Văn
hóa... nhang khói
Tạp ghi Huy Phương
Tạp ghi Huy Phương
Sunday, March 6, 2016 4:13:09 PM
Tôi
ra tù năm 1982. Bảy năm qua các trại cải tạo, tôi hiểu được những người Cộng Sản
nhiều hơn ngày trước. Sau khi ra tù, về lại Sài Gòn, tôi lại hiểu được những
người Cộng Sản hơn những ngày còn trong nhà tù. Cán bộ coi tù dù có chức phận đi nữa thì số phận cũng không hơn gì thằng
tù, cũng thâm sơn cùng cốc, cũng bữa sắn bữa ngô, thằng tù phải lên rừng xuống
rẫy giữa mùa Đông giá rét, hay trời Hè nóng nực, thì thằng cai tù cũng phải vác
súng đi theo. Gia tài cai tù thì áo quần mỗi năm cũng chỉ hai bộ, đôi dép râu vừa
mang trong chân vừa để chà lưng lúc tắm, cũng có thể để gối đầu lúc ngủ, thêm một
cái bàn chải đánh răng, một cái chén ăn cơm với đôi đũa mang theo. Sang hơn thì
có cái ca nhôm uống nước, nhưng không thì cơm rồi, rót nước vào chén cũng
xong.
Cán bộ cấp cao còn có cái “xắc cốt” đeo kè kè bên
mình.
Năm 2002, tỉnh Quảng Trị lắp đặt hệ thống thoát nước
tại cổ thành Quảng Trị đã phát hiện ra một chiếc hầm chữ A, trong hầm còn
nguyên năm bộ hài cốt của lính miền Bắc trong tư thế đang ngồi, trong đó có bộ
hài cốt của một sĩ quan, Thượng Úy Lê Binh Chủng, chỉ huy phó chính trị của một
tiểu đoàn. Duy nhất bên bộ hài cốt này có chiếc “xắc cốt” da Liên Xô. Trong “xắc
cốt” người ta tìm thấy: Một quyển nhật ký một nửa ghi chép công việc, một nửa
viết cho cho gia đình, một quyển điều lệ đảng, một quyển 10 điều chính sách của
mặt trận GPMN, một chiếc lược làm bằng nhôm, và một cái bút máy Trường Sơn có
khắc dòng chữ tặng. Trong cuốn nhật ký còn kẹp những lá thư của người vợ từ quê
nhà miền Bắc gửi cho chồng.
Gia tài của một binh sĩ hay một sĩ quan chỉ có ngần ấy.
Lúc không có gì trong tay, đến cả một đồng bạc lẻ,
người ta dễ nói chuyện lý tưởng hay hy sinh. Năm người lính Bắc Việt trong chiếc
hầm này không chết vì súng đạn mà vì chết đói và hầm bị gạch đá lấp kín, vì lý
tưởng “chết là chết cho Liên Xô-Trung Quốc!” Năm 1982, tức là năm năm sau khi
“giải phóng,” cán bộ Cộng Sản vào Nam không còn nghèo nữa, họ có thể vơ vét một
ít chiến lợi phẩm là “tàn dư” hay “phồn vinh giả tạo” của miền Nam đem về Bắc đắp
đổi, hay được ở lại miền Nam là “chuột sa” vào “hũ nếp” Mỹ Ngụy.
Nhà tôi ở Quận 10, Sài Gòn, gần đường Minh Mạng, là
nơi chuyên bán đồ mộc. Tôi không chú ý đến chuyện cán bộ miền Bắc mua sắm, bàn
ghế, tủ, giường… vì bây giờ họ có nhà cửa, cơ ngơi, sắm đồ đạc là chuyện thường
tình. Điều tôi chú ý là cán bộ (giờ đó hầu hết còn mặc đồ bộ đội) đã chở trên
xe gắn máy hay những chiếc xích lô những chiếc trang thờ còn mới mua từ những
tiệm mộc đem về nhà.
Đó là những trang thờ Thần Tài, Ông Địa, dấu hiệu của
chuyện bảo vệ tư hữu, tức là của cải mình có từ vợ con, nhà cửa, tiền của đến
chức vụ, quyền lực.
Khi con người chỉ có một cái chén và một đôi đũa, ăn
xong, tự rửa lấy và đeo bên mình thì không hề sợ mất và cũng chẳng nhờ con người
hay ông Thần, ông Thánh nào giữ giùm.
Bây giờ cướp được chính quyền rồi thì cán bộ có chức
phận, có nhà cửa, có tiền bạc. Thực tế là phải nuôi con chó giữ nhà để đêm hôm
canh chừng trộm đạo, chức sắc lớn thì có nhân viên bảo vệ, nhà cửa thời đại này
chắc chắn phải gắn máy quay phim. Chưa đủ, phải nhờ thêm đến Thần Linh, tức là
Ông Địa, ông Thần Tài để giữ của, giữ chức vụ, tức là giữ ghế cho bền. Bàn thờ
Ông Địa, ông Thần Tài thì phải nhang khói suốt năm, khi điếu thuốc lá, khi nải
chuối, đối với cấp trên cũng vậy phải nhớ “nhang khói” đừng quên. Cấp trên thì
không cần chuối, cũng chẳng cần gà, cũng chẳng cần điếu thuốc 555 như thời bao
cấp. Bây giờ cái mặt “bác Hồ” cũng chẳng còn giá trị gì nữa mà phải là chân
dung quý vị tổng thống Mỹ.
Thói quen là văn hóa, văn hóa hối lộ đã tràn qua địa
hạt tín ngưỡng hay mê tín, dân tình trong đó tất nhiên có cán bộ nhét tiền vào
tay Phật, đầu rùa, bỏ tiền vào ngai vua, bỏ lên bài vị, tượng La Hán, Kim Cương
bị “ép” cầm tiền lễ ở tay, bị nhét dưới râu, thậm chí nhét tiền vào thạch nhũ
khi thăm động. Hối lộ để cầu xin may mắn, tiền của vào nhiều, thăng quan tiến
chức, giữ yên ổn cho gia đình và bản thân mình.
Ngày xưa, nghe lời dụ dỗ của đảng, thanh niên miền Bắc
“xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” trên đầu nón cối, dưới đất dép râu, không biết
cầu xin, van vái ai, cuộc đời cũng chẳng biết đến nhang khói là gì. Ngày nay
khi đã có chính quyền trong tay, với thế giặc phương Bắc, chỉ biết có một điều
cư xử là cúi lạy. Khi người dân cúi lạy xin tha mạng trước bạo lực, thì chính
phủ phải lấy đó làm nhục, vì chính phủ là đại diện của dân, chính phủ không che
chở được cho dân, thì dân lạy vái cũng như chính phủ lạy vái.
Cả nước ngày này không có gì gọi là dũng khí, ngay cả
báo chí Việt Nam cũng đã than thở đất nước đã đến hồi “mạt vận.” Thay vì ngẩng
cao đầu, đứng thẳng lưng, thì cả biển người lại sống bằng quỳ lạy dập đầu và đi
xin xỏ Thần Thánh ban phát sự giàu có, vinh hiển, công danh sự nghiệp.
Ở miền Bắc Việt Nam rộ lên cái gọi là lễ hội văn
hóa, tôn giáo, với cảnh chen chúc giẫm đạp nhau nơi đền chùa, dâng đội mâm cao
cỗ đầy, sì sụp lạy lục, lâm râm khấn vái, đốt vàng mã cho thần thánh, để xin xỏ,
năn nỉ xuýt xoa, rồi giành giật nhau, đánh nhau u đầu chẩy máu để lấy hay cướp
lộc mang về.
Xin một cái ấn đền Trần, là được may mắn thăng quan
tiến chức. Chính ông Nguyễn Thiện Nhân, khi còn làm phó thủ tướng kiêm bộ trưởng
Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, đã “đích thân” đóng ấn để phát cho du khách thì còn ra
cái sĩ diện quốc gia gì nữa!
Ba triệu thanh niên miền Bắc với “cái chén ăn cơm và
đôi đũa giắt lưng” đã nằm xuống cho ba triệu đảng viên Cộng Sản hôm nay chỉ biết
lạy lục kẻ thù và nhang khói Thần Thánh.
Trong bức di thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh chết tại cổ
thành Quảng Trị, để lại, có viết cho vợ:
-“Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa
bình hãy nhớ tới anh!”
Theo tôi nghĩ, chỉ tiếc thương cho những cái chết trở
thành vô nghĩa như của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Máu xương của hàng triệu người đó,
không phải hy sinh để chúng ta có một đất nước như ngày hôm nay!
No comments:
Post a Comment