Monday, February 16, 2009

VẾT NỨT Ở ĐẬP THUỶ ĐIỆN SƠN LA

Vết nứt ở đập thủy điện Sơn La sâu… 6m nhưng “vẫn trong tầm kiểm soát”
Sunday, February 15, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=90899&z=1

Hà Nội (NV) - Tại một cuộc họp báo tổ chức vào chiều 13 tháng 2, ông Lê Quang Hùng, cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thuộc Bộ Xây Dựng CSVN, chính thức xác nhận: “Vết nứt tại đập thủy điện Sơn La là vết nứt lớn nhất so với các công trình thủy điện đã thực hiện từ trước đến nay”.

Bản vẽ phối cảnh đập thủy điện Sơn La. Công trình được dự báo là một “đại thảm họa” đang lơ lửng trên đầu dân chúng đồng bằng sông Hồng.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/90899-medium_vn_160209_thuydiensonla.jpg

Trong vài ngày qua, nhiều tờ báo tại Việt Nam cho biết, người ta đã phát hiện vết nứt trên thân đập chính từ tháng 9 năm 2008. Hồi đầu tháng này, người ta lại phát giác thêm một số vết nứt nữa chạy dọc các đập không tràn ở cả hai bên phải và trái (trong thủy điện, có hai loại đập quan trọng: đập chính để giữ nước, đập không tràn để dẫn nước vào hầm ngầm giúp chạy máy phát điện, các đập không tràn được ví như “trái tim của nhà máy phát điện”). Một số vết nứt trên đập không tràn dài đến 30m, trên bề mặt con đập có chiều dài chỉ chừng 100m, một số vết nứt có độ sâu tới 6m trên chiều cao từ 50m-70m, bề ngang các vết nứt được xác định là 1 mm).

Thủy điện Sơn La là một phần trong hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Ðà. Trước đây, chính quyền CSVN từng cho chặn đoạn giữa của sông Ðà làm thủy điện Hòa Bình. Với dự án thủy điện Sơn La, sông Ðà sẽ bị chặn thêm một lần nữa ở đoạn phía trên thủy điện Hòa Bình để lập nhà máy thủy điện Sơn La.
Về quy mô, thủy điện Sơn La được xem là nhà máy thủy điện lớn nhất Ðông Nam Á (hồ chứa nước có diện tích 224 km2, dung tích 9.26 tỉ khối nước, công suất 2400 MW, sản lượng điện 9.429 tỉ kWh/năm, tổng vốn đầu tư là 42,476 tỉ đồng - khoảng 2.5 tỉ USD). Ðể thực hiện công trình khổng lồ này, có 19,669 gia đình, với trên 100,000 dân, cư trú tại ba tỉnh Sơn La, Lai Châu, Ðiện Biên (đa số là người thiểu số) bị buộc phải chuyển đi nơi khác.

Dù được quảng bá rằng sẽ tăng thêm nguồn điện, giảm lũ trong mùa mưa, cấp thêm nước cho đồng bằng sông Hồng trong mùa khô nhưng dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La tạo ra nhiều âu lo hơn là sự vui mừng. Kể từ khi dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La được công bố, giới khoa học trong và ngoài nước đã cùng lên tiếng cảnh báo liên tục về một đại thảm họa, tác động nghiêm trọng tới kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như tương lai Việt Nam để kêu gọi chính quyền CSVN phủ quyết dự án.

Ngoài yếu tố hồ chứa nước của thủy điện Sơn La sẽ tạo ra vô số tác động bất lợi đến môi trường: thay đổi về vi khí hậu, hệ động vật, hệ thực vật, đất bị trượt, vận tải chất rắn, suy giảm chất lượng nước, bệnh sốt rét, bệnh Bilharziose, cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm ngàn người sẽ bị xáo trộn hoàn toàn, các chuyên gia còn cảnh báo rằng, do những trung tâm đông dân cư ở vùng châu thổ sông Hồng đều nằm dưới mực nước lũ, vì rừng đã mất, biến đổi khí hậu khiến mưa bão càng ngày càng nhiều và càng lớn, Sơn La lại là vùng có động đất thường xuyên và mạnh nhất Việt Nam (giới chuyên môn xác định có sáu nếp gấp địa chất chính, có thể phát sinh động đất, ảnh hưởng đến công trình thủy điện Sơn La: đứt gãy sông Hồng, Lai Châu-Ðiện Biên, Sơn La, sông Mã-Pu Mây Tun, sông Ðà, Phong Thổ-Nậm Pìa, theo kết quả đo đạc thì từ năm 1990 đến năm 2003, trên khu vực có bán kính 200km quanh công trình thủy điện Sơn La đã xảy ra 1,089 vụ động đất, trong sáu nếp gấp vừa kể, nếp gấp Phong Thổ-Nậm Pìa chỉ cách đập chính của thủy điện điện Sơn La 5 cây số và trên thực tế, những địa chất ở nếp gấp này đã từng gây ra những trận động đất mạnh đến 5 độ Richter), nên đập thủy điện Sơn La rất dễ vỡ. Nếu đập thủy điện Sơn La vỡ, đập thủy điện Hòa Bình cũng sẽ vỡ theo và như thế hồ chứa nước của thủy điện Sơn La thực sự là một “đại thảm họa”, treo lơ lửng trên đầu châu thổ sông Hồng. Trên báo chí Việt Nam, người ta đã từng công bố những tính toán, theo đó: “Nếu đập Sơn La vỡ, sau 30 phút, toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ sẽ bị chìm sâu dưới mực nước từ 4m đến... 60m và sẽ có khoảng 15 triệu người thiệt mạng”. Song chính quyền CSVN đã phớt lờ tất cả.

Trước sự âu lo của công chúng, trong cuộc họp báo về những vết nứt ở đập thùy điện Sơn La, ông Lê Quang Hùng trấn an: “Hiện tượng nứt tại các kết cấu lớn như đập là có thể xảy ra. Chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước đã kiểm soát, đánh giá nguyên nhân, biện pháp khắc phục, ngăn chặn vết nứt lan rộng. Phía tư vấn đã có báo cáo là vết nứt không ảnh hưởng đến độ an toàn của đập”. Về nguyên nhân gây nứt, ông Hùng phỏng đoán: “Về mặt chuyên môn, khi đổ bê tông, nhiệt độ trong bê tông tăng lên, mới đầu là 20 độ C song sau 7 ngày sẽ lên tới 40 độ C. Mặt ngoài của khối đổ sẽ nguội còn trong lòng sẽ nóng, gây chênh lệch nhiệt độ. Bất cứ bê tông khối lớn nào cũng có xu hướng ấy, quen gọi là sốc nhiệt”.
Dù thừa nhận: “Quản lý an toàn tại Thủy điện Sơn La là tuyệt đối, không chấp nhận sai lệch” nhưng ông Hùng biện bạch: “Không phải khiếm khuyết nào cũng ảnh hưởng tới an toàn” và tuyên bố: “Theo đánh giá của tư vấn, các vết nứt này không ảnh hưởng an toàn đập nên chưa đặt ra việc ngừng thi công đập”. Tuy tuyên bố này mâu thuẫn với tiết lộ: “Chúng tôi đang xem xét báo cáo của tư vấn và tổ chức phản biện độc lập và cần có thời gian nghiên cứu theo tính hệ thống”. (G.Ð)



No comments: