Wednesday, February 11, 2009

3 VẾT NỨT TRÊN ĐẬP THUỶ ĐIỆN SƠN LA

Xuất hiện vết nứt trên đập thủy điện Sơn La
11/02/2009 1:10
http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200907/20090211011029.aspx

Từ tháng 9.2008 tại đập chính ngăn sông Đà của công trình thủy điện Sơn La đã xuất hiện vết nứt ở thân đập. Mới đây các đơn vị thi công lại phát hiện thêm 2 vết nứt nữa. Cả 3 vết nứt chạy dọc thân đập, vết dài nhất là 31,5m, chỗ sâu nhất hơn 6m, rộng khoảng 1 mm.

Ông Nguyễn Kim Tới, Giám đốc Ban điều hành dự án xây dựng thủy điện Sơn La đã xác nhận thông tin về các vết nứt trên thân đập và nói phía tư vấn giải thích nguyên nhân nứt có thể do sốc nhiệt (ví dụ khối bê tông đang phát triển cường độ, đang nóng, bất ngờ có trận mưa thì bề mặt lạnh đột ngột có thể gây nứt).

Ông Tới giải thích thêm: "Vết nứt sâu 6m so với khối bê tông bình thường là lớn nhưng nếu so với khối bê tông ở thủy điện Sơn La (thân đập khoảng 80m) thì lại không lớn. Chúng tôi đã đặt một lớp thép phi 20 trên bề mặt để cô lập vết nứt". Ông Tới nói dạng vết nứt này không nguy hiểm, thường xảy ra ở một số đập thủy điện khác trên thế giới, và khẳng định "theo đánh giá của đơn vị thiết kế, các vết nứt như ở Sơn La không có vấn đề gì. Về nguy cơ gây thấm nước, các vết nứt đều nằm ở phía hạ lưu nên cũng không đáng lo". Trao đổi với PV Thanh Niên, một vị lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết bộ đang yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo, ngoài ra cũng giao các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu và đánh giá tác động từ các vết nứt đối với an toàn của đập.

Đập chính thủy điện Sơn La dài hơn 1 km, chỗ rộng nhất hơn 90m, chỗ cao nhất khoảng 130m so với chân đập, càng lên cao càng thu hẹp. Phần lớn thân đập sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn, nguyên liệu gồm đá, xi măng, cát nghiền từ đá, tro bay... Tổng vốn đầu tư công trình này hơn 42.000 tỉ đồng; sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động cả 6 tổ máy, sản lượng điện hằng năm khoảng 9,4 tỉ kwh.
Káp Long - Thành Trung


Xuất hiện vết nứt ở đập ngăn sông Thuỷ điện Sơn La
23:37' 11/02/2009 (GMT+7)
VietNamNet - Dù bám sát được mục tiêu tiến độ chung, nhưng theo kết quả kiểm tra của Hội đồng nghiệm thu nhà nước thì chất lượng công trình Thuỷ điện Sơn La là điều đáng báo động, doxuất hiện các vết nứt bê tông RCC tại các khối C2, C3, L1, C4, C5 đập không tràn bờ trái và bê tông thường tại khối 26 đập không tràn bờ phải.
Thông tin trên từ báo cáo của Bộ Xây dựng với Thủ tướng vào chiều 11/2 về tình hình các công trình trọng điểm Quốc gia.

Từ công trình thuỷ điện đến giao thông đều có vấn đề về chất lượng
Theo báo cáo này, về công trình Thuỷ điện Sơn La, ngay sau khi phát hiện vết nứt bê tông RCC tại các khối C2, C3, L1, C4, C5 đập không tràn bờ trái và bê tông thường tại khối 26 đập không tràn bờ phải của công trình, chủ đầu tư đã chỉ đạo các bên liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá, xác định nguyên nhân gây nứt và đề ra giải pháp khắc phục.
Song, Hội đồng nghiệm thu nhà nước cho rằng, những nhận định của tư vấn về nguyên nhân tình trạng nứt ở các khối đổ và ảnh hưởng của các vết nứt ở các khối đổ đến an toàn chịu lực của đập chưa mang tính thuyết phục.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 11/2, báo Thanh Niên đưa tin, từ tháng 9/2008 tại đập chính ngăn sông Đà của công trình thủy điện Sơn La đã xuất hiện vết nứt ở thân đập. Mới đây các đơn vị thi công lại phát hiện thêm 2 vết nứt nữa. Cả 3 vết nứt chạy dọc thân đập, vết dài nhất là 31,5m, chỗ sâu nhất hơn 6m, rộng khoảng 1 mm.
Ông Nguyễn Kim Tới, Giám đốc Ban điều hành dự án xây dựng thủy điện Sơn La đã xác nhận thông tin về các vết nứt trên thân đập và nói phía tư vấn giải thích nguyên nhân nứt có thể do sốc nhiệt (ví dụ khối bê tông đang phát triển cường độ, đang nóng, bất ngờ có trận mưa thì bề mặt lạnh đột ngột có thể gây nứt).
Ông Tới giải thích thêm với báo Thanh Niên: "Vết nứt sâu 6m so với khối bê tông bình thường là lớn nhưng nếu so với khối bê tông ở thủy điện Sơn La (thân đập khoảng 80m) thì lại không lớn. Chúng tôi đã đặt một lớp thép phi 20 trên bề mặt để cô lập vết nứt".
Ông Tới nói dạng vết nứt này không nguy hiểm, thường xảy ra ở một số đập thủy điện khác trên thế giới, và khẳng định "theo đánh giá của đơn vị thiết kế, các vết nứt như ở Sơn La không có vấn đề gì. Về nguy cơ gây thấm nước, các vết nứt đều nằm ở phía hạ lưu nên cũng không đáng lo".
Được biết, khi trao đổi với báo chí, một vị lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, Bộ này đang yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo, ngoài ra cũng giao các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu và đánh giá tác động từ các vết nứt đối với an toàn của đập.

Tuy nhiên, không chỉ Thuỷ điện Sơn La mà theo báo cáo của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, thì hàng loạt công trình trọng điểm khác cũng "có vấn đề"!
GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng cho biết, trong năm 2008, Hội đồng đã tổ chức trên 120 đợt kiểm tra đối với 62 công trình xây dựng trọng điểm trên địa bàn cả nước. Qua công tác kiểm tra, Hội đồng đã phát hiện được không ít vấn đề nổi cộm trong công tác quản lý chất lượng công trình và tồn tại về chất lượng công trình.
Dự án Đại lộ Đông Tây (nguyên Giám đốc BQL Dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP.HCM Huỳnh Ngọc Sĩ và ông Lê Quả, nguyên Phó Giám đốc Ban quản lý dự án này vừa bị bắt tạm giam chiều 11/2) được khởi công từ tháng 1/2005 và dự kiến sẽ hoàn thành sau 3 năm, nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào nghiệm thu toàn bộ dự án.
Nguyên nhân một phần là do chất lượng công trình chưa đạt chuẩn. Chỉ tính trong năm 2008, Hội đồng đã tổ chức 10 đợt kiểm tra hiện trường thi công các hạng mục công trình và phát hiện những tồn tại đáng quan ngại.
Cụ thể, tại gói thầu Hầm Thủ Thiêm, đoạn hầm dẫn (gồm hầm dẫn kín và hầm dẫn hở chữ U) tồn tại chất lượng chủ yếu là hiện tượng lún quá mức cho phép của nền hầm hở chữ U phía Thủ Thiêm.
Đáng quan ngại nhất là hiện tượng nứt rạn bê tông trên bề mặt và một số vết nứt xuyên các đốt hầm dìm. Sau khi sự cố xảy ra, Hội đồng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra công trình và đã có báo cáo ban đầu lên Thủ tướng Chính phủ về tình hình chất lượng toàn bộ dự án vào tháng 10/2008. Tuy nhiên, kể từ khi các vết nứt được phát hiện đến nay, một số vết nứt vẫn phát triển cả về chiều rộng và chiều dài.
Tiếp đến là công trình đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Công trình dự kiến hoàn thành cơ bản tuyến cao tốc vào tháng 6/2009, các tuyến nối vào tháng 8/2009 và hoàn thành toàn bộ công trình vào tháng 9/2009.
Tiến độ công trình chậm 6 tháng so với tiến độ do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu. Qua kiểm tra, chất lượng các hạng mục công trình đã thi công và được chủ đầu tư nghiệm thu cơ bản đạt yêu cầu thiết kế.
Tuy nhiên, lần kiểm tra gần đây Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã phát hiện tồn tại về chất lượng đáng lưu ý là hiện tượng các rầm Super T sử dụng cho các cầu cạn trên tuyến bị nứt ở đầu rầm. Ngoài ra, do tuyến đường nằm trên khu vực nền đất yếu, trong quá trình thi công đã xảy ra một số vấn đề kỹ thuật phải xử lý như: hiện tượng trượt sâu nền đường ở Km 40 tuyến chính cao tốc; độ lún cố kết sau thời gian gia tải theo thiết kế không đạt yêu cầu trên tuyến nối Tân Tạo – Chợ Đệm …
Một công trình thuỷ điện khác, công trình Thuỷ điện Tuyên Quang, phần xây dựng công trình cơ bản đã hoàn thành trong năm 2008, tuy nhiên cho đến nay tồn tại chủ yếu về chất lượng vẫn là hiện tượng thấm khu vực Tổ máy số 1 do rò rỉ nước từ đường ống áp lực vào gian máy và một số thiết bị quan trắc bị hư hỏng hoặc cho số liệu đo chưa đủ độ tin cậy, nếu không sớm khắc phục sẽ ảnh hưởng đến việc theo dõi trạng thái làm việc của công trình...

Hậu quả sẽ khó lường !
Đánh giá về chất lượng của một số công trình trọng điểm cơ bản trong năm 2008, GS.TSKH Nguyễn Văn Liên cho rằng, về cơ bản đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Song những vấn đề nổi cộm như: nứt bê tông các đốt hầm dìm tại Dự án Đại lộ Đông Tây; thấm qua nền đập công trình Thủy điện Buôn Kuốp; nứt bê tông tại các khối đổ RCC đập không tràn bờ trái công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La; cường độ của khối RCC một phần đập chính công trình Thủy điện Bản Vẽ không đạt yêu cầu thiết kế liên quan đến chất lượng thì cần phải có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để nếu không hậu quả sẽ khó lường.
Ngoài chất lượng công trình thì vấn đề về công tác quản lý chất lượng công trình cũng có nhiều điểm cần sớm khắc phục như công tác lập và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công ở một số công trình vẫn còn chậm, nhất là các công trình thủy điện, giao thông.
Các tồn tại này đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nhắc nhở nhiều lần nhưng việc khắc phục của chủ đầu tư và các nhà thầu chưa triệt để nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Chủ đầu tư các dự án, đặc biệt là các công trình trọng điểm, cần quan tâm hơn đến việc lựa chọn tư vấn thiết kế có đủ năng lực và kinh nghiệm để sản phẩm thiết kế đạt được chất lượng tốt hơn.
Căn cứ tiêu chí lựa chọn công trình do Hội đồng tổ chức nghiệm thu, kiểm tra và tình hình thực tế triển khai các công trình, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đề nghị tổng số công trình đưa vào danh mục công trình nghiệm thu và kiểm tra năm 2009 là 67 công trình, trong đó có 54 công trình chuyển tiếp từ năm 2008 và 13 công trình mới bổ sung trong năm 2009.
Hà Lê


Xuất hiện các vết nứt bê tông tại thủy điện Sơn La
Thứ Năm, 12/02/2009 - 2:22 AM
(Dân trí) - Theo báo cáo của Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, việc nứt bê tông tại các khối đổ RCC đập không tràn bờ trái công trình Nhà máy thủy điện Sơn La là một trong 4 vấn đề nổi cộm trong năm 2008 cần kiên quyết xử lý.
Báo cáo của Hội đồng nghiệm thu cho thấy, công tác thi công xây dựng các hạng mục công trình cơ bản bám sát được mục tiêu tiến độ chung của công trình. Công tác chống đã được thực hiện đảm bảo theo sơ đồ chống lũ và tần suất, lưu lượng tính toán được duyệt.
Tuy nhiên, tại công trình này đã xuất hiện các vết nứt bê tông RCC (bằng công nghệ bê tông đầm lăn) tại các khối C2, C3, L1, C4, C5 Đập không tràn bờ trái và bê tông thường (CVC) tại khối 26 Đập không tràn bờ phải.
Trước sự việc này, chủ đầu tư đã chỉ đạo các bên liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá, xác định nguyên nhân gây nứt và đề xuất giải pháp khắc phục. Hội đồng đã tổ chức họp với Chủ đầu tư và các nhà thầu để trao đổi, đánh giá nguyên nhân và biện pháp xử lý.
Sau đó, tư vấn Colenco đã có báo cáo ban đầu về nguyên nhân gây rạn nứt ở đập RCC Sơn La, nhưng Hội đồng cho rằng những nhận định của Tư vấn về nguyên nhân tình trạng nứt ở các khối đổ và ảnh hưởng của các vết nứt đến an toàn chịu lực của đập chưa mang tính thuyết phục.
Để có đủ cơ sở kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây nứt và đề xuất các biện pháp ngăn ngừa nứt cho các khối đổ tiếp theo, cũng như biện pháp xử lý vết nứt, Hội đồng đã yêu cầu Chủ đầu tư chỉ đạo Tư vấn thiết kế tính toán kiểm tra dựa trên các số liệu khảo sát đầy đủ về các thông số môi trường (nhiệt độ không khí, độ ẩm tương đối, bức xạ nhiệt...), hồ sơ hoàn công các lớp đổ (thời gian thi công mỗi lớp, nhiệt độ vữa RCC...), thí nghiệm về co ngót bê tông v.v... Ngoài ra, cũng cần phải tính toán kiểm tra độ ổn định và độ bền của đập trong điều kiện vẫn tồn tại các vết nứt.
Hiện nay, Tư vấn Colenco đang nghiên cứu và hoàn thiện báo cáo. Các chuyên gia của Hội đồng đang phối hợp với Chủ đầu tư và các bên để tạo được sự thống nhất về đánh giá nguyên nhân cũng như biện pháp khắc phục.
Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu nhà nước, sự cố nứt bê tông tại các khối đổ RCC đập không tràn bờ trái công trình Nhà máy thủy điện Sơn La là một trong 4 vấn đề nổi cộm về chất lượng các công trình xây dựng trong năm 2008, cần phải có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để.
Lan Hương



No comments: