Monday, June 8, 2009

TÌNH TRẠNG CÁC CÔNG NHÂN VN XUẤT KHẨU TẠI HOUSTON (TEXAS)

Tình trạng các công nhân Việt Nam tại Houston
Hiền Vy , thông tín viên RFA
2009-06-08
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/situation-of-vietnamese-labor-in-houston-06082009112211.html
Từ tháng Năm, năm 2008, có 34 công nhân lao động ViệtNam đã được đưa đến tiểu bang Texas của Hoa Kỳ để làm việc theo khế ước lao động 1 năm và sẽ gia hạn 2 lần, tổng cộng khoảng 3 năm, tùy theo hợp đồng của mỗi người.

Một sự lừa gạt rất tinh vi
Những công nhân lao động này đã phải trả số tiền khoảng 10 ngàn Mỹ kim mỗi người để được sang Mỹ làm việc. Nhưng sau gần 10 tháng làm việc thì họ bị công ty môi giới cho biết là vì hết việc, và không gia hạn được Visa, nên buộc những công nhân này phải bỏ tiền ra để mua vé máy bay trở về nước.
Cộng đồng người Việt quốc gia tại Houston đã dang tay để giúp đỡ các em. Mời nghe Hiền Vy tường trình về cuộc sống hiện tại của những công nhân này.
Khi được người môi giới báo tin là phải trở về nước, chỉ mới sau 10 tháng làm việc trong khi hợp đồng đã được ký kết là sẽ làm việc với thời gian dài hơn như thế, vài người trong 34 nhân công lao động ViệtNam đã trốn khỏi nơi đang ở, để ra ngoài tá túc với thân nhân.
Một số khác, trước những lời hăm doạ của người môi giới, đã phải khăn gói trở lại quê hương, còn lại 19 người thì đang được cộng đồng người Việt quốc gia tại Houston giúp đỡ.
Trong cuộc nói chuyện với biên tập viên Thanh Trúc của đài RFA, luật sư Hoàng Duy Hùng, chủ tịch Cộng đồng người Việt Houston đã cho biết:
“Là một luật sư, tôi coi tất cả các giấy tờ, chúng tôi thấy đây là một việc vi phạm về hợp đồng và cũng có thể đây là một hình thức bóc lột người một cách rất là tinh vi. Cho nên chúng tôi nhúng tay giúp đỡ các em. "

Các lớp học miễn phí của cộng đồng
Nói về cuộc sống hiện tại của các anh em công nhân ViệtNam, ông Hiệp, một người làm việc thiện nguyện cho cộng đồng đã cho biết là tại trung tâm sinh hoạt của Cộng Đồng, có những lớp Anh ngữ và Computer của Hội Cao Niên tổ chức và các công nhân lao động ViệtNam đang được tham dự những lớp học này:
“Hội cao niên có tổ chức những lớp Anh văn vào ngày thứ Hai và thứ Tư, cũng như lớp computer vào ngày thứ Ba và thứ Năm.
Sau đó có sự việc là các em lao động ViệtNam được qua đây đã bị bóc lột và cưỡng bức về lao động cũng như là khế ước không đúng như điều kiện đã qui định ban đầu cho nên Cộng đồng ViệtNam tại Houston đã mở rộng vòng tay giúp đỡ các em, lo cho vấn đề ăn ở trong thời gian vừa qua.
Và từ hơn một tháng nay thì các em được chúng tôi tổ chức đưa đón hằng ngày để tham dự các lớp Anh văn và các lớp computer”
Ông Tuấn, người phụ trách lớp Anh ngữ cho biết vì muốn giúp đỡ mọi người nên ông đã tình nguyện dạy cho họ, và theo ông thì những thanh niên ViệtNam công nhân này là những người có trình độ văn hoá cao:
“Tôi chỉ muốn giúp người thôi, các em đến đây tôi rất cảm động.Các em có ý chí tiến thân. Nếu các em ở đây lâu thì các em phải cần một vốn liếng tiếng Anh cho vững để các em ra ngoài dễ kiếm việc làm. Các em rất dễ thương, có thiện chí.
Nếu các em được phép ở lại đây thì các em sẽ được tiến thân rất nhiều. Các em có trình độ khá cao. Theo tôi nhận xét thì em nào cũng đã học xong lớp 12 và có căn bản.
Tuy là làm thợ nhưng các em có căn bản, có kiến thức, căn bản về văn hóa. Có mấy em hỏi những câu mà tôi không ngờ, nhưng rất tiếc là hệ thống giáo dục ViệtNam không hướng dẫn các em đúng để hiểu biết bên ngoài.”
Các anh em công nhân gọi ông Tuấn là thầy giáo của họ, và họ cho biết họ rất thích thầy giáo vì ông đã dạy cho họ tiếng Anh
“Em rất thích thầy, mỗi thứ Hai và thứ tư, thầy dạy em nói tiếng Anh”
Khi được hỏi là sẽ cần thời gian bao lâu để thông thạo tiếng Anh, có người cho rằng có lẽ một vài tháng, người khác thì bảo tùy vào thời gian học:
“Em biết nói ít lắm, hẹn tháng sau sẽ trả lời bằng tiếng Anh”
Trong một buổi học tiếng Anh, những anh em này đã được thực tập nói chuyện bằng Anh ngữ. Khi được yêu cầu nói một câu tiếng Anh với Hiền Vy, các anh em đã nói:
“no money no honey – không tiền thì hết tình”
Một anh tên là Thắng nói Anh văn vững hơn thì bảo rằng anh muốn cầu nguyện cho mọi người trên thế giới được bình an và hạnh phúc:

Những ước mơ khiêm nhường
Về tương lai của chính họ, các anh em cho biết là không thể biết được cuộc đời họ sẽ ra sao vì chính luật sư của họ cũng không thể đoán được. Và hầu như tất cả những công nhân ViệtNam này đều cho biết là nếu được ở lại Mỹ thì họ sẽ xin đi học thêm Anh ngữ và computer
“Không thể nói trước được điều gì cả, ý kiến của luật sư cũng như thế. Chúng ta chưa thể nói trước được. Tất nhiên là tất cả mọi người đều phải cố gắng hướng tới mọi điều tốt đẹp hơn.”
“Nếu được ở đây thì em sẽ đi học Anh văn và computer”
Còn nếu bị trả về nước thì với vốn liếng Anh ngữ học được, có người hy vọng sẽ có việc làm với 1 công ty nước ngoài:
Công nhân tên Thắng còn cho biết nếu được ở lại Mỹ thì anh sẽ xin đi học lại để có một mảnh bằng hậu thân:
“Ước mơ của em là muốn học dưới một mái trường của Mỹ, một cái khóa học nào đó để có thêm kiến thức, có thêm sự chính xác cách dùng tiếng Anh Mỹ thì sau đó em toại nguyện. Một mảnh bằng nhỏ thôi cũng được”
Được hỏi về ước vọng cho tương lai là gì, Thắng cho biết là muốn giúp đỡ gia đình có một cuộc sống khá hơn
“Em có ước vọng gần và ước vọng xa. Ước vọng gần là nâng cao đời sống cho mẹ em và gia đình, những người đang có đời sống quá thấp. Mong cho các trẻ em trong gia đình được có phương tiện học hành tốt hơn hiện tại, Em mong có điều kiện để hỗ trợ họ. Và sau nữa là nếu được ở Mỹ thì em sẽ tận dụng cơ hội để trau dồi tay nghề, vừa về tiếng Anh, vừa về computer”
Khi được hỏi cộng đồng người Việt đối xử với họ ra sao, anh Thắng cho biết đã được đối xử rất tử tế
“Cộng đồng người Việt Houston nói riêng và người Việt xa xứ nói chung đã giang rộng cánh tay để cứu giúp chúng cháu trong lúc như thế này, thì có thể nói là khai sinh ra chúng cháu thêm một lần nữa. Tức là giữa cái lúc tiến thoái lưỡng nan, bọn chúng cháu không biết phải xử lý tình huống này như thế nào thì cộng đồng người Việt giang tay giúp đỡ như thế này thì được coi như là khai sinh ra chúng cháu một lần nữa rồi”

Hiền Vy tường trình từ Houston
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.

No comments: