Thursday, February 12, 2009

MUỐN PHỤNG SỰ NHƯNG PHẢI VƯỢT BIÊN

'Muốn phụng sự nhưng buộc phải ra đi'
Phạm Khiêm
Phỏng vấn tại Sydney
12 Tháng 2 2009 - Cập nhật 10h55 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/story/2009/02/090212_lieuvinhbinh_sydney.shtml
Là người Việt gốc Hoa, và vừa hoàn tất văn bằng Y khoa Sài Gòn năm 1978, bác sĩ Liêu Vĩnh Bình nghĩ rằng ông là người Việt. Với kiến thức về y tế, ông luôn muốn giúp người dân bằng mọi cách có thể.
Ngày 30/4/1975 dù có vé di tản sang đảo Guam, ông quyết định ở lại.
“Mình quyết định ở lại Việt Nam vì lúc ấy tuổi còn trẻ và còn tình yêu quê hương đất nước. Nếu đi chỉ có cá nhân sung sướng thôi, mình muốn ở lại để tiếp tay cho đất nước đang còn nghèo khổ.”

Vị bác sĩ thân hình nhỏ gọn, vẻ mặt minh mẫn tiếp tôi tại phòng mạch tư ở đường Chapel Road, Bankstown. Đây là một trong những khu shopping lớn của người Việt ở Sydney. Từ phòng mạch trên lầu một nhìn xuống, người ta thấy cả dãy phố buôn bán sầm uất, san sát cửa tiệm với bảng hiệu bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, và Hoa.
Năm nay tròn 30 năm bác sĩ Bình định cư tại Úc, và thái độ dấn thân, phục vụ cộng đồng của ông vẫn nguyên vẹn như hồi xưa. Ông là Chủ tịch Hội thương gia Á Úc Thần long. Và là Chủ tịch Hội Y sĩ Úc châu.
Quê gốc ở Bạc Liêu, vùng đất ông gọi là vựa tôm và vựa lúa của đồng bằng Cửu Long. Tuổi trẻ của ông sống trong sự trù phú và thanh bình, xung quanh ông là bà con người Hoa cần mẫn làm ăn:
“Người Hoa họ làm việc rất là cần cù, phần lớn là buôn bán, nhiều người rất thành công. Một số con em của người Hoa ở Bạc Liêu cũng tham gia chánh quyền, hoặc quân đội. Hoặc vô đại học, có những người suất sắc và nổi tiếng,”
“Chứ không phải ai cũng là công tử Bạc Liêu đâu,” ông cười một cách sảng khoái.

Thất vọng

Khi tốt nghiệp Y khoa năm 1978 bác sĩ Bình làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy. Chẳng bao lâu sau đó, ông được điều về trạm chống sốt rét của tỉnh Minh Hải. Đây là vùng tận cùng của Việt Nam, đời sống đã nghèo khổ lại còn bị cách ly bởi nhiều bưng biền, kinh rạch.
Vậy sau sau năm 1975 người Hoa ở Bạc Liêu có lo lắng không, khi thể chế thay đổi, chính quyền cộng sản (CS) tiếp thu?
“Ban đầu họ cũng lo, giống như tất cả người Việt Nam còn ở lại thôi, vì tình hình thay đổi. Tuy nhiên kể từ khi có chính sách đánh tư sản mại bản, nhà nước đánh trực tiếp vào những người làm thương mại, người Hoa bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong giai đoạn đó.”
Và nhiều người Hoa chọn cách ra đi. Liệu họ có bị giằng co giữa một bên là nhà cửa, tài sản, nơi chôn nhau cắt rún. Và bên kia là một chuyến đi chưa biết bến bờ?
“Khách quan mà nói toàn dân Việt Nam khi ấy muốn ra đi. Cá nhân ở lại là vì, tôi nghĩ đến sự hô hào, ý tưởng tốt đẹp trên đài phát thanh của phía cộng sản mà tôi nghe lén được,”
“Nhưng khi mình sống chung với cộng sản rồi tất cả ai cũng thất vọng, không chỉ cá nhân tôi, mà tôi nghĩ mọi người ai cũng đều mong muốn thoát khỏi nơi đó.”

