Saturday, February 7, 2009

VỐN FDI : THỰC VÀ ẢO

Thực và ảo vốn FDI
Nguyễn Thành
9h:12' - 7/2/2009
http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Kinh-Te/Thuc-Va-Ao-Von-Fdi.html
(Toquoc)- Các quan chức quản lý nhà nước về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể ăn mừng về kết quả thu hút nguồn vốn này năm 2008 với con số kỷ lục 64,1tỷ USD- gấp gần ba lần năm 2007.

Đây là mức thu hút vốn FDI kỷ lục từ trước đến nay của Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa trong trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng.

Trong các lĩnh vực đầu tư, vốn FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, gồm 572 dự án với tổng vốn đăng ký 32,62 tỷ USD, chiếm 48,85% về số dự án và 54,12% về vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực dịch vụ có 554 dự án, tổng vốn đăng ký 27,4 tỷ USD, chiếm 47,3% về số dự án và 45,4% về vốn đầu tư đăng ký. Số còn lại thuộc lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp.

Năm 2008, đã có 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Việt Nam, trong đó có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư vốn trên 1 tỷ USD. Malaysia đứng đầu, với 55 dự án, vốn đăng ký 14,9 tỷ USD, Đài Loan đứng thứ hai, với 132 dự án, vốn đầu tư 8,64 tỷ USD. Nhật Bản đứng thứ ba, với 105 dự án, vốn đầu tư 7,28 tỷ USD.

Tỉnh Ninh Thuận đã vươn lên đứng đầu về số vốn đăng ký do có dự án liên doanh sản xuất thép giữa tập đoàn Lion Malaysia và Vinashin tổng vốn đăng ký 9,79 tỷ USD, Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ hai trong số 43 địa phương của cả nước có vốn FDI, với 4 dự án, tổng vốn đăng ký 9,35 tỷ USD.

Tuy nhiên đó là con số theo cách tính của Việt Nam. Trong khi các con số FDI được nói đến nhiều nhất ở Việt Nam là con số đăng ký, kế đến là con số thực hiện. Còn trên thế giới lại dùng con số giải ngân.
Một số nhà kinh tế gọi vốn đăng ký FDI là vốn ảo, còn con số giải ngân mới là số vốn thực.

Theo nguồn tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), giải ngân vốn FDI trong năm 2008 của các doanh nghiệp tại Việt Nam đạt 11,5 tỷ USD, tăng 43,2% so với năm 2007.

Đây mới là dòng vốn thực sự đầu tư từ nước ngoài vào và thể hiện trên cán cân thanh toán quốc tế, không bao gồm số vốn của đối tác trong nước hay ngân hàng trong nước.

Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, khoảng cách giữa con số đăng ký và con số giải ngân ngày càng giãn xa.

Tương tự, tỷ trọng vốn nội địa ngày càng nhiều, với nhiều dự án FDI dựa vào vốn góp của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và vốn vay ngân hàng trong nước.

Rõ ràng số vốn góp trong nước và vay trong nước không phải là vốn nước ngoài, nhưng vẫn được tính gộp vào.

Một chuyên gia kinh tế thẳng thắn: Từ phía các cơ quan quản lý, các cơ quan xúc tiến đầu tư, và chính quyền các địa phương tất cả đều thích con số cao. Con số cao cũng nghĩa là thành tích cao, niềm tự hào cao về sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Còn về phía nhà đầu tư, các dự án bất động sản càng có số vốn cao càng dễ được cấp diện tích đất lớn hơn nên họ cũng ... thích con số cao.

Vốn FDI đăng ký vào các dự án liên quan đến bất động sản, các dự án công nghiệp nặng (thép, dầu khí) liên tục tăng cao. Đây đều là các dự án thâm dụng vốn, nghĩa là khả năng tạo việc làm không nhiều.

Trong khi đó, vốn FDI đăng ký vào các dự án có sử dụng nhiều lao động như: Công nghiệp nhẹ, chế biến thực phẩm, nông lâm ngư nghiệp lại giảm.

Dự báo về những khó khăn lớn trong năm 2009, Bộ KH&ĐT đã chính thức đặt mục tiêu thu hút 30 tỷ USD vốn FDI- một mục tiêu rất khiêm tốn chỉ bằng một nửa so với năm 2008.

Cục Đầu tư nước ngoài vừa công bố: Số vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam trong tháng 1/2009 chỉ đạt 200 triệu USD, giảm 8,5 lần so với cùng kỳ năm 2008. So với tháng trước (tháng 12/2008), con số này chỉ bằng 18%. Hầu hết các dự án cấp phép trong tháng 1/2009 đều có quy mô không lớn, từ 3-3,5 triệu USD/dự án; tỷ lệ giải ngân tháng 1/2009 cũng chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm trước.

Trong phát biểu với báo giới chiều 4/2 sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng “đại khủng hoảng” kinh tế thế giới đã và đang tác động tiêu cực đến thu hút vốn FDI tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, xét trong thế cạnh tranh giữa các quốc gia nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn còn những điểm yếu cố hữu mà khó có thể giải quyết sớm được. Chẳng hạn, kết cấu hạ tầng nhất là khả năng cung cấp điện, cấp thoát nước, giao thông đường bộ, hàng hải… đã quá tải sẽ khó phát triển kịp trong thời gian ngắn để đáp ứng một lượng lớn vốn FDI được triển khai thực hiện tại Việt Nam.

Không những thế, cải cách thủ thục hành chính và công tác chống tham nhũng tuy đã tiến hành tích cực nhưng còn rất nhiều vấn đề cần được xử lý để đáp ứng yêu cầu đề ra. Tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề và các chức danh quản lý khó có thể được khắc phục sớm. Việc giải quyết các khó khăn như giải phóng mặt bằng, tình trạng đình công còn nhiều hạn chế sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động thu hút và triển khai các dự án FDI tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Phan Hữu Thắng (Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài), với quy mô vốn đăng ký rất lớn trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2007 và năm 2008, nếu có những giải pháp thích hợp thì vốn giải ngân trong năm 2009 vẫn có thể đạt 9,5-12 tỷ USD.

Để tiếp tục thu hút, thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn FDI năm 2009 và năm 2010, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ 8 nhóm giải pháp cần ưu tiên triển khai thực hiện về luật pháp, chính sách; quy hoạch; cải thiện cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực…

Quan điểm về vốn đầu tư FDI vẫn được nhìn nhận như một tín hiệu biểu hiện xác thực mức độ tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Chỉ có điều, phần lớn nhà đầu tư sốt sắng đăng ký vốn chủ yếu nhằm chiếm giữ phần bất động sản, hoặc thị phần kinh doanh vốn rất eo hẹp ở Việt Nam. Bởi một lý do đơn giản: Chưa giải ngân nghĩa là chưa mất mát gì!

Điều này không phải chúng ta không biết song vẫn phải chấp nhận cuộc chơi của những con số thực và con số ảo từ FDI/


No comments: