Văn Phòng II Viện Hóa Đạo tổ chức cầu nguyện và hội luận tại chùa Điều Ngự
Nguyên Huy/Người Việt
Monday, February 16, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=90929&z=3
WESTMINSTER, California (NV) - Trưa hôm Chủ Nhật 15 tháng 2 vừa qua, tại chùa Ðiều Ngự, Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ đã tổ chức một buổi cầu nguyện cho đất nước và dân tộc, cho sự vẹn toàn lãnh thổ đồng thời cũng mở cuộc hội luận về hiện tình Giáo Hội PGVNTN và vai trò người cư sĩ trước thời đại.
Hơn 500 đồng hương Phật tử và các nhân sĩ trí thức trong cộng đồng người Việt ở Nam California đã đến tham dự.
Bên phía tăng lữ, chúng tôi nhận thấy có Hòa Thượng Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác, Hòa Thượng Thích Chánh Lạc và các vị trong các tổng vụ cư sĩ, xã hội, kế hoạch, Thượng Tọa Thích Viên Lý tổng thư ký VP II VHÐ cùng nhiều thượng tọa đại đức trong Văn Phòng II VHÐ. Cư sĩ Võ Văn Ái, cô Ỷ Lan từ Pháp qua là những thuyết trình viên cùng Pháp Sư Thích Giác Ðức.
Phía cộng đồng chúng tôi thấy có các giáo sư Lưu Trung Khảo, Trần Ðức Thanh Phong, Tiến Sĩ Mai Thanh Chuyết, các cựu quân nhân như cựu Chuẩn tướng Lê Văn Tư, cựu Ðại Tá Lê Bá Khiếu, Lê Khắc Lý, các cựu dân biểu Nguyễn Hữu Thời, Bùi Văn Nhân, Ðoàn Mại...
Phía các tổ chức tranh đấu và đảng phái chúng tôi thấy có ông Trần Trọng Ðạt thuộc Việt Nam Quốc Dân Ðảng, các thành viên trong Ủy Ban Chống Nghị Quyết 36 của CS, bà Nguyễn Hữu Chánh và phái đoàn đảng Dân Tộc, Luật Sư Trần Sơn Hà thuộc Ủy Ban Bảo Toàn Ðất Tổ và cộng đồng VN San Diego cùng nhiều hội đoàn tổ chức khác...
Ðúng 1 giờ trưa như qui định, phái đoàn tăng lữ tiến từ chánh điện của chùa Ðiều Ngự ra do Hòa Thượng Thích Hộ Giác dẫn đầu. Sau phần chào quốc kỳ Mỹ-Việt và Phật giáo kỳ cùng phút nhập từ bi quán, Hòa Thượng Phó Tăng Thống GHPGVNTN Thích Hộ Giác đã ban một đạo từ khai mạc buổi lễ. Trong phần đạo từ này, hòa thượng đã đề cập đến ý chí cứu nguy của người Phật tử và Giáo Hội. Hòa thượng nói: “Chúng ta hôm nay cầu cho quốc thái dân an, cho sự vẹn toàn của lãnh thổ là bước đầu của sự cứu nguy”. Hòa Thượng cho rằng chưa bao giờ đất nước cần đến cộng đồng người Việt hải ngoại như bây giờ. Chúng ta được sống trên những phần đất tự do, chúng ta có tự do để trung thực nói lên tình trạng an nguy của đất nước. Chúng ta đã mất đất, mất hải đảo vì nhà cầm quyền hiện tại đã hiến dâng cho Trung Cộng và tương lai sẽ còn có thể mất hơn nữa vì bị lệ thuộc. Chính vì thế mà chúng ta tổ chức buổi cầu nguyện hôm nay.
Từ trong nước Ðại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ cũng gửi ra một đạo từ nhân dịp này. Ngài đã thay mặt Viện Tăng Thống và Viện Hóa Ðạo nhắc nhở đến cộng đồng Phật tử và người dân Việt khắp nơi rằng “chúng ta đều mong muốn những điều bất hạnh không xẩy đến cho đất nước và dân tộc chúng ta. Nên chúng ta phải làm sao cho cầu nguyện đi đôi với hành mới đủ”.
Hòa Thượng Quyền Tăng Thống Thích Quảng Ðộ cũng nhắc lại lịch sử giữ nước của cha ông để kêu gọi mọi con dân VN, đặc biệt là người Việt ở hải ngoại đang có được tự do hãy sử dụng quyền đó để bảo vệ lãnh thổ trước nạn ngoại xâm và cả nội xâm nữa.
Hòa Thượng Thích Chánh Lạc, phó chủ tịch Hội Ðồng Ðiều Hành VP II VHÐ, cũng phát biểu rằng: “Trên 30 năm mất nước nhưng mọi người Việt hải ngoại còn quan tâm đến vận mệnh của đất nước nên đã có một niềm tin rằng kẻ ác không thể còn tồn tại được trên quê hương nữa. Chúng ta sẽ trở về. Hãy làm sao cho con đường trở về càng rút ngắn càng tốt. Ðó là mong muốn chung của mọi người dân Việt trong và ngoài nước”.
Sau đó Hòa Thượng Thích Hộ Giác đã cùng chư tăng cử hành lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho sự vẹn toàn của lãnh thổ Việt Nam. Một thời kinh theo hai phái Bắc và Nam tông đã được các vị tụng lên trong không khí giá buốt của một trưa cuối đông tại Nam California.
Kết thúc lễ cầu nguyện, Thượng Tọa Thích Viên Lý, Tổng Thư Ký VP II VHÐ, đã mở đầu buổi hội luận khi giới thiệu ba thuyết trình viên là Pháp Sư Thích Giác Ðức, Giáo Sư Võ Văn Ái và cô Ỷ Lan. Buổi hội luận được sự chứng minh của hai hòa thượng Thích Hộ Giác và Thích Chánh Lạc.
Trong phần thuyết trình của mình Pháp Sư Thích Giác Ðức đề cập đến vấn đề xuất thế và nhập thế của người Phật tử. Nhập thế là để cứu nguy dân tộc đất nước, không phải là để thế tục hóa nên không thể có giáo quyền và thế quyền. Người Phật tử khi nhập thế cứu nguy không tranh giành quyền lợi vì nhập thế là do từ lòng từ bi, thương yêu chúng sinh của người con Phật. Ðiều này được minh chứng trong lịch sử VN. Ðã qua bao ngàn năm đạo Phật đã ảnh hưởng thật to lớn trong cuộc sống của dân tộc VN nhưng cũng bao ngàn năm đó đạo Phật lúc nào cũng là đạm bạc, nâu sồng. Thêm nữa đạo Phật còn được dân tộc hóa qua những cấp tu hành với những danh từ thật dân dã như sư tổ, sư cụ, sư ông, sư bác, chú tiểu, sư cô, sư bà. Nếp sống ấy của Phật giáo không chỉ ở VN đã nói lên rằng Phật giáo không vì quyền lợi riêng tư mà nhập thế. Cho nên nói rằng Phật giáo với dân tộc là một là nói lên một thực tế. Dân tộc điêu linh thì Phật giáo không yên và ngược lại. Nay trước hiện tình đất nước, Phật giáo đã nhập thế cứu nguy ngay từ những ngày đầu cộng sản chiếm miền nam. Tháng 11 năm 1975 Phật giáo đã vùng dậy với những cuộc tự thiêu để đòi hỏi những điều quan trọng trước nhất là tự do và dân chủ, trước khi đòi đến những điều khác như đất đai, cơ sở của Phật Giáo và sự hoằng pháp. Từ đó đến nay Giáo hội Phật Giáo VN Thống Nhất đã kiên trì tranh đấu và phải chịu nhiều sự đàn áp vô cùng dã man của nhà cầm quyền cộng sản.
Cuộc tranh đấu của giáo hội được thể hiện dưới nhiều hình thức qua các hoạt động văn hóa, xã hội. Xuyên qua 23 ban đại diện của giáo hội trên khắp đất nước, dù bị đàn áp liên tục nhưng giáo hội cũng đã giúp các nhà tranh đấu ở trong nước 1 tỉ 250 nghìn (tiền Hồ), 92 triệu cho dân nghèo, 150 triệu cho các bệnh viện, 114 triệu cho đồng bào Tây Nguyên. Tất cả số tiền này là do sự đóng góp của đồng hương hải ngoại gửi về cho VP II VHÐ trong thời gian qua. Việc hoằng pháp tu tập cũng được giáo hội duy trì phát triển. Nhiều lớp tu học được tổ chức tại chùa Từ Hiếu để có được hàng ngũ tăng lữ trung thành với đạo pháp và dân tộc. Nhưng tiếc thay từ năm 2005, số tăng sinh tu học tại đây đã bị buộc phải theo ngành tu của Làng Mai nên nhiều tăng sinh đã phải rời đi nơi khác để tiếp tục con đường tu tập cũ.
Tóm lại trên pháp lý thì giáo hội không thể hoạt động được gì nhưng trên thực tế thì nhà cầm quyền cộng sản vẫn không làm gì được giáo hội.
Tiếp đó Giáo Sư Võ Văn Ái, giám đốc Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế, đề cập đến vấn đề người cư sĩ Phật giáo phải làm gì trước hiện tình đất nước. Theo giáo sư thì có hai lãnh vực là giáo lý và lịch sử. Giáo lý thì người cư sĩ muốn nhập thế cứu đời phải biết “Bồ Tát Ðạo” chấp nhận một số giới pháp. Về lịch sử thì hãy noi gương vua Trần Nhân Tông qua những giai đoạn cư sĩ, tu sĩ và chủ trương phái Trúc Lâm Yên Tử để kiên quyết tranh đấu chống ngoại xâm và nội xâm là những kẻ ác, bán nước đang cầm quyền.
Sau cùng, cô Ỷ Lan trong tổ chức Quốc Tế Vận của Văn Phòng Thông Tin PG quốc tế cho biết “Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất đang được những sự hỗ trợ mạnh mẽ của dư luận thế giới qua các tổ chức nhân quyền và các tổ chức dân chủ tự do. Những sự hỗ trợ này đang là những áp lực đối với nhà cầm quyền CSVN. Nay thì Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ đang được các nghị sĩ dân biểu Ý và Liên Âu cũng như Hoa Kỳ đề nghị giải Nobel về nhân quyền năm nay cho ngài.
Chấm dứt phần thuyết trình, Thượng Tọa Thích Viên Lý đã mời cử tọa tham dự lên phát biểu ý kiến để trao đổi với nhau nhiều vấn đề trong chủ đề hội luận về hiện tình Phật Giáo VN và vai trò người cư sĩ trước hiện tình ấy. (N.H.)
No comments:
Post a Comment