Friday, June 12, 2009

NỖI NHỤC CỦA NGƯỜI VIẸT TẠI CỘNG HOÀ CZECH

20 năm trước rồi bây giờ, vẫn nỗi nhục ấy
Vinh Quang (Viet Agent)
Thứ ba, 09 -6- 2009 11:30
http://vietagent.cz/index.php?option=com_content&view=article&id=125:20-nam-truoc-va-bay-gio&catid=7:quandiem&Itemid=19
Hơn hai mươi năm trước, tôi „may mắn“ được đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại CHXHCN Tiệp khắc, nay là CH Séc. Cách mạng nhung nổ ra, hệ thống chính trị thay đổi những quan hệ hữu nghị, anh em vô sản... không tồn tại nữa, những hiệp ước giữa 2 nhà nước XHCN anh em chẳng còn giá trị.

Nỗi nhục tái diễn

Lao động bị trả về nước trong trật tự với 5 tháng lương đền bù cho việc hủy hợp đồng trước thời hạn cùng chiếc vé máy bay. Những người không thích về thì tự chọn con đường ở lại dù chưa biết ngày mai ra sao. Tâm trạng của người ở và về đều giống nhau: Bị đuổi - nhục. Tâm trạng này chúng tôi cam chịu vì nghĩ rằng sẽ không bao giờ cảnh nhục này tái diễn và vì thế „phấn khởi“ thực hiện càng nhanh - đỡ nhục.
Hai mươi năm sau, khi mà lực lượng lao động VN và số lượng người VN lưu trú riêng tại CH Séc còn cao hơn CHXHCN Tiệp khắc trong những năm 80 ở thế kỉ trước. Cộng đồng bé nhỏ này thi nhau mở hội, nào là hội doanh nghiệp, nào là các hội đồng hương, hội phụ nữ, hội sinh viên, hội Phật giáo, hội những nhà môi giới lao động... nhiều hội lắm, nhớ không hết.
Năm 2008, thủ tướng CH Séc Topolánek sang thăm CHXHCN Việt nam và kí kết nhiều hiệp ước hữu nghị tốt đẹp – ý tưởng đưa nụ cười Việt nam vào quốc hội Séc cũng được vị thủ tướng viết về cảm tưởng chuyến viếng thăm Việt nam. Bên cạnh đó nhiều hợp đồng kinh tế lớn khoảng gần 2 tỉ USD cũng đã được kí kết, thiết tưởng quan hệ tốt đẹp sẽ đem lại vị thế mới cho người VN tại CH Séc, báo chí Việt Nam viết về cuộc mưu sinh của cộng đồng người VN tại Séc đang... lên ngôi (chắc là vương quốc của kiến.)


Khủng hoảng kèm bê bối

Nửa năm sau, khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra và đến nay tuy chưa lên đến cao trào nhưng làn sóng phân biệt người Việt nam còn cao hơn khủng hoảng, giới truyền thông đôi khi nói trắng phớ ra là có sự chỉ đạo ngầm của chính phủ CH Séc. Các cơ quan thi nhau kể tội người VN bất lương, những chuyện chẳng có gì là mới, chẳng có gì là lạ với cộng đồng tai tiếng này: trên chợ thì hàng gian, hàng giả, thuốc lá lậu, rượu lậu... trong thủ tục hành chính thì giấy tờ giả, hộ chiếu giả, vợ giả, con giả... đến khi chợ búa kém cỏi một số chuyển sang trồng cần sa, buôn và bán thuốc phiện, ăn cắp trong siêu thị, mại dâm... những tội phạm này phát triển nhanh hơn nấm sau mưa. Một số chạy sang các nước trong khối EU sống bất hợp pháp, phần còn lại chạy vào các nhà máy thì tại đây xuất hiện những hình thức tiêu cực mới, lừa đảo mới – cò môi giới lao động, ăn chặn tiền lương của người lao động, bóc lột sức người lao động trước khi người lao động kiếm ra được đồng tiền chính đáng bằng lao động của mình. Tất cả những gì có bàn tay của người VN nhúng vào thì ở đó có bê bối.

Đằng sau khủng hoảng

Tôi đã từng đọc những hợp đồng của các công ty môi giới lao động ở VN cho phép trích 1 tháng lương thô/năm của người lao động cho các đại lí ấy, như vậy với 1 hợp đồng lao động 3 năm thì công ty môi giới lao động ở VN đã bỏ túi 3 tháng lương thô (khoảng 3000 USD) của người công nhân. Số tiền này họ phải nai lưng ra làm trong nhiều tháng đến cả năm, phải chịu đói, chịu rét, chịu nhục mới chắt chiu dành dụm chỉ để trả nợ cho các đại lí bất lương ấy. Sự bỉ ổi ấy được bảo lãnh bằng luật lao động của nước CHXHCNVN. Trong những năm tháng làm thuê tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh có lẽ cũng không khổ thế bao giờ.
Nhìn lại toàn bộ sự kiện như cách nhìn của nhà khoa học và lô gích như một nhà chính trị chúng ta tự hỏi: khủng hoảng kinh tế thật sự mang tới cho cộng đồng người VN tại CH Séc khủng hoảng trong quan hệ với người Séc? Vấn đề đằng sau của cuộc khủng hoảng này là gì?
Trong khi hàng trăm, hàng nghìn người khác đang lưu trú bất hợp pháp tại CH Séc, liệu có cần thiết để một vị thủ tướng của quốc gia đang giữ chức chủ tịch EU lại đứng ra họp báo khẳng định một 1 công nhân VN Lê Kim Thanh làm chui và phải bị trục xuất về nước trước thời hạn?
Liệu hơn 60 000 người VN đang lưu trú tại đây đang là cái đích tiếp theo của cuộc khủng hoảng? Tại sao chính phủ Séc không cố gắng giảm người nước ngoài như Ukrajna, Slovakia, đây là 2 cộng đồng đứng đầu về số lượng kiều bào và tỉ lệ tội phạm cũng rất cao? (theo thống kê của CS CH Séc)
Tại sao chính phủ VN, một chính phủ không hổ thẹn lấy việc xuất khẩu lao động làm mục tiêu mưu sinh của mình, một đối tác 2 tỉ USD với chính phủ CH Séc lại im hơi lặng tiếng theo kiểu đem con bỏ chợ?
Chính phủ VN bằng việc kí kết những hiệp ước kinh tế hấp tấp, vội vã sau đó không thực hiện là một trong những nguyên nhân để chính phủ CH Séc phân biệt với người VN mặc dù các tế nhị ngoại giao không bên nào công khai nói đến?

Ai sẽ cứu họ?


Mọi hoạt động nhằm cứu vãn người VN được khoán cho các hoạt động cộng đồng và các tổ chức nhân đạo. Đâu rồi những chuyến bay hồi hương của chính phủ VN, những đồng tiền hỗ trợ, cứu trợ người lao động thất nghiệp? Cuộc khủng hoảng toàn diện này kéo dài đến khi nào? Cách nhìn nhận và giải quyết của các bên ra sao?
Chiến thuật cố đấm ăn xôi ở lại Séc bằng mọi giá có làm đẹp hình ảnh và thương hiệu VN trên toàn cầu? Các hội đoàn của người VN tại CH Séc với tính không chuyên nghiệp của mình và các hoạt động chỉ mang tính tượng trưng liệu có hiệu quả? Một vài hoạt động có vẻ rầm rộ theo kiểu xuân thu nhị kì rồi đóng của tự khen nhau: ôi hay quá, giỏi quá. Con hát mẹ khen hay mà.
Tham dự một vài buổi tọa đàm như giữa những người câm và điếc bởi một bên là sự chuẩn bị chu đáo cấp nhà nước của Séc và một bên là những công chức ăn lương cùng những thương nhân mà không lâu phất lên nhờ buôn lậu, chẳng có một kết quả nào dù chỉ là tính tượng trưng, cũng may mà chính phủ Séc đang bận với một loạt các khó khăn của mình cũng như của cuộc bầu cử vào EU, họ đã một lần nữa chìa bàn tay nhân đạo với 500 € và 1 vé máy bay.
Tất cả những thực tiễn này cho dù khách quan hay chủ quan thì phía VN của chúng ta vẫn là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng. Với cách hành xử của nhà nước VN, với cách hành xử của cộng đồng và các cuộc vận động chỉ mang tính đối phó theo kiểu “mất trâu mới đi làm chuồng” thì chúng ta có thể chờ đến năm 2029, vẫn nỗi nhục của 40 năm trước, chiếc vé hồi hương là chiếc bè gỗ mà người Séc nhân đạo cấp cho chúng ta, ném chúng ta xuống biển, nước biển sẽ mang chúng ta về quê hương VN yêu dấu, nơi chúng ta xuất phát.
Vinh Quang

Xem thêm ý kiến thảo luận tại trang chính
http://vietagent.cz/index.php?option=com_content&view=article&id=125:20-nam-truoc-va-bay-gio&catid=7:quandiem&Itemid=19





No comments: