Diễm Thi, RFA
2019-05-06
2019-05-06
Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh vừa mãn án tù hôm
5/5/2019 sau 5 năm thụ án. Ông trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do vào ngày 6
tháng 5. Trước hết ông chia sẻ về tình hình sức khỏe bản thân:
Nhà báo Nguyễn Hữu
Vinh và vợ, bà Lê Thị Minh Hà, trước Trại giam số 5 ngày 5/5/2019.
Courtesy of
luatkhoa
Ông Nguyễn
Hữu Vinh: Tôi xin gửi lời chào đến Ban biên tập Đài Á
Châu Tự Do, quý thính giả nghe đài và chào chị.
Tôi xin tả một điều rất thú vị, đó là trước ngày mãn
án, ngày 4/5 thì cán bộ trại giam đến làm việc và lục soát tài liệu của tôi thì
tôi phải xin phép được nằm để làm việc. Đến khi ông phó giám thị đến tôi cũng
xin lỗi phải nằm để nói chuyện vì tôi rất mệt.
Trong 10 ngày trước đó tôi có những buổi làm việc rất
là mệt mỏi với ban lãnh đạo của trại, người bên an ninh…tôi bị bệnh và bác sĩ
trại xác định tôi bị rối loạn tiêu hóa, cộng với những bất đồng của tôi với họ
và làm việc căng thẳng khiến tôi rất mệt.
Thế nhưng rất kỳ lạ là khi ra khỏi trại, được gặp
gia đình, chỉ nửa tiếng sau là tôi khác hẳn, cảm thấy như không hề bị bệnh và
quên hết những mệt mỏi.
Mọi người đến thăm rất đông và gọi điện rất nhiều,
tôi rất vui và cả đêm tôi lên mạng cập nhật thông tin mà tôi không hề có cảm
giác đau ốm gì.
Diễm
Thi: Đối với quá trình bị tạm giam, xét xử cũng
như thời gian thi hành án, ông có thể chia sẻ những điều gì mà
theo ông cần phải nêu ra?
Ông Nguyễn
Hữu Vinh: Chia làm hai giai đoạn gần bằng nhau về thời
gian. Hai năm rưỡi bị tạm giam ở B14 và hai năm rưỡi thi hành án ở Trại 5. Hai
giai đoạn đó đều cho tôi những thông tin, kinh nghiệm và trải nghiệm tuyệt vời.
Thỉnh thoảng tôi cũng nói với gia đình, với cán bộ
trại giam cũng như với ông phó giám thị Trại 5 trước khi tôi ra tù rằng tôi phải
cám ơn Cơ quan điều tra và cám ơn trại. Tôi cám ơn cái gì?
Tôi cám ơn vì chính họ đã giúp tôi hiểu những hiện
tượng sai phạm về pháp luật, vô nguyên tắc và tệ hại trong quá trình tố tụng, tạm
giam cũng như giai đọan thi hành án. Tôi được chứng kiến rất là nhiều và tôi phải
tranh đấu nhờ vào sự hỗ trợ của gia đình, sức ép trên mạng, các đài, báo chí lề
trái, cư dân mạng và quần chúng, cả quốc tế…đã thay đổi khá khá tại Trại giam số
5.
Trước hết về thủ tục tố tụng thì họ vi phạm rất nhiều.
Trong bản tự bào chữa tại tòa, tôi viết tất cả các vấn đề, trong đó vấn đề đảng
tịch của tôi là vấn đề cực kỳ quan trọng, dài 78 trang. Sát ngày xử thì Luật sư
Trần Vũ Hải đến Viện kiểm sát đề nghị được tiếp cận những bản tôi viết tay này
nhưng họ viện cớ này nọ để không cho.
Họ sợ luật sư có những bản này đến độ cả hai phiên
tòa họ cho cán bộ đi theo, một hiện tượng chưa từng thấy, tức là cán bộ an ninh
trại đi cùng tôi ra tòa. Lần đầu là một đội phó an ninh đội trinh sát của trại
B14 cầm bản tự bào chữa đó ngồi sau lưng tôi. Khi tôi nghỉ giữa giờ cũng đi
theo tôi và giữ chặt bản đó.
Tại phiên sơ thẩm thì tôi không kịp khiếu nại, sau
đó tôi có khiếu nại nhưng họ lờ hết.
Tại phiên phúc thẩm cũng y như vậy với một nữ thiếu
tá mặc thường phục giữ những bản đó ngồi sau lưng tôi.
Họ rất sợ tôi trao những bản đó cho luật sư dù chúng
tôi không vi phạm. Đấy là một ví dụ tóm tắt về một sai phạm trong quá trình tố
tụng.
Họ có bịt thì chỉ bịt được trong 5 năm, bởi vì tôi
ra rồi và tất cả đã ở trong đầu tôi. Cuối thời gian thi hành án thì tôi đã quyết
định phải viết lại một phần những cái đơn đó. Khi nào có thời gian tôi sẽ viết
lại những nội dung đó vì tôi muốn tất cả những chuyện này nó phải đi vào lịch sử,
và nếu thuận lợi thì nó phải sớm được đưa ra công luận để giúp cho những người
đấu tranh dân chủ sau này đỡ bị những chuyện mà tôi gọi là họ ‘ăn gian’ theo kiểu
đó.
Tôi cũng rất muốn sẽ làm việc với các luật sư của
tôi trước đây cũng như đọc lại các bài viết của luật sư để xem cần bổ sung những
gì để công luận có đầy đủ thông tin.
Blogger Anh Ba Sàm
cùng cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy tại tòa án Hà Nội hôm 22/9/2016 . AFP
Diễm
Thi: Còn thời gian thi hành án thì sao, thưa ông?
Ông Nguyễn
Hữu Vinh:Thời gian thi hành án rất là tuyệt. Theo tôi, nó có
đặc thù ở chỗ rất nhiều vụ án về những người đấu tranh cho dân chủ, các cơ quan
điều tra, các cơ quan tố tụng làm sai thì ít nhiều cũng đã được luật sư đưa
lên; những người khác biết, gia đình biết cũng đã đưa lên mạng rồi. Nhưng tôi
hình dung ra, có vẻ như khâu thi hành án cho những người như tôi (theo như bên
ngoài thì tạm gọi là tù nhân chính trị) thì dường như chưa hoặc có rất ít những
người, những trường hợp đưa ra tất cả rất nhiều hiện tượng mà theo cách dùng từ
đơn giản của tôi là “ăn gian” trong khâu thi hành án giữa cơ quan chức năng và
người thi hành án. Ăn gian ở đây chính là sai pháp luật, vô nguyên tắc, mập mờ,
không minh bạch trong pháp luật. Kế đến là lách luật.
Nếu không nhầm, tôi chưa thấy ai làm một cách có hệ
thống để vạch ra những chuyện này. Thời gian trong tù, tôi đi từng việc, từng
việc để đấu tranh với người ta. Tôi rất thích thú với chuyện ấy và tôi phải cảm
ơn vì người ta cho tôi rất nhiều những tư liệu sống để tôi nói với gia đình,
cùng với công luận bên ngoài để vừa đấu tranh, để thay đổi, để nhích dần lên
cho chính tôi và những người xung quanh đang cùng bị tuyên án ở đó đỡ phải
chịu đựng những phi lý, những nỗi khổ, và dần dần có thể những phạm nhân khác
trong các trại khác trên khắp cả nước trong những ngày tháng tới cũng sẽ đỡ các
kiểu “ăn gian” như thế.
Tôi còn suy nghĩ thêm nữa là phải hướng lên
những điều tạm gọi là cao hơn đó là văn bản pháp luật của Quốc hội ban hành thì
từ luật thi hành án cho đến bước tiếp theo là văn bản dưới luật làm theo ý định
của chính phủ và thông tư của Bộ Công an.
Diễm Thi: Một thông
tin khiến công luận chú ý là 1000 trang tài liệu của ông bị trại giam thu
giữ ngay trước ngày ông được ra trại. Ông có thể cho biết nội dung của 1000
trang tài liệu là gì?
Ông Nguyễn
Hữu Vinh: Có 3 loại trong hơn 1000 trang này, nằm
trong 5 cuốn sổ. Không một ngày nào tôi không viết. Chuyện lớn, chuyện nhỏ, chi
tiết, tôi đều ghi vào. Loại thứ hai là thơ của tôi, thơ mới, thơ cũ. Thơ cũ thì
tôi cố gắng nhớ lại. Mấy tháng đầu tôi phải chiến đấu với những sai trái, vô lý
ở đây, mình quên mất chuyện phải chép lại thơ. Mấy tháng không luyện đọc lại,
không chép nên thất thoát đi cũng khá khá, thế là tôi bắt đầu làm tiếp.
Thể loại lần này
khác hẳn giai đoạn đầu, bài dài hơn, sâu hơn. Loại tiếp theo là tôi “nháp” tất
cả những gì mình suy nghĩ, trong đó lớn nhất là “nháp” những lá đơn khiếu nại về
các vấn đề ở trại, đơn đề nghị họ phải thay đổi và tôi phải được làm cái nầy,
được làm cái kia.
Tôi thấy pháp luật
không cấm tôi làm, không cấm tôi nêu lên những đề nghị….
Còn có một số trao
đổi của tôi với một số phạm nhân khác và có phạm nhân muốn gởi địa chỉ, số điện
thoại để khi về, tôi liên lạc với gia đình họ.
Tôi có thể miêu tả
hơn 1000 trang tài liệu đó là bắt đầu từ ngày đầu tiên cho đến hai năm bởi
vì hai năm ở bên B14 chúng tôi không được dùng giấy bút gì cả. Khi được một
tháng tù thì tôi nghĩ ra 4 câu thơ vì tôi muốn gởi thông điệp ra bên ngoài về
suy nghĩ, tinh thần của tôi. Chỉ có 4 câu thôi, tựa bài thơ là “Đầy tháng tù”
Bảy năm blog
Đóng góp cho đời
Bảy năm nghỉ ngơi
Tích rèn tri, chí
Diễm Thi: Biện
pháp thu giữ 1000 trang tài liệu của ông diễn ra như thế nào,
thưa ông?
Ông Nguyễn
Hữu Vinh: Khi về đến Trại 5, theo đề nghị của tôi
thì tôi được làm việc với hai người đội trưởng và đội phó về trinh sát và giáo
dục của cả Trại 5, trung tâm Trại 5 chứ không phải các phân trại. Có một người
nói với tôi rằng trong trại anh có thể ghi chép nhưng lúc nào đó hoặc khi anh
ra trại thì chúng tôi sẽ kiểm tra, nếu cái nào không phù hợp thì chúng tôi phải
thu giữ.
Tôi hỏi ngay là thế
nào là không phù hợp, và việc thu giữ có dựa trên văn bản pháp lý nào không thì
họ nói không có, và chỉ trong văn bản nội bộ.
Tôi hỏi thẳng là những
chuyện đó thì về giá trị pháp lý và khả năng bị kiện có không, thì họ phải công
nhận là có thể nhưng không chắc.
Những ngày cuối cùng khi tôi sắp trở về thì hai phó
giám thị luân phiên đưa ra một cái lệnh miệng rằng tôi phải kiểm kê những cái
ghi chép trong thời gian ở Trại 5, tự bỏ vào thùng, tự niêm phong, cùng lâp ba
biên bản trong đó có một biên bản cùng với thùng tài liệu sẽ được gửi về Cục An
ninh Nội địa A02 để họ duyệt và họ sẽ cho tôi số điện thoại cùng tên nhân viên
để khi tôi về tôi liên lạc rồi lên đó cùng mở niêm phong, còn tiếp theo là gì
thì họ không nói. Tôi hỏi yêu cầu này dựa trên văn bản pháp lý nào thì ông phó
giám thị nói với tôi là không có mà đây là mệnh lệnh của cấp trên.
Tôi hỏi tiếp lệnh cấp trên là ông nào cho tôi viết
tên và chức vụ thì họ bảo không thể cho tôi biết được.
Tôi nói đây là một điều rất phi lý. Tôi đi tù thì
tôi chỉ biết Trại 5 này là nơi thi hành bản án tù và tôi là người chấp hành bản
án phạt tù, còn trên Trại 5 là Cục C10. Tại sao lại có Cục An ninh Nội địa xen
vào đây để kiểm duyệt tài liệu của tôi?
Cuối cùng họ có vẻ đuối lý nên chuyển sang kiểu
khác, đó là ra lệnh khám xét buồng giam của tôi và ghi trong lệnh khám là những
giấy tờ gì mà họ chưa thể đọc và kiểm duyệt ngay tại phòng giam thì họ tạm giữ.
Lệnh này không giống như nội dung lệnh mà hai anh
giám thị trước đó nói với tôi. Chỉ trong mấy ngày mà họ tự mâu thuẫn với nhau,
hình thức bất nhất, mập mờ và vô nguyên tắc, từ lệnh khám xét cho đến biên bản
thu giữ của một cơ quan mà tôi tạm gọi là ‘cơ quan nhà nước’.
Đây chỉ là một ví dụ nhỏ trong hai năm rưỡi tôi phải
chứng kiến trong tù. Khi họ thu giữ như vậy thì họ lập hai biên bản: Biên bản
thu giữ tài liệu và niêm phong; Biên bản khám xét. Tôi không ký biên bản thu giữ
tài liệu và niêm phong, tôi không ký cả vào thùng niêm phong tài liệu bởi tôi
phản đối toàn bộ cuộc khám xét và thu giữ này. Cũng giống như khi họ bắt tôi
trước đây, tôi cũng không ký vào biên bản niêm phong đồ đạc họ tịch thu của
tôi.
Sau này khi mất mát hay làm sai lệch nội dung tài liệu
cuả tôi thì Trại giam số 5 phải chịu hoàn toàn trách nghiệm. Đấy là nội dung
tôi nhận xét vào Biên bản thu giữ. Mà trong biên bản này họ cũng chẳng nói là
thu giữ rồi duyệt thế nào, ở đâu, bao nhiêu ngày được nhận…
Hình minh họa. Những
người biểu tình ủng hộ Anh Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh trước tòa án ở Hà Nội hôm
23/3/2016. AFP
Diễm
Thi: Mặc dù mới mãn án, nhưng hẳn
nhiên ông cũng có những dự định cho thời gian tới?
Ông Nguyễn
Hữu Vinh: Trước hết tôi chờ xem họ có công văn gì gửi
cho tôi về việc xử lý thùng tài liệu đó không và nó như thế nào rồi tôi mới xem
hướng tiếp theo. Bây giờ tôi để đầu óc cho các việc khác, để cập nhật thông tin
ở ngoài và trên mạng. Dành thời gian cho bạn bè tới thăm, việc gia đình, con
cháu…
Diễm
Thi: Cảm ơn ông đã dành thời gian cho RFA. Trước
khi tạm biệt, ông Nguyễn Hữu Vinh nói thêm rằng sở dĩ bài thơ ông viết “Bảy năm
...” vì khung hình phạt cao nhất cho tội danh mà ông bị kết án
lên đến bảy năm, và ông sẵn sàng cho bản án đó.
*
*
Tin, bài liên quan
No comments:
Post a Comment