Wednesday, February 11, 2009

KAMPUCHIA ĐANG VUỘT KHỎI TẦM TAY VIỆT NAM

Kampuchia đang vuột dần khỏi tầm tay
Kiêm Hương
Đăng ngày 11/02/2009 lúc 00:10:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3525
Ngày 7-1-2009 vừa qua, chính quyền Kampuchia đã long trọng tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày lật đổ chính quyền Pol Pot tại thủ đô Phnom Penh. Nhân dịp này, gần như tất cả đại diện cao cấp của các chính quyền Đông Á đều có mặt, đặc biệt là đại diện các quần chúng Việt Nam và Trung Quốc.

Một chút quá khứ


Ngày 17-4-1975 lực lượng Khmer đỏ cùng phe bảo hoàng Khmer romdoh của Sihanouk tiến chiếm thủ đô Phom Penh và xua đuổi toàn bộ dân cư ra khỏi thành phố. Từ đó diễn ra một cuộc diệt chủng khủng khiếp, trong chưa đầy bốn năm gần hai triệu người Khmer đã bị sát hại trong những điều kiện rất là man rợ. Những tin tức về Kampuchia trong giai đoạn này rất là giới hạn, dư luận quốc tế chỉ biết những gì đang xảy ra tại Kampuchia qua lời thuật của những người sống sót chạy thoát ra nước ngoài. Cả thế giới gần như bất lực trước những gì đang xảy ra tại Kampuchia trong giai đoạn này. Phe Khmer đỏ có thể gìn giữ chính quyền và củng cố lực lượng trong một thời gian dài nếu không gây hấn với Việt Nam.

Sự cuồng tín, được thúc đầy bởi tinh thần dân tộc cực đoan do sử sách của thời Pháp thuộc để lại, đã khuyến khích phe Khmer đỏ gây hấn với Việt Nam. Từ giữa năm 1978, lực lượng Khmer đỏ pháo kích và tấn công các làng xã ven vùng biên giới Tây-Nam (Tây Ninh, Đồng Tháp Mười, Châu Đốc) với ý đồ sáp nhập vào lãnh thổ Kampuchia. Sau nhiều lần cảnh cáo không hiệu lực, cuối tháng 12-1978 chính quyền cộng sản Việt Nam quyết định tấn công Kampuchia. Thủ đô Phnom Penh được giải phóng ngày 7-1-1979, đến cuối tháng 1-1979 toàn bộ lãnh thổ Kampuchia nằm trong vòng kiểm soát của bộ đội cộng sản Việt Nam. Các lãnh tụ Khmer đỏ cùng tàn quân chạy qua biên giới Thái Lan lánh nạn. Được sự giúp đỡ tận tình của Trung Quốc cả về quân sự lẫn tài chánh và sự ủng hộ ngầm của Thái Lan, tàn quân Khmer đỏ đã tái võ trang và cùng với tàn quân Sihanouk tiến vào Kampuchia lập căn cứ kháng chiến chống Việt Nam cho hết năm 1997.

Cũng nên biết, để bảo vệ chính quyền phe Khmer đỏ, Bắc Kinh đã xua quân sang vùng biên giới đánh chiếm các thành phố trong các tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn ngày 17-2-1979 sát hại hàng ngàn thường dân và hủy hoại nhà cửa và các phương tiện sản xuất. Năm 1989, tuy Việt Nam chính thức rút quân khỏi Kampuchia nhưng Phnom Penh vẫn nằm trong vòng ảnh hưởng chính trị và quân sự với Việt Nam. Mọi chính sách liên quan đến an ninh quốc phòng và ngoại giao đều phải được sự đồng ý của Hà Nội mới có hiệu lực. Đương kim thủ tướng Hun Sen là người được Hà Nội nâng đỡ tận tình và đã làm mọi cách để duy trì địa vị lãnh đạo của ông tại Kampuchia. Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1998, đảng của Hun Sen không có đa số nhưng vẫn tiếp tục cầm quyền vì được Hà Nội ủng hộ. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ vãn hồi lại hồi đầu thập niên 1990, sau hiệp định Paris 1991.

Với thời gian, chính quyền của thủ tướng Hun Sen đã được Việt Nam dành cho một tư thế độc lập, bù lại người Việt Nam được tự do qua lại biên giới và kinh doanh trên lãnh thổ Kampuchia. Vấn đề của Hun Sen là mặc dù được độc lập nhưng đất nước của ông đã gần như kiệt quệ bởi nạn tham nhũng và nạn khai thác tài nguyên bừa bãi bởi các băng đảng võ trang dọc vùng biên giới. Từ vài năm trở lại đây, chính quyền Hun Sen đã dành mọi dễ dãi cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhất là tại ba vùng kinh tế chiến lực: quanh thủ đô Phonm Penh, tại Siem Reap và thành phố Battambang, và cung quanh hải cảng Sihanoukville (Kompong Som).

Sự hiện diện của Trung Quốc tại Kampuchia

Từ sau khi bộ đội Việt Nam đuổi ra khỏi thủ đô Phom Penh ngày 7-1-1979 cách đây 30 năm, ngày nay người Trung Quốc ra vào lãnh thổ Kampuchia như chính tại đất nước của họ, nghĩa là không cần thủ tục xuất nhập cảnh, vì Trung Quốc hiện nay là nhà đầu tư và là nhà viện trợ lớn nhất tại Kampuchia.

Cũng nên biết là mặc dầu được Việt Nam ủng hộ, từ ngày lên nhậm chức thủ tướng năm 1994, mỗi lần thắng cử Hun Sen nhận từ Trung Quốc những khoản viện trợ rất lớn: 8,6 triệu USD năm 1994, 200 triệu USD năm 1997, 400 triệu USD năm 2004, 600 triệu năm 2006, v.v. Hiện nay Kampuchia là quốc gia đứng đầu danh sách các quốc gia nhận viện trợ của Trung Quốc. Số tiền viện trợ của Trung Quốc được dùng để xây dựng hạ tầng cơ sở: đường sá, cầu cống, bến cảng, nhà cửa dành cho các công ty Trung Quốc. Nói chung đó là những dự án để hiện diện lâu dài tại Kampuchia, nhất là gần đây hệ thống đường sá xuyên Lào (quốc lộ 13) vừa hoàn tất hồi năm 2008 vừa qua. Từ đây đến cuối năm 2010, con đường xuyên Kampuchia (quốc lộ 7) từ Nam Lào đến cảng Sihanoukville cũng sẽ hoàn tất.

Đây là con đường chiến lược mà cách đây 200 trăm năm Anh Quốc ao ước thực hiện để xâm nhập miền Nam Trung Quốc. Bắc Kinh cũng từ lâu ao ước xây dựng con đường này để thoát khỏi sự bao vây của Hoa Kỳ trên biển cả từ 1950 và của Nga từ 1970 đến nay. Nếu con đường này hoàn tất, hàng hoá từ Nam Hoa lục địa sẽ được vận chuyển an toàn bằng đường bộ xuống tận Vịnh Thái Lan và xuất khẩu đi các nước khác, và ngược lại nguyên vật liệu và dầu khí từ các nước khác được vận chuyển bằng đường bộ vào Vân Nam và Quảng Tây. Thật ra ý đồ của Trung Quốc là để vận chuyển nguồn dầu khí do các công ty của Trung Quốc khai thác trong Vịnh Thái Lan và vùng Biển Đông. Trong khi chờ đợi xây dựng xong con đường này, các nhà đầu tư Trung Quốc đã ồ ạt vào Kampuchia xây dựng nhà cửa, công xưởng khai thác tài nguyên thiên nhiên và nông nghiệp.

Hiện nay Trung Quốc là quốc gia đầu tư lớn nhất tại Kampuchia. Sự phục hồi vai trò chủ đạo của Bắc Kinh tại Phom Penh từ vài năm trở lại đã bạch hoá vai trò của Trung Quốc trong giai đoạn lịch sử đen tối vừa qua của Kampuchia. Trong ngày 7-1-2009 này, tuy ngoài miệng các nhân vật lãnh đạo Kampuchia không ngớt lời cảm tạ Việt Nam nhưng trong lòng của họ chỉ còn duy nhất một hình ảnh của Trung Quốc.

Trong suốt thời gian hiện diện tại Kampuchia, từ vai trò chủ động (1979-1989) đến vai trò hợp tác đặc biệt (1989 đến nay), Việt Nam đã không xây dựng được dự án hạ tầng cơ sở lớn nào tại Kampuchia và chỉ nhắm đến những mục tiêu ngắn và trung hạn, như khai thác gỗ rừng, ngư nghiệp hoặc bất động sản.

Hun Sen tuy là người được Việt Nam ủng hộ tận tình nhưng không một tài liệu nào nhắc nhở, trong khi bước vào một tiệm sách ở Phnom Penh người ta thấy đập vào một núi sách với tựa đề: Thời đại Hồng Lâm ca ngợi Hun Sen. Hồng Lâm là tên phiên âm chữ hán của đương kim thủ tướng đầy quyền lực Hun Sen. Nội dung quyển sách ca ngợi tài cai trị của thủ tướng Hun Sen, người làm thủ tướng lâu nhất của châu Á (trên 29 năm). Cũng nên biết cách đây hơn 16 năm, Trung Quốc đã gọi Hun Sen là "chính quyền bù nhìn của Việt Nam". Trên đường từ phi trường quốc tế Pochentong vào trung tâm Phnom Penh, một toà nhà hiện đại khổng lồ do Trung Quốc xây tặng Kampuchia để Hội đồng nội các nhóm họp sắp được hoàn thành. Đây cũng là một ưu ái đặc biệt của Hun Sen dành cho Trung Quốc vì muốn xây dựng dinh thự lớn tại thủ đô Phom Penh phải có giấy phép được đặc biệt, ngay cả Nhật là quốc gia viện trợ lớn cgg không được cấp.

Từ 2008, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Kampuchia. Từ 91,5 triệu USD năm 2007 đã tăng lên gấp ba lần: 527 triệu USD năm 2008. Nhật chỉ đứng hạng 2 với 130 triệu USD. Lãnh vực đầu tư của các xí nghiệp Trung Quốc tập trung vào các công trình tu sửa quốc lộ 7 từ ngoại ô Phnom Penh đến biên giới Lào, đặc khu kinh tế ở cảng Sihanoukville trong vịnh Thái Lan, xây đập thủy điện trên sông Mekong, khai thác tài nguyên khoáng sản, khai thác nông nghiệp (cao su, hồ tiêu). Về quân sự, Trung Quốc viện trợ và huấn luyện sử dụng 15 tàu tuần giang trên sông Mekong.

Về chính trị, sự hiện diện của Trung Quốc tại Kampuchia chỉ nhắm giảm ảnh hưởng của Việt Nam. Nắm được Kampuchia và Lào, Trung Quốc giữ trong tay hai con chốt bảo đảm sự hiện diện của mình tại Đông Nam Á.

Kampuchia đang vuột khỏi tầm tay của Việt Nam

Nhìn lại quan hệ giữa Việt Nam và Kampuchia, một định luật bất thành văn được áp dụng từ thế kỷ 18 đến nay không hề thay đổi: khi yếu đuối hay bị đe dọa, các nhân vật lao động xứ Chùa Tháp đã không ngần ngại yêu cầu Việt Nam giúp đỡ và sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện. Khi chiếm được quyền lực, gần như tất cả đề tìm cách tách rời khỏi quỹ đạo của Việt Nam để hợp tác với các thế lực đối đầu hoặc đối thủ với Việt Nam: Pháp, Thái Lan và Trung Quốc.

Định luật này đang được đương kim thủ tướng Hun Sen lập lại. Trước đây thủ tướng Hun Sen đã có lần bình luận: "Trung Quốc chính là căn nguyên của mọi tội ác đã xảy ra tại Kampuchia", ngày nay ông lại tuyên bố: "Trung Quốc là người bạn đáng tin cậy nhất". Lý do là khi cấp viện trợ, các quốc gia Âu Mỹ và Nhật Bản thường yêu cầu chống tham nhũng và dân chủ hoá, trong khi Trung Quốc không hề quan tâm. Hơn nữa nếu tiếp tục theo Việt Nam thì Kampuchia được cái gì? Không có viện trợ, không có đầu tư và còn bị các phe phái đối lập và dân của Khmer chống đối. Hà Nội đang chứng kiến Kampuchia vuột dần khỏi tầm tay.

Kiêm Hương
(Kanagawa)


No comments: