Friday, June 12, 2009

RFI PHỎNG VẤN LS CÙ HUY HÀ VŨ về vụ KIỆN TT NGUYỄN TẤN DŨNG

Luật sư Cù Huy Hà Vũ kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vụ bauxite Tây Nguyên
Thanh Phương
Bài đăng ngày 11/06/2009 Cập nhật lần cuối ngày 11/06/2009 14:46 TU
Luật sư Cù Huy Hà Vũ (Hà Nội) hôm nay vừa nộp đơn khởi kiện ông Nguyễn Tấn Dũng vì theo ông, thủ tướng Việt Nam đã ra một quyết định ''trái pháp luật'' khi vẫn cho thực hiện các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, bất chấp những lời phản đối của dư luận. Sau khi nộp đơn kiện, luật sư Cù Huy Hà Vũ đã dành cho RFI bài phỏng vấn sau đây.

http://www.rfi.fr/actuvi/articles/114/article_3813.asp

Thưa luật sư, xin luật sư cho biết là vì sao ông đã quyết định kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra tòa chứ không phải là kiện một vị lãnh đạo nào khác trong cái quyết định vẫn tiến hành khai thác các dự án bauxite ở Tây Nguyên?
Thời gian vừa qua tôi cũng nghĩ rằng cái dự án bauxite này như công luận Việt Nam đã phản ánh gây hại nhiều hơn là có lợi. Lúc đầu tôi nghĩ rằng với sự phản đối của công luận, của các vị lãnh đạo cách mạng lão thành như là Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì chắc Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu sẽ phải nghĩ lại, phải cân nhắc thật là cẩn trọng, hay nói cách khác, là dừng cái việc triển khai khai thác bauxite hiện nay đang được tiến hành ở Tây Nguyên. Những chứng cứ ở Quốc hội vừa qua cho thấy Bộ Chính trị vẫn tiếp tục tiến hành. Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam vẫn chủ trương tiến hành. Thậm chí Quốc hội là nơi để có thể bàn thảo về dự án này thì ông chủ nhiệm VP Quốc hội là ông Trần Đình Đàn cũng tuyên bố trước cả Quốc hội là sẽ thông qua. Vì vậy tôi cũng cực chẳng đã phải dùng đến biện pháp tư pháp, tức là khởi kiện ra tòa án, người đã có quyết định hành chính sai lầm dẫn tới triển khai việc khai thác bauxite Tây Nguyên. Đó chính là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, là người đã ban hành quyết định số 167/2007/QĐTTG ngày 01/11/2007 phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác chế biến sử dụng sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007 – 2015 có xét đến năm 2025.
Thế thì tại sao tôi lại khởi kiên Thủ tướng bởi vì cái quyết định mà tôi vừa nói đó, là cơ sở để người ta triển khai thác bauxite như hiện nay ở vùng Tây Nguyên. Đấy là cơ sở pháp lý và ở pháp luật Việt Nam, cho phép mọi công dân có quyền khởi kiện hành chính để mà kiện người nào đó đã ra những văn bản hành chính trái pháp luật, phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, trong đó có cá nhân tôi!

Thưa luật sư, vậy thì theo cái luật pháp hiện hành của VN, thì quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn cho khai thác bauxite có trái với những văn bản pháp luật nào?
Thứ nhất, quyết định phê duyệt đó của Thủ tướng là trái với Luật bảo vệ môi trường. Cụ thể ở điều 14, mục 1 (đánh giá môi trường chiến lược), chương 3 Quy định đối tượng để lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược bao gồm:
+ Chiến lược quy hoạch nêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp quốc gia
+ Chiến lược quy hoạch kế hoạch phát triển ngành lĩnh vực trên quy mô cả nước
+ Chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh thành phố trực thuộc TƯ, hay là vùng.
Và điều 15, mục 1 (đánh giá môi trường chiến lược), chương 3 vẫn của Luật bảo vệ môi trường quy định: cơ quan được giao nhiệm vụ lập dự án (quy định tại điều 14 của quy định tôi vừa nói) có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là một nội dung của dự án, và phải được lập đồng thời với quá trình lập dự án.
Khoản 6 điều 17, mục 1 (đánh giá môi trường chiến lược), chương 3 vẫn của Luật bảo vệ môi trường quy định rõ hơn: Kết quả thẩm định, báo cáo môi trường chiến lược là một trong những căn cứ để xây dựng dự án.
Rồi điểm A khoản 7 điều 17, mục 1(đánh giá môi trường chiến lược), chương 3 vẫn của Luật bảo vệ môi trường quy định tiếp: Bộ Tài nguyên môi trường tổ chức hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với các dự án do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Và điều này đồng nghĩa với việc, Thủ tướng Chính phủ không thể phê duyệt quy hoạch này nếu quy hoạch không có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được thẩm định bởi hội đồng thẩm định do Bộ Tài nguyên môi trường tổ chức.
Thế nhưng quy hoạch này lại chưa có một báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Đây là tôi dẫn nguyên văn sự thừa nhận công khai của Chính phủ tại báo cáo gửi Quốc hội vừa qua để giải trình việc triển khai dự án bauxite. Do đó tôi kết luận: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò khai thác chế biến sử dụng quặng bauxite rõ ràng là TRÁI Luật bảo vệ môi trường.
Thứ hai là quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là trái Luật quốc phòng, trái cả Luật di sản văn hóa.
Tôi nói cụ thể là khoản 2, điều 11 Luật quốc phòng quy định là quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng tỉnh thành phố trực thuộc TƯ và khu vực trọng điểm về quốc phòng phải được Bộ quốc phòng và các cơ quan thẩm quyền của Chính phủ phối hợp thẩm định. Vì vậy, Luật quốc phòng là một căn cứ để Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định.
Thế rồi khoản 1 điều 4, Luật di sản văn hóa quy định: lối sống, nếp sống thuộc di sản văn hóa phi vật thể, được nhà nước bảo vệ và phát huy. Cho nên việc khai thác chế biến sử dụng quặng bauxite được triển khai trên diện rộng ở Tây Nguyên, chắc chắn dẫn đến việc di rời đáng kể đồng bào dân tộc khỏi nơi sinh sống truyền thống của họ, tức là ở vùng rừng núi. Và điều này dẫn tới lối sống, nếp sống của đồng bào rất có thể bị thay đổi. Quy hoạch phân vùng thăm dò khai thác chế biến sử dụng quặng bauxite nhất thiết phải có sự thẩm định của ngành văn hóa nhằm đảm bảo di sản văn hóa phi vật thể. Vì vậy để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể - ở trong trường hợp này là lối sống, nếp sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên – Luật di sản văn hóa phải là một căn cứ để Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt dự án.
Thế nhưng điều vô cùng kỳ cục và thực sự tôi thấy sốc: khi lập quyết định này, xem lại quyết định thì Thủ tướng có ghi là “căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25/12/2001” và chỉ có thế thôi! Không có căn cứ vào luật nào khác. Và điều này có nghĩa là quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng được ban hành hoàn toàn không có căn cứ Luật quốc phòng, Luật di sản văn hóa mà tôi vừa mới nhắc tới. Văn bản luật cuối cùng mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm trái đó là Luật ban hành văn hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thực vậy, điều 15 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (quy định thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản pháp luật) của Thủ tướng Chính phủ, điều này quy định: Căn cứ vào hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh của Chủ tịch nước, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, chỉ thị.
Như vậy ta thấy rõ là để ban hành quyết định, Thủ tướng Chính phủ nhất thiết phải căn cứ vào Luật khoáng sản và Luật bảo vệ môi trường là hai luật hiển nhiên điều chỉnh trực tiếp việc thăm dò khai thác chế biến sử dụng khoáng sản mà trong trường hợp này là bauxite; cũng như quyết định phải căn cứ vào Luật quốc phòng rồi Luật di sản văn hóa là những luật điều chỉnh gián tiếp quy hoạch như tôi vừa trình bày ở trên.
Do đó, việc Thủ tướng ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch thăm dò khai thác chế biến sử dụng khoáng sản ở Tây Nguyên mà không căn cứ vào các luật này cũng như không căn cứ vào các nghị định, hướng dẫn thi hành các luật này, rõ ràng là TRÁI luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thưa luật sư, đó là những văn bản luật mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không căn cứ vào đó để mà ra quyết định liên quan đên việc khai thác bauxite Tây Nguyên. Nhưng mà bây giờ việc khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra tòa với trình tự căn cứ vào cơ sở pháp lý nào để có thể bản thân ông đứng ra kiện Thủ tướng Chính phủ như vậy?
Như chúng ta đều biết, nguyên tắc của pháp luật là chủ thể của mọi hành vi (ban hành văn bản hành chính, lời nói, hành động của những người có thẩm quyền) trái với pháp luật nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì đều là đối tượng khởi kiện cả. Ngoài nguyên tắc chung đó, tôi còn lần ra những quy định rất cụ thể về luật liên quan dẫn tới việc công dẫn có thể khởi kiện những quyết định, văn bản hành chính đi ngược lại những luật mà tôi vừa kể trên.
Thứ nhất, ngoài nguyên tắc trên tôi căn cứ vào khoản 2 điều 4 Luật bảo vệ môi trường: Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Vậy việc tôi khởi kiện để tòa án hủy bỏ quyết định sai trái của Thủ tướng đó là trách nhiệm thực thi quyền bảo vệ môi trường của mỗi công dân.
Căn cứ thứ hai là khoản 1 điều 128 Luật bảo vệ môi trường, đó là: Tổ chức cá nhân có quyền khiếu nại tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại tòa án về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Khoản 3 điều 12 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ: Mặt trận tổ quốc Việt Nam, cá tổ chức thành viên, cơ quan tổ chức khác và công dân có quyền giám sát văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lí văn bản quy phạm pháp luật sai trái.
Vậy tôi coi việc tôi khởi kiện ra tòa, khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra toà để hủy bỏ quyết định Thủ tướng đã phê duyệt là thực thi quyền công dân của tôi, quyền giám sát và xử lí văn bản quy phạm pháp luật sai trái trên thực tế. Đây là cơ sở pháp luật để tôi quyết định khởi kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ra Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội do việc Thủ tướng đã ban hành trái pháp luật quyết định 167/2007QĐTTG phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò khai thác chế biến sử dụng bauxite giai đoạn 2007 – 2015 có xét đến năm 2025.
Hay nói cách khác, tôi khởi kiện để mong chấm dứt hành vi gây tổn hại đến lợi ích quốc gia và tổn hại này không phải chỉ là hiện tại trước mắt mà sẽ có thể là tổn hại chưa chắc có thể chuộc lại được và cũng là một cách tôi thể hiện lòng biết ơn của tôi đối với cả các thế hệ từ ngàn năm nay phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam và bảo vệ đất nước Việt Nam chống lại mội sự xâm lấn của nước ngoài và bảo vệ tài nguyên, bờ cõi cho người Việt.

Chúng tôi xin cảm ơn Luật sư đã nói về việc khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra tòa về vấn đề khai thác bauxite tại Tây Nguyên.

Vụ bauxite: “Nếu kiện, phải kiện Chính phủ”
Thiện Giao, phóng viên RFA
2009-06-12
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnamese-PM-sued-over-bauxite-projects-TGiao-06122009105904.html
Vụ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên quan đến các quyết định về bauxite được giới quan sát cho là “không khả thi” nhưng không nhất thiết mang hình ảnh “con kiến đi kiện củ khoai.”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trog chuyến thăm Nam Hàn hồi cuối tháng 5-2009. Hôm 11-6-2009, Luật sư Cù Huy Hà Vũ đã nộp đơn kiện ông Dũng liên quan đến quyết định triển khai dự án bauxite Tây Nguyên. AFP PHOTO
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnamese-PM-sued-over-bauxite-projects-TGiao-06122009105904.html/NguyenTanDung-SKorea-305.jpg

Kiện Thủ tướng
Ngày 11 tháng Sáu vừa qua, một công dân, là tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, đã gởi “Đơn Khởi Kiện Thủ Tướng Chính Phủ Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” đến Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hà Nội.
Đơn khởi kiện của ông Cù Huy Hà Vũ kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu lý do là ông Dũng “ban hành trái pháp luật Quyết Định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 1 tháng 11 năm 2007 phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007 – 2015, có xét đến năm 2025.”
Đơn kiện của ông Cù Huy Hà Vũ, với bị đơn là Thủ Tướng Chính Phủ, được một luật sư nổi tiếng tại Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Tỵ, nói là “từ xưa đến nay chưa có.”

Đơn kiện này, theo nhận định của Tiến Sĩ Nguyễn Vân Nam, chuyên viên Luật Tổ Chức Nhà Nước và Công Pháp Quốc Tế, là “chắc chắn không thể được thụ lý.”

Đơn kiện của Luật sư Cù Huy Hà Vũ. RFA photo
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnamese-PM-sued-over-bauxite-projects-TGiao-06122009105904.html/CuHuyHaVu-NguyenTanDung-01-200.jpg


Cả 2 ông Nguyễn Trọng Tỵ và Nguyễn Vân Nam đều nhắc đến yếu tố then chốt: Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đang là một công chức “đứng đầu cơ quan hành pháp, được sự ủy quyền của Nhà Nước để thực hiện quyền hành pháp.”

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ cho rằng, cần phân biệt đâu là quyết định của một cơ quan, và đâu là quyết định mang tính cá nhân:
“Phải xem đến nội dung của quyết định ấy [167/2007/QĐ-TTg]. Quyết định ấy, nếu là người đứng đầu 1 cơ quan hành chính, thay mặt cơ quan hành chính để ban hành, thì đấy là của 1 cơ quan. Còn nếu quyết định ấy không có tập thể, không có cơ quan quan hệ đến, thì đó là quyết định cá nhân. Trong trường hợp thì tôi chưa thấy có một điều gì để ông Vũ kiện.”

Cơ sở pháp lý?

Luật sư Nguyễn Vân Nam thì cho rằng một công dân không thể kiện Thủ Tướng, vì Thủ Tướng “chỉ là người thay mặt Chính Phủ.” Nếu kiện, thì bị đơn cần phải là Nhà Nước, hay Chính Phủ mà ông Thủ Tướng ấy là người đại diện.

Vẫn theo luật sư Nam, đơn kiện mà ông Cù Huy Hà Vũ đang đệ nạp là “không thể được,” trừ khi ông Nguyễn Tấn Dũng ‘bị kiện cá nhân với những tội danh khác.’
“Ông Dũng trong tư cách một cá nhân, thực hiện nhiệm vụ một công chức, chỉ có thể bị kiện với tư cách cá nhân khi, hoặc là lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, hoặc là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong trường hợp này thì phải áp dụng luật hình sự. Và muốn kiện theo luật hình sự thì phải gởi đơn yêu cầu Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao điều tra và ra quyết định khởi tố. Một đơn khởi kiện như ông Vũ đang làm là không thể được.”

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ nhận định, rằng đây là một vụ kiện hành chính, và vì vậy yếu tố “gây hại” do một quyết định gây ra sẽ là yếu tố quan trọng về quyền kiện của công dân:
“Kiện hành chính là kiện đối với quyết định hoặc hành vi hành chính của một công chức, viên chức, bất kể đó là ai. Nhưng việc ấy, hành vi ấy, hay quyết định ấy phải là gây hại cho người ấy thì người ấy mới có quyền kiện.”

Đơn kiện của ông Cù Huy Hà Vũ nói rằng ban hành của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng “trái pháp luật.” Cụ thể là trái với Luật Bảo Vệ Môi Trường, trái với Luật Quốc Phòng, Luật Di Sản Văn Hóa, và trái với Luật Ban Hành Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật.
Ông Cù Huy Hà Vũ “đề nghị Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hà Nội thụ lý Đơn Khởi Kiện,” “đưa vụ án ra xét xử để hủy bỏ Quyết Định” ban hành ngày 1 tháng 11 năm 2007. Một số yêu cầu khác cũng được đưa ra trong Đơn Khởi Kiện.
Theo nhận định của Luật Sư Nguyễn Vân Nam, thì khả năng khả thi nhất là hình thức 1 đơn “khiếu nại,” được “gởi đến Quốc Hội, Chính Phủ hoặc một cơ quan có thẩm quyền, yêu cầu kiểm tra trong quá trình thực thi công vụ, Thủ Tướng Chính Phủ có vi phạm Luật, Qui Định trong quản lý Nhà Nước hay các qui định trong hoạt động của Chính Phủ hay không.”

Luật sư Nguyễn Vân Nam cho rằng đơn kiện của ông Cù Huy Hà Vũ là “khởi kiện về mặt hành chính,” trong khi “luật Việt Nam không giống luật hành chính của các nước khác.”
Tại các quốc gia khác, “mọi hoạt động hành chính, quản lý của Nhà Nước, đều bị giám sát bởi một Tòa Án Hành Chính. Tại Việt Nam, Luật quy định chỉ một số rất ít hành vi quản lý nhà nước bị đặt dưới sự kiểm soát của Tòa này.” Và trường hợp cụ thể này, luật sư Nam nói rằng “không nằm trong phạm vi xác định đó.”
Hình thức “đơn khiếu nại” là khả dĩ hơn, tuy nhiên, theo một số luật sư, “tác dụng giống như ông Vũ trông đợi là không thể có.”

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.

No comments: