Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh Viếng Thăm Úc
Việt Báo
Chủ Nhật, 2/8/2009, 12:02:00 AM
http://www.vietbao.com/?ppid=75&pid=11&nid=140633
Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh viếng thăm Úc và tâm tình cùng đồng hương!
SYDNEY: Theo Thông Báo của Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị & Nạn Nhân CSVN/NSW, bà Dương Nguyệt Ánh, khoa học gia (KHG) nổi tiếng Hoa Kỳ, sẽ viếng thăm Úc Châu và bà sẽ dành thời gian để tâm tình cùng quý đồng hương vào chiều Thứ Bảy 14/2/ 2009, tại Trung Tâm VH & SHCĐ, Bonnyrig NSW.
Được biết, KHG Dương Nguyệt Ánh đến Hoa Kỳ cùng với gia đình vào năm 1975, trong làn sóng tỵ nạn Cộng Sản đầu tiên, sau khi miền Nam Việt Nam thất thủ. Khi ấy bà mới 15 tuổi.
Với tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, bà đã chịu khó học tập, tốt nghiệp Kỹ Sư Hóa Học, Điện Toán và Cao Học Quốc Gia Hành Chánh, tất cả đều với hạng danh dự. Cho đến nay, KHG Dương Nguyệt Ánh đã đóng góp phần tư thế kỷ cho Khoa Học và Kỹ Thuật Quốc Phòng Hoa Kỳ. Bà là một trong những chuyên gia chất nổ hàng đầu của Mỹ, với danh tiếng ở tầm vóc quốc tế. Trong thập niên 90, bà từng lãnh đạo toàn bộ chương trình nghiên cứu và chế tạo chất nổ của Hải Quân, và đã đem lại 10 chất nổ mới cho 18 loại vũ khí được trang bị cho Hải, Lục, Không Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Do thành tích kỷ lục này, Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh được Hải Quân trao tặng giải thưởng cao quý Dr. Arthur Bisson Award for Naval Technology Achievement vào năm 2000. Bà cũng từng là Đại Biểu của Hoa Kỳ tại Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương (Tiểu Ban Chất Nổ), là tác giả của nhiều bài viết nghiên cứu về chất nổ và đã từng thuyết trình ở rất nhiều hội nghị chuyên môn quốc tế và quốc nội.
Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh đươc nhiều người biết đến qua thành quả chế tạo bom Áp Nhiệt cho chiến trường A Phú Hãn. Vào tháng 11 năm 2001, hai tháng sau biến cố 9/11, bà nhận được yêu cầu chế tạo gấp một loại vũ khí mới có khả năng hủy diệt hang động nơi quân khủng bố thường trú ẩn, để tránh tổn thất nặng nề cho binh sĩ Hoa Kỳ trong những cuộc tảo thanh. Bà đã gấp rút thành lập và lãnh đạo một uỷ ban gồm hơn 100 khoa học gia, kỹ sư và chuyên gia và đã đi từ khái niệm, đến thử nghiệm và chế tạo thành công loại bom Áp Nhiệt trong một thời gian kỷ lục 67 ngày!
Năm 2002, Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Giám Đốc Khoa Học và Kỹ Thuật của Trung Tâm Nghiên Cứu và Chế Tạo Vũ Khí Hải Quân ở Maryland. Ở chức vụ này, bà là người định hướng và điều khiển tất cả các chương trình nghiên cứu trên mọi lãnh vực khoa học và kỹ thuật của trung tâm, với mục đích áp dụng vào việc chế tạo những thế hệ vũ khí tương lai cho Hoa Kỳ.
Kể từ tháng 11 năm 2006, bà về làm cho Ngũ Giác Đài và đảm nhận chức vụ Cố Vấn Khoa Học Kỹ Thuật cho Phó Đô Đốc John Morgan, Tư Lệnh Phó Hải Quân Đặc trách về Kế Hoạch và Chiến Lược, và cho Tổng Giám Đốc Thomas Betro, Chỉ huy trưởng Cơ Quan Điều Tra Tội Phạm và Phản Gián của Hải Quân. Ở chức vụ quan trọng này, bà hoàn toàn chú tâm vào chiến tranh chống khủng bố, kể cả việc áp dụng khoa học kỹ thuật của tình báo, phản gián và điều tra tội phạm vào công tác chiến trường, và các sứ mạng chống khủng bố toàn cầu.
Khả năng lãnh đạo và tinh thần phục vụ quốc gia của KHG Dương Nguyệt Ánh được biết đến rất nhiều. Năm 2004, bà được vinh danh với giải thưởng Award of Excellence for Public Service bởi U.S. Pan Asian American Chamber of Commerce.
Bà từng xuất hiện trên nhiều tờ báo và tạp chí lớn, như The Washington Post, The Sun, Asian Week, v.v... và các đài truyền thanh, truyền hình... Bà cũng được mời trình bày quan điểm của mình về chiến tranh trong cuốn phim tài liệu đoạt giải thưởng Sundance Film Festival tựa đề là “Why We Fight”, và là một trong những nhân vật được đề cao trong cuốn sách của the American Society of Civil Engineers xuất bản năm 2006, tựa đề la “Thay Đổi Thế Giới Của Chúng Ta: Những Câu Chuyện Thật về những Nữ Kỹ Sư” (Changing Our World: True Stories of Women Engineers). Tháng 3 năm 2006, bà được Bộ Chỉ Huy Hải Quân Mặt Biển (Naval Sea Systems Command) dàn chào để vinh danh nhân dịp tháng 3 là tháng của lịch sử phụ nữ Hoa Kỳ.
Gần đây nhất, đài truyền hình Discovery và Military Channel đã cho trình chiếu thành quả khoa học của vũ khí Áp Nhiệt và tường thuật về KHG Dương Nguyệt Ánh trong loạt phim tài liệu về những bộ óc đàng sau những vũ khí tương lai của thế giới, “Future Weapons”.
Ngày 19-9-2007 tại Andrew W. Mellon Auditorium – Washington, bà được vinh danh và nhận giải thưởng Sammies Services to America Medals. Khi nhận giải thưởng, bà đã mang đến cho cử tọa niềm xúc động sâu xa và lòng ngưỡng mộ cao quý khi bà phát biểu: “Ba mươi hai năm trước, khi đến đất nước này tôi là một người tỵ nạn chiến tranh với hai bàn tay trắng và một hành trang đầy những ước mơ tan vỡ. Tôi đã không bao giờ nghĩ sẽ có một ngày tôi được hân hạnh có mặt ở đây chung với quý vị, những công dân Hoa Kỳ ngoại hạng và những công chức tận tụy. Huy chương cao quý này không phản ảnh nhiều cho những thành quả khiêm tốn của tôi mà là phản ảnh của một thiên đường có tên gọi là Hoa Kỳ. Đất nước này là một thiên đường, không phải do nét đẹp hoặc sự giàu tài nguyên của nó, mà do người dân, những người Hoa Kỳ đầy lòng nhân ái, và hào phóng đã bảo bọc gia đình tôi 32 năm trước, đã hàn gắn vết thương trong tâm hồn chúng tôi, đã tái tạo niềm tin của tôi vào tình người, và đã thúc đẩy ý nguyện phụng sự quốc gia của tôi. Tôi muốn dành tặng huy chương này cho một nhóm người mà tôi hằng mang nợ… Đó là 58 ngàn chiến sĩ HK mà tên họ đã được khắc trên Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam và 260 ngàn chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong cuộc chiến để cho những nguời như tôi có được tự do.”
Là một khoa học gia nổi tiếng của Mỹ, nhưng bà vẫn luôn tâm niệm bà là người phụ nữ VN qua tà áo dài bà mặc tại buổi lễ lãnh huy chương cao quý. Bà cho biết: “Ánh rất vui mừng được lãnh một huy chương cao quý về An Ninh Quốc Gia. Ánh mặc áo dài là muốn tất cả người Mỹ ở đây nhận ra Nguyệt Ánh là một người Mỹ gốc Việt và Ánh mong chiếc áo dài của Nguyệt Ánh nhắc cho mọi người nhớ cái gốc Việt Nam của Ánh. Mặc dầu Ánh là công dân Hoa Kỳ nhưng Ánh không bao giờ quên mình là người Việt Nam .”
Lúc rời quê hương sau khi CSVN cưỡng chiếm miền Nam năm 1975, KHG Dương Nguyệt Ánh mới 15 tuổi cho nên nhận thức của bà qua thực tế bản thân về cuộc chiến và cuộc đời ở vào thời điểm đó, không đầy đủ như những người thuộc thế hệ trước. Nhưng qua lời phát biểu khi nhận giải thưởng, bà đã nói lên được thực tâm của mình về mối liên hệ mật thiết giữa thành quả đạt được ngày hôm nay với những hy sinh cao cả trong quá khứ của các chiến binh Việt-Mỹ, những người đã bỏ mình trong cuộc chiến chống Cộng Sản xâm lăng ngay trên quê hương của mình cách đây 32 năm. Điều này đã làm cử tọa vô cùng xúc động. Và bằng thái độ kính cẩn, họ đã đứng dậy vỗ tay khen ngợi không ngớt.
Đặc biệt, KHG Dương Nguyệt Ánh cũng tri ân và vinh danh thương phế binh VNCH, và bà cho rằng đó là một cách chứng minh hay nhất, những hy sinh cuả thương binh tử sinh VNCH trong cuộc Chiến Tranh chống CS xâm lăng là có ý nghĩa, có giá tị, và vô cùng cao quý, rằng năm xưa họ đã không hy sinh lầm cho chúng ta. Bà cũng khẳng định, TPB/VNCH không phải là những trẻ mồ côi hay những nạn nhân bão lụt, trông chờ vào lòng bác ái, trắc ẩn của người Việt yêu tự do hải ngoại. Họ chính là chủ những món nợ ân tình mà chúng ta đã vay ngày trước.
Trước lập trường chống CS minh bạch và uy tín vô cùng to lớn của bà, nên CSVN đã chỉ thị cho mạng lưới truyền thông của chúng tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ bà. Đặc biệt, trong năm 2008, báo Công An CS và báo An Ninh Thủ Đô của CS đã có nhiều bài viết bôi nhọ tên tuổi của bà một cách trắng trợn và bỉ ổi. Ngoài ra, CSVN cũng đã giật dây cho hàng ngũ VC nằm vùng tại hải ngoại, dương ra các cạm bẫy để huỷ diệt uy tín và tên tuổi của bà, bằng cách xảo quyệt lôi kéo bà nói chuyện về cái gọi là “hiểm họa Trung Quốc xâm lăng” để kêu gọi người Việt hải ngoại hoà hợp hòa giải với CSVN cùng chống Trung Quốc; mà quên mất cái hiểm hoạ to lớn nhất, nguy cơ hiển nhiên nhất, chính là CSVN, cội nguồn của mọi hiểm họa, mọi nguy cơ cho dân tộc VN.
Theo Thông Báo của Hội Tù Nhân Chính Trị & Nạn Nhân CS (xem trang 62), trong buổi nói chuyện duy nhất tại Úc, KHG Dương Nguyệt Ánh sẽ tâm tình cùng đồng hương về hai đề tài. Đề tài thứ nhất bằng tiếng Việt, “Những vấn đề cần quan tâm của người Việt hải ngoại trước hiện tình của đất nước, dưới sự thống trị của đảng CSVN”. Đề tài thứ hai bằng tiếng Anh, “Giới trẻ VN tại hải ngoại phải làm gì để hội nhập và thăng tiến trong xã hội Tây Phương”.
Với đề tài rõ ràng và cụ thể như vậy, chắc chắn trong phần nói chuyện bằng tiếng Việt, BTC sẽ ngăn ngừa được những câu hỏi, ý kiến, do vô tình, hoặc cố ý nhằm đánh lạc hướng buổi nói chuyện. Riêng buổi nói chuyện bằng tiếng Anh, tuy đề tại được BTC đưa ra vô cùng cần thiết và quan trọng, nhưng đông đảo phụ huynh cũng như giới trẻ VN tại Úc đều tha thiết mong muốn KHG Dương Nguyệt Ánh nói chuyện về những kinh nghiệm của bà, một người phụ nữ VN đến Mỹ khi mới có 15 tuổi, trở thành một khoa học gia nổi tiếng vào hạng nhất nước Mỹ, nhưng vẫn giữ được lòng yêu nước, thương dân, trước sau như một theo đuổi con đường đấu tranh lật đổ chế độ CSVN để mang lại tự do, dân chủ cho quê hương VN.
Hiển nhiên, việc hội nhập và thăng tiến trong xã hội Tây Phương là điều vô cùng khó khăn đối với thể hệ trẻ VN tại hải ngoại. Nhưng khó khăn hơn, và có ý nghĩa to lớn hơn đối với thế hệ trẻ VN hải ngoại, là làm sao noi gương KHG Dương Nguyệt Ánh, thế hệ trẻ VN học hành thành tài nhưng vẫn giữ được lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tự hào với chính nghĩa quốc gia, cùng tinh thần đấu tranh bất khuất, để có thể góp phần giải thể chế độ cộng sản độc tài VN.
Trả lời phỏng vấn của ông Trương Sĩ Lương, báo Thế Giới Mới tại Dallas, ngày 3/8/2007, KHG Dương Nguyệt Ánh đã nhấn mạnh: “Muốn cho thế hệ trẻ VN tại hải ngoại giúp cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ ở VN thì họ cần phải có lập trường dân tộc vững chắc và hiểu rõ lịch sử để không bị CS lung lạc bằng lý luận tuyên truyền. Điều cần nhấn mạnh là các phụ huynh nên tự mình hướng dẫn con em trong lãnh vực này vì sách vở giáo khoa ở trường học và phim ảnh phần nhiều là tài liệu thiên tả, với mục đích xuyên tạc và bôi nhọ chính nghĩa và quân đội VNCH. Vấn đề then chốt của chúng ta là làm sao để chúng ta tạo cho con em mình cái ý muốn tham gia vào công cuộc tranh đấu giành tự do dân chủ cho VN. Điều trước tiên là cần tạo cho con em chúng ta niềm hãnh diện về nguồn gốc VN của họ bằng cách dạy cho họ biết lịch sử VN”.
No comments:
Post a Comment