Khủng hoảng thị trường lúa gạo
Do bị chính trị hoá
Ngày 20.02.2009 Giờ 07:27
http://www.sgtt.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=47163&fld=HTMG/2009/0219/47163
Sài Gòn Tiếp Thị phỏng vấn độc quyền giáo sư C. Peter Timmer (trung tâm Phát triển toàn cầu – Center for Global Development) – chuyên gia hàng đầu về thị trường gạo. Ông cho biết: “Gạo không phải là sản phẩm thương mại thuần tuý, mà được biết đến trên thế giới như món hàng chính trị. Vì thế, Nhà nước cần phải tìm ra những chính sách khoa học hướng về thị trường gạo…”
Ấn Độ châm ngòi
Theo ông đâu là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng lúa gạo năm ngoái?
- Tôi vừa tham dự hội thảo về chính sách phát triển thị trường lúa gạo châu Á diễn ra tại Thái Lan. Câu hỏi chủ đề mà hội thảo đặt ra là “điều gì đã xảy ra với giá gạo?”. Theo cá nhân tôi và hội nghị cũng kết luận như vậy, cuộc khủng hoảng là do hai “tay chơi” lớn trên thị trường lúa gạo là Ấn Độ và Trung Quốc rút ra khỏi thị trường lúa gạo toàn cầu. Bắt nguồn từ Ấn Độ, câu chuyện an ninh lương thực lại được chính phủ nước này thổi phồng lên, năm 2007, họ ngưng xuất khẩu, còn nhập tới sáu triệu tấn với giá rất cao để phân phối công, khiến giá cả theo đó leo thang. Trung Quốc thì không quan tâm đến việc bình ổn thị trường thế giới, họ đảm bảo an ninh lương thực của mình bằng cách “tự cung tự cấp”. Việt Nam sau đó cũng cấm xuất khẩu. Đó là về phía cung.
Còn về phía cầu, các nước nhập khẩu đã phản ứng như thế nào? Tổng thống Philippines, tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ở Mỹ nhưng lại tuyên bố rằng bằng bất cứ giá nào, chính phủ cũng sẽ đảm bảo đủ lương thực cho người dân. Hệ quả là không an được dân mà còn khiến tâm lý hoảng sợ bao trùm, ai ai cũng trữ gạo. Tâm lý hoảng sợ lan sang cả Cali, nước Mỹ, nơi vốn ăn gạo rất ít. Khách hàng của Wal-Mart cũng bị buộc chỉ được mua với một số lượng nhất định.
Chính các chính phủ, bằng các quyết định, hành động của mình, đã làm méo mó thị trường.
Nhật Bản – kẻ cứu rỗi
Vậy thì vì sao giá gạo lại hạ nhiệt, thưa ông?
- Vào thời điểm xảy ra sốt giá, Trung Quốc dự trữ tới mấy chục triệu tấn gạo. Chỉ cần họ bán ra hai triệu tấn là có thể hạ nhiệt thị trường nhưng như đã nói ở trên, họ không quan tâm đến việc này.
Nhật Bản cũng đang ngồi trên một đống gạo. Họ có trong kho 1,7 triệu tấn được bảo quản trong điều kiện tốt, chủ yếu mua từ Việt Nam, Thái Lan, Mỹ, Úc... Theo các thoả thuận thương mại quốc tế, Nhật Bản bị “ép” mua gạo từ các nước và không được xuất ra ngoài, họ lại bảo hộ nền sản xuất lúa gạo trong nước.
Người Nhật chỉ ăn gạo sản xuất trong nước, nên gạo mua về được chất trong kho, chờ hết “đát” thì xay xát làm thức ăn gia súc.
Chính tôi cùng một đồng sự đã trực tiếp đến bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đặt vấn đề nên cho phép Nhật Bản bán số gạo này, tất nhiên cũng cần phải có sự cho phép của Thái Lan và Việt Nam – những nước xuất khẩu lúa gạo lớn.
Gạo ở Mỹ có ảnh hưởng về mặt chính trị dù người Mỹ sản xuất và ăn ít. Chính bộ Nông nghiệp Mỹ cũng ngần ngại, sợ nông dân trồng lúa gạo ở Mỹ phản đối, nên phải đi vận động hành lang mất ba tuần. Thái Lan và Việt Nam mới đầu cũng ngần ngừ. Nhật Bản cũng không phải là chịu tung gạo ra ngay. Cuối cùng, ngay ngày Nhật Bản tung ra 300 ngàn tấn đầu tiên, giống một cái bong bóng bị chích xì hơi, giá gạo thế giới hạ nhiệt. Người ta không trữ nữa mà bán ra, đến một mức nào đó người mua không mua nữa thế là ứ hàng.
Chính trị thay vì kinh tế?
Có vẻ như thị trường lúa gạo bị chi phối không chỉ bởi quy luật kinh tế nếu không muốn nói là bởi các quyết định mang tính chính trị?
- Khởi thuỷ thị trường lúa gạo là thị trường tự do, việc tiếp thị, mua bán do khu vực tư nhân thực hiện, dựa trên quan hệ quen biết, tín nhiệm lẫn nhau. Từ những năm 1960 – 1980, gạo trở thành một món hàng để đầu cơ chính trị. Đây cũng là thời kỳ đỉnh điểm của sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường. Điều này xuất phát từ quan niệm ổn định giá gạo là nghĩa vụ của hệ thống công để duy trì quyền lực.
Không nước nào, kể cả nước nghèo ở châu Phi dám từ bỏ nghĩa vụ này. Chính phủ độc tài như chính phủ của Suharto ở Indonesiaia cũng không dám. Vì vậy, họ hỗ trợ nông dân, can thiệp vào hệ thống phân phối, xuất nhập khẩu, làm méo mó thị trường. Có thể nói chính phủ các nước đã bị những tầm nhìn chính trị ngắn hạn chi phối dưới danh nghĩa đảm bảo an ninh lương thực.
Bài toán an ninh lương thực thực sự là...
Việt Nam cũng ra lệnh cấm xuất khẩu trong thời điểm sốt giá. Bài học nào cho Việt Nam giữa vấn đề dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực và bán hàng?
- Vấn đề an ninh lương thực có ba chiều kích. Ở mức độ toàn cầu thì có đủ lương thực để đáp ứng cho dân số đang tăng hay không. Ở mức độ quốc gia, một quốc gia có thể sản xuất đủ lương thực tinh bột (gạo) cho người dân nước đó hay không. Ở mức độ hộ gia đình, mỗi người kể cả người nghèo có thể có đủ lương thực cho nhu cầu dinh dưỡng của họ hay không.
Giải pháp để Việt Nam bảo đảm được an ninh lương thực cho chính mình là nhận ra mối quan hệ qua lại giữa ba chiều kích đó và chuẩn bị cho những bất ổn không thể tránh khỏi trên thị trường gạo thế giới. Điều này đòi hỏi một lưới an toàn cho những hộ nghèo bị thiếu hụt gạo (đặc biệt là vì thiếu tiền mặt) sẵn sàng phản ứng nhanh khi giá gạo tăng vọt. Cùng lúc đó, những nông hộ thừa gạo cần phải tiếp cận được với giá cao để tăng thu nhập (và tăng tiết kiệm dự phòng cho những lúc giá gạo rớt xuống thấp), vì thế tách rời thị trường thế giới là một sai lầm.
Một phần của vấn đề là nghèo, gạo không có sẵn. Phần nữa là chi phí (sản xuất) cao, giá cả của thị trường nội địa không hợp lý, cần phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng chính sách chính phủ về tồn trữ và kinh doanh tốt hơn.
An ninh lương thực lâu dài do thu nhập thật sự của những hộ nghèo quyết định. Tương lai thành công của an ninh lương thực Việt Nam phụ thuộc vào đầu tư phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
Xoá độc quyền xuất khẩu
Hiện nay, việc xuất khẩu gạo Việt Nam chủ yếu thông qua các tổng công ty lương thực, tạo ra thế độc quyền. Vậy có nên cho xuất khẩu tự do không?
- Kiểm soát hợp lý nhất là cung cấp những nhà làm chính sách và một cơ chế bình ổn giá gạo nội địa.
Chính hoạt động của các tổng công ty xuất khẩu gạo Việt Nam làm bất ổn giá gạo nội địa, làm tổn hại cả nông dân lẫn người tiêu dùng. Lợi ích duy nhất của hệ thống xuất khẩu gạo hiện nay là của chính các tổng công ty. Họ kiểm soát độc quyền giấy phép xuất khẩu gạo, chi phối hệ thống cung cấp gạo nội địa, và cơ chế tài chính rất có lợi cho các tổng công ty này. Nhưng những điều này buộc Việt Nam phải trả giá đắt bằng chính danh tiếng của mình.
Hầu hết các nhà kinh tế thương mại nghĩ rằng, đa dạng hoá thuế xuất nhập khẩu gạo là cơ chế hiệu quả nhất để bình ổn giá gạo nội địa. Nhưng các chính phủ có những khó khăn về chính trị và quan liêu trong việc áp dụng chính sách lạc quan này.
Ông vừa nói đến vấn đề danh tiếng của Việt Nam với tư cách là một nhà xuất khẩu?
- Trong thời điểm xảy ra khủng hoảng về giá gạo, Việt Nam đã bỏ qua cơ hội để thể hiện là một nhà xuất khẩu đáng tin cậy trong mắt các nhà nhập khẩu khi quyết định cấm xuất khẩu.
Còn về lâu dài, từ giữa những năm 1990, hệ thống siêu thị nổi lên như người mua chính của thị trường lúa gạo. Hiện nay, Việt Nam đã mở cửa đối với thị trường bán lẻ. Có thể những hệ thống siêu thị lớn như Wal-Mart khi vào Việt Nam sẽ bắt đầu bằng việc đầu tư các nhà máy xay xát, và họ chỉ thích làm ăn với trung nông, hay các đại điền trang. Điều này sẽ tạo áp lực sáp nhập hoạt động sản xuất, tích tụ ruộng đất nơi người nông dân.
Nhóm PV
No comments:
Post a Comment