Hồi ức Về Nhà Tù Cộng Sản Việt Nam [2]
Huỳnh Ngọc Tuấn
Đăng ngày 18-2-2009
http://danchimviet.com/articles/870/1/Hi-c-V-Nha-Tu-Cng-Sn-Vit-Nam-2/Page1.html
[Tiếp theo phần 1]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [1]
Nhổ xong mấy gánh cỏ cho cá, chúng tôi vào lều nghỉ. Anh TMTuấn mang dừa đến cho mỗi người một trái.. .chúng tôi vừa uống nước dừa vừa thì thầm nói chuyện, ai cũng lo lắng. Nếu phái đoàn nhân quyền vào trại lúc này thì không gặp được chúng tôi mà chỉ gặp được những người do trại bố trí để nói những gì họ được chỉ định, như vậy là chuyến đi của phái đoàn coi như thất bại.
Trời mùa đông đến thật nhanh, mới đó mà con đường nhỏ và rặng cây trước mắt đã nhập nhoà, như thường lệ thì chúng tôi đã về trại rồi. Anh Nguyễn Văn Trung giục anh Ngô Bích đội trưởng đến hỏi cán bộ Thăng sao chưa cho anh em về. Anh Ngô Bích ngần ngại một chút rồi đứng dậy đến hỏi: ”Anh em về đựơc chưa cán bộ, đã trể rồi-còn tắm táp và ăn tối nữa chứ.” (Anh Bích nói thêm như để giải thích).
- Chưa có lệnh, các anh ráng chờ một chút.
Chúng tôi nhìn về phía trại..ánh đèn vàng ệch từ dẫy bóng tròn treo lủng lẳng trên hàng rào thép gai bao quanh trại làm dâng lên nỗi buồn thê lương. Khi những giọt mưa lất phất bay, tôi chợt nhớ đến các con. Bây giờ TV, KV, TH đã đi học về chưa? Con đường làng ngập bùn đất và xa thăm thẳm..mùa đông xứ Quảng thì nghiệt ngã, mà các con thì còn bé quá. Các con tôi đâu có tội tình gì? Có chăng chúng chỉ là con của một người cha dám lên tiếng phản kháng lại một thế lực bạo quyền đã dìm đất nước trong bất công, đói nghèo và lạc hậu. Chế độ đã tước đi của người dân tất cả: Từ của cải đến nhân phẩm, nhân quyền và cả ngay lúc này đây họ vẫn tiếp tục dùng vũ lực và sự dối trá để duy trì và bảo vệ ngai vàng của họ.
Mỗi lúc mưa lại càng nặng hạt, chung quanh tối om không nhìn thấy người bên cạnh. Từ trong bóng đêm, anh Trung hỏi:
- Cán bộ tính sao sứ anh em đói và mỏi mệt quá rồi. Nếu ở lại ngoài này thì cho anh em về mang cơm nước gì chứ ông.
Tiếng anh Trung cười dòn dã, mọi người cười theo vì ai cũng biết làm gì có chuyện ở lại ngoài này. Thăng không nói gì, ánh đèn bin trong tay quét loang loáng trong đêm. Có tiếng máy bộ đàm sôi rè rè, tiếng cán bộ Thăng trả lời: Dạ vâng..dạ vâng ạ.
Sau đó cán bộ Thăng bảo anh NBích cho anh em điểm danh để về trại.
Chúng tôi lần mò từng bước trong đêm. Con đường tuy quen thuộc nhưng bây giờ không thấy gì. Trong đội có nhiều người đã cao tuổi, ốm yếu. Ánh đèn bin tiếp tục quét qua quét lại cho chúng tôi đi.
Về đến trại, ai cũng vội vàng đi lấy nước tắm. Cơm được chia trong buồng giam vì cửa buồng đã đóng.
Nhìn thau cơm trắng tinh, những thau thức ăn ngon lành, cá chiên, rau xào và thịt kho. Chưa bao giờ chúng tôi được trại cho ăn như thế. Kể cả những ngày Tết cũng rất đơn sơ. Chúng tôi biết những món ăn này là dùng để quảng cáo, tất cả đều dối láo. Anh em nhìn nhau cười. Khi sự dối trá đã bắt đầu thì khó lòng dừng lại ngoại trừ kẻ dối trá là một con người can đảm hoặc những người bị dối gạt phải đứng lên. Không biết nó (những món hàng quảng cáo này) đã làm xong nhiệm vụ của mình chưa.
Buổi tối hôm nay thật vui..vui vì anh em được một bữa cơm ngon để bồi dưỡng cho những cơ thể suy nhược vì thiếu đói. Có rất nhiều anh em không có gia đình, không thăm nuôi, không quà. Thậm chí có vài trường hợp đã ở tù 10 năm mà không nhận đựoc thư từ, thông tin gì về gia đình. Có những việc đau lòng xảy ra mà trí tưởng tượng con người khó hình dung nỗi.
Vì phòng vệ sinh chật chội nên mọi người phải nhường nhau. Cứ hình dung căn phòng một chiều 6m, chiều 10m.
Và phòng vệ sinh 6m x 3m mà có đến 100 con người ở trong đó…
Chổ ngủ có hai tầng..những người lớn tuổi vì không thể leo trèo nên ở dưới,những người trẻ hơn hoặc còn khoẻ thì ngủ ở trên.
Mùa đông thì còn chịu được vì thời tiết mát mẻ, nhưng mùa hè thì thật đáng sợ, nóng chẳng khác gì cái lò bánh mì. Dưới mái nhà lợp tôn là tấm lưới chống B40, từ sàn gỗ đến mái tôn khoảng 2.5m. Mùa hè, để nghỉ ngơi buổi trưa tôi phải nhúng nước một tấm chăn lớn, vắt sơ sài để nước khỏi chảy thành dòng rồi căng lên để tránh bớt sức nóng như thiêu đốt vậy mà vẫn không ngủ được, mồ hôi tuôn ra nhầy nhụa, cứ chập chờn nửa tỉnh nửa mê, khi tiếng kẻng báo thức vang lên, thu tấm chăn xuống, nó khô giòn trên tay.
Cơm xong tôi ngồi uống trà và chờ cho mọi người làm vệ sinh hết rồi, đến gần 10 giờ đêm tôi xuống nhà tắm toilet chải răng và tắm qua quýt, vừa leo lên đến chỗ nằm thì mất điện. Căn nhà tối om..tôi ngồi bó gối trong khoảng tối chờ người trực đêm thắp đèn. Hai cây đèn dầu nhỏ ở hai đầu căn buồng không đủ ánh sáng anh Dương Văn Sỹ thắp một mẫu đèn cầy nhỏ để tôi giăng mùng, anh nói nhỏ với tôi:
- Có lẽ bây giờ phái đoàn mới đến, tụi nó tắt đèn để không ai nhìn thấy gì ở đây.
Tôi cũng nghĩ như vậy..thực tập chống bão lụt là vỡ kịch mà họ không cần diễn cho đến nơi đến chốn, giữa chừng thì bỏ dở, họ mang chúng tôi đi dấu để phái đoàn Nhân quyền quốc tế không tiếp xúc được và họ cũng không cần che đậy hay giấu giếm ý đồ của mình. Cho đến lúc này, chúng tôi vẫn chưa có thông tin gì, chỉ phán đoán như thế. Còn chuyện cắt điện cũng có thể chỉ là ngẫu nhiên thôi vì năm 1994, ở trại Xuân Phước chưa có mạng lưới điện quốc gia. Cả trại dùng một cái máy phát cũ kỹ nên chuyện cắt điện vẫn thường xảy ra.
Sáng ra, chúng tôi nhận được tin của anh em báo cho biết là phái đoàn thanh sát nhân quyền LHQ đã đến trại vào đêm qua. Họ được trại hướng dẫn đi thăm các khu trại giam và phái đoàn đã bị chi phối hoàn toàn. Những cò mồi của trại đã cung cấp cho phái đoàn những thông tin sai lạc..họ được hướng dẫn đến thăm khu của thường phạm, nhưng đề phòng có ai đó không chịu nỗi sự bất công và nghiệt ngã của nhà tù có thể nói ra những điều bất lợi cho chế độ nên tay trưởng an ninh của trại là đại uý Lâm.. răn đe họ rằng: ”Tây đến rồi Tây lại đi..chỉ còn có người Việt Nam chúng ta ở lại với nhau. Các anh muốn nói gì thì cũng phải nghĩ đến tương lai và số phận của mình. Tây thì xa mà chúng tôi thì gần..nước xa sao cứu được lửa gần”.
Buổi mai hôm đó chúng tôi bỏ cơm để hội ý, anh Phạm Văn Thành và anh Phạm Anh Dũng đề nghị:
- Biết đâu phái đoàn vẫn còn ở lại và làm việc với Ban giám thị ngoài kia. Chúng ta tổ chức bãi công và hô khẩu hiệu. Khi chúng tôi (PVT và PAD)hô: Nhân quyền cho Việt Nam bằng 3 thứ tiếng: VN, Anh và Pháp thì các anh hô thật lớn 3 tiếng “Nhân quyền! Nhân quyền! Nhân quyền!” cũng bằng 3 thứ tiếng trên.
Sau khi tham khảo ý kiến chớp nhoáng với một số anh em chúng tôi đồng ý để 3 người là Phạm văn Thành, Phạm anh Dũng và Nguyễn ngọc Đăng hướng dẫn và lãnh đạo cuộc đấu tranh này vì dù sao họ cũng là những người có hậu thuẫn từ các nước dân chủ. Anh PAD:Quốc tịch Pháp, anh PVT:thường trú nhân. Anh NNĐ quốc tịch Canada. Dù sao họ cũng được sự bảo vệ của các quốc gia đó và họ cũng có kinh nghiệm trong việc đấu tranh bất bạo động. Một số người tuy không đồng ý nhưng cũng không phản đối…số nữa thì lưng chừng ,vì sĩ diện. Bên ngoài có vẻ đồng ý nhưng không tham gia nhiệt tình.
Khi cán bộ trực trại vào mở của khu để chúng tôi xuất trại thì anh PVT,PAD và NNĐ cùng chúng tôi ra trước sân của khu thay phiên nhau hô to:
- Nhân quyền cho VN!
Đồng loạt,các anh em dơ nắm tay lên hô vang:
”Nhân quyền! Nhân quyền! Nhân quyền !”
Những tiếng hô lớn vang dội cả trại làm cho Đại uý công an trực trại tên là Đa và những người trật tự đi theo kinh ngạc. Đa đứng sững sờ không biết chuyện gì. Chúng tôi tiếp tục: ”Nhân quyền! Nhân quyền! Nhân quyền!”, mấy tay công an đứng gác ở chòi cao cũng há hốc mồm nhìn xuống..dưới sân lố nhố người với những cánh tay vung lên mạnh mẽ và quyết đoán trong giọng hô hào hùng, đanh thép của những người con yêu nước Việt Nam.
Lịch sử của đất nước VN cũng đã có nhiều lần như thế và âm vang vẫn còn vang vọng trên sông núi nước Việt, đó là tiếng thét của đội quân Tây Sơn khi tiến quân ra Bắc Hà đánh tan quân Thanh. Hay những tiếng thét vang lên trong hội nghị Diên Hồng và tiếp nối truyền thống hào hùng bất diệt đó, chúng tôi những người tù chính trị tại A20 Xuân Phước đã vượt qua sự sợ hãi hô vang lên tiếng thét đòi nhân quyền, nhân phẩm.
Những người tù thường phạm đang tập trung ở ngoài sân trại chuẩn bị đi làm đổ xô đến xem. Họ vô cùng kinh ngạc, trên nét mặt hiện rõ vẻ vừa thán phục vừa lo sợ cho chúng tôi. Cán bộ Đa không nói gì, lặng lẽ rút lui và đuổi tất cả mọi người đang tò mò đứng nhìn. Đóng cửa khu A. Còn chúng tôi, những người tù chính trị của chế độ trong những bộ quần áo tù bạc thếch, lôi thôi, những cánh tay gầy trơ xương vẫn tiếp tục vươn cao mạnh mẽ oai hùng, tiếng hô vang động cả một góc trời. Hy vọng những tiếng hô vang này sẽ đánh động lương tri nhân loại văn minh, sẽ đên được với LHQ để mọi người trên thế giới biết rằng: Tại VN, một đất nước ở vùng Đông Nam Á, một chế độ độc tài đã cướp đi tất cả nhân quyền cơ bản của con người.
2 tiếng đồng hồ trôi qua vẫn không có động tĩnh gì từ phía trại. Chúng tôi vẫn tiếp tục hô để đòi hỏi nhân quyền và hy vọng sự lắng nghe của phái đoàn Liên hiệp quốc.
Tôi thấy anh PVT rất căng thẳng, vì sau bản phúc trình anh gởi ra ngoài cho công luận quốc tế biết về những vi phạm nhân quyền và tội ác của chế độ CSVN, anh trở thành đối tượng số 1 của Trại..thêm lần này nữa, anh đã đánh một đòn đau vào chế độ. Họ có để anh yên không? Tính mạng của anh đang bị đe doạ cho dù anh có là thường trú nhân của Pháp. Không căng thẳng sao được, tôi rất hiểu tâm trạng của anh.
Buổi trưa hôm đó chúng tôi ăn vội vàng, chờ cho mọi người đi ngủ trưa..một số anh em can đảm dám dấn thân họp nhau lại ở phòng ăn (vừa là nơi nấu ăn của tù nhân, buồng 2 khu A) để soạn một bản kiến nghị gởi giám thị trại và một bản nữa gởi ra ngoài bằng con đường riêng mà các anh PVT,PAD,NNĐ đã móc nối và thiết lập được. Tôi cũng tham gia góp ý kiến vào kiến nghị đó. Anh Vũ Đình Thụy chấp bút, những người ký tên tham gia tuyệt thực để phản đối những hành vi vi phạm nhân quyền và nhân phẩm của BGT trại A20 Xuân Phước gồm có:
-Phạm văn Thành, Phạm anh Dũng, Nguyễn Ngọc Đăng, Trương nhật Tân, Hoàng xuân Chinh, Trần nam Phương, Trần đức Hào, Trần Minh Tuấn, Vũ đình Thụy, Trần văn Lương, Lê thiện Quang, Lê văn Điểm, Nguyễn văn Trung và tôi Huỳnh ngọc Tuấn.
Buổi chiều ngày hôm đó BGT trại Xuân Phước cho gọi các anh đội trưởng của các đội 12, 17, 2 ra làm việc. Họ yêu cầu các anh ấy về thuyết phục anh em đi làm, chấm dứt đấu tranh. Anh PVT đại diện cho anh em trả lời họ rằng sẽ tiếp tục đấu tranh.
Chúng tôi vẫn tiếp tục vừa đi dạo trên sân vừa hô to: Nhân quyền cho VN! Nhân quyền cho VN!
Chiều hôm đó những người ký tên vào bản kiến nghị không nhận cơm.
Đội nhà bếp ở buồng kế bên cùng khu, đội này tập hợp những người có mức án cao từ 20 năm đến chung thân và gồm phần lớn các anh em từ hải ngoại về thuộc tổ chức Hoàng Việt Cương. Họ không trực tiếp tham gia đấu tranh, họ chỉ qua lại để động viên chúng tôi. Anh Lê hoàn Sơn là thường trú nhân tại Pháp đến gặp từng người để thăm hỏi và cổ vũ cho chúng tôi.
Buổi tối hôm đó, chúng tôi họp bàn những khả năng mà công an Việt cộng có thể dùng để trấn áp. Lần đầu tiên chúng tôi tiến hành một cuộc đấu tranh tập thể bằng phương pháp bất bạo động.
Hôm nay nghĩ lại thấy đa phần anh em lúc đó chưa có kỷ năng để tiến hành một cuộc đấu tranh như vậy, và cũng chưa lường hết hậu quả của nó. Chúng tôi chỉ có tấm lòng đầy nhiệt huyết.
Một đêm trôi qua trong hồi hộp và chờ đợi, nghe một số anh em là tai mắt của mình cho biết: Rất nhiều công an được huy động đến, rải ra dày đặt bên ngoài, việc thân nhân đi thăm nuôi cũng bị đình chỉ hoàn toàn. Bộ công an đã cho người về chỉ đạo trực tiếp.
Buổi sáng ngày hôm sau.
Chúng tôi tiếp tục cuộc đấu tranh, những tiếng hô vang dội giữa rừng sâu núi thẳm. Xuân Phước được mệnh danh là “Thung lũng tử thần” đang chứng kiến một việc chưa từng thấy kể từ ngày CS cưỡng chiếm miền nam. Một cuộc đấu tranh sẽ đi vào lịch sữ của trại tù CSVN. Chúng tôi tiên liệu sẽ bị đàn áp: nhưng chúng tôi sẽ không mãi mãi cúi đầu. Chúng tôi hy vọng rằng: Cuộc đấu tranh này sẽ được nhân dân biết đến như một cách làm xói mòn quyền lực tưởng như bất khả xâm phạm của CS.
Việc gì rồi cũng bị lãng quên, cuộc đấu tranh này cũng có thể đi vào quên lãng, nhưng nó sẽ mãi mãi sống trong lòng những người tù chính trị chúng tôi.
9h sáng: BGT bắt loa kêu gọi chúng tôi chấm dứt đấu tranh..nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục hô to khẩu hiệu Nhân quyền ...Việt Nam.
Để không ai nghe thấy vì nhà thăm nuôi gần đó, những người nông dân thường đi làm ngang qua đó, BGT trại XP cho mắc một số loa phóng thanh và phát những bài hát để át tiếng chúng tôi buộc lòng chúng tôi phải gào thật to.
Một buổi trưa đi qua trong căng thẳng. Bây giờ thì không ai có thể nghỉ ngơi kể cả những người thờ ơ nhất…
Khi tiếng kẻng báo thức buổi chiều vang lên..BGT và rất nhiều công an trại giam tập trung bên ngoài cánh cửa của khu A. Với loa phóng thanh cầm tay, họ tiếp tục kêu gọi chúng tôi chấm dứt đấu tranh kèm với lời đe doạ sẽ có biện pháp mạnh.
Chúng tôi rút vào phòng, mỗi người ngồi vào chỗ của mình và tiếp tục hô khẩu hiệu. 30 phút sau, BGT và rất nhiều công an trang bị mặt nạ chống độc, lựu đạn cay cầm tay, một số đông cầm dùi cui..và có vài chục người đựơc tuyển chọn từ đội thường phạm..họ là những người khoẻ mạnh lực lưỡng,trẻ và nhanh nhẹn. Những người này tôi gọi nôm na là lực lượng đặc biệt của trại.
Cán bộ Nhuận, một người có dáng dấp dễ coi, rất bảnh trai lúc đó là thượng uý phụ trách văn hoá của trại. Con người này có cách hành xử, thái độ và ngôn ngữ trái với vẻ bề ngoài. Đây là một cán bộ điển hình về sự hung bạo và thủ đoạn. Sự hà khắc quá mức đối với anh em.
Nhuận xuất hiện trước cửa phòng, trong tay cầm danh sách những người tù hiện diện trong buồng số 2 khu A, phía sau y là một đám công an lạ mặt, những anh em ở đây lâu nhất cũng không nhận ra. Tay cầm lựu đạn,một số mang mặt nạ chống độc và dùi cui điện. Y đọc tên từng người và yêu cầu mang đồ đạt ra khỏi buồng giam. Có một vài người không chịu nỗi áp lực, không thắng nỗi sự sợ hãi đã bỏ hàng ngủ của anh em để đi ra.
Điểm đến người cuối cùng trong danh sách, hắn thông báo cho chúng tôi biết:
- Chúng tôi cho các anh 30 phút để bàn bạc, sau 30’ chúng tôi sẽ sữ dụng mọi phương tiện ,hắn chỉ ra phía sau đám công an hùng hổ.
Có một điều làm tôi vô cùng cảm động và thán phục..trong buồng giam số 2 Khu A lúc đó có gần 20 cụ già, họ đã ở tù mười mấy năm, thân thể hao mòn, hom hem, đi lại khó khăn. Có những anh tuy còn trẻ nhưng vì bị tra tấn hành hạ cộng với cuộc sống nghiệt ngã đã trở thành phế nhân. Như anh Thành người Huế, Anh chỉ còn da bọc xương, một thân thể tàn tạ nhưng có nụ cười thân thiện. Chỉ một lần gặp, vài lần tiếp xúc, chúng ta sẽ không thể quên được anh. Những người này sẽ phải thế nào nếu những quả lựu đạn kia ném vào. Tổn thất sinh mạng của anh em là vô cùng lớn. Chúng tôi những người trẻ khoẻ và đi đầu trong cuộc đấu tranh này, đựơc những con người này tin cậy, họ sát cánh cùng chúng tôi bất chấp hiểm nguy. Họ giao phó tính mệnh cho chúng tôi. Nhìn họ, tôi thấy rất thán phục nhưng không kém phần ái ngại. Vì họ chúng tôi đi đến một quyết định hết sức khó khăn..Chấm dứt cuộc đấu tranh.
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment