Saturday, February 21, 2009

BẨN CHUNG CÒN HƠN SẠCH RIÊNG

Xóm trọ sinh viên - “Bẩn chung” còn hơn “sạch riêng”
Thứ Bẩy, 21/02/2009 - 10:32 AM
http://dantri.com.vn/c135/s135-309701/xom-tro-sinh-vien-ban-chung-con-hon-sach-rieng.htm
(Dân trí) - Khắp cả khu trọ chỗ nào cũng là rác, ở khu hỗn hợp gồm bể nước, nhà tắm, nhà vệ sinh thì khỏi phải nói, ẩm ướt, nhớm nháp và bốc mùi nồng nặc. Người nào không quen đặt chân ra đây thì khó mà không “ọ ọe”.

Một khu vực cực “hỗn hợp”

Nói đến xóm trọ sinh viên, ai cũng có thể hình dung là một dãy trọ nhiều phòng với một lối nhỏ dẫn vào. Phía cuối là khu “dịch vụ tổng hợp” gồm bể nước, nhà tắm nhà vệ sinh được xây sát sìn sịt, chỉ cách nhau mỗi bức tường. Bể nước hay nhà vệ sinh thì đều chung một đen sì vì rêu xanh bám dày.
Ghé vào xóm trọ của Diện, ĐH Ngoại thương, trong một ngõ nhỏ trên đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) mới thấy những hình dung về các khu trọ sinh viên vẫn ở mức độ quá nhẹ nhàng. Từ con ngõ nhỏ, rẽ sâu vào một ngách nữa mới đến được khu trọ 6 phòng. Lối đi trước mặt phòng trọ có chiều rộng chỉ chừng một mét, đã hẹp còn bị những túi rác nằm ngổn ngang “chắn lối”. Nhiều túi rác đọng nước, ruồi nhặng bâu đầy. Lối ra vào xóm trọ cũng là chỗ duy nhất để tất cả 17 sinh viên ở đây phơi quần áo. Bởi thế lúc nào nước cũng nhỏ tong tong làm cho lối đi càng thêm nhớp nháp.
Phía cuối cùng là khu vực hỗn hợp, ngoài bể nước, nhà tắm, nhà vệ sinh chỉ có một diện tích chỉ hơn 5m2. Và mọi sinh hoạt như rửa bát, rửa rau, giặt giũ và cả… nam sinh viên đứng tắm đều diễn ra ở đây. Bể nước mốc meo, từng lớp đã bong róc, nhỡ động tay vào thì… khỏi phải bàn. Hai vòi nước gắn ở bể không đủ để các sinh viên sử dụng vì thế ở đây có thêm một xô múc nước. Chiếc xô này sự dụng xong được đặt chỏng chơ trên thành bể bẩn ơi là bẩn.
Nền nhà vệ sinh, nhà tắm thấp bằng diện tích sinh hoạt ngoài này, nên phía ngoài này tắc thì trong đó cũng ứa nước. Mà cảnh tắc thì diễn ra thường xuyên vì bao nhiêu cọng rau, cơm thừa, túi bóng đều nằm la liệt giữa nền giếng. Diện nói: “Xóm trọ thế này đây nhưng rồi sinh viên cũng phải sống, còn không thì bỏ tiền đi tìm chỗ khác cao ráo hơn”.
Sống hai năm ở ký túc xá, nhưng sang năm thứ ba, Thảo, ĐH KHXH&NV Hà Nội quyết định chuyển ra ngoài ở để “tự lập”. Chuyển ra phòng trọ có giá 450.000 đồng ở khu nhà trọ cuối đường Lương Thế Vinh giống như bao xóm trọ sinh viên khác ở khu vực này, Thảo mới “rùng mình”. Trong phòng hơi tối tăm, ẩm thấp, Thảo khắc phục được nhưng sinh hoạt bên ngoài phòng thì cô đành bó tay. Cô đang rửa rau thì bên cạnh có thể người đang giặt đồ, hay có cậu đang dội nước ào ào để tắm. Chật chội, muốn chậu rau không văng nước xà phòng, nước bẩn cũng không được.
Nhất là cái nhà vệ sinh, lúc nào vào cũng thấy nó tắc thế nên Thảo hạn chế đến mức thấp nhất việc phải vào nhà vệ sinh.

“Bẩn chung” còn hơn “sạch riêng”

Không phải khu trọ sinh viên nào cũng “ớn lạnh” vì bẩn nhưng thực tế là rất nhiều khu trọ, sinh viên đang phải nhắm mắt mà sống. Với số tiền thuê phòng có hạn, họ không được lựa chọn những chỗ ở tốt hơn. Lại thêm cuộc sống tập thể nên tinh thần “sạch sẽ” của sinh viên cũng ít nhiều bị “bóp méo”.
Thành, ĐH Xây dựng nói: “Sống bẩn rồi cũng quen. Như thằng bạn ở cùng phòng, hồi mới chuyển nhà căn nhà mấy tầng của ông cậu ra thuê phòng ở, còn không nuốt nổi cơm trong phòng. Bây giờ thì vô tư rồi. Có bẩn thì mới là sinh viên, sau này mới trưởng thành được”. Đúng như lý lẽ của Thành mà ngay trong phòng trọ của cậu đã ngập rác.
Còn vệ sinh tập thể, ở các khu trọ đều có phân công người trực nhật nhưng Thành thật thà: “Cùng lắm xách túi rác đi đổ là xong chứ có ai “chấm điểm” sạch sẽ ở đây mà phải làm cho sạch. Làm cũng chẳng sạch hơn được thì thà cứ làm dối cho xong việc”.
Điều kiện sống ẩm thấp đã đành, lại thêm ý thức của sinh viên nên ở nhiều khu trọ bẩn càng thêm bẩn. Như Diện nói: “Mỗi cái xô múc nước, đã nhắc nhở dùng xong thì treo lên nhưng tuyệt không ai thực hiện. Nhiều người xách hẳn chiếc xô vào dội nhà vệ sinh rồi vất luôn trong đó. Như thế một vài người có muốn sạch cũng như muối bỏ bể, đúng là ai cũng bẩn như ai cho đỡ phải khó chịu, mệt thân”.
“Thà “bẩn chung” còn hơn “sạch riêng” là khẩu hiệu của không ít sinh viên sống ở xóm trọ. Bởi thế không nhiều hy vọng, khu trọ sinh viên “ngày mai sẽ tươi sáng hơn”.

Fan Ngọc
K52, Báo chí, ĐH KHXH&NV, Hà Nội


No comments: