Hai vụ án thô bạo đáng lưu ý
Nguyễn Văn Huy
Đăng ngày 10/02/2009 lúc 03:23:10 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3522
Trong hai ngày liên tiếp, 10 và 11 tháng 12 - 2008, chính quyền cộng sản đã xử hai vụ án chính trị tại tỉnh Đồng Nai. Bảy người bị đem xét xử đều bị buộc tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".
Hai vụ án chính trị này đã không gây ra được sự chú ý như những vụ án trước đây vì chúng diễn ra tại một tỉnh nhỏ thay vì tại Sài Gòn hay Hà Nội dù chúng cũng thô bạo không kém. Hai vụ án này đều đáng để đối lập dân chủ suy nghĩ và cảnh giác. Cả hai vụ án được đem xử một cách gần như bí mật, người ta chỉ được biết qua báo chí nhà nước, các bản tin về vụ án này cũng không tường thuật diễn biến phiên tòa. Có mọi triển vọng là các bị cáo đã bị xử một cách nhanh chóng cho có lệ, không có luật sư và không có sự hiện diện của báo chí. Vả lại các báo cũng chỉ đăng lại bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam. Đây có thể là một phương cách đàn áp mới của chính quyền cộng sản mà đối lập dân chủ Việt Nam phải cảnh giác để đối phó: đem xử những người đối lập tại các tỉnh để tránh phản ứng của dư luận.
*
Trong vụ thứ nhất (ngày 10-12-2008), ông Đoàn Văn Diên bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù giam, bà Trần Thị Lệ Hồng 3 năm tù giam, hai ông Đoàn Huy Chương và Phùng Quang Quyền mỗi người 18 tháng tù giam. Các vị này đã bị bắt từ tháng 6-2007, như vậy hai ông Đoàn Huy Chương và Phùng Quang Quyền được trả tự do sau phiên tòa.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Đồng Nai, ông Đoàn Văn Diên (sinh năm 1954 tại Quảng Nam) cùng với bà Trần Thị Lệ Hồng (sinh năm 1959 tại Ninh Thuận, bạn đời của ông Diên), Đoàn Huy Chương (sinh năm 1985, con ông Diên) và Phùng Quang Quyền (sinh 1956 tại Lâm Đồng) đã liên kết với các tổ chức đối lập Việt Nam ở nước ngoài để “chống lại nhà nước cộng sản”. Cụ thể là:
- Từ tháng 4-2005 đến tháng 11-2006, các vị này đã liên hệ với bà Trịnh Thị Ngọc Anh (thuộc Câu Lạc Bộ Hoa Mai ở Houston, Texas, Hoa Kỳ), thu thập các đơn khiếu kiện đất đai ở trong nước, rồi phổ biến trên mạng Internet. Bản cáo trạng coi hành động này "nhằm mục đích vu cáo, nói xấu Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" nhưng không nêu ra được một thí dụ cụ thể nào chứng tỏ đã có sự bịa đặt.
- Tháng 10-2006, họ đã rải truyền đơn tại Sài Gòn và Đồng Nai, tố giác chính quyền cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền nhân dịp Hội nghi APEC lần thứ 14 được tổ chức tại Hà Nội.
- Tháng 12-2006, nhân đợt đình công lớn của công nhân làm việc trong các công ty có vốn nước ngoài, ông Đoàn Huy Chương, dưới bí danh Nguyễn Tấn Hoành, đã trả lời phỏng vấn qua điện thoại cho Radio Hoa Mai và đài Á Châu Tự Do (RFA). Cáo trạng của tòa án Đồng Nai cho rằng các cuộc phỏng vấn này đều do bà Ngọc Anh và chồng là ông Nguyễn Công Bằng soạn sẵn câu hỏi và câu trả lời. Lời cáo buộc này cũng không có cơ sở nào.
Bản cáo trạng cũng nhắc tới tên ông Đỗ Thành Công, tổng thư ký đảng Dân Chủ Nhân Dân như là một trong những người ở nước ngoài đã liên hệ với các bị cáo.
Theo một nguồn tin riêng đáng tin cậy thì ông Đoàn Văn Diên cùng với người bạn đời là bà Trần Thi Lệ Hồng và người con trai là Đoàn Huy Chương và một số bạn bè khác đã liên hệ trước hết với ông Nguyễn Công Bằng và vợ ông Bằng là bà Ngọc Anh, người chủ xướng Câu Lạc Bộ Hoa Mai và đài phát thanh Hoa Mai tại Houston. Sau một thời gian, nhóm ông Diên và Câu Lạc Bộ Hoa Mai có chuyện bất hòa và không còn quan hệ với nhau nữa (như vậy khó có chuyện ông Bằng và bà Ngọc Anh "soạn sẵn câu hỏi và câu trả lời" cho những cuộc phỏng vấn anh Đoàn Huy Chương). Nhóm ông Diên qua mạng Internet đã bắt liên lạc với đảng Dân Chủ Nhân Dân của ông Đỗ Thành Công và chuyển sang hợp tác với đảng này.
Do được khuyến khích, cuối năm 2006 nhóm ông Diên, gồm 8 người, đã tuyên bố thành lập "Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông". Ông Đoàn Huy Chương, dưới bí danh Nguyễn Tấn Hoành, đã trả lời nhiều cuộc phỏng vấn của các báo đài ở nước ngoài. Việc công bố thành lập "Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông" đã gây tiếng vang đáng kể. Nhiều người phấn khởi coi hiệp hội này như là một lực lượng quần chúng đầy hứa hẹn, có người nói tới "hiện tượng Nguyễn Tấn Hoành" như một nhân vật kiệt xuất. Nhưng sự phấn khởi đã không kéo dài bởi vì hình ảnh tạo ra đã nhanh chóng chứng tỏ là rất xa với sự thực. Nhóm của ông Diên thực sự chỉ có tám người và tất cả, kể cả chính ông Diên, đều là những người có tấm lòng nhưng chưa có một kinh nghiệm tranh đấu nào, "hiện tượng Nguyễn Tấn Hoành" chỉ là anh thanh niên Đoàn Huy Chương còn cần rất nhiều học hỏi. Họ cũng không có khả năng làm nhưng thánh tử đạo.
Những người mong muốn dân chủ cho đất nước nên nghĩ gì về vụ này?
Ông Diên, bà Lệ Hồng, anh Chương và các bạn họ đều là những người tốt. Họ quan tâm tới tương lai đất nước và muốn tham gia vào cuộc đấu tranh cho dân chủ, đó là một điều quí hiếm. Tiếc rằng, thay vì được giúp đỡ, hướng dẫn và chuẩn bị để đóng góp một cách đắc lực cho cuộc vận động dân chủ, họ đã là nạn nhân của những cố gắng gây tiếng vang thiếu suy nghĩ và vô trách nhiệm.
Thiếu suy nghĩ bởi vì một hình ảnh giả tạo quá xa sự thật chắc chắn sẽ đưa đến thất vọng, và trong thời đại truyền thông này sự thất vọng sẽ đến sớm hơn người ta tưởng. Không phải vì chúng ta muốn có một lực lượng công nhân tranh đấu mà chúng ta có quyền tự đánh lừa mình và đánh lừa dư luận rằng lực lượng đó đã thành hình, với một người lãnh đạo trẻ đầy triển vọng. Phong trào dân chủ Việt Nam cần những thành quả, nhưng những thành quả thật, dù là khiêm tốn. Trước hết phong trào dân chủ phải trung thực, bởi vì sự lương thiện và trung thực là vũ khí chính của nó. Những người có thiện chí yểm trợ cuộc vân động dân chủ cũng cần ý thức rằng một lực lượng tranh đấu, dù là tranh đấu chính trị hay tranh đấu nghiệp đoàn, đều chỉ có thể là thành quả của một cố gắng lâu dài chứ không thể một sớm một chiều mà có được; khi có ai đó muốn chúng ta tin rằng có một lực lượng mới ra đời, chưa từng được biết đến, nhưng rất hùng hậu và đầy tiềm năng là người đó hoặc ngây thơ hoặc dối trá. Không nên tin, để rồi thất vọng sau đó.
Vô trách nhiệm, vì phải biết rằng thổi phồng nhóm ông Diên như vậy là chắc chắn sẽ đưa họ vào tù, sẽ gây đau khổ vô ích cho gia đình họ vốn đã rất nghèo, làm tiêu hao lực lượng dân chủ. Và để được cái gì, cho ai ?
*
Những người dân chủ càng phải thận trọng hơn qua vụ án thứ hai. Một ngày sau đó (11-12-2008), cũng tại tỉnh Đồng Nai, trong đó ông Trương Minh Nguyệt bị xử 4 năm tù, ông Nguyễn Văn Ngọc 4 năm tù, ông Trịnh Quốc Thảo 2 năm tù, cũng với tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo Điều 258, khoản 2, Bộ Luật Hình Sự. Cả ba bị bắt vì đã tham gia "Nhóm Người Việt Nam Yêu Nước" do Nguyễn Trung Lĩnh ở Hà Nội thành lập cùng với một vài người ở nước ngoài.
Trong ba người này, ông Trương Minh Nguyệt là người đáng chú ý nhất. Ông sinh năm 1946 tại Sài Gòn và là kỹ sư nông cơ trước năm 1975, đã từng bị bắt và bị xử 15 năm tù giam về tội "âm mưu lật đổ chính quyền". Ông Nguyệt hiện là phó chủ tịch Hội Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo do thượng toạ Thích Thiện Minh làm chủ tịch và anh Phạm Hồng Sơn làm tổng thư ký. Ông Nguyễn Văn Ngọc sinh năm 1960 tại Hải Dương, hiện ở Long Thành, Đồng Nai, cũng là một kỹ sư. Ông Trịnh Quốc Thảo sinh năm 1956 tại Sài Gòn, hiện ở Xuân Lộc, Đồng Nai. Hai ông Ngọc và Thảo chưa được công chúng biết tới cho đến ngày họ bị bắt.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Đồng Nai thì:
- Tháng 10-2006, ông Nguyệt đến thăm ông Nguyễn Văn Ngọc, đưa cho ông Ngọc thư vận động thành lập "Liên Minh Dân Chủ" do Nguyễn Trung Lĩnh, Đỗ Đình Phẩm và Nguyễn Khắc Toàn ở Hà Nội soạn thảo. Sau đó, ông Ngọc chuyển tài liệu cho cho ông Thảo.
- Đến tháng 11-2006, Nguyễn Trung Lĩnh thành lập "Hội Người Việt Nam Yêu Nước", và rủ ông Ngọc tham gia. Ông Ngọc đã đồng ý và rủ thêm ông Thảo, sau đó hai ông Ngọc và Thảo rủ Nguyệt. Ông Ngọc bị bắt ngày 1-3-2007, hai ngày sau đến lượt ông Thảo. Ông Nguyệt chỉ bị bắt ba tháng sau đó, ngày 4-6-2007.
Vụ án này cực kỳ tùy tiện và vô lý. Ba người này không làm gì ngoài việc chấp nhận tham gia "Nhóm Người Việt Nam Yêu Nước". Tại sao họ bị xử án tù vì đã tham gia "Nhóm Người Việt Nam Yêu Nước" trong khi Nguyễn Trung Lĩnh, sáng lập viên và chủ tịch hội này (theo chính bản cáo trạng) lại vẫn sống nhởn nhơ và buôn bán chứng khoán tại Hà Nội? Như vậy thì cái "Nhóm Người Việt Nam Yêu Nước" này chỉ là một cái bẫy do công an giăng ra để phát hiện và triệt tiêu những người đối lập thực sự.
Một câu hỏi khác: tại sao bản cáo trạng nêu đích danh hai ông Nguyễn Khắc Toàn (một cựu tù nhân chính trị rất quen biết với dư luận) và ông Đỗ Đình Phẩm như những người cùng với Nguyễn Trung Lĩnh đưa ra lời kêu gọi thành lập "Liên Minh Dân Chủ" để chống chính quyền mà họ vẫn không bị kết tội gì? Phải hiểu rằng hai ông Toàn và Phẩm không dính líu gì với Nguyễn Trung Lĩnh và Viện Kiểm Sát Nhân Dân Đồng Nai đã làm việc một cách cực kỳ cẩu thả trong khi chức năng của viện này chính là để giữ gìn sự nghiêm chỉnh của luật pháp.
Nguyển Trung Lĩnh, khoảng ngoài 40 tuổi, đi du học tại Tiệp cuối thập niên 1980 vào đúng lúc Liên Xô các chế độ cộng sản Đông Âu sụp đổ. Tôi có gặp anh ta tại Ostrava (Tiệp) đầu thập niên 1990 và được anh cho biết anh thuộc gia đình cán bộ cao cấp. Cuộc gặp gỡ quá ngắn để tôi có thể tìm hiểu thêm về anh ta. Đầu năm 2006 anh ta liên lạc với Tâp Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và mời anh Nguyễn Gia Kiểng làm cố vấn cho anh ta trong "Nhóm Người Việt Nam Yêu Nước". Anh ta trình bày hội này như là bước đầu để hình thành một mặt trận dân chủ lấy dự án chính trị Thành Công Thế Kỷ 21 của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên làm cương lĩnh. Anh ta cũng gửi kèm một lời kêu gọi thành lập một liên minh dân chủ. Lời kêu gọi này rất dài và luộm thuộm. Đây rất có thể là "thư vận động" mà theo bản cáo trạng ông Trương Minh Nguyệt đã trao cho ông Nguyễn Văn Ngọc.
Nguyễn Trung Lĩnh cũng kể tên một số gương mặt dân chủ trong nước mà anh ta nói là đã nhận lời làm cố vấn cho hội của anh ta. Một số thân hữu tại Mỹ từ trước đến nay chưa tham gia một tổ chức chính tri nào cũng liên lạc với chúng tôi và cho biết đã liên lạc với Nguyễn Trung Lĩnh, có người đã nhận lời vào ban đại diện của "Hội Người Việt Nam Yêu Nước". Chúng tôi tìm hiểu thêm thì tất cả các vị mà Nguyễn Trung Lĩnh nói là đã nhận lời làm cố vấn cho anh ta đều cải chính; các thân hữu ở Hà Nội đều cùng một nhận định: Nguyễn Trung Lĩnh có bệnh hoang tưởng, không có khả năng gì nhưng lại nuôi mộng làm vĩ nhân, hoặc làm việc cho công an, hoặc bị công an lợi dụng, nhưng đàng nào cũng nguy hiểm, không nên giao thiệp là hơn; anh em bên Tiệp thì cho hay là Nguyễn Trung Lĩnh đã gây thất vọng cho nhiều người, đặc biệt về quan hệ tiền bạc.
Điều đáng buồn là một người như Nguyễn Trung Lĩnh bỗng dưng nhảy ra lập tổ chức chính trị mà cũng được hưởng ứng, để rồi đến nỗi có những người phải lâm vào cảnh tù tội. Có một cái gì đó rất không bình thường trong môi trường những người tranh đấu cho dân chủ hoặc ủng hộ cuộc vận động dân chủ. Sự phát triển của kỹ thuật Internet cho phép một nhóm vài người, thậm chí một cá nhân, tự xưng là một tổ chức và liên hệ với rất nhiều người. Mặt khác một số người mang nặng tâm lý nhân sĩ lại chỉ thích tham gia những tổ chức, dù là tổ chức hoàn toàn không có một thực chất nào, trong đó mình được mời giữ những chức vụ quan trọng. Những người và những tổ chức không có thực chất này dĩ nhiên phải tìm cách gây tiếng vang vì mục tiêu của họ chỉ là để quảng cáo cho mình. Họ có thể gây những thảm kịch cho nhiều người cả tin và chỉ gây nhàm chán cho cuộc vận động dân chủ.
Riêng trong năm 2006, nhờ sự bối rối của đảng cộng sản trước và sau đai hội 10, hàng chục "tổ chức tranh đấu" đủ loại đã thi nhau xuất hiện trong nước cũng như ngoài nước. Các tổ chức này hiện nay ở đâu và những công sức mà họ đã đổ ra còn để lại gì? Chưa kể là có cả những tổ chức giả chỉ được thành lập để làm bẫy gài bắt nhưng người dân chủ thực, như trường hợp "Nhóm Người Việt Nam Yêu Nước" của Nguyễn Trung Lĩnh.
*
Đã đến lúc những người dân chủ Việt Nam phải thẳng thắn với những manh động hoặc vô tích sự hoặc giả trá này và lấy một chọn lựa dứt khoát: chỉ dành sự tín nhiệm cho nhưng tổ chức dân chủ đã có thời gian để chứng tỏ bản lĩnh và sự nghiêm túc.
Nguyễn Văn Huy
No comments:
Post a Comment