Bác sĩ Bình giải thích ông cảm thấy bất lực vì lý tưởng phục vụ nhân loại, phục vụ con người bị sụp đổ.
Những gì chế độ CS tuyên truyền không đúng với thực tế. Theo ông, dù có ở lại, và hết lòng muốn giúp đỡ đất nước, một mình ông khó mà làm được:
“Lúc còn đi học, mình được dạy là chữa bệnh hay cho thuốc bệnh nhân phụ thuộc vào bệnh trạng của người đó, tùy theo mức độ nặng nhẹ. Đến năm 1975, chánh quyền cộng sản vào, người ta ra lệnh cho tôi cho thuốc theo chế độ. Tức là thuốc đắt tiền, thuốc tốt chỉ dành cho những người có chức quyền,”
“Ví dụ quan chức có quyền khi vô nhà thương, họ được ăn uống tốt, được cho một khoản phụ cấp. Khi xuất viện họ năn nỉ, cho họ ở thêm, để ăn ngon hơn và có thêm tiền nhiều hơn, đó là những cái làm cho mình vừa buồn cười, vừa thất vọng trước đất nước như vậy.”
Và gia đình nhỏ bé của người bác sĩ gồm hai vợ chồng và đứa con thơ bắt đầu tìm cách vượt biên từ đó.

Ra đi

Đúng vào lúc ông Bình thất vọng với cách phát thuốc cho cán bộ, tin đồn loan truyền về một chương trình ra đi bán chính thức. Ban đầu chỉ dành cho người Việt gốc Hoa.
“Tôi nghe kể lại chánh quyền Việt Nam lúc đó không muốn giữ người Hoa Kiều ở lại VN nữa, vì họ không thích hợp với chính sách kinh tế của CS. Cho nên họ tìm cách đẩy những người này ra đi,”
“Và cách duy nhất là họ mở một cái cửa nhỏ nhỏ hé hé cho những người này. Thứ nhất họ vừa không phải sống chung với những người đó, cái thứ nhì là họ có thể thu được số vàng khá lớn.”
Khi đó ai muốn đi, ông Bình nói, điều đầu tiên họ phải xưng là người Hoa. Nó cần được chứng minh qua giấy tờ, trong đó tên tuổi mang họ người Hoa. Thứ nhì họ phải đóng tiền cho giới chức địa phương, trung bình mỗi người ba lượng vàng, để được làm ‘ngơ’ cho ra đi cửa ‘bán chính thức.’
Khi ấy có rất nhiều ‘đầu nậu’ nhận vàng để lo thủ tục vượt biên. Họ là trung gian giữa những người như bác sĩ Bình, với chủ tàu, và các chốt công an biên phòng.
“Những người Hoa muốn rời VN dễ lắm. Họ gặp với nhau cùng đóng tiền với nhau hay đóng cho một cai thầu nào đó. Họ có những nguồn tin ngoài hành lang, nghe đồn với nhau.”

‘Vật tế thần’

1978/79 là thời gian quan hệ Trung–Việt xấu đi trông thấy. Người Hoa ở Việt Nam nhấp nhổm không yên. Người thì lủi thủi vượt biên bằng đường bộ qua ngả Phòng Thành trở về cố quốc. Người có tiền tìm cách vượt biên.
Họ lo ngại về chính sách bài Hoa kiều của chính quyền trong nước. Liệu lo lắng này có tác động đến người bác sĩ trẻ, khi ấy đang theo đuổi dự án chống sốt rét cho thị trấn Cà Mau?
“Tôi sanh đẻ ở Bạc Liêu, VN, mặc dù ba tôi là người Hoa, nhưng nên nhớ rằng tôi được đi học trường Việt từ nhỏ, thầy cô, bạn bè là người Việt, tất cả những thứ đó, làm cho tôi nghĩ tôi là người Việt 100%,”
Trong quan hệ bất hòa giữa hai nước, nhiều người nói đến câu vạ gió tai bay. Nhiều người Hoa khi đó lo ngại rằng nếu ở lại Việt Nam họ có thể trở thành vật tế thần, hay ‘nguyên nhân’ để chính trị gia đổ, điều làm cho quan hệ hai nước xấu đi.
Một số người bắt đầu gặp ‘nạn’, tại cơ quan, hay tổ dân phố, chỉ vì mang cái họ người Hoa. Liệu họ Liêu của bác sĩ Bình có bị ghép vào nguyên nhân gây ra bất ổn hay không?
“Trong cơ quan tôi làm việc không có sự phân biệt. Có lẽ tôi nói được tiếng Việt như những người xung quanh. Chính quyền khi ấy không ghép tôi vô thành phần người Hoa. Chưa ai nói tôi phải nghỉ việc, hay phải về lại cố quốc,”
“Nếu thế tôi đã may mắn! Cuối cùng tôi đã qua một tỉnh khác và dùng tên khác mới đi được. Lúc đó là tháng Tư năm 1979.”
“Sau 20 ngày trên biển, gặp biết bao đau đớn và chấn động, như thiếu lương thực, máy tàu bị hư, cướp biển lùng sục, hãm hiếp, cuối cùng tàu tôi đến đảo ngoài khơi Thái Lan.”


TRANG NGOÀI BBC


Hội Y sĩ Việt Nam tại Úc

Hội Thương gia Á Úc thần long



No comments: