Friday, February 20, 2009

CÁC DỰ ÁN SÂN GOLF

TP HỒ CHÍ MINH
Các dự án sân golf : Lãng phí lớn
Thứ sáu, 20/02/2009 03:10GMT+7
http://www.nld.com.vn/2009022003107375P0C1077/cac-du-an-san-golf--lang-phi-lon.htm
Trong 7 dự án sân golf tại TPHCM thì có tới 5 cái, đến nay, mới đang trong giai đoạn triển khai bồi thường. Hiện chỉ có sân golf của Công ty Liên doanh TNHH Hoa Việt đã đi vào hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng hoạt động kinh doanh sân golf thì lỗ hoặc lãi rất ít

>
Hà Nội tiếp tục duyệt thêm sân golf!
> Làm sân golf tại sân bay Tân Sơn Nhất
> Long An: Lấy đất sân golf xây nhà ở cho công nhân

Sáng 19-2, Thường trực UBND TPHCM đã nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) báo cáo kết quả kiểm tra mới nhất về tình hình hoạt động của các dự án sân golf trên địa bàn TP. Với những số liệu vừa công bố, nhiều người không khỏi bàng hoàng trước tình trạng triển khai quá chậm của nhiều dự án làm lãng phí hàng triệu mét vuông đất.

Chậm, chậm và chậm!

Đó là thực trạng chung trong việc triển khai xây dựng của phần lớn các sân golf đã được cấp phép đầu tư trên địa bàn TP. Theo đó, TP hiện có 7 dự án sân golf được cấp phép, gồm 2 dự án trong nước và 5 dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Đầu tiên phải kể đến là sân golf 18 lỗ thuộc khu liên hợp sân golf – TDTT và nhà ở phường An Phú, quận 2 do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.600 tỉ đồng và diện tích dự kiến sử dụng là 137,44 ha. Trong 5 năm đầu (2001 đến 2006), công ty phối hợp với UBND quận 2 để thành lập hội đồng đền bù nhưng đến năm 2006, tổng diện tích đơn vị này bồi thường chỉ khoảng 25,6 ha (đạt tỉ lệ 20%).
Đến tháng 10-2008, UBND quận 2 có văn bản xác nhận đã chi trả bồi thường cho 200 hộ dân với diện tích 80,47 ha, với tổng số tiền bồi thường là hơn 167 tỉ đồng, còn lại 112 hộ với diện tích 59,31 ha (chiếm tỉ lệ 42,43%) đang tiến hành các thủ tục bồi thường.
Một dự án sân golf 18 lỗ khác cũng đạt kỷ lục về tiến độ xây dựng rùa bò và các đơn vị tham gia đầu tư góp vốn lai rai là sân golf Sing – Việt do Công ty TNHH Đô thị Sing – Việt làm chủ đầu tư. Theo giấy phép đầu tư do Bộ KH-ĐT cấp năm 1999, thì tổng diện tích toàn dự án là 300 ha, bao gồm 160 ha xây dựng khu đô thị mới, 70 ha sân golf và 69 ha khu trường đua ngựa với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD. Thế nhưng, hơn 9 năm đã trôi qua, đến nay dự án vẫn còn nằm trên giấy. Còn các chủ đầu tư mới đóng góp được 41,25 tỉ đồng đạt 5% so với vốn điều lệ (vốn góp) quy định tại giấy chứng nhận đầu tư và 2,08% so với tổng vốn đầu tư.

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT TPHCM, trong 7 dự án sân golf, hiện chỉ có sân golf của Công ty Liên doanh TNHH Hoa Việt đã đi vào hoạt động kinh doanh, 6 dự án còn lại đều chưa hoạt động và 5 trong số đó đang trong giai đoạn triển khai bồi thường.

Chi tiền tỉ để lượm... bạc cắc?

Theo Sở KH-ĐT, do các dự án chưa đi vào hoạt động kinh doanh nên chưa có cơ sở để đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội mà các dự án sân golf mang lại. Riêng đối với trường hợp dự án sân golf Hoa Việt, nếu chỉ tính riêng hoạt động kinh doanh sân golf đơn thuần của dự án thì lỗ hoặc lãi rất ít. Cụ thể là tổng doanh thu từ năm 1994 đến hết năm 2007 (13 năm) đạt hơn 1.000 tỉ đồng nhưng lỗ tích lũy từ hoạt động kinh doanh là hơn 17 tỉ đồng...

Theo thống kê của Golf.net, cả nước có 5.000 thành viên chơi golf, trong đó có 2.000 người chơi thường xuyên (phần lớn là người nước ngoài, người Việt Nam chỉ chiếm 10%) và có khoảng 100.000 người đủ khả năng kinh tế để chơi golf. Trong lúc đó, chỉ riêng TPHCM đã có 7 dự án sân golf chiếm 724,75 ha đất. Chưa hết, riêng địa bàn quận Thủ Đức (cũ) nay tách thành 3 quận là 2, 9 và Thủ Đức đã “cõng” đến 4 sân golf, do đó việc xem xét lại nhu cầu và đối tượng chơi golf với quy hoạch mạng lưới đang trở nên cấp thiết.

Mặt khác, hiệu quả đem lại từ các sân golf còn chưa rõ ràng về các khoản thu cho ngân sách như đất đai, thuế và công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương. Sở KH-ĐT khẳng định: “Thực chất dự án sân golf chỉ phục vụ cho người có thu nhập cao. Tuy là trò vui chơi giải trí TDTT nhưng cộng đồng dân cư không được hưởng lợi, do bị cách biệt ranh giới dự án...”.

Với thực trạng như trên, dư luận đặt vấn đề nếu khẳng định hoạt động sân golf là lỗ thì chủ đầu tư “sống” bằng gì? Theo các chuyên gia địa ốc, câu trả lời chính là chủ yếu kinh doanh bất động sản và bán thẻ hội viên, chứ việc thu phí của khách chơi golf hiện chỉ từ 100 USD đến 250 USD/ngày/lượt thì không thể thu hồi lại khoản vốn đầu tư!

-------------------------------------------------
Kiến nghị thu hồi dự án triển khai chậm
Trước thực trạng các dự án chậm triển khai gây lãng phí, Sở KH-ĐT TPHCM đã chính thức kiến nghị UBND TP xem xét lại mật độ sân golf, hiệu quả đầu tư, quy hoạch. Đồng thời xem xét lại các dự án giữ đất quá lâu, năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế; nếu quá tiến độ cam kết, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng thì giao các cơ quan chức năng đề xuất biện pháp thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai, chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư.

Kim Long


No comments: