Tuesday, August 13, 2019

BẢN TIN NGÀY 13-8-2019 (Báo Tiếng Dân)




13/08/2019

BÀI MỚI

13/08/2019
13/08/2019
13/08/2019
13/08/2019
13/08/2019
13/08/2019
13/08/2019
13/08/2019
13/08/2019
13/08/2019
13/08/2019

*
*
BẢN TIN NGÀY 13-8-2019

Tin Biển Đông

Nhà báo Nguyễn Hồng Lam đưa tin: Tàu Trung Quốc quay lại. Theo ông Lam, sáng 12/8, tàu Haiyang Dizhi Ba Hao (Hải Dương 8) cùng một tàu đầu kéo của Trung Quốc đã quay trở lại khu vực Bãi Tư Chính. Hôm 7/8 tàu thăm dò địa chất này đã rời khỏi khu vực Bãi Tư Chính để về neo đậu ở Đá Chữ Thập mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, nơi có căn cứ do Trung Quốc xây dựng trái phép.

Tin đó đã bị Facebooker Đặng Sơn Duân phản bác“Cho đến khoảng 9 giờ 30 sáng nay thì tàu Hải Dương Địa Chất 8 vẫn neo ở khu vực Đá Chữ Thập. Với tốc độ tối đa của tàu là 15 knot, dù khởi hành ngay sau lúc đó cũng phải mất ít nhất 10 tiếng mới đến được khu vực gần bãi Tư Chính. Nghĩa là mọi thông tin về việc tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã quay trở lại khu vực gần bãi Tư Chính cho đến lúc này là không chính xác”.

Trong bản tin cập nhật 9h32′ sáng ngày 12/8/2019 của Facebook Dự Án Đại Sự Ký Biển Đông, dẫn thông tin từ dữ liệu vệ tinh, cho biết: “3 trong số 4 tàu hải cảnh (mà có thể track được AIS) trong đội hộ tống tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 (HYDZ-8) đã rời nơi nghỉ mát ở Subi Reef, về hội tụ với HYDZ-8 ở Đá Chữ Thập. Tuy hiện giờ các tàu đang ở trạng thái neo đậu, nhưng việc tập hợp đội hình cho thấy dấu hiệu nhóm tàu HYDZ-8 sắp rời khỏi đó”.

Bài viết lưu ý, tàu hải cảnh 35111 “đã rời khu vực block 06.01 về neo đậu ở Đá Chữ Thập. Nhưng tàu thứ tư trong nhóm tàu hộ tống HYDZ-8 thì đang ở khu vực Bãi Tư Chính (tàu màu xanh nhạt có chữ thập ở giữa trong ảnh thứ nhì), có thể là để thay thế tàu 35111?”

Vị trị của tàu hộ tống thứ 4 của tàu Hải Dương Địa Chất 8 ở khu vực Bãi Tư Chính (mũi tên màu xanh dương nhạt giữa hình). Nguồn: FB Dự Án Đại Sự Ký Biển Đông

VOA đưa tin: Tuyên bố Biển Đông ‘không thể’ trao tận tay quốc hội. Về tuyên bố do một nhóm nhân sĩ trí thức soạn thảo, trong đó có TS Nguyễn Quang A, cho biết đã “không thể” trao tận tay bản Tuyên bố này với hơn 1.000 chữ ký cho các nhà lập pháp ở Hà Nội để yêu cầu chính phủ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế sau những hành động “xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam” của Bắc Kinh.

TS Quang A bình luận: “Người dân quá thất vọng vì sự rụt rè, vì sự khinh suất của Việt Nam đối với Trung Quốc không chỉ về chuyện ở Biển Đông mà còn rất nhiều chuyện khác… Tôi nghĩ rằng phải đi kiện, mà kiện càng sớm càng tốt, mà kiện không chỉ cái vụ họ xâm phạm và quấy nhiễu ở Bãi Tư Chính mà rất nhiều các chuyện khác kể cả chuyện Giàn khoan 981 từ 2014, và chuyện sách nhiễu ngư dân của Việt Nam”.

                   https://www.youtube.com/watch?v=2nHlCax2yKo

Bài thứ nhất trong loạt bài trên báo Pháp Luật TP HCM phân tích ba nước cờ nguy hiểm của Trung Quốc ở biển Đông: Ma trận tin giả của Trung Quốc về biển Đông. “Ba nước cờ nguy hiểm” ở đây là chiến tranh dư luận, chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý, trong đó “ma trận tin giả” là chiến tranh dư luận.

Cụ thể, Trung Quốc tận dụng triệt để bộ máy truyền thông của mình để lặp đi lặp lại lời nói dối rằng họ sở hữu Biển Đông. Do Trung Quốc cấm Facebook, chỉ sử dụng mạng xã hội “cây nhà lá vườn” nên chính quyền Bắc Kinh rất thuận lợi tuyên truyền cho dân họ rằng người Trung Quốc là “chủ nhân duy nhất của biển Đông”.


Ban tuyên giáo bị mạo danh?

Báo Sài Gòn Giải Phóng có bài: Mạo danh cán bộ tuyên giáo viết tuyên truyền để trục lợi. Ngày 12/8/2019, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ ban hành công văn thông báo vụ có người mạo danh cán bộ, công chức của cơ quan này để trục lợi. Họ “chào hàng” viết bài tuyên truyền về thành tựu 15 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương và biên soạn lịch sử Đảng bộ của địa phương, đơn vị với giá tiền từ 5 đến 12 triệu đồng cho mỗi bài viết.

Ban Tuyên giáo Cần Thơ khẳng định không cử cán bộ liên hệ viết bài thu tiền, theo báo Giao Thông. Ông Trần Việt Trường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ khẳng định, cơ quan này không có chủ trương cử cán bộ liên hệ với các địa phương, đơn vị để đặt hàng viết bài tuyên truyền về thành tựu 15 năm TP Cần Thơ.

Ông Trường nói thêm: “Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Ban tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ đã ban hành văn bản đến các địa phương và đơn vị trên địa bàn TP về tình trạng này. Tôi khẳng định, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ không có chủ trương, cũng như không cử cán bộ liên hệ trực tiếp với các địa phương, đơn vị để đặt hàng viết bài và yêu cầu thu tiền đối với sản phẩm như có thông tin phản ánh”.


“Chán đảng, khô đoàn, nhạt chính trị”

VOV đặt câu hỏi: Vì sao một bộ phận thanh niên ngại vào Đảng?  PGS. TS Vũ Văn Phúc thừa nhận: “Có điều kiện đi một số địa phương trong cả nước, tôi thấy kết nạp đảng viên mới hiện nay là vấn đề khó khăn ở một số nơi, kể cả những địa phương là cái nôi của cách mạng Việt Nam, kể cả thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM”.

Ông Phúc chỉ ra, “nhiều đồng chí bị xử lý kỷ luật, xóa tên ra khỏi Đảng, thậm chí có đồng chí bị truy tố hình sự, vào tù. Nhiều thanh niên nhìn vào đó mà không phấn đấu vào Đảng. Họ băn khoăn vào Đảng mà như những đồng chí ấy thì vào Đảng làm gì”.

Ông Phúc nói đúng nhưng chưa đủ. Vấn đề quan trọng là, luật pháp không áp dụng cho đảng viên mà chỉ có luật đảng, cho nên đảng viên được phép ngồi trên pháp luật, lũng đoạn kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, nên bị dân xem thường. Ngoài ra, đảng viên bị các điều lệ đảng chế tài, hoặc 19 điều đảng viên không được làm, trong đó cấm đảng viên không được biểu tình hoặc tham gia các tổ chức khác, đã làm cho nhiều người coi thường tổ chức này.


Luật riêng cho quan chức

Bộ Nội vụ vừa đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng báo cáo việc Trưởng đoàn đại biểu QH Sóc Trăng tổ chức tiệc cưới cho con trước 20-8, báo Người Lao Động đưa tin. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa ký văn bản gửi UBND tỉnh Sóc Trăng, trong đó yêu cầu cơ quan này kiểm tra thông tin vụ bà Hồ Thị Cẩm Đào, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức đám cưới cho con trai 3 ngày, xử lý vi phạm (nếu có) và báo cáo về Bộ Nội vụ.

Trước đó, dù lễ cưới con bà Đào chính thức diễn ra ngày 21/7, nhưng từ sáng 19/7, bà này đã thuê người dựng 2 rạp cưới, bố trí trên 50 bàn tại nhà riêng ở khu dân cư Đại Thành, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên. Nhiều quan chức đi xe biển xanh đã tới dự đám cưới này.


Kiểm toán nhà nước là “ông nội” doanh nghiệp?

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Kiểm toán có quyền truy cập toàn bộ dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp? Sáng 12/8, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kiểm toán nhà nước, trong đó quy định cho phép KTNN trong quá trình kiểm toán có quyền truy cập dữ liệu của đơn vị chịu sự kiểm toán. 

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhận định: “Tôi băn khoăn về quyền của KTNN được truy cập phần mềm quản lý của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Cần lưu ý vấn đề này, xem kinh nghiệm quốc tế như thế nào, bởi truy cập vào phần mềm của người ta có thể phạm đến bí mật đời tư, bí mật doanh nghiệp”.

Zing đặt câu hỏi: Kiểm toán không phát hiện ra tham nhũng có bị xử lý trách nhiệm? Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn chứng chuyện 11 đoàn thanh, kiểm tra vào nhưng không phát hiện sai phạm ở Vinashin và cho rằng nếu sau này cơ quan điều tra phát hiện ra thì những người đã vào thanh tra, kiểm toán mà không chịu trách nhiệm gì là không đúng.

Bà Nga nói: “Phải cụ thể hóa quy định phòng chống tham nhũng trong Luật Kiểm toán nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và chống tham nhũng trong chính cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng”. Vẫn những lời sáo rỗng được lặp lại hết năm này sang năm khác mà người dân đã chán ngán.


Sai phạm đất đai

Báo Pháp Luật VN có bài: Khó hiểu cách trả lời của quận Nam Từ Liêm trước nghi vấn phường Phương Canh phù phép đất phần trăm thành đất thổ cư. Đó là vụ vi phạm của một số cán bộ phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm trong chuyện xác nhận hồ sơ, tiến hành các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Quang Đô, tự tiện biến phần đất này từ đất % thành đất thổ cư.

Ông Đoàn Ngọc Kiên, một hộ dân ở phường Phương Canh cho biết, gia đình ông có một diện tích đất % đã sử dụng từ lâu. Năm 2015, gia đình ông chuyển nhượng cho ông Nguyễn Nam Trung, rồi ông Trung lại chuyển nhượng lại cho ông Đô gần 200m2. Toàn bộ quá trình chuyển nhượng này chỉ được viết tay. Chỉ ngay sau đó một năm, phần đất % mà ông Đô mua lại đã được chứng nhận là đất thổ cư, nâng giá trị thửa đất lên hàng chục lần. 

Gia đình ông Đoàn Ngọc Kiên khẳng định phần đất ông Nguyễn Quang Đô mua lại là đất % và mua qua ông Nguyễn Trung Nam vào năm 2015 nhưng chính quyền không xem xét tất cả những phản ánh này khi người dân khiếu nại. Nguồn: PLVN

Chuyện ở phường Tân Phú, Q.7, TP HCM: Một hộ dân hơn 20 năm đòi lại đất cho mượn đất để xây chốt dân phòng, theo trang Pháp Luật và Xã Hội. Bà Đinh Thị Anh đã làm đơn phản ánh, trước năm 1996 gia đình bà sinh sống trên thửa đất để lại từ thời ông cố nội chồng bà tại huyện Nhà Bè cũ. Cuối năm 1996, một cán bộ tên Tiên hỏi mượn gia đình bà Anh để làm chốt dân phòng. 

Lúc đó, gia đình chưa có nhu cầu sử dụng phần đất trên nên đã đồng ý cho mượn, đến năm 1997, ông Tiên bị bệnh và qua đời. Đến lượt một công an khu vực tên Phong tiếp tục mượn đất làm văn phòng bảo vệ khu phố. “Tuy nhiên, thay vì xây văn phòng bảo vệ khu phố như đã cam kết, cán bộ tên Phong lại ngang nhiên xây dựng một căn nhà trên phần của gia đình bà Anh để sử dụng vào mục đích cá nhân”.

Đơn xác nhận nguồn gốc đất của người làm chứng là bà Đinh Thị Anh. Nguồn: PLXH


Chủ biến mất, hàng ngàn công nhân lo mất việc

RFA đưa tin: Chủ Đài Loan biến mất, nhà máy bị ngân hàng niêm phong, hơn 2.500 công nhân lo mất việc. Sáng 12/8, hơn 2.500 công nhân lao động ở Công ty TNHH KaiYang, TP Hải Phòng phải ngừng làm việc do chủ doanh nghiệp cùng các chuyên gia người Đài Loan của công ty này “mất tích”. Các phân xưởng đã bị ngân hàng tạm thời niêm phong, khóa trái cửa do những tài sản trong nhà máy đều đã được thế chấp. 

Đến trưa cùng ngày, các công nhân được phép vào trong các phân xưởng để lấy đồ đạc cá nhân dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng bảo vệ và nhân viên ngân hàng TMCP Đông Nam Á. Chỉ một ngày trước đó rất nhiều công nhân vẫn được yêu cầu làm thêm giờ và không được thông báo gì về việc công ty sẽ phải đóng cửa, ngừng hoạt động.


Nguyên nhân gây ra lũ lụt ở Tây Nguyên, Phú Quốc

Zing có bài: Đảo ngọc Phú Quốc, phố núi Đà Lạt chìm trong biển nước: Sự thật ngỡ như đùa. Không riêng gì Phú Quốc hay Đà Lạt, mà hầu hết các thành phố trên cả nước đều có chung vấn nạn: Mỗi khi mưa xuống là ngập, bởi phát triển đô thị không bền vững, bê tông hóa, các kênh mương, cống rãnh bị lấp, mưa xuống nước không có đường thoát.

Người ta chỉ lo tăng trưởng kinh tế, chạy theo con số tăng trưởng hàng năm, nhưng nếu trừ đi thiệt hại về người và của, liệu những con số này còn lại bao nhiêu. Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai thống kê, thiệt hại mưa lũ ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: 11 người chết, thiệt hại 1.073 tỷ đồng do thiên tai tại Tây Nguyên, Nam Bộ, trang Kinh tế & Đô thị đưa tin.

Zing có bài: Đà Lạt, Phú Quốc chìm trong biển nước do ‘nhà đầu tư quá tham lam’? Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: “Hai thành phố du lịch bị ngập do phát triển đô thị quá tham lam, bê tông hóa bề mặt để tăng diện tích thương mại. Chừng đó chưa đủ, họ còn lấp kênh rạch, sông hồ để kinh doanh mà bỏ qua không gian dành cho nước”.

KTS Sơn nói nhận định: “Dường như nhà quản lý luôn chiều lòng nhà đầu tư, du khách mà không quan tâm đến sức chịu đựng của đô thị. Cách làm này không bền vững bởi để vận hành tốt một đô thị thì cần có không gian xanh, cây xanh mặt nước chứ không thể xây dựng bất chấp. Nhà đầu tư thường suy nghĩ ngắn hạn, họ đầu tư rồi bán kiếm lời chứ ít khi nghĩ về lâu dài cho đô thị”.

Trong khi đó, báo VietNamNet nêu nguyên nhân vì sao hai nơi này bị lụt: Ngập lụt kỷ lục ở Phú Quốc và Tây Nguyên do gió mùa ở Úc. Nhà báo Trương Châu Hữu Danh bình luận: “Cả tuần nay cứ tưởng ngập lụt là do thế lực thù địch. Hóa ra là do mấy thằng bên Úc! Đứa nào bảo do phá rừng mau xin lỗi đi! Cuối cùng cũng phải có thằng chịu trách nhiệm chứ!


Cập nhật tin biểu tình ở Hồng Kông

Cuộc biểu tình cuối tuần qua, đánh dấu tuần lễ thứ 10 người dân Hồng Kông xuống đường, nhưng vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt, mà ngày càng dữ dội, trong phong trào phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, mặc dù trưởng đặc khu Carrie Lam tuyên bố dự luật “đã chết”.

Tin tức cho biết, sân bay Hồng Kông bị đóng cửa, các chuyến bay bị hủy vì hàng ngàn người biểu tình tràn vào sân bay. Bắc Kinh cho rằng, các cuộc biểu tình phản đối của người dân Hồng Kông có dấu hiệu “khủng bố”. Phát ngôn viên Yang Guang của văn phòng đặc trách Hồng Kông và Macao, Trung Quốc, đe dọa rằng, “phải có biện pháp quyết liệt với tình trạng bạo động phạm pháp, không khoan nhượng”.

Tối Chủ Nhật vừa qua, cuộc biểu tình lớn diễn ra khắp TP, nơi các đồn cảnh sát bị bao vây, nhiều người biểu tình đã bị cảnh sát bắt giữ, đánh đập, một phụ nữ bị thương nặng ở mắt sau khi bị trúng đạn của cảnh sát, nhiều người biểu tình kéo đến sân bay để thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

Người biểu tình ngồi chật cứng nơi hành khách đến ở phi trường Hồng Kông. Ảnh: AP

Nhà báo Từ Thức tường thuật: “Tình hình Hong Kong càng ngày càng gay cấn. Thành phố sống trong tình trạng hỗn loạn. Chính quyền địa phương kêu gọi dân ở những vùng có biểu tình hãy đóng cửa, ở trong nhà, để tránh những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người chống đối. Trong khi cuộc tập hợp sit-in tiếp tục ngày thứ ba tại phi trường, dân chúng xuống đường ở nhiều địa điểm trên đảo, đặc biệt là ở Victoria Park, trong suốt ngày Chủ Nhật 11/08

Cảnh sát đã nổ súng, bắn lựu đạn cay. Du đãng, băng đảng đen trà trộn trong đám đông, đánh đập tàn nhẫn người chống đối. Hàng chục người được chở vào nhà thương, một người bị thương nặng, tính mạng bị đe dọa.

Tới nay, trên 600 người đã bị bắt. Theo luật, những người bị kết án phá rối trị an có thể lãnh án 10 năm tù. Chính quyền địa phương cho hay sẽ cương quyết trong việc vãn hồi an ninh trên đảo. Bắc Kinh cảnh cáo là những người phá rối an ninh sẽ bị nghiêm trị“.


***






No comments: