Thursday, March 10, 2016

TÌM HIỂU VỀ "NGUYÊN TẮC TẬP TRUNG DÂN CHỦ" (Nguyễn Tiến Dũng)





Nguyễn Tiến Dũng
Blog Zetamu  -  MARCH 9TH, 2016

Ở Việt Nam hay nói tới nguyên tắc tập trung dân chủ (democratic centralism). Vậy nguyên tắc đó là cái gì, khác với “dân chủ kiểu phương Tây” như thế nào, và nó được dùng ở những đâu?

(Ảnh: tượng Lenin bị hạ xuống ở Ethiopia, 1991)

Tập trung dân chủ nghĩa là gì?

Nguyên tắc này được Lenin đề xuất từ năm 1901 cho việc tổ chức của các đảng cộng sản, và được viết trong quyển sách “Shto delat?” (“Phải làm gì?) của Lenin viết năm 1902. Tiền thân của ĐCS Nga/Liên Xô là đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga. Đến đại hội năm 1903, đảng này tách thành hai phe: Một phe là Bolsevik (tiếng Nga có nghĩa là phe chiếm đa  số, về sau thành ĐCS) ủng hộ nguyên tắc này, còn phe kia là menshevik (tiếng Nga có nghĩa là phe thiểu số) phản đối nó. Nguyên tắc tập trung dân chủ có các điểm chính như sau:

1. Tất cả các cơ quan lãnh đạo từ dưới lên trên (của ĐCS) được bầu ra bởi các thành viên ở mức thấp hơn.

2. Các thành viên được phép thảo luận các ý tưởng một cách dân chủ trước khi biểu quyết một vấn đề gì dó.

3. Sau khi biểu quyết thì thiểu số phải tuyệt đối tuân thủ, phục tùng theo những gì đã được đa số biểu quyết, không được có ý kiến khác.

4. Cấp dưới phải tuyệt đối tuân thủ, phục tùng cấp trên.

Theo Lenin, thì hai điểm đầu trong 4 điểm trên thể hiện “tính dân chủ” (democracy in discussions), và hai điểm cuối thể hiện “tính tập trung” (unity in actions) của tổ chức ĐCS.

Cụm từ “tập trung dân chủ” trở thành phổ biến từ sau cách mạng Nga 1917, và sau đó trở thành một trong 21 nguyên tắc mà tất cả các ĐCS thành viên của “Quốc Tế Cộng Sản” (Comintern, còn gọi là Quốc Tế 3, được Lenin thành lập từ năm 1915 và Stalin chính thức giải tán vào năm 1943) phải tuân thủ. Ở những nước đi theo hướng cộng sản, thì chỉ có một đảng nắm quyền lãnh đạo là ĐCS, và nguyên tắc tập trung dân chủ không chỉ còn là nguyên tắc của ĐCS mà trở thành nguyên tắc tổ chức của toàn bộ bộ máy chính quyền.

Tập trung dân chủ ra đời trong hoàn cảnh nào?

Lenin nghĩ ra nguyên tắc tập trung dân chủ dựa trên ý tưởng có từ trước đó trong các phong trào dân chủ xã hội ở Đức. Bối cảnh của sự ra đời nguyên tắc này là thời kỳ đầu thế kỷ 20, khi mà các ĐCS muốn làm cách mạng bạo lực để cộng sản hóa thế giới, và có chiến tranh và nội chiến ở nhiều nơi tại châu Âu. Quốc Tế Cộng Sản tuyên chiến không chỉ với chủ nghĩa tư bản, mà còn tuyên chiến cả với các xu hướng dân chủ tự do, xã hội chủ nghĩa mà bị coi là “cải lương”, “cách mạng không triệt để”. Đồng thời, lúc đó sự hoạt động của ĐCS bị cấm ở nhiều nơi trên thế giới, và ĐCS hoạt động bí mật theo kiểu hội kín. Tính chất hội kín và tính chất đấu tranh bạo lực đòi hỏi kỷ luật sắt, tương tự như trong quân đội, để đảm bảo tính chiến đấu rất cao. Nguyên tắc tập trung dân chủ xuất phát chính từ đòi hỏi kỷ luật sắt đó. Kỷ luật sắt của nguyên tắc tập trung dân chủ đã giúp cho các ĐCS có được sức mạnh rất lớn so với các thế lực chính trị khác có tổ chức lỏng hơn, giúp nó chiến thắng trong nhiều cuộc chiến tranh giành chính quyền

Tập trung dân chủ khác với dân chủ tự do như thế nào?

Trong dân chủ tự do (libreal democracy), thì đa số nắm quyền lãnh dạo nhưng thiểu số được đảm bảo các quyền lợi và sự tự do, và có các cơ chế kiểm soát quyền lực, còn trong “tập trung dân chủ” thì thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, không có sự đảm bảo quyền lợi cho thiểu số và cho những người cấp dưới, dễ dẫn đến độc tài. Trong “dân chủ tự do” người ta bầu đại diện của mình, đại diện làm việc không tốt thì bị thay thế, còn trong “tập trung dân chủ” người ta bầu cấp trên của mình, không thể thay thế dù cho cấp trên đó có trở thành đao phủ. Đấy là một thực tế đã xảy ra ở Liên Xô và ở những nơi khác. Cơ chế tập trung dân chủ đã tạo điều kiện cho Stalin thâu tóm quyền lực tuyệt đối, sát hại và tống tù đày hàng chục triệu người dân Xô Viết, và giết hại ngay chính các đồng chí của mình (toàn bộ Bộ Chính Trị và một tỷ lệ lớn đảng viên ĐCS chết vì tay Stalin).

Nguyên tắc tập trung dân chủ giúp cho ĐCS giành được chính quyền ở nhiều nơi. Nhưng cũng chính nguyên tắc này khiến cho sau khi giành được chính quyền, thì chính phủ cũng áp dụng nó, đưa ra các đạo luật hà khắc và hạn chế các quyền tự do của người dân, như là một chính quyền cảnh sát (police state). Dưới thời Stalin ở Liên Xô, công nhân chỉ cần nghỉ việc 1-2 hôm là đủ để bị đi tù đày. Tuy nhiên, Liên Xô và nhiều nước khác đã (và đang) trải qua giai đoạn khủng hoảng, nhân dân không chịu chấp nhận dân chủ tập trung nữa, dẫn đến thay đổi thể chế.

Ngày nay, trên thế giới chỉ còn có 05 nước có bộ máy chính quyền dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ: Bắc Triều Tiên, Cuba, Lào, Trung Quốc và Việt Nam. (Trung Quốc có ghi nguyên tắc tập trung dân chủ vào Điều 3 của Hiến pháp hiện tại). Các nước còn lại, nếu là nước “dân chủ” thì là theo hướng dân chủ tự do.

Tuy có những người nói rằng “dân chủ tự do là dân chủ kiểu phương Tây, không hợp với bản sắc dân tộc” của nước này hay nước khác, nhưng thực ra nó được áp dụng ở khắp nơi trên thế giới ngày nay, từ Ấn Độ đến Nhật Bản đến Hàn Quốc đến Philippnes đến Nam Phi đến Senegal đến Brazil, v.v. và v.v., thích ứng với rất nhiều “bản sắc văn hóa dân tộc” khác nhau, chứ không chỉ ở “phương Tây”. Hình dung tương tự như là cái ô tô vậy: tuy nó được sáng chế ra ở phương Tây, nhưng nó tốt thì cả thế giới dùng nó, Các ý tưởng triết học lớn trên thế giới cũng vậy thôi, dù là xuất xứ ở đâu (trong trường hợp này thì có lẽ là ở Hy Lạp từ cách đây hơn 2000 năm), nhưng nó văn minh tiến bộ thì cả thế giới có thể dùng.

Tập trung dân chủ đi về đâu?

Từ khi nguyên tắc tập trung dân chủ được đưa ra, nó đã bị không chỉ phe Menshevik phản đối, mà một số lãnh tụ cộng sản uy tín lớn thời đó như Leon Trotski và Rosa Luxemburg cũng phản đối. (Về sau Trotski chấp nhận nó “một cách tạm thời”, nhưng sau khi Lenin chết, bị Stalin tìm cách thanh trừng). Từ nửa sau thế kỷ 20, đặc biệt từ khi các tội ác của Stalin đối với nhân dân Liên Xô bị phanh phui, nhiều ĐCS trên thế giới bắt đầu tỏ ra nghi ngờ nguyên tắc này hay cách diễn giải nó, và có những luận điểm kiểu “Bolshevik đã xuyên tạc nguyên tắc tập trung dân chủ của Marx” xuất hiện.

Trong “Mùa xuân Praha 1968″, nước Tiệp Khắc đã muốn từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ (kết quả là Liên Xô đưa xe tăng vào đàn áp). ĐCS ở Italia từ bỏ nguyên tắc này vào năm 1991 và đổi tên thành Đảng Dân chủ Cánh tả. Còn ĐCS Pháp đến năm 1994 đã từ bỏ nguyên tắc này, tuy vẫn giữ tên là ĐCS. (Gần đây hơn, ĐCS Pháp cũng đã bỏ cả biểu tượng lưỡi liềm).

Một vài tài liệu tham khảo:
https://www.marxists.org/glossary/terms/d/e.htm (Từ điển marxist, mục về tập trung dân chủ)
https://fr.wikipedia.org/wiki/Centralisme_d%C3%A9mocratique (trang wiki tiếng Pháp về tập trung dân chủ)
https://en.wikipedia.org/wiki/Democratic_centralism (trang wiki tiếng Anh về tập trung dân chủ)
https://www.marxists.org/archive/weisbord/Fraudulent.htm (“Bolshevic phản bội Marx”, dịch từ nguyên bản tiếng Italia năm 1976)




No comments: