Tuesday, June 2, 2009

BAUXITE : ĐẤU TRANH ĐƯỢC GÌ ?

BAUXITE, ĐẤU TRANH, ĐƯỢC GÌ?
ĐOÀN DỰ
http://daohieu.com/website/?pg=gl&id=711
Thiết nghĩ, giữa lúc mọi người đang hy vọng vào kết quả của cuộc đấu tranh này. Mọi người có lương tri đang hừng hực khí thế đấu tranh, đặt vấn đề này ra, có vẻ như mình là kẻ phản bội. Nhưng chúng ta đã tự hỏi ta đạt được gì từ cuộc đấu tranh đó chưa? Xin thưa rằng việc khai thác Bauxite là không thể dừng lại, việc các nhà khoa học, các nhà văn hóa chỉ ra tác hại của nó chỉ như muối xát vào vết thương đau xót của những người yêu nước, làm nó thêm nhức nhối mà thôi. Và lại một lần nữa chúng ta bất lực, một lần nữa những kẻ có lương tri nuốt hận vào lòng, một lần nữa những kẻ vô lương tâm hả hê. Chúng đã hả hê ngay từ khi quốc hội chưa họp. Mà chúng ta trông gì vào cái quốc hội bù nhìn ấy. Cứ cho là có mấy người không phải bù nhìn đi, thì kết quả biểu quyết cũng là 99% đồng ý khai thác Bauxite. Thế đấu tranh chống khai thác Bauxite chúng ta đạt được điều gì?


Xin thưa chúng ta được mấy điều sau:
-Kinh nghiệm, các bài học qua một thất bại
-Thức tỉnh được những người còn có lương tri, khiến họ không muốn làm “thằng hèn” nữa


Nhân việc JB Nguyễn Hữu Vinh nhắc lại vụ cá độ của SEAGAME 23 tôi nhớ lại. Hồi đó người ta vu cho Văn Quyến tội phản quốc, các báo chí đua nhau chửi anh mà quên mất những bàn thắng để đời của anh.Quên mất rằng cầu thủ SL Nghệ An cá độ là do sự thối nát từ sở thể thao, từ ban lãnh đạo đội bóng. Thế bây giờ trang web của bộ công thương gọi Hoàng sa là Tây Sa, đăng các thông tin theo ý Trung Quốc sao không ai nói đến từ “Phản Quốc” mà chỉ nói là sai lầm trong quản lý. Sao ngày trước không nói Văn Quyến sai lầm trong chiến thuật? Hay là những kẻ vô danh tiểu tốt phạm tội thì phải xử nặng nhất còn những kẻ có chức tước phạm tội thì được bao che, nương nhẹ? Tôi nghĩ trong bản kiến nghị số 3 đề nghị Bộ trưởng Công Thương ra điều trần trước Quốc hội, ông ấy xuất hiện, xin lỗi vì những sai lầm trong quản lý là xong.Vâng, mọi việc xảy ra chỉ là các sơ suất trong quản lý mà thôi. Nhưng thử hỏi chính quyền kiểm soát chặt chẽ thế, sao có thể lọt được những bài họ không muốn cho đăng chứ? Những người gửi bài đăng ở Daohieu.com thử hỏi có ai dám chường tên thật và địa chỉ ra, có ai dám dùng email đăng ký tên mình để gửi bài không? Chỉ có những người đang sống ở nước ngoài mới dám. Người ta sợ bởi cuộc sống đang bị bóp ngẹt trong bàn tay kiểm duyệt của An ninh văn hóa. Ngay tác giả bài này cũng nhận được một lời khuyên từ anh bạn làm tin học: Hãy thường xuyên thay đổi địa chỉ email, gửi bài khi đang uống Café-wifi như vậy không lộ tên và địa chỉ IP của mình. Ông Dao Hieu ông ấy là anh hùng, với lại ông ấy quá nổi tiếng để có nhiều người lên tiếng ủng hộ ông ấy. Còn mình thì phải lo giữ an toàn. Vâng, mọi người không muốn làm “thằng hèn” nữa.Nhưng lo cho mình an toàn là cái mà ai cũng có nhu cầu. Chúng tôi không sợ hy sinh khi đấu tranh, nhưng nhiều người nghĩ: Để cho công an văn hóa khống chế mình, mình không viết bài được nữa, cuộc sống bị ảnh hưởng là sự hy sinh vô ích.

Đến khi nào chúng ta tập hợp được lực lượng đủ mạnh, để những người phản đối dám chường tên thật , địa chỉ của mình ra. Để những kẻ cùng chí hướng liên lạc với nhau, cùng nhau đấu tranh đây? Tôi nhớ có một độc giả nhận xét daohieu.com rồi cuối cùng cũng bị dẹp bỏ, ông Đào Hiếu rồi cũng bị bỏ tù vì tội trốn thuế thôi. Thực tế tôi cũng rất lo ngại cho ông với những bài như: “Thật giả lẫn lộn và trách nhiệm của chúng ta”. Nếu ngày đó mà xảy ra thì lại một cái kết đáng buồn nữa cho cuộc đấu tranh vì nhân quyền ở Việt Nam.

Một số bạn bè của tôi qua email có nói rằng việc đấu tranh là vô ích, con người Việt Nam đã cam chịu nô lệ rồi, cứ nhìn vào đội ngũ trí thức đang là công chức nhà nước thì biết. Nhưng tôi thiết nghĩ, con người Việt Nam không hèn thế, ngay cả những kẻ suốt ngày ca tụng chế độ khi tôi giới thiệu daohieu.com họ cũng say mê đọc và rất thích thú (có điều đọc như kiểu ăn trộm vậy). Với lại xưa nay, các ông bà công chức quèn lại là những người chậm tiến nhất, không trông chờ vào họ là lực lượng chủ yếu của bất kỳ một cuộc cách mạng nào. Cá nhân tôi thiết nghĩ nếu chúng ta có được một ngọn cờ chính nghĩa (xin đừng nói đến các học thuyết, cũng như Đào Hiếu tôi chán ngấy các học thuyết) thì sẽ đoàn kết được mọi người.
Phong trào đó cần bổ sung mấy nguyên tắc sau:
1.Đấu tranh không khoan nhượng vì dân chủ và nhân quyền, vì quyền tự do và quyền được “làm người”
2.Hòa hợp dân tộc, không gây hận thù, khẳng định không có một cuộc trả thù của những người chiến thắng. Tất nhiên công bằng phải được lập lại

Mong một ngày nào đó xuất hiện một NELSON MANDELA của Việt Nam, để chúng tôi sẵn sang hy sinh dưới ngọn cờ đó. “Những tư tưởng táo bạo đóng vai trò của quân cờ tiên phong dù nó bị chết thì cái chết của nó sẽ mở đường cho thắng lợi”
ĐOÀN DỰ


No comments: