Wednesday, February 18, 2009

NHÀ TÙ CỘNG SẢN VIỆT NAM (Phần I)

Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam
Huỳnh Ngọc Tuấn
Đăng ngày 17-2-2009
http://danchimviet.com/articles/867/1/Hi-c-v-nha-tu-cng-sn-Vit-Nam/Page1.html
Kính tặng anh Nguyễn Ngọc Đăng

Các anh các chú đã từng đi qua những nhà tù Xuân Phước-Thanh Hóa-Nam Hà
Kính nhớ Bác sĩ Nguyễn Kim Long, chú Nguyễn Trưởng, anh Nguyễn Văn Bảo, anh Đỗ Hườn

Những người đã nằm xuống trong nhà tù Cộng sản Việt Nam vì những giá trị Dân chủ Nhân quyền.


Miền Trung Việt Nam bây giờ là chớm đông với những cơn mưa trút nước. Cánh đồng trước mặt một ngày trước đây mướt xanh màu lúa non, bây giờ đã mênh mông nước bạc. Những con đường nhỏ ngập ngụa trong bùn và rác…chẳng đi đâu được, đọc sách hoài cũng chán, mở tivi ra thi cứ toàn phim Tàu và những lời lẽ tuyên truyền cũ rích nhai đi nhai lại. Chỉ còn biết ngồi nhìn mưa và vừa nhận được email từ Úc: Ông bạn Nguyễn Ngọc Đăng đang bị ốm. Lòng buồn rười rượi. Bao nhiêu kỷ niệm lại quay về.

Trại giam Xuân Phước-Phú Yên, mùa đông 1994

Những cơn mưa nhỏ lất phất, trời không lạnh, những người tù chính trị chúng tôi trong đội 12 vào nghỉ giải lao trong một căn nhà lợp lá dừa. Cũng không phải là nhà vì chỉ có mái che, chung quanh không có phên vách gì.
Tôi-một người tù chính trị còn rất trẻ và mới toanh, lúc đó tôi mới 35 tuổi, tìm một chỗ khiêm tốn giữa những bậc trưởng thượng. Tôi gọi họ là trưởng thượng vì tuổi tác họ đáng bậc anh cả hoặc cha chú; về con đường đấu tranh cho những giá trị tự do dân chủ, họ là những người đi trước. Những người như chú Phạm Đức Khâm-thành viên diễn đàn Dân chủ của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt. Thiếu tá Đặng Trần Phương, một sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng hoà. Đối với tôi, họ là bậc cha chú và cũng là những người thầy đáng kính.
Trong đội 12 lúc này, còn có Phạm Văn Thành từ Pháp về cũng rất trẻ, Thành nhỏ hơn tôi 1tuổi. Anh Dương Văn Sĩ hơn tôi 2 tuổi nhưng tham gia đấu tranh và bị bắt lúc 24 tuổi chưa hề biết bàn tay nuồt nà của phụ nữ ra sao!, anh Trần Nam Phương, anh Hoàng Xuân Chinh, Trương Nhật Tân là những người đồng hương Quảng Nam, cũng là những người anh cả dìu dắt giúp đỡ tôi trên con đường gian khổ và đầy hiểm nguy trong nhà tù. Anh Nguyễn Văn Trung, Vũ Đình Thụy là những người đã đi trước tôi trên con đường đấu tranh này hơn 10 năm…Đứng giữa những con người này tôi thấy mình nhỏ nhoi và non trẻ. Anh Bùi Gia Liêm một cựu sĩ quan (Đại uý) có mái tóc bồng bềnh và bạc trắng với hàm râu quai nón bao kín mặt, đôi mắt hiền từ, giọng nói ấm áp, cử chỉ ân cần, mang đến cho chúng tôi một ấm trà nóng và bao thuốc lá rẻ tiền…Tôi không hút thuốc, chỉ ngồi uống trà và nghe các anh nói chuyện.
Anh công an dẫn giải đội đứng gần đó, anh này người sắc tộc miền núi phía Bắc, dáng người cao gầy (đi qua mấy nhà tù Cộng Sản, tôi chưa gặp người công an nào tốt như anh ta. Sau này anh ta bị thải hồi).
Đứng khoảng 5 phút, anh ta lại bỏ đi. Tôi không biết anh ta nghĩ gì, nhưng có lẽ anh ta muốn tỏ ra lịch sự không muốn nghe lén chuyện người khác. Hơn nữa, ở đây là rừng núi, chung quanh kiểm soát chặt chẽ chẳng sợ ai trốn.
Anh Thành ra hiệu cho chúng tôi xích gần lại để thông báo cho chúng tôi biết một tin quan trọng. Theo nguốn tin từ những anh em đi làm “rộng” cho biết : Đài VOA đưa tin sắp tới sẽ có một phái đoàn của uỷ ban Nhân quyền Liên hiệp quốc đến Việt Nam để thanh sát, chưa biết chính xác thời gian nhưng khoảng một tuần nữa. Mọi người trao đổi với nhau chớp nhoáng và sơ khởi ý kiến của mình ..sẽ làm gì, nói gì khi phái đoàn đến. Riêng tôi rất hồi hộp và vui mừng vì nguồn tin này.
Hai, ba ngày sau đó, ban giám thị trại giam quyết định cho tổng kiểm tra. Chúng tôi được nghỉ một buổi để kiểm tra buồng giam và đồ đạc cá nhân. Hai cán bộ an ninh-1 trực trại cùng với 1 anh tự quản (có nơi gọi là trật tự-họ là những tù nhân thường phạm được chọn lựa cẩn thận về lý lịch). Từng người một mang đồ của mình ra sân, bày ra hai tấm chiếu trải dưới đất. Hai cán bộ của trại kiểm tra từng trang sách, từng chiếc áo, chiếc quần. Họ lộn ngược, lộn xuôi, lục lọi cẩn thận, nắm bóp khắp nơi. Họ mở từng hộp trà, bao muối, xé tung những bao mì tôm, bao thuốc lá. Xong đồ dùng cá nhân-họ khám xét trong người .Cởi quần dài, áo ngoài ra, còn lại đồ lót. Họ thận trọng nắn bóp từng chỗ kín. Nếu có nghi ngờ ai về một điều gì đó thì sẽ khám kỹ hơn. Bảo người tù cuối khom xuống, anh trật tự kéo quần lót xuống, dùng hai tay vạch mông ra nhòm vào hậu môn, hai cán bộ trại giam cũng dòm vào cái nơi tối tăm và không sạch sẽ đó, đầu nghiên qua nghiên lại rất cẩn trọng !!!
Kiểm tra xong, chúng tôi được lệnh chuyển buồng giam. Tôi mang đồ đạc của mình vào buồn số 2, khu A.
Sau khi ổn định chỗ nằm tôi mới biết tất cả những người tù chính trị được xem là “có vấn đề” đều dồn hết về đây. Buồng số 2 của tôi gồm có 3 đội: Đội 12, đội 17, đội 2- Buồng số 1 cũng có 2 đội : đội nhà bếp-quy tụ những tù nhân chính trị có mức án từ 20 năm đến chung thân và phần lớn những anh em trong tổ chức Liên đảng của ông Hoàng Việt Cương, đội 6 và những nhân sự đặc biệt giúp việc cho cán bộ. Tôi và anh Nguyễn Ngọc Đăng, người của Liên đảng có quốc tịch Canada. Anh Đăng là người thấp đậm, người Bắc 54 ở cùng buồng. Trước đây, những buổi chiều, khi tôi đi làm về, cơm nước xong đi dạo ngoài sân chờ điểm danh. Chúng tôi cũng chỉ mỉm cười, chào xã giao, trao đổi một vài câu về thời tiết. Lúc này, anh Đăng đã nổi tiếng trong anh em là người ăn nói bộc trực. Có khi làm mất lòng anh em và làm cay cú những tay cán bộ trong trại. Có một lần, anh vừa đi lại trong sân buổi chiều, vừa hát rất to: ”Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến, hận thù đằng đằng, nên hoà hay chiến. Nên chiến! Nên chiến...” anh hét lên rất to…Anh em ai nghe thấy cũng cười lắc đầu. Cán bộ của trại nghe anh hát với một thái độ đầy ẩn ý nhưng cũng lờ đi. Nếu là anh em quốc nội thì đã bị chụp cho cái mũ nào đó và đi cùm là cái chắc rồi . Tôi phục anh lắm.

Có một điều là ở đây, những người tù chính trị trại A20 Xuân Phước này chưởi chế độ, chưởi cộng sản rất thoải mái, không sợ hãi gì..Lúc mới vào Xuân Phước từ trại giam An Điềm Quảng Nam, nghe anh em công khai chưởi cộng sản tôi phát hoảng. Lúc này, tôi mới hoàn hồn. Vì ở Xuân Phước này khác xa với An Điềm, Quảng Nam. An Điềm, Quảng Nam là một địa ngục thực sự. Đặt chân đến Xuân Phước tôi mới hy vọng mình có thể sống sót để quay về với các con. Tại An Điềm, không có chút hy vọng nào có thể sống còn. Nếu không chết vì tra tấn đánh đập thì cũng chết vì kiệt sức bởi chế độ cưỡng bức lao động nghiệt ngã với điều kiện sinh hoạt tồi tệ đến tận cùng. Tại An Điềm, Quảng Nam chỉ có 6 tháng ở đó mà tôi đã chứng kiến mấy vụ tự tử. Một người nhảy từ cầu treo cao hơn 10m, một người treo cổ, một người uống thuốc trừ sâu, một người tự cắt đứt nhượng chân, một người tự cắt đứt nhượng tay của mình vì không chịu đựng nổi chỉ tiêu và điều kiện lao động cùng với sự tra tấn đánh đập dã man ở đây.

Ở Xuân Phước thì mình được mua hàng ở Canteen và tự nấu ăn, lao động thì cũng vừa sức và điều quan trọng là được ngủ yên giấc; không bị ngồi nội quy, không bị đánh đập tra tấn nếu không hoàn thành chỉ tiêu lao động. Người điều hành của trại giam A20 này toàn là người Miền Bắc vì là trại của Bộ công an.
Tôi có cảm tưởng là người miền Bắc họ tốt hơn người Quảng Nam. Cũng là cộng sản nhưng người miền Bắc không quá tàn ác như người Quảng Nam. Rồi khi sống gần gũi với những người như anh Nguyễn Ngọc Đăng, chú Phạm Đức Khâm, anh Phạm Anh Dũng, Phạm Văn Thành, tôi lại quý những người miền Bắc hơn. Có thể những cảm nghĩ này là ngây ngô, nhưng nó xuất phát từ tận đáy lòng.

Ba ngày sau…
Vẫn là những cơn mưa lất phất, đôi lúc tưởng trời hững nắng lúc về chiều, so với Quảng Nam thời tiết ở đây thật dễ chịu, không có những cơn mưa như trút nước hoặc dai dẳng đến thối đất. Chúng tôi vẫn đi làm và trao đổi những thông tin mới nhất. Theo nguồn tin đáng tin cậy thì phái đoàn của Uỷ ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ đến trong ngày mai. Buổi tối, anh em vẫn uống trà như mọi ngày, nhưng trong lòng ai nấy cũng bồi hồi vì đây là cơ hội để trình bày với phái đoàn những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Ai cũng chuẩn bị cho mình một bài “diễn văn” súc tích nhất. Chúng tôi cố gắng giữ bí mật làm như không biết gì cả, vì trong phòng có rất nhiều tai mắt Cộng Sản.
Vẫn như mỗi tối, anh Nguyễn Đức với cây đàn Guitar đặt nằm trên sàn, anh dùng một thanh sắt nhỏ, sáng bóng ấn lên 6 dây đàn, tay kia lướt trên mặt đàn, bàn tay khô gầy nhưng mềm mại, uyển chuyển, sinh động vô cùng. Tiếng đàn thoát ra du dương đến lạ lùng. Tôi có hỏi anh vì ngạc nhiên lắm, lần đầu tiên trong đời được thưởng thức âm thanh lạ lẫm và mềm mại này. Anh mỉm cười, tay vẫn lướt trên từng phiếm đàn: ”Mình bắt chước tiếng Hạ uy cầm”
Tối nay, mân mê chén trà trên tay, vẫn tiếng đàn mượt mà ấy, vẫn tiếng nhạc mà tôi yêu thích ấy nhưng không sao tập trung được. Tuy vậy tôi vẫn nhận ra sự ngập ngừng khác thường khi anh Đức dạo khúc: ”Tiếng Xưa” của Dương Thiệu Tước. Có lẽ anh cũng đang trong tâm trạng như tôi.
Một đêm dài trôi qua trong thao thức, trằn trọc, tôi thức giấc khi nghe tiếng kẻng.

Như mọi ngày, làm vệ sinh cá nhân…nhận cơm sáng ăn vội vàng và ra sân tập hợp đi làm.
Hôm nay trời hững nắng..màu nắng vàng ươm trên những tán cây dừa làm cho chúng như ướt đẫm nước. Cái vùng đất Phú Yên này rất hợp với dừa, cây nào cũng trĩu quả, nối tiếp quanh năm. Tôi chợt nhận ra Quê hương mình mỗi nơi mỗt vẻ, mỗi nét riêng. Tôi đến ngồi bên cạnh chú Phạm Đức Khâm. Chú Khâm người thấp đậm, màu da hồng hào, chú đã ngoài 60, mái tóc bạc khá nhiều nhưng đó là mái tóc gợn sóng bồng bềnh, nghệ sĩ với một gương mặt đẹp quý phái…Chú là một con người nhân hậu. Khi chân ướt chân ráo đến Phú Yên, tôi may mắn được Trương Nhật Tân giới thiệu với chú. Lúc đó tôi mới 35, bằng tuổi con trai đầu của chú. Với tôi, chú mãi là người thầy đã dìu dắt tôi, trao truyền cho tôi những kinh nghiệm quý báu.
Chú là chứng nhân của một thời đại-thời đại đầy đau thương và nước mắt của dân tộc. Chú kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện. Khi tâm sự với tôi, chú nói có dự định sau này sẽ viết một cuốn hồi ký về cuộc đời mình. Cuộc đời đã can dự và chứng kiến những thăng trầm của đất nước, những biến cố lớn của dân tộc. Tôi vẫn chờ được đọc cuốn hồi ký đó và tôi tin rằng đó sẽ là một cuốn sách hay và rất giá trị để những người trẻ sau này hiểu được những gì đã xảy ra với đất nước và dân tộc mình.
Sau khi lục xét từng người, chúng tôi xuất trại. Khu đất của đội 12 chúng tôi tiếp giáp với trại. Ở đây có nhiều ao nuôi cá, rất nhiều cá: rám cỏ, mè, rôphi, chép. Tôi được những anh em “cựu chiến binh” từ những ngày đầu kể cho nghe những ngày tháng hãi hùng trước biến cố Đông Âu và sụp đổ của Liên Xô. Lúc đó, chế độ lao từ ở đây cực kỳ nghiệt ngã, với sự tra tấn đánh đập, cưỡng bức lao động và thiếu đói: đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều anh em. Có những người còn rất trẻ, chỉ mới tuổi đôi mươi. Chưa một lần cầm tay người phụ nữ, chưa biết hương vị của tình yêu, họ đã dấn thân vào con đường đấu tranh vì không thể sống nỗi với chế độ bạo ngược tàn ác, vì không thể khoanh tay đứng nhìn những người cộng sản đang dẫn dắt dân tộc và đất nước vào hố thẳm, vì đã sớm nhận ra cái chủ nghĩa phi nhân hại nước, vì đã sớm đoán định ra cái não trạng hoang đường, phiêu lưu nguy hiểm của tập đoàn cộng sản. Và họ đã ngã xuống...,mãi mãi ra đi khi ước mơ giải phóng dân tộc khỏi sự mông muội, tái lập Tự do-Dân chủ chưa thành.Nhưng sự hy sinh của họ lịch sử sẽ không quên.
Rất nhiều lần tôi đứng trên dòng suối nhỏ, nơi có chiếc cầu tre bắc qua. Chung quanh là màu xanh của bắp, của rau xanh, của những tán dừa..màu vàng chói chang của ánh nắng hắt lên từ mặt hồ..Tôi vẫn ý thức một cách thường trực rằng: Đất dưới chân tôi đang đứng đây, trên con đường mòn nhỏ quanh co này, máu và xương của những người yêu nước đã đổ xuống đây!
Chúng tôi được anh đội trưởng Ngô Bích phân chia công việc.
Hôm nay, tôi, chú Khâm, Phạm Văn Thành và mấy anh em khác đi cắt cỏ,nhổ rau cho cá.Tôi và anh Trần Đức Hào gom cỏ và rau sam vào giỏ tre lớn để ném xuống ao cho cá. Dưới làn nước đục ngầu, cá rất nhiều. Tôi ôm từng đống cỏ lớn và rau ném xuống mặt hồ. Chỉ một lát sau mặt nước xôn xao bóng cá, chúng vùng vẫy tranh giành nhau, làm cả một vùng nước xao động. Những con cá trắm cỏ to bằng bắp vế người lớn, những con cá mè 10-15 kg, chao lượn ..thấp thoáng những chiếc lưng đen trũi. Trông đẹp lạ lùng.
Đến giờ giải lao, chúng tôi tụ tập trong túp lều lợp bằng lá dừa để uống trà và trao đổi tin tức. Tôi nói với chú Khâm:” Chú hát một bài cho anh em nghe đi chú”
Chú Khâm cười thật giòn: ”Bây giờ có lòng dạ nào mà hát nữa chứ.”
Nói thì nói vậy nhưng chú vẫn hát. Bài hát tôi vẫn ưa thích: ”Anh đến thăm em một chiều mưa”.
Anh Trần Diễn, một người rất am hiểu về âm nhạc, cộng với khả năng xướng âm tuyệt vời…huýt sáo theo tiếng hát..Khi bài hát chấm dứt, anh nói: “Anh Khâm có chất giọng rất tốt”
Chúng tôi - mỗi người đón nhận mấy cây kẹo của thầy Mai Đức Chương trao cho. Thầy Mai Đức Chương thuộc dòng Đồng Công của Đức Cha Trần Đình Thủ…Khi chưa bị bắt, tôi có đọc báo về vụ án này... Tôi có hỏi thầy về sự thật của việc này. Thầy điềm tĩnh nhưng thoáng nét buồn rầu trên khuôn mặt già nua:
”Chính quyền họ dựng lên vụ án này để cướp đất, cướp tài sản của giáo hội và cũng để trừng phạt vì Cha bề trên không chịu hợp tác với chính quyền. Họ sợ những ảnh hưởng của Đức Cha trong cộng đồng giáo dân không có lợi cho họ. ”Giờ tôi mới hiểu ra đây chỉ là vụ vừa ăn cướp vừa la làng, đây không phải là vụ đầu tiên cũng không phải vụ cuối cùng!

Tôi viết những dòng này khi sự kiện Thái Hà và Toà khâm sứ vừa lắng xuống nhưng chưa chấm dứt…
Vấn đề là hoàn cảnh bây giờ đã khác xưa…Cộng sản Việt Nam không còn đủ thế và lực để làm ra một vụ như vụ án Đồng Công nữa. Cộng sản Việt Nam đã bị đẩy vào thế phòng ngự.

Chúng tôi tiếp tục đi cắt cỏ, chỉ còn hai giỏ nữa là đủ chỉ tiêu cho buổi mai. Chúng tôi cố gắng hoàn thành thật sớm để còn đi kiếm ít rau cho mình. Đi ngang qua vườn rau thơm, anh Nguyễn Đức phụ trách cái vườn này, tôi thấy anh lom khom, chậm rãi cắt rau. Ở đây có đủ loại rau thơm, bạc hà, tía tô, ngò, hành hương, rau răm, dấp cá -mùi thơm quen thuộc và hấp dẫn.
Mới sáu mươi mà anh Đức trông như một ông cụ ngoài 70 hom hem, yếu đuối. Trông anh tôi vô cùng ái ngại với bản án chung thân, với một sức khoẻ tàn tạ như thế, anh còn có cơ hội để quay về với các con không? Anh đứng lên, dùng nắm tay xương xẩu đấm nhè nhẹ vào lưng khi tôi vừa ngang qua chỗ anh, anh nhìn tôi, nụ cười thân thiện. Anh bảo: ”Lấy một ít rau thơm về ăn đi em”.
Tôi cảm tạ và nhận một gói ni lon nhỏ đầy rau mà anh đã dành cho tôi…nói với anh dăm ba câu, tôi vội vã đi về bờ ao rau muống.. Tôi lội xuống hái một ít rau muống về luộc cho bữa trưa. Ao và ruộng ở đây không có đỉa. Tôi rất sợ đỉa. Thời gian ở An Điềm để lại một ấn tượng hãi hùng làm cho trong những giấc mơ tôi vẫn còn sợ. Ruộng ở An Điềm toàn đỉa ơi là đỉa. Chúng tôi bị chúng tấn công tứ phía. Cái loại sinh vật hút máu người này thật quái ác, chúng chọn những chỗ hiểm để hút máu. Có những anh em tù.. bị đỉa bâu vào chỗ kín, về đến buồng giam ngủ một đêm. Sáng ra thấy máu chảy dầm dề, lúc đầu phát hoảng, sau mới biết là đỉa. Cởi quần lôi nó ra, cả một cục bầy nhầy gớm ghiếc. Có những chuyện đau lòng mà tôi đã tận mắt chứng kiến chung quanh “Con đỉa An Điềm”. Có một người tù vượt biên khốn khổ, không có thăm nuôi,chắc gia đình anh nghèo quá. Chị vợ trẻ đi làm không đủ nuôi con, lấy tiền đâu thăm anh. Trong tù chỉ có cơm và muối trắng. Chỉ tiêu đặt ra cho một người bằng ba bốn người khoẻ mạnh bên ngoài thì làm sao không kiệt sức. Nếu không hoàn thành thì bị đánh đập dã man. Bọn cai ngục ở An Điềm, chúng nghĩ ra nhiều hình thức trừng phạt tù nhân vô cùng độc ác: cách ly, không được nói chuyện, quan hệ với ai, không được ngủ trưa cho lại sức, tối về bị đấu tố, hành hạ, đánh đập, xỉ nhục hoặc ngồi nội quy (ngồi nhìn bản nội quy đến sáng), hoặc cúi khom lưng xuống nền nhà như tư thế người nông dân cấy lúa với một viên đá tròn đặt trên lưng,nếu viên đá rớt xuống sẽ bị đánh, nhẹ thì 1-2 tiếng đồng hồ, nặng thì đến 12 giờ khuya. Với một chính sách “khoan hồng” như thế, làm sao không kiệt sức cho được.

Trại tù An Điềm, Quảng Nam. Ảnh: Google
http://danchimviet.com/javascript/1x1.gif

Người tù vượt biển đó bị một con đỉa bu vào sau tai trong lúc hì hục vác lúa đến máy tuốt, khi máu me bê bết anh mới hay. Trong nỗi khốn cùng tuyệt vọng, anh nói: ”Tau đã khổ thế này mà mày còn hút máu tau nữa sao?!”

Mấy tên công an dẫn giải và quản lý đội của anh nghe câu nói đó. Chúng nó coi câu nói toát ra từ một con người tuyệt vọng có ẩn ý gì, nên anh bị gọi lại..và một trận đòn man rợ đã phủ xuống tấm thân tàn tạ của anh. Anh không đứng lên được nữa, người ta khiêng anh về đưa xuống trạm xá trại...Rồi nghe nói người ta đưa anh đi bệnh viện..nhưng từ đó không thấy anh đâu. Có người nói anh ta đã chết, có người nói anh ta được khoan hồng cho về với gia đình.
Vừa nghĩ miên man vừa hái rau, tôi nghe tiếng ai gọi, quay lại thấy anh Dương Văn Sỹ đang trong túp lều lợp lá dừa. Tôi đi về phía anh. Anh Sỹ còn rất trẻ, chỉ hơn tôi hai tuổi nhưng ở tù trước tôi mười năm với mức án chung thân. Anh Sỹ người tỉnh Sóc Trăng, nước da trắng hồng, tay chân và ngực đầy lông, anh phụ trách việc chăn nuôi heo gà cho đội. Anh đưa cho tôi một gáo nước dừa non..thật tuyệt vời!
Ở trại Xuân Phước này chúng tôi được uống nước dừa thường xuyên, có khi chúng tôi được thưởng công vài trái dừa non hoặc bỏ tiền ra mua, dù sao cũng có cơ hội được uống thứ nước tuyệt với này.
Kẻng báo thức buổi chiều sớm hơn thường lệ. Chúng tôi bị lùa ra sân trại. Tại đây được bày biện sẵn một dãy bàn ghế phủ khăn sơ sài, mấy lọ hoa nhựa vô duyên đứng chơ vơ, nó cũng vô duyên như mấy khuôn mặt của Ban giám thị trại-vênh váo, kệch cỡm. Chúng tôi nhìn nhau không ai nói điều gì nhưng ai cũng hiểu là có vẫn đề gì đó liên quan đến việc phái đoàn thanh sát nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Tay phó giám thị của trại Xuân Phước thông báo cho chúng tôi biết với vẻ quan trọng thái quá thường trực ở con người này:
- Chiều nay các anh được nghỉ lao động,và để đối phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Giám Thị trại quyết định tổ chức buổi thực tập chống bão lụt. Các anh sẽ đựoc Cán bộ hướng dẫn các kỹ năng cứu hộ, yêu cầu tất cả mọi người nghiêm chính chấp hành mệnh lệnh của cán bộ. Ai vi phạm sẽ bị kỹ luật nghiêm khắc.
Dứt lời một vỡ kịch thô vụng được dàn dựng, một số nhân sự đặc biệt của trại đóng vai người cứu hộ,nạn nhân là những người bệnh đang chết mòn chết dần trong trạm xá của trại vì không có thuốc được đem ra diễn, trông họ thật đáng thương. Phần nhiều trong số bệnh nhân này mắc bệnh hiểm nghèo như lao phổi, ung thư, tiểu đường, bại liệt. Họ được những người tù thường phạm được huấn luyện cõng hoặc đưa lên băng ca cán ra ngoài, không biết là đi đâu. Một ít đồ đạc cá nhân được mang theo.
Đội 12 chúng tôi được lệnh xuất trại. Lần này với hai cán bộ dẫn giải, như vậy chúng tôi sẽ được quản lý chặt chẽ hơn. Chúng tôi bị dẫn vòng vèo trên một con đường quanh co dưới bóng dừa. Sau đó băng qua một rẫy mía, lại về đến đội 12 nơi chúng tôi vẫn làm việc. Chúng tôi được chỉ định nghỉ giải lao, một nửa nghỉ trong lều,một nửa nghỉ trên bờ hồ.
Mười lăm phút sau, Đại uý Thăng-cán bộ quản giáo của đội bảo chúng tôi đi cắt cỏ cho cá…Một số anh em thấy khó hiểu? Anh Nguyễn Văn Trung vốn là người nóng tính,bộc trực lên tiếng hỏi
- Chiều này chúng tôi được nghỉ để thực tập chống bão lụt mà ?
Cán bộ Thăng cười gượng gạo:
- Nói thì nói thế, các anh ngồi không cũng buồn, giúp tôi cắt cỏ cho cá, sẽ có bồi dưỡng cho các anh.
Nói rồi anh ta bảo anh TMT đi hái dừa.
Trong số những cán bộ quản giáo. Tôi nhận thấy Thăng là một người khá biết điều, không quá khắc nghiệt như những cán bộ khác. Khi tôi mới vào trại Xuân Phước được biên chế vào đội 12, qua hai tháng thì chuyển qua đội 6 để làm gạch. Công việc trong lò gạch vừa nguy hiểm vừa nặng nhọc. Tên cán bộ quản giáo Nguyễn Văn Cát là người tham lam vô độ, hắn muốn vắt kiệt sức người tù. Lúc nào cũng chèn ép anh em nhưng khi gặp sự chống đối thì hắn lại nhượng bộ, được vài hôm hắn lại tìm cách khác để bóc lột sức anh em. Công việc sản xuất gạch mang lại cho hắn những món lợi kếch xù, nhưng hắn không bao giờ thoả mãn.
Mấy tháng ở đội 6 làm tôi vất vả, tuy không nghiệt ngã như ở An Điềm nhưng cũng khá nặng nhọc, hơn nữa tôi muốn có thời gian để đọc sách thêm nên tôi rất hay nghỉ việc mà không xin phép, viện lý do là không làm nổi. Tên Cát muốn kỷ luật tôi để dằn mặt anh em. Tổ chức họp đội để lên án và lấy ý kiến làm cơ sở để kỷ luật tôi nhưng tất cả anh em đều đứng về phía tôi, bảo vệ tôi, nhất là anh Hoàng Xuân Chinh, nên cuối cùng tôi chỉ bị cảnh cáo trước trại rồi chuyển về đội 12. Tôi thoát được hình thức kỷ luật nhưng cũng trầy trật và căng thẳng vì bị gọi đi làm việc liên miên mấy ngày ròng rã.
Cả đội đi cắt cỏ, anh TM Tuấn và mấy anh em khác đi hái dừa.
Chúng tôi chui vào rẫy mía để nhổ rau dền cho cá, trong rẫy mía có rất nhiều rau dền đỏ, chúng mọc dày trên mặt đất, có cây cao hơn gang tay, tạo thành một tấm thảm lỗ chỗ màu đỏ tía trông tuyệt đẹp. Thỉnh thoảng tôi cũng nhổ một ít về luộc ăn.
Ngồi khuất trong rẫy mía chúng tôi nói chuyện tương đối thoải mái. Ai cũng đồng ý đây là một vỡ kịch để đối phó với tình hình. Chúng tôi hiểu vừa rồi, họ đưa những người bệnh sắp chết đi giấu một nơi nào đó để khi phái đoàn đến, không nhìn thấy những thây ma vật vờ làm mất đi hình ảnh “ưu việt” của nhà tù CS, thay vào đó là những người khoẻ mạnh được đóng vai bệnh nhân. Chắc là trên đầu giường của những người đóng vai “bệnh nhân” đó đầy ắp những lon sữa, những hộp thuốc quý và thức ăn mà người bệnh nằm mơ cũng không thấy. Khi phái đoàn đi rồi, những hộp sữa, hộp thuốc, hay thức ăn đó được lấy lại cất đi.
Vở kịch này tôi đã mục kích tại trại giam An Điềm, lần đó là để quay phim.
Có đoàn làm phim từ trung ương về, vậy là họ biến chúng tôi thành những diễn viên bất đắt dĩ. Bản chất lừa bịp và coi thường công luận dẫn họ đến những hành động vượt quá ranh giới của sự dối trá…nên biến thành lố bịch.
Những người tù ở trại giam An Điềm kiệt sức vì công việc quá nặng nhọc, bàn tay rách toạt, tươm máu vì nhổ mạ hay cắt lúa được bố trí ngồi đọc sách ở thư viện được mở cửa vài năm một lần, những người bệnh chỉ còn da bọc xương nằm chờ thần chết đến rước..bỗng một ngày thấy mình nằm giữa đống thuốc và thức ăn đầy ắp ngon lành…được chiêm ngưỡng trong chốc lát những thứ mình khao khát đó..Rồi hình ảnh cán bộ CS kéo chăn đắp cho tù nhân..được chiếu trên Tivi cho người dân thấy được sự nhân ái của công an CSVN làm tôi thấy buôn nôn. Ở đất nước VN này, có ai không biết công an CS và sự tàn bạo của họ, chỉ cần có cơ hội là người dân sẽ tự phát đứng lên..và máu sẽ đổ thành sông... Họ sẽ mổ bụng, moi gan Việt cộng, có khi con cái những người này cũng bị vạ lây. Nghĩ đến viễn cảnh này, tôi muốn hoá thân thành bướm như Trang Tử để khỏi phải thấy…một ngày nào đó không xa.


(Còn tiếp)

© 2009 Đàn Chim Việt


No comments: