Monday, February 2, 2009

NHỮNG KỊCH BẢN CHO SỰ THAY ĐỔI Ở VIỆT NAM

Những “kịch bản” cho sự thay đổi ở Việt Nam
Việt Hoàng
Đăng ngày 02/02/2009 lúc 18:17:39 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3503

1. Dự đoán cho năm 2009

Năm Kỷ Sửu 2009 sẽ là một năm khủng hoảng toàn diện tại Việt Nam.

Cuộc khủng hoảng và suy thoái thế giới vẫn tiếp tục diễn ra với chiều hướng xấu bất chấp những nỗ lực của tân chính quyền Obama. Không những chỉ Hoa Kỳ mà hầu hết các trung tâm “tiêu thụ” hàng hóa của thế giới như Châu Âu, Nhật, Nga…đều đang đối phó với khủng hoảng. Điều này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho các nước có thu nhập ngân sách dựa vào xuất khẩu như Trung Quốc và Đông Nam Á. Như vậy Việt Nam sẽ gia tăng thất nghiệp vào năm nay, con số sẽ lên đến hàng triệu người (sau Tết Kỷ Sửu một thời gian ngắn là có thể thấy rõ vấn nạn thất nghiệp tại Việt Nam). Vấn đề thất nghiệp của công nhân bên cạnh cuộc sống xa hoa và vương giả của các đảng viên cộng sản có chức quyền sẽ dẫn đến những bất ổn và xáo trộn xã hội là điều đương nhiên (kẻ ăn không hết, kẻ lần không ra).

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ giảm sút mạnh do những khó khăn của các công ty mẹ tại chính quốc. Lượng kiều hối của cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ giảm mạnh trong năm tới do cuộc khủng hoảng toàn cầu mang lại. Như vậy: thất nghiệp, tham nhũng, đầu tư nước ngoài giảm, kiều hối giảm, xuất khẩu giảm…sẽ dẫn đến việc ngân sách của nhà nước Việt Nam cạn kiệt.

Khi ngân sách nhà nước trống rỗng thì quốc phòng sẽ suy yếu. Đời sống của các quân nhân sẽ gặp khó khăn, sức ép của giới quân đội lên đảng và nhà nước sẽ tăng cao. Ngân sách cạn kiệt cũng có nghĩa là đảng cộng sản không còn cơ hội ban phát bổng lộc cho bộ máy rất cồng kềnh và kém hiệu quả của mình, bất mãn sẽ gia tăng. Khi đó buộc nhà nước cộng sản phải lựa chọn giữa hai cái, một là làm ngơ để cho hệ thống công quyền tha hồ tham nhũng, vòi vĩnh, bòn rút của nhân dân, đồng thời chính quyền sẽ phải gia tăng đánh thuế vào người dân như đánh thuế thu nhập cá nhân, đánh thuế kiều hối gửi về nước… và như vậy một cuộc cách mạng “đường phố” sẽ xảy ra, không sớm thì muộn.

Hai là nhà nước Việt Nam phải thắt chặt chi tiêu, giảm biên chế, phá giá đồng tiền nội tệ để khuyến khích xuất khẩu, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp tư nhân…nhưng phương án này không thể thực hiện được dưới một chế độ toàn trị bởi các nhóm tài phiệt đỏ đã thao túng hoàn toàn các chính sách của chính phủ (phải một thế lực cực lớn mới có thể giật dây được ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để ông ta ký vào công điện cấm xuất khẩu gạo gây thiệt hại hàng tỷ đô là cho người nông dân và tạo ra một cơn sốt gạo ảo hồi giữa năm 2008 vừa qua).

Việc phá giá đồng tiền Việt Nam như đề nghị của nhóm chuyên gia kinh tế Harvard cũng khó lòng thực hiện (đúng ra là chính quyền Việt Nam không dám thực hiện) bởi để làm được việc này cần phải xây dựng một lộ trình giảm giá đồng tiền công khai, minh bạch để người dân yên tâm nếu không việc phá giá đồng tiền sẽ gây ra một cơn “hoảng loạn” trong dân chúng và điều gì sẽ xảy ra chắc ai cũng đoán được…

2. Việt Nam sẽ phải thay đổi toàn diện


Khủng hoảng thế giới lần này được đánh giá là cực kỳ nghiêm trọng, ngay cả những nước phát triển cũng rất vất vả để giải quyết. Trong khi Việt Nam đã có được một thời kỳ 20 năm phát triển gọi là “tạm ổn”, nhưng do sự phát triển của Việt Nam không có chiều sâu và sự bền vững mà chỉ dựa vào việc bán sức lao động rẻ và bán tài nguyên thô. Cuộc khủng hoảng không ai mong muốn này xảy ra là một sự tất yếu để điều chỉnh lại các sai lầm (thiếu sót) của tất cả các đường lối, các chính sách không phù hợp với sự phát triển tự nhiên. Đây cũng là qui luật đào thải tất yếu của cuộc sống.

Việt Nam sẽ rơi vào một khủng hoảng toàn diện và kinh khủng. Chính quyền Việt Nam không thể cứu vãn tình thế bằng những việc như đã làm từ trước đến nay như kiểu sai đâu sửa đấy, như kiểu xoa dầu ngoài da, hô khẩu hiệu và cho dân ăn bánh vẽ, chơi chữ và câu giờ…

Cuộc khủng hoảng lần này sẽ phải đụng đến cái gốc của mọi vấn đề đó là sự toàn trị của đảng cộng sản. Đúng như ông
Nguyễn Đình Hương (cựu Phó Trưởng ban tổ chức Trung ương đảng) đề nghị đó là “phải thay đổi từ nóc”. Nóc ở đây là sự toàn trị của đảng cộng sản.

3. Cách mạng phải diễn ra nên cần một “minh chủ” xuất hiện

Muốn thay đổi tận gốc sự toàn trị của đảng để Việt Nam có dân chủ, có tự do ngôn luận, có bầu cử tự do, có cạnh tranh chính trị…thì bắt buộc phải có một cuộc “cách mạng” diễn ra. Phải như vậy, không thể khác được. Một kẻ độc tài không bao giờ chấp nhận đối thoại và cạnh tranh, nhất là ở Việt Nam. Mọi tiếng nói bất đồng dù ôn hoà nhất vẫn bị đàn áp thẳng tay, chính quyền Việt Nam đã chọn con đường “được ăn cả, ngã về không”.

Có hai kịch bản để thay đổi tận gốc sự toàn trị của đảng, thứ nhất là do người dân không thể chịu đựng được nữa nên đứng lên làm cách mạng. Đây là kịch bản “tồi tệ” nhất vì đi cùng với nó sẽ là sự đập phá, trả thù…

Kịch bản thứ hai (sẽ rất triệt để và có lợi cho đất nước) là sẽ có một nhân vật cao cấp trong chính quyền, hay các tướng lĩnh trong quân đội đứng dậy làm một cuộc “đảo chính” thật sự, chấm dứt sự toàn trị của đảng cộng sản tuyên bố thực thi dân chủ và thành lập chính phủ lâm thời, sau 2 năm sẽ tổng tuyển cử trên toàn quốc để người dân Việt Nam chọn ra một chính quyền mới.

Để một cuộc cách mạng thành công thì phải có đủ ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, năm 2009 Kỷ Sửu là năm hội đủ cả ba điều đó.

Nhân vật “minh chủ” không nhất thiết là một người “kinh bang, tế thế” mà chỉ cần một người anh hùng, dám xả thân vì dân vì nước, một người có tiếng nói và uy tín đứng lên hiệu triệu quần chúng. Do người dân Việt Nam vẫn rất thiếu thông tin nên vì vậy phải có một người xuất thân từ bên trong chế độ xuất hiện để “cứu giống nòi” như trường hợp cố tổng thống Enxin của nước Nga hồi trước.

