Một đập thủy điện có thể là nguyên nhân gây ra trận động đất Tứ Xuyên
Mai Vân
Bài đăng ngày 13/02/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 13/02/2009 17:53 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/110/article_2519.asp
Động đất Tứ Xuyên phải chăng đã do một công trình đập thủy điện gây nên ? Đây là câu hỏi đã được các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng như phương Tây nêu lên một cách nghiêm túc từ mấy tuần qua. Đập bị tình nghi gây ra thảm hoạ là đập Tử Bình Bạc, nằm gần tâm điạ chấn và cách khe nứt chính gây ra động đất không đầy một cây số
Châu Á khá được báo chí Pháp hôm 13/02 chú ý, từ Trung Quốc cho đến Hàn Quốc, Nhật Bản. Le Monde đặc biệt quan tâm đến khả năng một con đập thủy điện gây nên trận động đất ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) vào tháng 5 năm ngoái, làm cho gần 88.000 người thiệt mạng và mất tích.
Dưới tựa đề : ''Động đất Tứ Xuyên phải chăng đã do một công trình thủy điện gây nên ?'' le Monde cho đây là câu hỏi đã được các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng như phương Tây nêu lên một cách nghiêm túc từ mấy tuần qua. Đập bị tình nghi gây ra thảm hoạ là đập Zipingpu, Tử Bình Bạc, nằm cách tâm điạ chấn vài cây số và cách khe nứt chính gây ra động đất không đầy một cây số.
Điểm chủ yếu mà các cuộc nghiên cưú điạ chất và điạ vật lý đã cho thấy là cả một hệ thống khe nứt gẫy, trong đó có khe chính Bắc Xuyên Anh Tú, và một loạt khe phụ đã gặp nhau dưới hồ chứa nước của đập. Kết quả nghiên cứu này đã đưọc ông Phạm Hiểu, đặc trách nghiên cứu điạ chất và khoáng sản Thành Đô (Tứ Xuyên), nêu bật trong một bức thư dài gời lên chính quyền Trung Quốc. Bức thư đã đưọc tổ chức phi chính phủ Probe International công bố cuối tháng giêng.
Theo le Monde thì ông Phạm Hiểu từ mấy năm qua đã lưu ý chính quyền về hậu quả đáng ngại có thể xẩy ra của việc xây dựng đập thủy điện ở Tứ Xuyên. Năm 2003 ông thuộc một nhóm 30 nhà khoa học và trí thức Trung Quốc phản đối việc xây dựng đâp Tử Bình Bạc, lo ngại về những hậu quả trên mặt điạ chất và môi trường trong một vùng dễ bị điạ chấn như Tứ Xuyên.
Le Monde nhắc lại là ngay tháng 6 năm ngoái, sau trận động đất, trong bản kiến nghị mà các nhà khoa học, trí thức tên tuổi, cũng như tổ chức phi chính phủ gởi lên chính quyền đã đăt nặng tác động của các đập thủy điện, nhất là của đập Tử Bình Bạc trong trận điạ chấn ở Tứ Xuyên.
230 triệu tấn nước ở Tử Bình Bạc tạo ra sức ép tương đương với áp lực tự nhiên của các lớp vỏ trái đất trong 25 năm
Một số nhà khoa học còn thận trọng về tác động trực tiếp của đập thủy điện trong trận động đất Tứ Xuyên, như nhà điạ chấn học Michel Campillo, thuộc đại học Grenoble (Pháp), đánh giá là phải cẩn thận về ngôn từ : vì có khác biệt rất rõ giữa nguyên nhân và yếu tố trực tiếp gây ra động đất. Theo ông thì Tứ Xuyên là một vùng bất ổn định về mặt điạ chất, do đó động đất tất yếu xẩy ra dù có đập thủy điện hay không.
Thế nhưng quan điểm được chia xẻ rộng rãi trong cộng đồng khoa học là sức ép các hồ chứa của đập thủy điện như đậpTử Bình Bạc, có vai trò rất lớn trong các vụ động đất. Le Monde nhắc lại vụ động đất xẩy ra ở Koyna (Ấn Độ) năm 1967, ngay sau khi hồ chứa của một đập thủy điện lớn đươc đổ đầy và các nhà điạ chấn học sau này đã quy tội cho đập Koyna. 200 người đã thiệt mạng trong vụ động đất này.
Trở lại với đập Tử Bình Bạc, nhà đia vật lý học Mỹ Christian Klose, đánh giá là sức ép trên vỏ trái đất của 230 triệu tấn nước đổ vào hồ đập Tử Bình Bạc, từ năm 2004, tương đương với 25 năm sức ép tự nhiên các lớp vỏ trái đất.
Nhà điạ chấn học Alex Densmore, Đại học Dhuram, đặt ra câu hỏi là ở Tứ Xuyên các khe nứt gẫy có nhiều nguy cơ dẫn tới động đất, trận địa chấn vừa qua có xẩy ra sớm hơn 5, 10 năm hay 25 năm dưới tác động của đập Tử Bình Bạc hay không ?
Để trả lời câu hỏi này, các nhà khoa học Trung Quốc đang thúc đẩy thêm nhũng cuộc nghiên cứu điều tra sâu hơn. Những nhận xét nêu trên phải nói là đã làm chính quyền TQ khá bối rối, và hiện đang có một nghiên cưú khác nhằm phản bác những giả thuyết đưa ra.
No comments:
Post a Comment