Friday, February 6, 2009

KHI DÂN MỸ CHỌN MỘT ĐẢNG CHÍNH TRỊ

Khi dân Mỹ chọn một đảng chính trị
Ngô Nhân Dụng
Thursday, February 05, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=90473&z=7
Những người theo dõi chính trị nước Mỹ đều biết trong những tuần lễ đầu kể từ khi nhậm chức, Tổng Thống Barack Obama đã ký nhiều quyết định đảo ngược lại các chính sách của ông Gorges W. Bush, vị tổng thống tiền nhiệm.
Ông Obama ra lệnh đóng của trại tù Guantanamo trong vòng một năm; mà năm 2003 chính Tổng Thống Bush đã quyết định dùng nhà giam đó. Ông Obama cho phép cơ quan viện trợ USAID được giúp tiền cho những chương trình kế hoạch hóa gia đình của nước khác, dù những chương trình này có thể dùng phương pháp phá thai.
Nhân viên chính phủ Obama cũng cho thấy nhiều chính sách của chính phủ cũ sắp thay đổi. Ông giám đốc trung ương tình báo CIA xác định với các đại biểu quốc hội rằng ông coi việc giội nước dọa làm người ta chết ngạt là một hình thức tra tấn, một quan điểm khác ông giám đốc cũ. Ông bộ trưởng tài chánh mới nói với quốc hội rằng ông thấy chính phủ Trung Quốc đã “cố ý dìm giá” đồng nhân dân tệ để tạo hối suất quá thấp, cho các nhà xuất cảng Trung Quốc được lợi. Lời kết tội đó không chắc đã đưa tới những hành động cụ thể trong những ngày tháng sắp tới, nhưng đã thay đổi không khí cuộc bang giao ngay lập tức. Các viên chức về kinh tế, thương mại hai nước sắp gặp nhau sẽ không mang nụ cười thân thiện như thời ông Bush còn làm tổng thống.
Một quyết định của ông Obama liên can đến tiểu bang California. Năm 2002 California đã làm luật buộc các hãng xe hơi phải giảm 30% số khí thải làm nóng khí quyển, tăng hiệu quả dùng xăng nhanh gấp đôi so với đòi hỏi của luật liên bang. Cơ quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA) dưới thời Tổng Thống Bush đã bác bỏ điều luật này của tiểu bang, mặc dù tòa án tối cao đã phán California làm đúng. Ông Obama đã ra lệnh EPA phải chấp nhận đạo luật của tiểu bang, đi ngược lại với người tiền nhiệm.
Những thay đổi trên đây được nhiều người khen và cũng bị nhiều người chỉ trích. Ở đây chúng tôi không có ý bàn về nội dung các chính sách này. Ðiều chúng tôi quan tâm là chính quyền mới đã thay đổi ngay những chính sách cũ, ngay trong những ngày đầu tiên lên cầm quyền. Và đó là một đặc tính của quốc gia có hai đảng lớn này. Mỗi lần nước Mỹ thay đổi đảng nắm quyền tổng thống chúng ta đều chứng kiến cảnh đó.
Ông Obama muốn chứng tỏ ông làm đúng những lời đã hứa với những người đã đi vận động bầu ông làm tổng thống. Về trại giam Guantanamo thì hai ứng cử viên tổng thống năm ngoái đều chủ trương phải đóng cửa. Cả hai ông Obama và McCain đều không chấp nhận phương pháp đe dọa nhấn nước khi hỏi cung. Nhưng ông Obama vẫn muốn thi hành lời đã hứa bằng những hành động nhanh chóng và quyết liệt, nếu không những người đã ủng hộ ông sẽ thất vọng.
Nhiều người ủng hộ ông Obama khi tranh cử đã tỏ ý thất vọng. Những tổ chức người đồng tính nói họ “cực kỳ thất vọng” khi ông Obama mời một vị mục sư ra đọc những lời cầu nguyện và chúc phúc trước lễ tuyên thệ của ông, mà vị mục sư này nổi tiếng về hoạt động chống hôn nhân đồng tính ở California.
Khi đảo ngược chính sách viện trợ liên can tới việc “phá thai” thì ông Obama cố ý cho thấy ông khác với ông Bush trên một vấn đề rất quan trọng. Từ lâu, đây vẫn là một điểm phân biệt giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Ngay khi mới nhậm chức năm 2001, Tổng Thống Bush đã ra lệnh USAID không được trợ cấp những chương trình hạn chế sinh đẻ ở nước khác, nếu các chương trình này chấp nhận hành động phá thai. Lúc đó ông Bush đã đảo ngược một chính sách của cựu Tổng Thống Clinton. Trước đó 8 năm, Tổng Thống Clinton cũng hành động tương tự: đảo ngược một quyết định cũ của Tổng Thống Reagan.
Vấn đề chống phá thai trong các chương trình viện trợ có tính chất quan trọng đối với 300 triệu dân Mỹ như thế nào?
Thực ra, đối với an ninh quốc gia hoặc quyền lợi kinh tế của nước Mỹ; chuyện một cô gái ở Uganda hay ở Indonesia có phương tiện phá thai hay không không hệ trọng bao nhiêu. Nhưng trong dân chúng Mỹ có những nhóm cử tri đông đảo thuộc cả hai đảng rất quan tâm đến vấn đề phá thai, mà họ coi là giết các sinh mạng đang thành hình. Nhiều người quyết liệt chống phá thai vì lý do tôn giáo, đạo đức. Ngược lại nhiều người Mỹ coi phá thai là một thứ quyền tự do của phụ nữ mà nam giới không coi trọng.
Các Tổng Thống Ronald Reagan và Gorges W. Bush được đảng Cộng Hòa đưa ra tranh cử, khi cầm quyền họ thi hành chính sách của đảng. Khi dân Mỹ bỏ phiếu, những người quyết tâm chống phá thai biết nên bầu cho các ứng cử viên Cộng Hòa, tin tưởng đó là những người đồng ý với lập trường đó. Các cử tri bầu cho đảng Dân Chủ nghĩ ngược lại, và bầu ngược lại.
Trong đời sống chính trị nước Mỹ, mỗi đảng chính trị là tập hợp của nhiều nhóm cử tri. Mỗi nhóm cử tri có những mối quan tâm riêng và cũng chia sẻ chung một số quyền lợi kinh tế và giá trị đạo đức. Họ có thể tụ họp dưới mái lều một đảng vì chia sẻ những quyền lợi, những khát vọng lớn với nhau.
Lòng ái quốc, lòng yêu tự do, tôn trọng quyền của mỗi công dân, ý muốn nước Mỹ hùng cường nhất thế giới; đó là những khát vọng lớn. Cả hai đảng có thể đều đề cao những giá trị, những khát vọng đó. Vậy làm cách nào để các cử tri thấy hai đảng khác nhau? Mỗi đảng phải tự chứng tỏ họ khác đảng kia, để các cử tri phân biệt. Thí dụ: Ai cũng yêu tự do, nhưng quyền tự do nào được coi là quan trọng hơn quyền nào? Tự do chọn hợp đồng bảo hiểm y tế tư, hoặc tự do phá thai theo ý muốn, quyền tự do nào coi là quan trọng hơn? Ai cũng muốn quốc gia hùng mạnh, nhưng thế nào mới gọi là hùng mạnh? Ðó là những câu hỏi mà mỗi đảng chính trị có thể đưa ra những câu trả lời khác nhau trong mỗi mùa tranh cử. Ðiều quan trọng là các cử tri được quyền tự do chọn, khi họ bỏ phiếu. Và quyết định của đa số cử tri sẽ được người khác tôn trọng. Ðó là “luật chơi dân chủ tự do.”
Những nhóm người Mỹ muốn bảo vệ quyền tự do mang súng, phần lớn ở miền núi hoặc nông thôn, ủng hộ đảng Cộng Hòa. Những người nhiệt tín về tôn giáo, và muốn cả xã hội chia sẻ lối sống theo đạo lý như của tôn giáo họ dậy, họ cũng thích đảng Cộng Hòa hơn. Những người chủ trương nên cho khai thác thêm nhiều mỏ dầu ở Mỹ, thay vì ngăn cản với những lý do như bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống, những người đó cũng thích đảng Cộng Hòa. Và còn nhiều nhóm khác, với những mối quan tâm hoặc quyền lợi đặc biệt, họ đã tụ họp chung dưới cùng một mái lều của đảng Cộng Hòa.
Ở phía bên kia, các công đoàn hoặc các nhóm di dân mới thường ủng hộ đảng Dân Chủ, theo một truyền thống đã có từ nhiều thế kỷ. Các thầy,cô giáo hay đứng về phía đảng Dân Chủ, đảng thường bảo vệ quyền lợi nghiệp đoàn giáo chức. Những người thiết tha bảo vệ khí quyển thấy đảng Dân Chủ là đồng minh của họ; cũng như những công nhân ngành may quần áo muốn bảo vệ công việc làm trước cuộc tấn công của hàng dệt may rẻ tiền từ các nước mới lên, họ coi là đảng Dân Chủ bảo vệ họ mạnh mẽ hơn.
Những thí dụ nêu trên chứng tỏ mỗi đảng chính trị ở Mỹ quy tụ nhiều nhóm dân chúng với các quyền lợi dị biệt. Họ không giống nhau hoàn toàn nhưng cùng bỏ phiếu cho một đảng vì tìm thấy trong đó những ứng cử viên chia sẻ một mối quan tâm như mình. Có những mối quan tâm lớn, có thứ nhỏ. Nhưng lớn hay nhỏ đều tương đối; vì có vấn đề đối với người này được coi là nhỏ nhưng đối với người khác lại là rất lớn.
Các nhà chính trị Mỹ thường thay đổi ý kiến tùy theo cử tri của họ, chứ không phải chỉ tùy theo lập trường của đảng họ. Ðối với đảng Dân Chủ chẳng hạn, quyền công dân được mang súng không bao giờ được ghi vào cương lĩnh của đảng. Nhưng bà Kirsten Gillibrand, mới được đề cử tạm giữ chức nghị sĩ tiểu bang New York trong 2 năm thay thế bà Hillary Clinton, lại là người cổ động mạnh mẽ cho quyền mang súng. Bà đã là dân biểu một vùng miền núi và miền quê ở tiểu bang New York, với rất nhiều cử tri coi việc xách súng đi săn và tự vệ là một thứ quyền thiêng liêng. Có cử tri sẵn sàng bỏ qua nhiều thứ quyền lợi khác, nhưng phải bảo vệ một quyền tự do mà họ thiết tha nhất. Nhiều người trong đảng Dân Chủ không thích bà Gillibrand, nhưng ông thống đốc New York cũng thuộc đảng Dân Chủ lại ủng hộ bà, vì ông mong các cử tri của bà sẽ bỏ phiếu cho ông trong hai năm nữa!
Có lúc mỗi đảng chính trị ở Mỹ trình bày một số triết lý chính trị lớn, khác với đảng kia, để thu hút các cử tri. Lập trường của một đảng không thể chỉ nêu lên các vấn đề nho nhỏ của địa phương. Thí du trong vấn đề chính phủ và doanh nghiệp, đảng Cộng Hòa thường vẫn đề cao vai trò của tư nhân, đề cao thị trường tự do; còn đảng Dân Chủ quan tâm đến các trách nhiệm lớn mà chính phủ phải gánh vác khi tư nhân không đảm trách được. Về đối ngoại, đảng Cộng Hòa thường tỏ ra cứng rắn, chủ trương phải sử dụng sức mạnh quân sự của nước Mỹ; còn đảng Dân Chủ thường tìm cách chinh phục các nước khác bằng viện trợ và hợp tác. Rõ ràng lập trường họ khác nhau trong những vấn đề lớn.
Tuy hai đảng thường công bố những tư tưởng nền tảng khác nhau như vậy, nhưng trong thực tế họ không phải lúc nào cũng gắn bó, ôm chặt lấy các lý thuyết đại cương này. Những triết lý căn bản trên khi đem thực hành sẽ thay đổi tùy theo hoàn cảnh. Có thật đảng Cộng Hòa chủ chiến, Dân Chủ hiếu hòa hay không? Chúng ta nhớ chính Tổng Thống Kennedy Ðảng Dân Chủ đã bắt đầu đưa các cố vấn Mỹ vào Việt Nam, cho tới khi Tổng Thống Nixon thuộc đảng Cộng Hòa chấm dứt cuộc chiến và rút quân về nước. Ông Bush khi tranh cử năm 2000 đã chỉ trích ông Clinton đem quân can thiệp vào chiến tranh Kosovo, mà ông thề sẽ không bao giờ dùng quân Mỹ giúp xây dựng chế độ mới cho những quốc gia khác. Nhưng sau đó chính Tổng Thống Bush bắt đầu cuộc chiến Iraq, để thay đổi chế độ chính trị của nước này; còn ông Obama thuộc đảng Dân Chủ lại hứa sẽ rút quân chiến đấu về Mỹ.
Về chính sách đối nội cũng vậy. Chính các vị Tổng Thống Reagan và Bush đã gia tăng số người và số cơ quan trong guồng máy nhà nước cũng như tăng ngân sách chính phủ liên bang; trong khi ông Clinton cắt giảm trợ cấp xã hội. Tổng Thống Bush luôn luôn đề cao tự do mậu dịch, nhưng khi cầm quyền ông lại tăng thuế nhập cảng thép, để chiều lòng các cử tri ở các tiểu bang sản xuất thép; ông chỉ bãi bỏ các sắc thuế đó sau khi tái đắc cử năm 2004. Ông Bush cũng chủ trương phải cắt giảm ngân sách chi tiêu của nhà nước như mọi vị tổng thống Cộng Hòa. Nhưng chính phủ của ông Bush đã tăng chi rất nhiều; đến mức biến ngân sách thặng dư (trên 200 tỷ Mỹ kim) khi ông nhậm chức đã trở thành khiếm hụt (hàng ngàn tỷ) trong vòng tám năm. Hai đảng chính trị ở Mỹ có những lúc phải chứng tỏ họ khác nhau, để cho các cử tri bỏ phiếu lựa chọn. Nhưng cũng có lúc họ đồng ý với nhau, vì có những nhu cầu chung của cả nước, hiển nhiên không ai cãi được.
Khi kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng thì cả ông Bush và ông Obama cùng chủ trương phải bành trướng vai trò của nhà nước, trong đó có việc tăng ngân sách chi tiêu hàng ngàn tỷ Mỹ kim mới.
Người ta dễ tưởng lầm rằng các vị tổng thống của hai đảng sẽ dễ thỏa hiệp với nhau trong những vấn đề nho nhỏ nhưng cương quyết bảo vệ lập trường của đảng trong những vấn đề lớn, những “quốc gia đại sự.” Thực ra không phải như vậy. Hai vị Tổng Thống Bush và Obama đồng ý với nhau trong kế hoạch lớn cần 700 tỷ Mỹ kim để cứu nguy tài chánh; ông Obama chưa nhậm chức đã giúp ông Bush thúc đẩy quốc hội chấp thuận món tiền này. Nhưng hai vị tổng thống này lại cương quyết bảo vệ những lập trường riêng trong những vấn đề nho nhỏ, không thỏa hiệp được. Thí dụ, quyết định phương pháp hỏi cung các tù nhân bắt được ở Afghanistan, họ khác nhau. Họ bất đồng ý kiến trong quyết định chi hay không chi mấy triệu Mỹ kim viện trợ cho một chương trình kế hoạch hóa gia đình ở một nước Á Châu hoặc Phi Châu, nếu chương trình đó chấp nhận việc phá thai. Trong chuyện này thì ông Bush chắc chắn nói không, ông Clinton và ông Obama thì cả hai đều nói có. Một vị tổng thống Cộng Hòa trong tương lai lên thay ông Obama sẽ cũng hành động giống ông Bush.
Cho nên khi người Mỹ nghe một vị tổng thống hô lên một khẩu hiệu, họ biết mỗi ông tổng thống hiểu nghĩa khẩu hiệu đó một cách. Khi một vị tổng thống hô hào tinh thần “Trách nhiệm” thì quý vị hiểu là gì? Một vị tổng thống Cộng Hòa chắc đang nhấn mạnh tới trách nhiệm của mỗi cá nhân phải tự lo cho mình, không nên chờ nhà nước giúp một tay hay một đồng đô la! Cho nên ông Bush muốn giảm bớt thuế, để mỗi công dân tự đóng tiền vào quỹ hưu bổng hay quỹ y tế họ lựa chọn lấy. Ngược lại, khi ông Obama đề cao khẩu hiệu “Thời đại của trách nhiệm” thì ông lại muốn nói đã tới lúc mọi người phải quên mình bớt đi mà nghĩ đến trách nhiệm đối với người khác, đối với quốc gia, với tập thể.
Phải công nhận rằng làm người dân một nước tự do rất vất vả. Mọi quyết định lựa chọn đều khiến người ta phải suy nghĩ, phân biệt, tức là vất vả.
Như đã trình bày trong bài trên, một người Mỹ khi bỏ phiếu bầu có thể lựa chọn theo quyền lợi chung, theo quyền lợi lớn của cả quốc gia; nhưng cũng có thể họ bỏ phiếu theo nhu cầu hoặc quyền lợi rất chuyên biệt, rất riêng tư của họ.
Như vậy thì một đảng chính trị nên đóng vai đại diện cho tất cả mọi người dân trong nước, hay chỉ có tham vọng làm đại biểu cho từng nhóm cử tri thôi? Ðây là một câu hỏi lý thú nên suy nghĩ. Câu hỏi này càng quan trọng khi có những đảng chính trị cứ nhân danh “đại diện cho toàn dân” để ép tất cả mọi người phải vâng lệnh mình. Chúng ta nên chọn lối chỉ có một đảng chung thôi, theo lối bán buôn, bán sỉ; hay là cứ để cho nhiều đảng bán lẻ rồi chọn trong nhiều đảng khác nhau? Chúng tôi sẽ chia sẻ ý kiến cùng quý vị trong một bài sau.

No comments: