Sunday, March 13, 2016

VÀI LỜI NHẮN NHỦ NHÂN NGÀY TƯỞNG NIỆM TRẬN GẠC MA (Ngụy Hữu Tâm)





Ngụy Hữu Tâm
Posted by adminbasam on 13/03/2016

Vài lời nhắn nhủ nhân ngày tưởng niệm 28 năm Trận Gạc Ma của một người con đất Việt may mắn đã đủ tuổi đời và đủ nhận thức để biết được những bài học lịch sử, và do đó mà đủ dũng cảm để nói lên những điều mà những người Việt yêu nước, trước hết những người lãnh đạo đất nước – nếu họ tự gọi mình là vì dân, vì nước, tất nhiên nghĩa là trước tiên phải yêu nước – phải làm, vì suốt từ 1951 (1) đến bây giờ, chúng ta đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội lắm rồi. Hãy thực hiện những điều, tôi nói ngay trong cái năm với hiệp ước TPP này, hay 5 năm, hay chậm nhất, 10 năm nữa.

Ngày mai sẽ là ngày tưởng niệm 28 năm Trận Gạc Ma. Hy vọng trong Sài Gòn ấm áp, những người yêu nước sẽ thắp được nén hương cho 64 chiến sỹ dũng cảm của Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng bên tượng đài Trần Hưng Đạo.

Còn ngoài Hà Nội đầy giá lạnh phương Bắc của cơn gió đông bắc cuối mùa, chắc chắn chúng tôi cũng sẽ tụ họp, đầy đủ nhất bên nhau, trước tượng đài Lý Thái Tổ – vị vua có công dựng nước – để thắp nén hương và dâng mỗi người một bông hồng lên đó, coi như đã dâng đóa hoa đó về Biển Đông bao la của Tổ quốc Việt Nam vô vàn kính yêu mà các anh, những người con dũng cảm nhất của đất nước này đã bỏ mình để bảo vệ, giữ gìn nó. Chúng ta mong cho linh hồn các anh Trần Đức Thông, Vũ Phi Trừ, Trần Văn Phương, Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh… và các anh khác sớm được siêu thoát. 

Sẽ cũng xin được nhân dịp này thắp nén hương cho Trung tá Ngụy Văn Thà (2) và những chiến sỹ khác của Hải quân Việt Nam Cộng hòa, để tưởng nhớ sự hy sinh dũng cảm của các anh. Chúng tôi sẽ coi cử chỉ đó như một hành động hòa giải mà chưa có hành động đó thì đất nước ta chưa thống nhất được về mặt tâm tư, tình cảm và sẽ khúc mắc muôn thuở, điều cản trở sự hòa hợp của tất cả con dân đất Việt, cản trở sự thống nhất của nền văn hóa Việt, mà thiếu nó, dân tộc này sẽ rất khó phát triển để sánh vai cùng thế giới văn minh.

Nhân dịp này xin bạn đọc cho phép tôi được ôn lại bài học cay đắng rút ra từ cuộc chiến ngắn ngủi hai ngày làm thiệt mạng 64 chiến sỹ dũng cảm của Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng. Lịch sử dân tộc Việt bốn ngàn năm bên nách anh Tàu to lớn, tham lam, quá nhiều khó khăn trong cuộc chiến cam go để giữ nước xin khỏi nhắc lại.

Xin chỉ nhắc từ 1951, chúng ta hoàn toàn ngã vào tay Xô-Trung rồi. Quá ư rách việc, để có Hiệp định Genève 1954, rồi họ Chu chia cắt đất nước. Rồi 1956 quyết tâm „đốt cháy dãy Trường Sơn“  để thống nhất, nhưng cái giá quá đắt, không chỉ ở số người chết và ly tán dân tộc đến nay vẫn chưa hàn gắn được, hay chỉ vì quyền lợi ích kỷ của những „nhóm lợi ích“ mà chắc gì „họ“ đã muốn hòa giải.

Cơ hội 1989 Liên Xô tan rã, chúng ta có thể „thoát Trung“ để bắt tay với thế giới văn minh thì 1990, „ba cụ“ lại sang Thành Đô ký những gì mà đến nay „họ“ vẫn giấu nhẹm, mang cái họa cho dân tộc mà Cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã cảnh báo. Để một lần nữa, đất nước này lại rơi vào vòng tay „anh bạn lớn với 16 chữ vàng“. Nước Việt Nam chỉ thay đổi về kinh tế chứ không về tư tưởng, và ngay về kinh tế cũng quá lệ thuộc Tàu.

Nhưng không thay đổi thể chế thì hệ lụy vô cùng to lớn. Cứ xem cái Đại hội Đảng XII và ngay sau đó, giờ đây cái cách mà bác „Tổng Trọng“ muốn „xử lý“ các nhóm lợi ích khác, chúng ta chỉ muốn có một thay đổi thật sự cho đất nước. Đất nước phải dân chủ thật sự chứ không giả hiệu. Mong một chuyển đổi lớn lao như Myanmar xảy ra ở đất nước này. Sao mấy vị tướng ở đó làm được mà Việt Nam đến trên 500 tướng mà hèn kém như vậy? Xin được sớm quên các cụ Mác, cụ Lê, cụ Xít – mấy cụ Tây „râu dê“ đó, và mấy cụ Mao, cụ Hồ, cụ Kim, cụ Xê, cụ Chê…

Chúng ta phải thay đổi thể chế, nước chúng ta phải là nhà nước pháp quyền – tam quyền phân lập, phải đa đảng – Đảng Cộng sản Việt Nam phải trở về vị trí nó vốn và sẽ phải có ở nước Việt Nam càng ngày càng văn minh hơn để cho vị trí các đảng cộng sản không chỉ nhỏ như đảng „Linke“ của Gysi và Lafontaine ở C.H.L.B. Đức hay các Đảng Cộng sản ở các nước văn minh khác như Hoa Kỳ hay Tây Âu chứ không phải Trung Quốc, Cuba hay… Bắc Triều Tiên của „Ông Ủn“.

Nước ta phải sớm thóat ra khỏi cái bóng của anh bạn Trung Hoa khổng lồ để làm chỗ đệm cho nó, mà là thành viên đích thực của ASEAN (với Singapore, Malaysia, Indo và tất cả các nước khác) và thế giới văn minh của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, EU…, sớm chia tay Hiệp ước Thành Đô, nói với chính  phủ Trung Quốc, chuyện gì ngấm ngầm với hai đảng, không có giá trị vì nay chúng ta là nhà nước pháp quyền – đa đảng, quân đội và công an thuộc nhà nước, thuộc nhân dân chứ không thuộc về bất cứ đảng nào – không còn cái chuyện nhảm nhí „còn đảng còn mình“.

Mong cho trong số 19 vị Ủy viên Bộ Chính trị BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam ít nhất có một vị, đủ dũng cảm và thao lược để sớm lập một kế hoạch và thực hiện một cuộc đảo chính ngoạn mục hòa bình để nước ta sớm trở về với thế giới văn minh chứ không mãi mãi bị giam cầm trong „trại súc vật“ mà nhà văn Orwell đã mô tả chính xác từ năm 1945, điều mà Gorbatchev và Elzin đã hoàn thành ở Liên Xô từ 27 năm trước đây và Thống chế Thein Sein cũng đã thực hiện hòa bình thành công ở Myanmar từ trên một năm nay, thậm chí ngay tại Kỳ họp 11 Quốc hội, dự kiến khai mạc vào ngày 21/3/2016, có một vị đại biểu nào đó, chẳng hạn nữ đại biểu Bùi Thị An của Thủ đô Hà Nội, người được đánh giá là nhiều lần dám nói thẳng điều này, điều nọ – nhất là ngày 8/3 mới qua đi ít ngày, giới nữ Việt Nam chúng ta được coi là đã đóng một vai trò càng ngày càng lớn hơn trong đời sống xã hội – trong khi các „ông nghị“ của chúng ta hầu hết đều là những „nghị gật“, dũng cảm đứng lên đề nghị sửa lại điều 4 Hiến pháp để nước ta sớm thoát khỏi thể chế độc tài toàn trị, trở thành nhà nước dân chủ thật sự chứ không phải „dân chủ tập trung“ giả hiệu, như bất cứ nước văn minh nào.

Vị giáo sư khả kính, vốn bảo vệ luận văn Tiến sĩ về „xây dựng đảng“ cũng chẳng lú lẫn tới mức không nhận biết từ lâu rằng, cái chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mà ông „Tổng“ muốn bắt 4 triệu đảng viên của cái đảng đó và 90 triệu thần dân khốn nạn của cái nước Việt Nam đáng tiếc là về mặt thể chế và tư tưởng vẫn còn ở thời kỳ Trung cổ khi gần như toàn thế giới đã „phẳng“, đã „toàn cầu hóa“ phải xây dựng, và muốn duy trì cái tình trạng lạc hậu này mãi mãi. Điều ấy quá ư là vô lý và ngớ ngẩn mà chỉ có bằng bạo lực của chế độ công an trị, ông „Tổng“ mới thực hiện nổi, và những lời phát biểu lẩn thẩn và cách hành xử thô bạo của vị vua „cởi truồng“ trước và sau Đại hội Đảng 12 vừa qua chỉ chứng tỏ rằng ông „Tổng“ cũng đã biết giờ tận thế đã điểm cho cái đảng già cỗi, bào thủ tồn tại suốt 86 năm qua.

Chỉ có thế, nước chúng ta mới „thoát Trung“, vì những người năm 1990 sang Thành Đô ký kết bản hiệp ước mật với họ Giang cũng chỉ coi cái đảng anh em „16 chữ vàng“ đó nhưng là thằng ăn cướp, bành trướng đó, chỉ là cái phao cứu sinh cho thể chế chính trị mà thôi. Quàng cái vòng kim cô mà cố Bộ trưởng Ngoại giao đã sớm nhận biết đó vào cổ dân tộc này, các vị đó mới giữ được quyền lợi ích kỷ của các vị và ngày nay bọn cầm quyền vẫn cố giữ chỉ vì quyền lợi ích kỷ của „nhóm lợi ích“ đó mà gần đây nhờ sự minh bạch dần của phương tiên truyền thông, người dân mới được biết các cuộc đấu đá giữa các nhóm đó khốc liệt tới mức nào.

Trước mắt, đề nghị nhà nước và các doanh nghiệp lớn, thay vì xây dựng những tượng đài tốn kém, lập Quỹ dành kinh phí xây dựng Đài tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma chung với các chiến sĩ trận Hoàng Sa, để thể hiện tinh thần hoà giải dân tộc.

Xin được kết thúc bài biết bằng vần thơ của Phạm Xuân Nguyên:
Nước Việt mãi gọi
Hoàng Sa, Trường Sa!
Nu na nu nống 
Nu nống nu na
Nu na nu nống 
Hoàng Sa, Trường Sa!
____

(1) Tôi lấy mốc này vì từ Đại hội đổi tên Đảng Cộng sản thành Đảng Lao động Việt Nam năm 1951 để nguyện mãi mãi đi theo chủ nghĩa Mác-Lê. Tôi nhớ hè năm 2014 vừa qua dịch cuốn sách „Việt Nam, tình yêu của tôi“ của tác giả Áo Ernst  Frey, để được phát hành, Ban biên tập Nhà xuất bản và dịch giả đã phải „tự kiểm duyệt“, cắt bỏ đoạn hay nhất, mang tính quyết định của cuốn sách, nơi ông giải thích vì sao ông, một trí thức trẻ người Do Thái thành Vienna, vốn là đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Áo, lại phải từ bó Stalin, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh để về với Áo vì hôm dự Đại hội này, nhìn lên phông màn chính của phòng họp thấy treo ảnh ba vị này cạnh nhau để mọi người tôn thờ, để thực hiện trọn vẹn tệ „sùng bái cá nhân“, tôi dám chắc người tinh tế, giàu cảm xúc như Ernst Frey đã nhận biết ngay chân tướng vấn đề: chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít thực chất là một, nên đến tối lên giường nằm ngủ, ông mơ ngay thấy trên bàn Chủ tịch, thay vì lá cờ „búa liềm“ là lá cờ „chữ thập ngoặc“! Tôi chợt nhớ lại nhận xét: „Hai mươi tuổi không yêu chủ nghĩa cộng sản là không có trái tim, nhưng đến ba mươi tuổi mà vẫn thích chủ nghĩa cộng sản thì không có não bộ“. 

(2) về người anh em cùng họ với tôi, nếu có dịp được kiểm tra ADN để biết có cùng huyết thống thì càng hay, nhưng xét cho cùng thì cũng chẳng quan trọng đến thế, vì đã là người Việt, anh và tôi đều giống nhau là đều hết lòng yêu nước, và về điểm đó, không chỉ là đồng bào mà còn là đồng chí nữa cơ. Tôi mong tượng anh, những đồng đội của anh sớm được dựng, gia đình anh và gia đình những chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa có công và hy sinh chống quân Trung Quốc xâm lược sớm được xã hội ghi nhận. Chỉ có sớm hòa giải dân tộc thì nước Việt Nam yêu quí của chũng ta  mới sớm trở về với thế giới văn minh. Từ nhiều thập niên , thế giới đã toàn cầu hóa nhưng không phải vì thế mà những điểm tối cũ, lò lửa chiến tranh như Afganistan,, Triều Tiên, Trung Đông… biến mất hay không nảy sinh nhiều điểm tối mới như Ucraina, Syria, Phi châu…

Chúng tôi giữ gia phả nói, vốn là người Hoa đến Việt Nam vào đời Minh từ Phúc Kiến, tôi nghĩ tổ tiên chúng tôi ít nhiều bị hại thời đó, thậm chí đã chống nhà cầm quyền, thế nên có lẽ tính phản biện sớm có trong tôi chứ nhất thiết không phải phản nghịch-như cái họ ngụy dễ gây hiểu lầm. Tôi lại nhớ năm 1965 khi có anh bạn làm biên tập viên báo Cứu Quốc nhờ dịch một bài thơ ca ngợi „Bác Hồ“ của một bạn người Đức, tôi ký nguyên tên mình chứ không dùng bút danh, bài báo bị từ chối, với lý do vị Tổng biên tập nghi ai dùng cái tên có dính dáng ngụy quân ngụy quyền đó với dụng ý phản nghịch, bởi vì theo vị đó thì đã ngụy làm gì lại có tấm lòng? Ông ta đâu biết tên đó do giáo sư văn học lừng danh Hoàng Xuân Nhị đặt cho tôi. Nhắc lại chuyện cũ làm gì? Cái „Mao-ít, Mao nhều“ nó nguy hại ngay từ đó chứ có cần chờ đến bây giờ đâu. „Phạm húy“ đâu chỉ có vấn đề nói chạm hay „nói xấu“ lãnh đạo (họ sợ sự thật mà vì cộng sản sinh ra trong dối trá hay nói nhẹ là ít học, phán lung tung, „duy ý chí“) mà đến cái dòng họ ngụycũng phải sợ!

Nhiều bạn trẻ hay nói, các „cụ về hưu“ bây giờ nói gì mà chẳng được, các cụ nói „thoát Trung“, đánh Tàu, các cụ vác AK ra mà đánh nó đi, chỉ được cái nói mẽ, „rách việc“, chúng tôi chỉ muốn yên ổn làm ăn, muốn „ổn định chính trị“, chúng không quan tâm tới chuyện chính trị, việc đó đã có „Đảng, Bác“ lo rồi. Thậm chí có bạn còn bảo đó là luận điệu của „Việt kiều“, nhưng may quá họ ở xa ta, không bị nhiễm „độc chì“ tuyên truyền tác hại của „Bác, Đảng“ nên nhìn sáng hơn chúng ta, họ được học hành, được lớn lên trong một môi trường trong sạch, tiến bộ hơn chúng ta mọi mặt hàng trăm năm! Và có lẽ, tôi nghĩ vậy thôi, chưa có chứng minh, họ yêu nước chẳng kém chúng ta đâu!

Đất nước ta sau chiến tranh, sau „giải phóng“ 1975 đến giờ đã thay đổi đến thế các cụ còn mong gì hơn nữa, các cụ chỉ là những kẻ chống đối, gây chuyện, cản những kế hoạch đầy tham vọng lớn lao của Đảng. „Gác khác biệt để cùng khai thác“ Biển Đông, nói đúng họ Tập quá rồi còn gì, nhưng đấy là trước đây10-20 năm, nay thì Tàu đủ mạnh để ngay chuyện đó cũng muốn quên đi để bắt nạt cái „thằng Việt Nam nhỏ bé, yếu hèn“ này, áp đặt „vùng nhận diện“ để chiếm toàn bộ Biển Đông. 

Những thay đổi đất nước những năm qua, chúng tôi cũng có mắt cả, chúng tôi cũng thấy hết tất cả đấy, may quá, nhưng có thể là chúng tôi, nói thì ai cũng bảo, cái bọn „cục phân“ này hay kiêu ngạo, thường nghĩ khác người, chúng tôi nhìn kỹ hơn, chi tiết, tỉ mỉ hơn nên thấy được xa hơn mọi người chăng?

Nhưng chúng tôi bảo rằng, thay đổi vừa qua chỉ mới là về vật chất thôi chứ chưa phải thay đổi về mặt tinh thần, về thể chế, có vậy mới bớt nguy cơ, mầm mống bạo loạn sau này. Cũng biết phải làm dần dần, không thể ngay một lúc tất cả được, cũng phải nâng cao dân trí đã, „dân trí chúng ta thấp lắm“. Nhưng muốn thế phải dân chủ, phải thay đổi nhiều thứ trong hiến pháp, phải tự do tư tưởng mà trước tiên là tự do báo chí, tự do phát biểu, tự do trên công luận, muốn thế phải có hệ thông pháp luật rạch ròi, công minh, minh bạch.

---------------------

XEM THÊM :

.
.
.
.
 

No comments: