Wednesday, February 11, 2009

CPJ TỐ CÁO VIỆT NAM KIỂM DUYỆT INTERNET

Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo tố cáo Việt Nam theo gương Trung Quốc kiểm duyệt internet
Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 11/02/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 11/02/2009 14:49 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/110/article_2492.asp
Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (CPJ) đã lên tiếng báo động về tình trạng giới báo chí khắp nơi tiếp tục bị tấn công, với sự kiện 41 nhà báo bị sát hại, và 125 người bị cầm tù. Điều này đã tạo ra một ''không khí hãi sợ'' có hại cho quyền tự do thông tin trên thế giới nói chung và tại châu Á nói riêng

Cùng một số nước Đông Nam Á khác, Việt Nam bị Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo CPJ tố cáo rập khuôn Trung Quốc trong việc hạn chế quyền tự do báo chí và kiểm duyệt Internet.

Trong bản báo cáo tổng kết tình hình năm 2008, công bố hôm qua tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, tổ chức Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo CPJ đã lên tiếng báo động về tình trạng giới báo chí khắp nơi tiếp tục bị tấn công, với 41 nhà báo bị sát hại, và 125 người bị cầm tù. Điều này đã tạo ra một ''không khí hãi sợ'' có hại cho quyền tự do thông tin trên thế giới.

Báo cáo nhấn mạnh Trung Quốc vẫn là nước cầm tù nhiều nhà báo nhất, kỷ lục mà Bắc Kinh nắm giữ từ 10 năm nay, kế đến là Cuba, Miến Điện, Erythrea và Uzbekistan.

Theo CPJ, tại Châu Á, vấn đề đáng chú ý là mô hình kiểm soát báo chí, hạn chế thông tin do Trung Quốc tiến hành đang ngày càng được nhiều nước Đông Nam Á áp dụng, trong đó có Việt Nam, Miến Điện, Malaysia, Singapore. Ngay cả một nước có hình thức dân chủ như Thái Lan cũng bắt chước mô hình Trung Quốc trong vấn đề kiểm duyệt Internet và trừng phạt những ai tìm cách vượt qua các hạn chế đó.

Riêng về Việt Nam, Uỷ Ban Bảo Vệ Nhà Báo CPJ ghi nhận :

''Tương tự như Trung Quốc, chính quyền Việt Nam đã nhận thức rõ tầm quan trọng của Internet trong việc hiện đại hoá kinh tế. Việt Nam chính thức ghi nhận con số hơn 20 triệu người sử dụng Internet ở trong nước. Theo cơ quan nghiên cứu OpenNet Initiative, chính quyền Hà Nội đã kiểm duyệt ''rộng rãi'' các vấn đề chính trị, nhưng lại nới lỏng kiểm soát trên các vấn đề xã hội.
Đường lối này giống như Trung Quốc. Cả hai chế độ đều buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet tư nhân phải chịu trách nhiệm về việc để cho lưu hành các nội dung bị nghiêm cấm.
Tuy nhiên, những người dùng Internet ở Việt Nam cho rằng tình hình kiểm duyệt tại Việt Nam nhẹ hơn ở Trung Quốc. Theo một doanh nhân ngoại quốc ở Việt Nam, thì Hà Nội chỉ xây dựng một bức tường lửa bằng tre để kiểm duyệt Internet, trong khi Bắc Kinh thì thiết lập cả một Vạn Lý Trường Thành''.

Cũng liên quan đến Việt Nam, viên chức bị nêu tên trong vụ tham nhũng đã khiến Nhật Bản cắt giảm viện trợ cho Việt Nam vừa bị bắt. Theo báo chí Việt Nam, được AFP trích dẫn, ông Huỳnh Ngọc Sĩ đã bị công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giam vào hôm nay và chuyển ra Hà Nội cùng với một phụ tá để bị truy tố về tội lạm dụng chức quyền.

Là quan chức trong ngành vận tải tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Ngọc Sỹ mới đây đã bị các cựu lãnh đạo công ty tham vấn Nhật Bản Pacfic Consultants International tố cáo trước toà là đã nhận 820.000 đô la tiền hối lộ trong dự án xây dựng hạ tầng cơ sở với tiền viện trợ của Nhật.


CPJ: VN tiếp tục đàn áp nhân quyền, bịt miệng đối lập
Thanh Quang, phóng viên RFA
2009-02-10
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/CPJ-singles-out-vietnam-for-press-crackdown-TQuang-02102009153456.html
Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ trụ sở tại New York, Hoa Kỳ, vừa công bố một cuộc bản phúc trình về tình trạng đàn áp ký giả trên khắp thế giới trong năm 2008, trong đó có Việt Nam.

Tấn công báo giới

Bản phúc trình năm 2008 của Ủy ban Bảo vệ Ký giả, gọi tắt là CPJ, cho biết nhà cầm quyền Việt Nam trong năm qua đã đàn áp nhiều ký giả, những người viết nhật ký trên mạng – tức bloggers, cùng các nhà dân chủ, khiến họ bị tù tội, trù dập.
Theo bản phúc trình này, tựa đề “Những Cuộc Tấn Công Báo giới”, thì các hoạt động dân chủ, nhiều cuộc đình công lan rộng và những cuộc chống đối tôn giáo đã diễn ra tại Việt Nam trong suốt năm qua, giữa lúc các phần tử bảo thủ trong giới cầm quyền độc đoán viện dẫn tới nhu cầu an ninh quốc gia để siết chặt việc kiểm soát báo chí.
Bản phúc trình lưu ý rằng hành động nhà cầm quyền Việt Nam xúc tiến đàn áp tự do báo chí đã gây nhiều chú ý hồi tháng 10 năm ngoái khi phóng viên Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ bị toà án Việt Nam kết tội vì đã phanh phui vụ PMU18 liên quan các viên chức cao cấp của Bộ Giao Thông Vận Tải tham nhũng hàng triệu đô-la.
Những án quyết ấy đã bị trong và ngoài nước mạnh mẽ lên án, chẳng hạn như, ông Trần Quang Thành, nguyên Biên tập viên Tin tức Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng Nói Việt Nam đã lên tiếng với đài chúng tôi như sau: “Tôi thấy đây là một bản án không nên có và không đáng có, tại vì những nhà báo này nói lên đúng sự thật”.
Hành động Hà Nội tiếp tục nặng tay với báo giới được bản phúc trình của Tổ chức Bảo Vệ Ký Giả đề cập qua việc Phó Tổng Biên Tập Bùi Thanh, và Tổng Thư Ký Toà sọan Hoàng Hải Vân của báo Tuỗi Trẻ, rồi ông Hùynh Kim Sanh, Tổng thư ký toà sọan báo Thanh Niên, bị mất chức vì cho phổ biến những bài báo chỉ trích việc truy tố các ký gia vừa nói.
Tài liệu của tổ chức CPJ này cũng lưu ý tới việc Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Đỗ Quý Dõan đã thu hồi giấy phép hoạt động của ít nhất 5 ký giả khác với cớ là có hành động sai trái nghiêm trọng.
Bản phúc trình nhận thấy nhiều ký giả ở VN bị trù dập vì bị cho là có cảm tình với những tổ chức đấu tranh cho dân chủ, như trường hợp ông Nguyễn Quốc Hải, có tên Thái Lan là Somsak Khunni, cộng tác viên của Đài Chân Trời Mới trụ sở tại Hoa Kỳ, bị 9 tháng tù và 3 năm quản chế vì tội danh mà Việt Nam cho là vi phạm an ninh quốc gia.
Bản phúc trình của CPJ cũng không quên đề cập tới trường hợp ông Lê Hồng Thiện, bút danh là Trần Hữu Thiện, Chủ nhiệm Nguyệt San Gia Đình, phóng viên tuần báo Việt Times trụ sở tại Hoa Kỳ, bị giam tại gia ở VN, bị thẩm tra vì tường thuật vụ Bắc Kinh rước Đuốc Thế vận qua Saigòn cùng những vụ biểu tình chống TQ.

Siết chặt internet, blog


Theo tài liệu này của CPJ, thì VN thuộc trong số nước kiểm soát Internet nghiêm ngặt nhất tại Á Châu, khi Hà Nội tổ chức ngăn chận mọi Web sites và những tài liệu trên mạng mà họ xem là đe dọa tới chính thể độc đoán và độc đảng ở VN – phương cách kiểm soát gắt gao cũng giống như ở TQ.
Bản phúc trình nêu lên trường hợp nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, nổi tiếng dưới cái tên quen thuộc là blogger Điếu Cày, bị Hà Nội kết án 30 tháng tù với tội danh gọi là trốn thuế - hành động mà CPJ cho là xem chừng như trả thù của Hà Nội, sau khi blogger Điếu Cày tường thuật về những vụ biểu tình chống TQ xâm chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN.
Bản phúc trình của CPJ cũng nhắc tới hành động VN đàn áp ít nhất một nhà báo ngọai quốc, khi hồi tháng 9 năm ngoái, công an Việt Nam hành hung và giam giữ phóng viên Ben Stocking của hãng thông tấn AP, sau khi ông đến tận nơi để tường thuật vụ biểu tình của giáo dân ở Thái Hà.
CPJ trích dẫn nguồn tin của hãng thông tấn AP mô tả công an Việt Nam đấm, đá ký giả Stocking sau khi ông yêu cầu trả lại máy ảnh.
Theo bản phúc trình của Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ, tổ chức chuyên phanh phui những hành động ngược đãi của các nhà cầm quyền độc tài cùng những kẻ thủ của giới truyền thông, thì chiến dịch đàn áp ký giả của Việt Nam đã đảo ngược giai đọan nới lỏng ngắn ngủi, ngay sau khi Hà Nội đạt được những mục tiêu quan trọng như gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, chủ trì thành công Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu - Thái Bình Dương…

Trước tình hình đàn áp báo chí tại VN như bản phúc trình của Úy ban Bảo vệ Ký giả nhận xét, chúng tôi liên lạc với nhà báo tự do Văn Lang tại Saigòn, và được anh cho biết: “Vấn đề chỉ có báo chí Nhà Nước, thì thông qua công cụ nhà nước, họ sẽ kiểm soát toàn bộ.”


No comments: