Saturday, February 7, 2009

NHÌN LẠI VẤN ĐỀ THUYỀN NHÂN

Phỏng vấn Ngụy Vũ về dự án “Nhìn Lại Vấn Đề Thuyền Nhân”
Thực hiện: Vũ Ðình Trọng/Người Việt

Friday, February 06, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=90534&z=1
LTS: Hồi Tháng Giêng vừa qua, bà Reme Grefalda, người lo về sưu tập tài liệu người Mỹ gốc Á Châu Thái Bình Dương thuộc Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ (Asian Pacific American Collection, Library of Congress), đã trình bày dự án “Nhìn Lại Vấn Ðề Thuyền Nhân” (“Boat People Retrospective” Project) trong một buổi gặp mặt mừng Xuân do hội Voice of Vietnamese Americans tổ chức tại Annandale, Virginia. Ðây là dự án mà văn phòng của bà đang cộng tác với một số tổ chức trong cộng đồng Việt Nam nhằm đưa tiếng nói của người Mỹ gốc Việt vào trong Thư Viện Quốc Hội.
Theo sự trình bày của bà Grefalda, dự án này đã bắt đầu được bàn thảo từ Tháng Năm năm ngoái giữa bà và một số người trong cộng đồng Việt Nam, với sự tiếp tay tích cực của cô Genie Nguyễn, đại diện cho tổ chức Voice of Vietnamese Americans. Bà cho biết: “Người Việt đã có mặt ở Mỹ một cách đông đảo từ năm 1975, cách đây cũng đã gần 34 năm. Văn phòng của tôi có trách nhiệm thu thập những 'tài liệu gốc' (original materials) từ chính những người làm nên lịch sử nước này. Vì thế nên chúng tôi rất mong có những tài liệu viết hay nói hay thu hình từ chính những người tị nạn Việt Nam, đặc biệt các thuyền nhân, do đó nên dự án mới gọi là 'Boat People Retrospective.'”
Nhân dịp này, phóng viên nhật báo Người Việt được anh Ngụy Vũ, tác giả tuyển tập “Chuyện Kể Hành Trình Biển Ðông” về vấn đề này. Sau đây là nội dung buổi phỏng vấn.


NV: Như báo Người Việt đưa tin, vừa qua Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ (TVQHHK) đã thông qua dự án “Nhìn Lại Vấn Ðề Thuyền Nhân.” Ðược biết, anh đã từng thực hiện một dự án tương tự từ năm 2002. Xin anh cho biết ý kiến về vấn đề này.
Ngụy Vũ: Khi tôi đọc tin này trên Người Việt Online, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Cả đêm tôi không ngủ vì cứ miên man suy nghĩ. Những gì tôi đã trải qua thật vất vả, mệt nhọc để hình thành tuyển tập “Chuyện Kể Hành Trình Biển Ðông” đã tan biến và để lại cho tôi một niềm hành phúc vô biên. Tôi rất vui mừng khi biết TVQHHK thông qua dự án “Nhìn Lại Vấn Ðề Thuyền Nhân,” tuy có trễ so với những gì tôi đã làm, nhưng lịch sử thuyền nhân Việt Nam đã được họ chính thức nhìn nhận. Niềm vui của tôi là tôi đã dấn thân và nhìn ra trước được thảm trạng thuyền nhân Việt Nam. Những gì tôi đã đánh đổi trong suốt những năm qua bây giờ được ghi nhận từ TVQHHK. Tôi không đo lường được sự ghi nhận từ cộng đồng Việt Nam tại Orange County, nhưng qua dự án này, tôi rất vui và tôi muốn chia sẻ, tôi muốn cảm ơn cả ngàn thuyền nhân đã cộng tác với tôi trong thời điểm đó.

NV: Với tuyển tập “Chuyện Kể Hành Trình Biển Ðông,” những tư liệu anh đã thu thập được từ bao năm qua về lịch sử thuyền nhân, anh có dự định hợp tác với những người thực hiện dự án của TVQHHK hay không?
Ngụy Vũ: Tự trong đáy lòng, tôi muốn cống hiến cho họ tài sản quý giá về lịch sử thuyền nhân Việt Nam. Tuy nhiên, điều này tùy thuộc vào họ, mục đích của họ, họ có muốn hợp tác và ghi nhận công lao của tôi để dùng tác phẩm đó cho lịch sử thuyền nhân Việt Nam hay không. Với tôi thì không có vấn đề, vì đó là mục đích của tôi. Tôi muốn cho không chỉ là người Việt mà cho cả nhân loại biết về thảm trạng thuyền nhân Việt Nam nên tôi mới tự bỏ tiền ra để thực hiện dự án của mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ, nếu ban tổ chức dự án của TVQHHK chịu nghiên cứu thì họ sẽ biết tất cả tác phẩm tôi thực hiện đã có trên kệ sách tại TVQHHK gồm hai tập tiếng Việt, một tập tiếng Anh và một tập tiếng Ðức. Mặc dù bản Anh ngữ chưa có cơ hội phát hành vì khi làm tới đó tôi cạn tiền, nhưng tôi cũng cố gắng in một số bản để gởi đến TVQHHK.

NV: Tại sao lại có bản tiếng Ðức?
Ngụy Vũ: Như anh biết, con tàu Cap Anamur của Bác Sĩ Rupert Neudeck, người Ðức, đã gắn liền với trang sử thuyền nhân Việt Nam từ năm 1979. Con tàu này đã vớt được khoảng gần 12,000 người Việt trên biển Ðông, và không ít người trong số này đã định cư tại Ðức. Tôi làm việc này để người Ðức hiểu được thảm trạng thuyền nhân Việt Nam và hiểu tại sao cộng đồng người Việt lại có mặt ở Ðức. Bản tiếng Ðức được phát hành năm 2004, và hầu như các em học sinh, sinh viên Việt Nam tại Ðức đều có cuốn này. Sau khi phát hành, tôi hiến tặng bản quyền này cho cộng đồng người Việt tại Ðức, họ có nhiệm vụ phát hành và phổ biến tác phẩm này rộng rãi. Tôi cho rằng đó là trách nhiệm của tôi với lịch sử của cộng đồng người Việt tại Ðức.

NV: Hai năm vừa qua, anh không tổ chức Ngày Thuyền Nhân vào Tháng Tư. Tại sao vậy?
Ngụy Vũ: Suốt năm năm trời khi thực hiện dự án “Chuyện Kể Hành Trình Biển Ðông” tôi đều có Ngày Thuyền Nhân mỗi năm. Hai năm qua tôi không tổ chức được vì hết tiền. Như anh biết, để tổ chức ngày này, phải có ngân sách lên tới khoảng $15,000 nhưng tôi chưa bao giờ kêu gọi sự đóng góp nào cả, vì vậy số tiền mà tôi dành dụm bao năm cũng bị cạn kiệt, thậm chí cho đến giờ này tôi vẫn phải tiếp tục trả nợ. Tuy buổi họp mặt hàng năm không được duy trì nhưng tôi vẫn tiếp tục công việc của mình.

NV: Công việc gì?
Ngụy Vũ: Hai năm nay tôi đang âm thầm hoàn tất bản Anh ngữ. Ngoài nội dung, tôi phải thu thập hình ảnh. Như anh biết, muốn bỏ hình vào sách, tôi phải mua hình từ TVQHHK, mà hiện giờ tôi không đủ khả năng tài chánh để làm việc này. Tôi muốn cuốn sách này có tiêu chuẩn đúng như một cuốn sách giá trị của Mỹ, có giá trị về cả nội dung và hình thức. Khi mình thực hiện việc gì đó đều có lời qua tiếng lại, đặt vấn đề. Chính cái đó làm tôi suy nghĩ, tôi cũng có chùn bước, nhưng khi làm xong tôi đã tự hỏi là công việc của mình như vậy thì đây là sự ghi nhận hay bài bác. Và sự bài bác như vậy là đến từ cá nhân hay đám đông. Khi tôi đi khắp nơi, các tiểu bang Hoa Kỳ, qua Ðức... rồi hợp tác với các giáo sư Mỹ làm bản Anh ngữ, họ cho tôi thấy rằng công trình của tôi làm rất lớn nên tôi nuôi giấc mộng là tôi phải hoàn thiện những tác phẩm này. Khi tôi nghe TVQHHK bắt đầu thực hiện dự án mà tôi đã làm cách đây năm năm, tôi nhận thấy một điều nữa là những gì tôi làm đều có giá trị, cho nên tôi nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục cống hiến cho lịch sử thuyền nhân Việt Nam bất cứ giá nào. Không cần biết sau này tôi tốn thêm bao nhiêu tiền.

NV: Theo anh thì bao lâu mới hoàn thành bản tiếng Anh?
Ngụy Vũ: Hiện nay, tôi phải làm lại từ đầu, phải dành dụm một khoản tiền khá lớn để mua hình từ TVQHHK, cho nên tôi cần người có lòng với lịch sử thuyền nhân Việt Nam hợp tác để đẩy nhanh tiến trình này.

NV: Cảm nghĩ của anh khi thực hiện dự án “Chuyện Kể Hành Trình Biển Ðông?”
Ngụy Vũ: Như anh thấy, khi chúng ta thực hiện một dự án mang tính lịch sử thì nếu đem tiền ra đo lường thì chưa chắc chúng ta thực hiện được. Tôi nghĩ là tôi được ơn gọi, và tôi cũng tin rằng những linh hồn của thuyền nhân Việt Nam đã chết kêu tôi phải làm chuyện đó. Ðến giờ này, khi nhìn lại những gì mình đã làm, tôi nghĩ đó là một giấc mơ. Ðã từng mỗi đêm tôi đọc những bài viết của thuyền nhân gởi về, tôi đã khóc thật nhiều bằng sự xúc động tột cùng. Suốt sáu tháng đầu tiên như vậy, khi tôi nhìn hình đảo Palau Bidong là nước mắt tôi chảy xuống, bởi quãng đời của tôi đã gắn liền với nó. Tôi là người làm không phải vì trí tưởng tượng, tôi là một trong số muôn ngàn nhân chứng. Tôi đã nhìn thấy đồng bào tôi chết một cách tức tưởi trên biển, tôi đã nhìn thấy mấy chục cô gái bị lọt vào bàn tay hải tặc Thái Lan. Nếu quý vị còn nhớ, giai đoạn 1989, 1990 là năm cuối cùng thuyền nhân Việt Nam vượt biên, và tôi may mắn sống sót trong một con tàu khi đến được đảo Palau Bidong. Sau đó, tôi đã hợp tác với Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cũng như cảnh sát ở Thái Lan để mà truy lùng và bắt bọn cướp ở trên biển, cho nên tất cả những điều đó đã trở thành một ám ảnh. Tôi làm việc ghi nhận lại lịch sử thuyền nhân Việt Nam như một nhân chứng, trong nước mắt, và tôn trọng sự thật.
Cà ngàn bài viết gởi về, lọc lại hơn 100 bài tiêu biểu, thể hiện gần như toàn bộ cuộc hành trình tìm tự do trên biển Ðông. Những bài viết được thực hiện trong thời gian mà sự xúc động của thuyền nhân đã lên tới cao điểm. Lần đầu tiên tôi phát động viết “Chuyện Kể Hành Trình Biển Ðông” thì cái cảm xúc của họ vẫn còn nguyên vẹn và lần đầu tiên họ đã viết hết, viết những gì họ đã trải qua. Nhân đây, một lần nữa, tôi cũng gởi lời cảm ơn tất cả những tác giả đó. Tôi muốn họ vui với niềm vui này vì chính họ là người đóng góp cho trang sử thuyền nhân Việt Nam để năm 2009 được TVQHHK nhìn nhận. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để tôi tiếp tục phát triển, và điều này nằm trong con đường mà tôi tiếp tục dấn thân để hoàn thiện bản tiếng Anh.
Những chuyến đi của tôi về Malaysia, Indonesia, rồi cuộc vận động cho 2,000 thuyền nhân Philippines được định cư... đều được xem như trách nhiệm của tôi để ghi lại lịch sử thuyền nhân. Cuộc đời của tôi gắn liền với trang sử đó, và đó là động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn để tìm kiếm những tư liệu xác thực về lịch sử thuyền nhân Việt Nam.

Anh Ngụy Vũ nói chuyện tại Ngày Thuyền Nhân năm 2005. (Hình: Ngụy Vũ cung cấp)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/90534-medium_NVHN-0980206-ThuyenNhan%201a.jpg

Anh Ngụy Vũ (thứ hai từ trái) họp với các thành viên Hội Hồng Nguyệt, Malaysia, về vấn đề hồ sơ thuyền nhân Việt Nam tại Kuala Lumpur, Tháng Tám, 2005. (Hình: Ngụy Vũ cung cấp)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/90534-medium_NVHN-0980206-ThuyenNhan%202a.jpg


Xem
Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông
tại :

http://www.vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=12542


No comments: