Tuesday, June 2, 2009

NÔNG DÂN BỊ HY SINH CHO BAUXITE

ASIA TIMES
Người nông dân Việt Nam phải hy sinh trước những cỗ máy ủi khai thác bauxite
Vietnam farmers fall to bauxite bulldozers
By Tran Dinh Thanh Lam
Jun 2, 2009
http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/KF02Ae01.html
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – Kế hoạch khai thác mỏ bauxite tích tụ ở vùng Cao nguyên Trung phần đã và đang nảy sinh những ý kiến bất đồng. Những người phản đối kế hoạch nầy bao gồm vị đại tướng nổi tiếng Võ Nguyên Giáp và thậm chí có sự phản đối trong cả những công ty liên quan đến dự án; cùng lúc đó dự án nầy đã và đang xé toạc kế sinh nhai của những người nông dân trồng trà và cafe trong các thị trấn gần đó.
“Những ngọn đồi được dùng để trồng trà đã bị san ủi thành một khu vực rộng 50 hecta để dành chỗ cho dự án bauxite,” [1] tờ báo Tuổi Trẻ do nhà nước kiểm soát đã đưa tin từ tỉnh Lâm Đồng, địa điểm của một trong những khu mỏ đã được lên kế hoạch.
“Cảnh tương tự đã xảy ra trên những vùng đồi cafe ở tỉnh Đắc Lắc, nhưng trên một quy mô lớn hơn – khu vực xây dựng có thể trải dài tới 200 hecta,” [2] tờ Tuổi Trẻ cho biết về khu mỏ thứ hai được dự định.
Kế hoạch của chính phủ khái thác bauxite cho việc sản xuất nhôm đã dẫn đến một làn sóng lo ngại từ một bộ phận của các nhà hoạt động môi trường và các nhà khoa học Việt Nam.
Vào tháng trước, giữa lúc những mối quan ngại đang dâng cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi có một sự xem xét lại về các dự án khai thác bauxite và tìm xem có những cách thức nào khác để kiểm soát sao cho tốt hơn về ảnh hưởng của dự án này, và đảm bảo rằng dự án bauxite phải tuân theo các tiêu chuẩn về môi trường.
Một hội nghị chuyên đề về vấn đề này đã được tổ chức tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam, được đồng bảo trợ bởi Bộ Công thương (MCI) và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
“Trong những năm qua, Tây Nguyên đã tập trung vào phát triển các vườn cây nông nghiệp, nhưng thành quả kinh tế vẫn còn hạn chế và đời sống của người dân địa phương vẫn còn khó khăn với cơ sở hạ tầng và các tiêu chuẩn văn hóa nghèo nàn,” [3] ông Nguyễn Mạnh Quân, vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng của MCI, đã phát biểu trước 50 nhà khoa học tham gia hội nghị.
“Bauxite đã được xác định rõ như là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội trong vùng,” ông nói.
Các phát biểu mới đây nhất là nằm trong một loạt các bình luận công khai của các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản kể từ khi thủ tướng phê duyệt một chỉ thị cho phép khai thác và chế biến quặng bauxite từ cuối năm 2007. Việt Nam được cho là có trữ lượng bauxtie lớn thứ ba thế giới, khoảng 5,5 tỉ tấn.
Chỉ thị đã cho phép Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) của nhà nước tham gia vào một liên doanh với công ty Trung Quốc để xây dựng một nhà máy nhôm [aluminum] và chuẩn bị cho các hoạt động khai mỏ lớn tại hai tỉnh thuộc vùng cao nguyên màu mỡ của đất nước này.
“Mỗi dự án sẽ sản xuất 600.000 tấn nhôm, tạo nên khoảng 2.000 công ăn việc làm và thu được từ 150 triệu đến 200 triệu đô la một năm,” [4] chủ tịch Vinacomin Đoàn Văn Kiển cho biết.
Nhiều nhà khoa học, các nhà hoạt động môi trường và các chuyên gia nghiên cứu văn hóa không đồng tình và đã bày tỏ mối quan ngại mãnh mẽ về những tác động tiêu cực của việc khai thác này. Họ cũng tranh luận rằng chính phủ đang cường điệu những lợi ích kinh tế.
“Cả hai dự án đều có nguy cơ phải đối mặt với những thiệt hại khủng khiếp về kinh tế,” ông Nguyễn Văn Bản, một cựu giám đốc Vinachim, nhận xét. “Một sự tăng hay sụt giảm giá chút ít trên thế giới sẽ dễ dàng làm cho dự án này không thể có lãi.”
“Tôi không biết lý do cơ bản cho việc khai thác lúc này và không khai thác vào những năm 1980 là gì,” Nguyễn Xuân, một sinh viên học chuyên về ngành môi trường tại trường Đại học Thành phố Hồ Chí Minh đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn. “Chính phủ đã đưa ra hai lý do về kinh tế: nhu cầu về nhôm trong nước đang tăng lên và giá của nó cũng tăng lên trên thị trường thế giới.”
“Việt Nam nhập khẩu đúng 100.000 tấn nhôm một năm – thứ kim loại luôn luôn có sẵn, và giá của nó vì thế có thể không tăng lên đáng kể,” anh ta nói.
Người phê phán các kế hoạch này được biết đến nhiều nhất là ông Võ Nguyên Giáp, vị tướng nổi tiếng và là một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong một bức thư ngỏ gửi tới hội nghị chuyên đề, ông đã yêu cầu chính phủ hãy huỷ bỏ dự án bauxite. “Về những lợi ích quốc gia và sự phát triển lâu dài và có thể chịu đựng được, việc khai thác bauxite sẽ phát sinh những tác động xấu đến môi trường, xã hội và an ninh,” ông viết.
Trong một bức thư gửi tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào đầu năm nay, tướng Giáp đã viết rằng ông đã từng giám sát một cuộc nghiên cứu việc khai thác bauxite trong khu vực cùng với các chuyên gia Liên Xô trong những năm đầu 1980. Vào thời điểm đó, các chuyên gia đã khuyên không nên thực hiện dự án này do “rủi ro gây thiệt hại về sinh thái nghiêm trọng,” bức thư viết.
Những người phản đối khác biện luận rằng việc khai thác sẽ huỷ hoại những cánh rừng rộng lớn và các vùng gieo trồng cây nông nghiệp và tạo nên những núi bùn độc hại.
Những người trồng chè ở tỉnh Lâm Đồng đã chứng kiến những ảnh hưởng tiêu cực như là một kết quả của những dự án khai mỏ được đề xướng.
“Tôi không biết cái lợi ích mà tôi có được từ dự án này là thứ lợi gì, nhưng thật quá là tang thương khi nhìn thấy những ngọn đồi trồng chè này bị chặt phá trơ trụi,” ông Vũ Văn Bảy, một nông dân địa phương có đất đã bị thu hồi cho hoạt động khai mỏ, đã nói với phóng viên như vậy. Ông cho biết là ông đã cố tìm kiếm một mảnh đất thích hợp cho trồng trọt để thay thế, nhưng “thật không dễ để kiếm được một miếng đất canh tác kể từ khi nước đã trở nên hiếm hoi ở đây.”
Vùng này có một cái hồ lớn mà từ đó những người nông dân bơm nước lên tưới cho những đồn điền chè và cafe của mình. Công ty khai thác bauxite đã có kế hoạch sử dụng nó làm nơi chứa “bùn đỏ”, cái tên được đặt cho thứ chất thải độc hại phát sinh từ việc khai thác bauxite.
“Sẽ không có thêm hồ nước nào nữa,” ông Lê Viết Quang, giám đốc Lâm Đồng Bauxite, một công ty con của Vinacomin, hiện đang đảm nhận việc khai mỏ ở đây, đã nói với các phóng viên cách đây không lâu. “Các đối tác Trung Quốc của chúng tôi sẽ nạo vét hồ nước và chuyển nó thành hồ chứa bùn đỏ.”
Nguyễn Thanh Sơn, chuyên gia về khai mỏ và là giám đốc Năng lượng Sông Hồng, một công ty con nữa của Vinacomin, là một trong những người chống lại mạnh mẽ nhất kế hoạch khai thác bauxite từ tập đoàn của ông.
“Tại sao chúng ta lại chuyển đổi một vùng kinh tế có hiệu quả thành một khu mỏ khai thác lộ thiên?” ông Sơn hỏi, rồi nói thêm rằng với cùng một mức độ đầu tư thì tỉ lệ hoàn vốn của việc khai thác bauxite là kém xa so với trồng cafe. “Sau khi quặng bauxite được khai thác, đất ở đó sẽ không còn thích hợp cho trồng trọt hoa màu nữa nếu như không có những biện pháp phục hồi trên quy mô và phạm vi rộng lớn.”
Các quan chức của Vinacomin đã khẳng định là những tác động tiêu cực này sẽ được hạn chế tối thiểu bằng công nghệ hiện đại của Trung Quốc, là thứ sẽ được sử dụng trong quá trình khai mỏ, mặc dù những khu mỏ tương tự trên thực tế đều sử dụng các phương tiện giống hệt mà họ có trước đây đã bị chính phủ Trung Quốc đóng cửa.
Ông Sơn nói rằng việc khai thác bauxite và sản suất nhôm sẽ đòi hỏi nước rất nhiều, và vì vậy sẽ sử dụng nguồn nước tối đa và gây ô nhiễm cho các nguồn nước trong vùng, nơi đang thiếu nước cho các vụ mùa trồng cây công nghiệp.
Các nhà chuyên môn tin rằng những nguồn nước ngầm ở Tây Nguyên là có hạn và đã giảm xuống tới mức rất quan trọng trong 10 năm qua vì tưới tiêu (cho cây cà phê, trà, rau cải, cao su, ruộng, cây ăn trái…) với cường độ rất lớn.
“Loại ‘bùn đỏ’ này rất nguy hiểm đối với môi trường bởi vì 70% trong đó là sodium hydroxide (NaOH, hay còn gọi là xút),” ông Sơn nói. “ Giải pháp duy nhất là chôn vùi nó, hay chứa nó (vào trong một khu vực nào đó) một cách vĩnh viễn, an toàn và chắc chắn “ Mưa núi ở các miền cao nguyên trung phần làm gia tăng khó khăn cho việc lưu giữ nó một cách an toàn.
Số lượng lớn bùn đỏ có thể phá hủy bất cứ loại bể chứa nào và trở thành một thảm họa của môi trường. “Với việc lưu giữ không an toàn như thế, bùn đỏ có thế tràn qua bể chứa, hay thâm nhập vào đất và rồi bị rữa bởi nước mưa và chảy vào các đường nước khắp các vùng Tây nguyên và chảy xuống tận miền nam Việt Nam,” ông Sơn nói thêm.
---------------------
Hiệu đính:
Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009
http://anhbasam.wordpress.com/2009/06/02/186-nong-dan-vn-ph%e1%ba%a3i-hy-sinh-tr%c6%b0%e1%bb%9bc-k%e1%ba%bf-ho%e1%ba%a1ch-khai-thac-bauxite/#comments
---------------------------
Chú thích của Trần Hoàng:
Theo kế hoạch của Than và Khoáng Sản VN (TKV) và hãng Chinalco của Trung Quốc đã trình bày trong các hội thảo là:
- Các công ty sẽ đào lấy bauxite và làm 50 hecta nầy xong, thì sẽ làm 50 hecta khác. Nghĩa là vùng nào có bauxite, là vùng đó sẽ bị đào bới.
- Điều cần biết là 50 hecta hay 50 mẫu đất là rất lớn và tương đương với một miếng đất có chiều dài 1 cây số và rộng nửa cây số hay nửa triệu mét vuông
*1 mẫu = 1 hecta = 10.000 mét vuông;
50 hecta = 500.000 mét vuông.
[2] 200 hecta = 2 triệu mét vuông = 1 miếng đất dài 4 cây số và rộng 2 cây số. Đây là một diện tích đất rất lớn.
[3] Ha Ha. Ông Nguyễn Mạnh Quân, (vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng của) làm như cả nước đều giàu trong suốt 35 năm qua, chỉ có các nông dân Tây Nguyên trồng đồn điền cafe và trà là nghèo, nên bây giờ nhà nước cần phải giúp cho các nông dân nầy giàu lên, bằng cách (làm bauxite) phá bỏ các vùng cafe và trà của nông dân, để mua đất đai của họ với giá rẻ, giao cho công ty quốc doanh Than và Khoán Sản VN và Trung Quốc đầu tư khả năng khai thác bauxite.
Kết quả của mục đích khai thác bauxite nầy sẽ làm cho các nông dân đang có đồn điền cafe và trà sẽ giàu hơn xưa? Giàu ngay bây giờ? giàu 2, 3 năm tới? giàu kể từ sau khi năm 2015 hay 20125?Hay mất hết cơ nghiệp của họ gầy dựng từ 30-70 năm nay?
Từ những nông dân làm chủ đồn điền cafe, làm chủ vườn trà, làm chủ đất, có xe hơi, có máy cày, ở nhà ngói, có người làm và rồi nhờ kế hoạch bauxite mà “được mua đất”, được đền bù bằng một nhúm tiền đồng VN đang mất giá 15-20% mỗi năm…thì nông dân sẽ giàu trong 2 năm hay 10 năm sắp đến?
Ông Quân là vụ trưởng công nghiệp nặng của bộ công thương lẻ ra phải biết vốn đầu tư theo nghị định 167 của thủ tường là: cho phép ngoại quốc đầu tư 100% (mời các bạn nghe lại phim trên youtube, post trong blog nầy 3 hôm trước, đại biểu Nguyên Minh Thuyết phát biểu trước quốc hội nói về vụ nghị định 167 của thủ tướng).
Chỉ tội nghiệp các nông dân Tây Nguyên không có báo chí đến phỏng vấn, không nói lên được tiếng nói của họ, nên có thua thiệt cũng đành chịu.
Nếu bạn đọc được dịp chất vấn những người có quan điểm như ông Quân, các bạn hỏi thử ông ấy vài câu như sau: 1./ Ông có lên Tây nguyên vào lúc nào? đến tận hiện trường và xem toàn bộ kế hoạch sẽ khai thác như thế nào? Ông có thể đem bản đồ phân bố sản phẩm nông nghiệp có tỉ lệ lớn và chỉ cho biết vùng nào sẽ khai thác bauxite từ đây đến năm 2025? Bao nhiêu nông dân và gia đình sẽ bị mất tài sản?
Và đặt câu hỏi: nếu Than và Khoán Sản khai thác có lời 1 tấn được 200 đô (tiền lời cao nhất, còn hiện nay Trung Quốc đang bán alumina 1 tấn lỗ 70=120 đô), lấy số tiền 200 đô ấy, chia lại bao nhiêu tiền cho Trung Quốc (đối tác duy nhất hiện nay) hoặc trả lại tiền vốn đi mượn ngoại quốc để mua máy móc và lắp đặt nhà máy…thì còn lại được bao nhiêu phần trăm tiền lời trên 1 tấn đó?
Tiền lời còn dư lại sau chi phí thì có chia lại cho nông dân Tây nguyên là bao nhiêu để họ làm giàu (như lời ông nói ra về mục đích của khai thác bauxite và được trích dẫn trong bài này)? và nếu chia, thì chia lại bao nhiêu phần trăm? tiền lời bán dầu thô là 10 tỉ đô, từ tháng 9-2007 đến tháng 9-2008 đi về đâu?
(Hỏi ông có biết là trong khi dầu hỏa đã khai thác 15-20 năm nay, người dân có được mua xăng với giá bán là bằng 1/2 hay 1/4 giá thị trường mà các quốc gia xuất khẩu dầu thô vẫn bán ra cho dân chúng trong nước xài trong hơn 40 năm qua? Thực tế là giá xăng ở VN và ở Mỹ luôn luôn bằng nhau. Và Mỹ nhập khẩu hơn 60% xăng, dầu (Mỹ nhập khẩu khoảng 700 tỉ đô la tiền dầu hàng năm, thống kê năm 2008)
[4] Ha Ha ha. nếu tin rằng bản hợp đồng trị giá 466 triệu đô la, mà mỗi năm khai thác lời mi64 năm 150 triệu đến 200 triệu đô la, và có việc làm cho 2000 người…Vậy là mức lời của đầu tư là từ 32% đến 43% ( chưa kể tạo thêm công việc cho 2000 người.)
Trời ơi! Cho mình xin đi. Nếu có ai đem những con số đầu tư thế ấy (đầu tư xây dựng nhà máy xong trong 2 năm, khai thác, rồi cứ mỗi năm sau lời 32-43%) và nói với các công ty nước ngoài, chắc chắn, họ sẽ trải thảm đỏ đón về làm Tổng giám đốc lương tới thiểu 2-5 triệu đô la/ 1 năm.
Tất cả các công ty nước ngoài mà chỉ cần lời 1 năm khoảng 15-20% là đã vững mạnh và thành công lắm rồi; lời 25% / 1 năm là chuyện hãn hữu; còn chuyện 30%-40% là chuyện ở trên chứng khoáng, chứ trên thực tế sản suất là chuyện hiếm hoi; riêng chỉ có công ty Exxon Mobil làm được trong vài ba năm nay, nhờ một loạt các chính sách tài chánh khôn ngoan từ 1998 và phần khác là nhờ giá dầu lên.
http://dealbook.blogs.nytimes.com/2008/05/28/exxons-texas-size-war-chest/

No comments: