Sunday, March 13, 2016

THÁNG NĂM, PHƯỢNG HOÀNG GÃY CÁNH (Tuấn Khanh)





Tuấn Khanh 
22/05/2015 - 23:42 PM

Có một tượng đài phượng hoàng gãy cánh tại Sài Gòn, đặc biệt trong lòng người yêu nhạc trẻ miền Nam. Tượng đài nằm khiêm tốn trong trái tim mỗi người, ngân vang với những câu hát trở thành lịch sử âm nhạc hiện đại của Việt Nam - từng mở màn cho một giai đoạn cách tân âm nhạc độc nhất vô nhị.

Thật khó biết là nhạc sĩ Lê Hựu Hà qua đời vào lúc nào. Theo báo cáo pháp y, người ta chỉ tìm thấy ông vào ngày 11.5.2003, nhưng dự đoán thời điểm qua đời có thể từ 5 ngày trước. Lê Hựu Hà là một người cô đơn. Và những ngày cuối đời của ông càng cô đơn hơn khi đi về chỉ một mình, đóng cửa lặng lẽ đọc sách, nghe nhạc, mở tivi cho có tiếng người chung quanh. Chính vì tivi vẫn mở suốt nhiều ngày liền nên chung quanh hàng xóm không ai ngờ. Chỉ đến khi vài người bạn đến tìm, gọi chuông không được thì sau đó mọi người mới phát hiện ông đã qua đời.

Những ngày bạn bè đến thăm nhạc sĩ Lê Hựu Hà lần cuối, trời lất phất mưa, xám xịt. Đám tang vừa phải và khiêm tốn, không khác gì tính cách của ông lúc sinh thời. Nhạc sĩ Minh Châu tay cắp giỏ, ánh mắt bàng hoàng “lẽ nào vậy sao?”. Minh Châu vốn là một người yêu say đắm dòng nhạc Phượng Hoàng do nhạc sĩ Lê Hựu Hà khai sinh. Anh ghé qua thắp nén nhang trong trang phục không khác gì thập niên 1960, thì thầm “chừng nào chúng ta lại có một Lê Hựu Hà hay Nguyễn Trung Cang?”.

Hình bìa CD Tình Khúc Lê Hự Hà

Câu hỏi đó thật khó trả lời. Phượng Hoàng sinh ra từ lửa và hóa kiếp trong lửa, tuần hoàn vô lượng. Nhưng để nhận thấy là điều bất khả. Thật khó hình dung nền nhạc trẻ Việt Nam thập niên 1960 - 1970 nếu không có Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Elvis Phương... thì hôm nay sẽ là gì?

Ban nhạc Phượng Hoàng của Lê Hựu Hà thành lập năm 1963, với chủ trương dứt khoát của Lê Hựu Hà là “người Việt phải chơi nhạc Việt”, nhằm tạo một khuynh hướng khác biệt với hàng loạt các nhóm nhạc trẻ lúc đó, phần lớn đang cover các bài hát ngoại quốc, và lấy tên tiếng nước ngoài như The Enterprise, CBC, The Dreammers, Les Vampires... Nhạc trẻ Việt coi như khai sinh từ đó. Nếu lịch sử âm nhạc Anh Quốc có cột mốc vĩ đại từ cuộc nói chuyện vô tình trên tàu điện giữa Paul McCartney và John Lennon, thì ở Việt Nam cũng có chương lịch sử âm nhạc kỳ thú từ sự kết nối giữa Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang.

Là một ban nhạc rất trẻ, nhưng các sáng tác của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang làm không ít người sửng sốt về triết lý sâu đậm trong ca từ. Nếu Nguyễn Trung Cang vung vẩy tung tóe màu sắc hiện sinh với Mặt trời đen, Sống cho qua hôm nay... thì Lê Hựu Hà dàn trải từ khuynh hướng vô kiện từ đạo đức học của Kant cho đến tâm trạng hippy phản chiến, kêu gọi yêu thương. Luôn xuất hiện trong các tác phẩm của Lê Hựu Hà, là niềm yêu tha nhân, như một mệnh lệnh vô kiện, dù khổ đau vẫn phải yêu thương. Từ cảm giác đó, Lê Hựu Hà bước theo lộ trình nhận thức thế giới không khác gì John Lennon khi hát về người nghèo khó, về một cuộc sống đầy súng đạn và hận thù. Hãy nhìn xuống chân hay Lời người điên... là một dòng phát triển rất đặc biệt của nhạc sĩ Lê Hựu Hà bên cạnh những tình khúc độc đáo của ông. Nhạc sĩ Phạm Duy, lúc sinh thời không phải là người dễ tính, cũng đã phải thốt lên rằng âm nhạc của Phượng Hoàng đầy chất tâm hoặc (psychedelic culture) và phản ánh một tâm thức của thế hệ trẻ không lối thoát trong một xã hội chiến tranh, bất an không hồi kết.

Có một điều không may cho nhạc sĩ Lê Hựu Hà là sau 1975, có một trung tâm sản xuất băng nhạc chống cộng lấy tên Phượng Hoàng, ra chương trình và gửi vào trong nước. Trong thời buổi còn chưa đủ sức phân biệt được, công an đã coi nhạc sĩ Lê Hựu Hà như một trong những thành phần sản xuất chương trình đó. Đã vậy, có lúc tên ban nhạc của Lê Hựu Hà bị nhầm với hệ thống tình báo Phượng Hoàng của Việt Nam Công Hòa! Vốn bất đắc chí vì thời cuộc, việc bị truy vấn liên tục trong thời gian đó đã khiến nhạc sĩ Lê Hựu Hà trở nên trầm uất, và luôn lo sợ. Thậm chí, khi đi đường, tiếng còi của cảnh sát giao thông cũng làm ông kinh hoảng dừng xe, dù đó không phải là chuyện của ông.

Những khó khăn vẫn đeo đuổi đến tận ngày nhạc sĩ Lê Hựu Hà qua đời, dù tài năng của ông chinh phục mọi giới. Những tác phẩm mới sáng tác sau 1975 như Vào hạ, Ngỡ đâu tình đã quên mình, Vị ngọt đôi môi... luôn gây nên những cơn sốt trong thính giả. Nhưng ít ai biết rằng các bài hát như Hãy yêu như chưa yêu lần nào là bài hát viết cho phim Vết chân hoang (chuyển thể từ tiểu thuyết Tuổi choai choai của Trường Kỳ), được sửa lời và chút ít giai điệu. Bài Lời trái tim muốn nói cũng là một ca khúc viết lại một văn bản cũ, trong đó ông lặng lẽ để vào chút tâm tư của mình,qua những câu chữ như “tháng năm không có ngày vui”, “cuộc đời không riêng chỉ khổ đau”. Năm 1999, khi đang là thành viên trong ban nhạc Phiêu Bồng của nhạc sĩ, tôi cầm lấy những bài hát của ông và đi đến nhiều hãng băng đĩa, đề nghị làm album tác giả, nhưng mọi nơi đều lắc đầu, nói khéo. Chân thật nhất là một biên tập viên của Xí nghiệp băng đĩa nhạc Sài Gòn Audio, Hãng phim Bông Sen, đã nói thẳng: “Lê Hựu Hà là một người nhân thân có vấn đề”. Sau này, khi nhạc sĩ Lê Hựu Hà căn vặn mãi, tôi đành phải kể lại. Ông mỉm cười nhã nhặn và buồn. Sau đó, ngay khi tập bài cho các buổi diễn, tôi đề nghị chơi lại những bài hát nhẹ nhàng như Tôi muốn, Yêu em... ông chỉ lắc đầu, cười nhẹ. Khó biết được đằng sau cặp kính của người nhạc sĩ hết sức uyên bác đó là những suy nghĩ gì về cuộc sống khốn khó này.

Có lần, trong một buổi tập ở nhà, nhạc sĩ Lê Hựu Hà cao hứng đàn và hát cho tôi nghe vài bản nhạc chưa ra mắt công chúng của ông. Những bài hát mang đầy niềm cảm hứng mãnh liệt của một thời Phượng Hoàng trai trẻ nhưng đầy sự buồn chán muốn rời xa cõi nhân thế quá trớ trêu. Hát xong, ông quay qua nhìn tôi, cười trầm: “Đừng hỏi, anh biết tỏng em muốn hỏi gì. Anh không muốn đưa những bài hát này ra nữa. Không còn để làm gì”.

Cuộc sống của nhạc sĩ Lê Hựu Hà sau năm 1975 hết sức khó khăn, đã vậy ông còn mang nhiều mặc cảm khi người vợ, ca sĩ Nhã Phương, phải đi hát, đi làm tất bật để trang trải cho cả gia đình. Ông quay lại sân khấu một phần vì yêu âm nhạc, một phần khác vì đó là cách kiếm sống duy nhất của ông. Lê Hựu Hà đã thử làm nhiều thứ như mở quán, cho thuê băng video... nhưng rồi không gì tồn tại lâu. Tài sản lớn nhất, và có lẽ vĩ đại nhất đất nước, là bộ sưu tập đĩa nhựa âm nhạc của ông. Tất cả những đĩa quý nhất của thế giới, những ấn bản hạn chế của Rolling Stones, Beatles... ông đều có đủ và luôn làm bạn bè ngưỡng mộ. Thế nhưng một ngày mùa hè, các nhân viên văn hóa thông tin đã ập đến lục soát và tịch thu. Nhìn từng chiếc xe ba gác chồng chất các bản đĩa mà ông nâng niu, chở ra đi là một trong những điều suy sụp lớn của đời ông. Nhạc sĩ Bảo Chấn kể rằng đời ông chưa bao giờ hoảng sợ bằng nhìn thấy hình ảnh nhạc sĩ Lê Hựu Hà ngồi gọi rượu đế uống một mình, trầm ngâm rồi khóc. Đó là lần uống rượu duy nhất trong đời của người nhạc sĩ chơi rock nhưng không biết thuốc lá, rượu bia.

Ban nhạc Phượng Hoàng. Ảnh tư liệu của Elvis Phương  

Một lần Lê Hựu Hà đến Nga, ra phố Arbat ở Moscow, nơi lừng danh của giới nghệ sĩ. Khi đang đi dạo thì Lê Hựu Hà nhìn thấy một người ngồi bệt dưới đất, đánh đàn và hát tiếng Anh ở phố, dưới chân có hộp đàn mở ra cho khách qua lại bỏ tiền vào. Nhìn thấy cây đàn đẹp, ông dè dặt hỏi xem đàn có bán không. Người nghệ sĩ Nga lạnh lùng nói: “Anh không mua nổi đâu, vì trên đàn đã có dấu tay của tôi”. Hóa ra đó là một nghệ sĩ rất nổi tiếng ở Nga về tài năng cũng như độ kiêu hãnh. Ghé vào một tiệm tạp hóa gần đó, nhạc sĩ Lê Hựu Hà đổi một ít tiền lẻ và đến ngồi kế bên. Những bài hát tiếng Anh thời 1960 - 1970 mà nghệ sĩ Nga ấy hát, là thứ thuộc nằm lòng của Lê Hựu Hà nên ông vừa nghe, vừa hát bè theo. Cứ mỗi bài hát kết thúc, ông lại bỏ vào hộp đàn một chút tiền lẻ. Người nghệ sĩ Nga từ thái độ tò mò, dần dần chuyển sang cảm mến. Cho đến khi hết tiền bỏ vào, Lê Hựu Hà đứng lên chào và đi. Người nghệ sĩ Nga bất chợt gọi lại “Anh là ai?”. Lê Hựu Hà cười “Tôi là một người thích nhạc”. “Nếu anh quá thích cây đàn, tôi có thể bán cho anh, vì anh rất thú vị”, người nghệ sĩ Nga nói. “Cám ơn, tôi đã có thứ tôi muốn rồi - Lê Hựu Hà nói - Hát với anh, tôi đã có lại tất cả những kỷ niệm đẹp nhất mà tôi đã mất”.

Trong đánh giá của giới phê bình âm nhạc, vẫn có hiện tượng bất công về overrated và underrated. Tức có những nhạc sĩ mà công lao hay khả năng chỉ vừa phải, nhưng vì lý do gì đó luôn được tung hô. Ngược lại, có những người vô cùng quan trọng với lịch sử âm nhạc nhưng lại bị coi nhẹ hay lãng quên. Nhạc sĩ Lê Hựu Hà là một trong những trường hợp underrated của Việt Nam.

Tháng Năm, nghe vua nhạc Blues B.B.King qua đời. Tháng Năm nhớ Chuck Brown, tay guitar có biệt danh “Godfather of Go-Go”. Tháng Năm cũng góp vào ký ức nhân loại một tượng đài phượng hoàng Việt Nam gãy cánh, khi đường bay chưa trọn. Tượng đài của Lê Hựu Hà, một người khiêm tốn và nhã nhặn, không mong ai dựng tượng mình, nhưng vẫn sừng sững trên quê hương trong sự cảm mến của con người.

Tuấn Khanh

_____
Bài viết đăng trên Người Đô Thị số 37, phát hành ngày 21.5.2015


No comments: