© DCVOnline
No comments:
Post a Comment