Có thể vị “minh chủ” này nghĩ rằng làm “đảo chính” xong rồi thì phải làm thế nào để xây dựng lại đất nước? Điều lo lắng này có cơ sở nhưng cũng đã có cách giải quyết. Không phải tìm đâu cho xa, mà đó chính là Dự Án Chính Trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Trong dự án đã có tất cả các phương án xây dựng lại đất nước. Đó là mô hình đại nghị và tản quyền. Dự án đó cùng với tất cả các thành viên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ là viên gạch, là nền mỏng vững chắc để xây dựng lại đất nước Việt Nam dân chủ và thịnh vượng. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ là “bộ óc” của tân chính quyền mới tại Việt Nam. Hay nói một cách dễ hiểu thì Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên như là “quân sư Nguyễn Trãi” chỉ còn chờ “anh hùng Lê Lợi” xuất hiện nữa là cách mạng sẽ thành công. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẵn sàng cộng tác và ‘kề vai sát cánh” cũng các lực lượng chính trị quốc nội nếu lực lượng chính trị đó chia sẻ các giá trị trong Dự án của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

4. Kỷ Sửu 2009- Mùa xuân của dân tộc Việt Nam

Năm Kỷ Sửu 2009 sẽ là một năm đầy khó khăn cho thế giới, nhưng cũng có thể đó là năm đại phúc cho nhân dân Việt Nam. Không có chế độ độc tài nào có thể tồn tại mãi mãi. Ngay cả các chế độ dân chủ (do người dân lựa chọn) cũng rất hiếm hoi có đảng phái nào cầm quyền được ba nhiệm kỳ liên tiếp.

Khủng hoảng thế giới và ở Việt Nam sẽ là thiên thời địa lợi, lòng người Việt Nam ai oán sẽ là nhân hoà để tạo ra sự thay đổi.

Bài viết “Vận nước sẽ sáng lên” của tác giả Hạnh An đăng trên BBC cũng tiên đoán rằng năm 2009-Kỷ Sửu sẽ có thay đổi lớn và rất tốt cho Việt Nam. Nhà văn Xuân Cang, một nhà nghiên cứu Kinh Dịch, cho rằng “đất nước trong năm Kỷ Sửu sẽ sáng lên rực rỡ, sẽ lợi về sự chính đáng”. Ông cũng tin rằng Việt Nam cần có “minh chủ có đức sáng” dẫn dắt: “bậc minh chủ lãnh đạo cần có cái đức sáng mới có thể lãnh đạo nhân dân vượt qua những khó khăn, mới phát huy được cái 'sáng' của quẻ Thuần Ly" Ông cũng tin rằng các nhà trí thức sẽ là chủ thể của quẻ Thuần Ly, là nhân tố chính có thể làm cho đất nước “sáng” lên (tất nhiên là phải như vậy rồi).

Bài viết này cũng trích lời các nhà nghiên cứu rằng năm 2009 sẽ là “thời kỳ chuyển động mạnh mẽ và phức tạp. Có thể có sự lo lắng, bối rối, sa sút niềm tin. Nhưng cũng chính từ trong những lo lắng đó những nhân tố mới có thể xuất hiện và hành động quyết liệt để thay đổi tình hình”, “Trong tiết Hàn lộ - sương giáng (20/8 - 20/9), có thế có sự thay ngôi, đổi vị hoặc trong lĩnh vực kinh tế, hoặc vì lý do kinh tế”.

Cũng là sự tình cờ ngạc nhiên khi nhớ lại câu thơ tiên đoán của tác giả Phạm Hồng Đức trong bài trường ca
“Gia đình cụ Bá” rằng:
Đảng tan năm Sửu cung Đoài
Rõ là tuổi Bác, Đảng thời bằng nhau…

Hôm nay là ngày 3/2/2009 kỷ niệm 79 năm ngày thành lập đảng cộng sản Việt Nam. Cũng là năm trùng với tuổi 79 của ông Hồ Chí Minh.

Với sự quan sát tình hình chính trị Việt Nam một cách thường xuyên và bình tĩnh cộng với những lời tiên đoán của các nhà nghiên cứu Kinh Dịch tôi hoàn toàn tin rằng “vận nước sẽ thay đổi” trong năm Kỷ Sửu 2009 này.

Việt Hoàng
(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)


No comments: