Sunday, March 13, 2016

THAM NHŨNG VẪN . . . UNG DUNG CƯỜI NGẠO NGHỄ (Nguyễn Duy Xuân - Dân Trí)





Nguyễn Duy Xuân  -  Dân Trí
Chủ Nhật, 13/03/2016 - 01:00

Cái đáng quan tâm ở đây là trên thực tế, khi triển khai thực hiện Chỉ thị 15, một số cơ sở đảng đã làm trái:

Cuộc chiến chống tham nhũng đã và đang diễn ra quyết liệt. Nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được phanh phui. Tuy nhiên, so với thực tế, số vụ án phá được còn rất khiêm tốn.

Tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, nhiều bộ ngành, địa phương báo cáo không phát hiện ra hiện tượng tham nhũng nào trong phạm vị quản lí của bộ, ngành, địa phương mình. Kết quả đó khiến dư luận nghi ngờ tính xác thực của các báo cáo bởi tình hình thực tế hiện nay, tham nhũng đang ngày càng nghiêm trọng.

Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) của Đảng đã chỉ rõ: “Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.”

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cũng khẳng định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”.

Những phát biểu gần đây của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã cho thấy tính chất nghiêm trọng của quốc nạn tham nhũng đối với sự phát triển của đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Hiện tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực đúng là lắm lúc nghĩ hết sức sốt ruột, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có…” và “cái gì cũng phải có tiền, không tiền không trôi. Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng vặt cũng nhiều khiến người dân như bị ngứa ghẻ

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm… Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này.”

Từ nghị quyết Trung ương cho đến phát biểu của lãnh đạo cấp cao đều khẳng định tình hình tham nhũng hiện nay đã nghiêm trọng đến mức trở thành “một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”.

Vậy mà chẳng hiểu sao kết quả phòng chống tham nhũng trong thời gian vừa qua lại yếu kém? Có phải vì tham nhũng ngày càng tinh vi như người ta vẫn biện bạch cho sự yếu kém này?

Tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2015 do Thành ủy TP HCM tổ chức vào chiều 8/3, thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó giám đốc Công an thành phố đã thẳng thắn trả lời cho câu hỏi nêu trên: “Tôi cũng xin lý giải thêm vì Ban Nội chính yêu cầu Công an TP giải trình là tại sao án tham nhũng được phát hiện do trinh sát là ít, tôi đã nói thẳng không phải là ít mà là không có. Lý do là vì CATP cũng phải chấp hành chỉ thị 15, hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên”.

Lời phát biểu tâm huyết của một vị tướng công an đã gắn cả đời mình với công cuộc chống tham nhũng ở thành phố lớn nhất nước khiến cho báo chí và dư luận nóng lên. Thì ra có một thứ “bảo bối” che chắn cho kẻ tham nhũng mà ông Lê Minh Trí – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, người vừa tham dự cuộc họp nói trên chỉ mặt: Tham nhũng chỉ có cán bộ đảng viên thôi chứ còn dân thường không có tham nhũng.

Phát biểu của tướng Minh cho thấy, lực lượng chức năng có đủ khả năng phát hiện, vạch mặt tham nhũng nhưng Chỉ thị 15 như sợi dây vô hình, trói chân buộc tay họ lại, buộc họ phải “chấp hành”? Và kết quả thì ai cũng biết: Tham nhũng “trốn tiệt”, “lặn” mất tăm trong báo cáo hùng hồn chống tham nhũng của các bộ ngành, địa phương mặc dù chúng vẫn ngang nhiên hành sự trước mặt mọi người mà không cần phải “ngày càng tinh vi” như chúng ta nghĩ.

Thực ra một số người không hiểu nội dung chỉ thị 15 là gì, nên cho rằng nó có sức mạnh trói buộc cơ quan chức năng để che chắn cho kẻ tham nhũng? Xin nêu lời giải thích ngắn gọn của nhà văn Nguyễn Quang Vinh trong Shop Tin 10-3 trên Infonet để mọi người nắm được tinh thần của Chỉ thị này – Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07-7-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng:

Các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp uỷ đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp uỷ đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt…thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng. Vì thế “công an không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên” nằm trong ý nếu không được tổ chức đảng, cấp uỷ quản lý trực tiếp đảng viên đó ra văn bản đồng ý.

Chỉ thị 15 là cách để thực hiện quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, ngăn ngừa chạy án, ngăn ngừa đánh án có động cơ không trong sáng, ngăn ngừa mất đoàn kết gây án “giả” để gây chia rẽ, làm mất uy tín cán bộ, đảng viên…Nói chung chỉ thị này chủ yếu để đảng quản lý chặt chẽ từ đầu tới cuối toàn bộ quá trình tố tụng của một vụ án có liên quan đến đảng viên của đảng: từ trinh sát, phát hiện dấu hiệu, củng cố chứng cứ, khởi tố, bắt, truy tố đảng viên vi phạm nhằm bảo đảm khách quan, chính xác, trung thực, bảo vệ tốt công tác chính trị nội bộ, không để lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí để làm mất đoàn kết, trù dập cán bộ đảng viên….và làm đúng như câu các văn bản vẫn hay dùng “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật“.

Rõ ràng là nội dung cũng như tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 15 rất đúng đắn. Cái đáng quan tâm ở đây là trên thực tế, khi triển khai thực hiện Chỉ thị 15, một số cơ sở đảng đã làm trái: “Biến một sai phạm phải xử lý hình sự với cán bộ đảng viên thành xử lý hành chính, làm chậm hoặc can thiệp làm thay đổi bản chất vụ việc, bảo vệ nhau, thậm chí còn thăng chức cán bộ đảng viên sai phạm lên chức cao hơn để xoá tội, can thiệp thô bạo vào quá trình điều tra, họp án, o bế, bảo vệ, “cứu” nhau, cấp trên cứu cấp dưới, thủ trưởng cứu lính, tập thể cứu lãnh đạo… ngăn cản những bước đi tiếp theo của cơ quan tố tụng, dần dần như dân gian vẫn nói “để lâu cứt trâu hoá bùn“.(Xem: Chỉ thị 15 là gì mà tướng công an cũng bó tay?)

Cái mà lâu nay, biết bao sai phạm sờ sờ ra đó, dư luận bức xúc lên tiếng nhưng những người này vẫn quả quyết một cách không ngượng nghịu rằng: Tất cả đều được thực hiện rất đúng quy trình, đúng pháp luật với đầy đủ hồ sơ, biên bản, thủ tục rất chi là chặt chẽ chính là nhờ “vin” vào chỉ thị này để o bế, bảo vệ, cứu nhau… Khi người ta nhân danh tập thể, nhân danh “bảo vệ” cán bộ thì không ai có thể động đến lông tay lông chân bọn tham nhũng được. Và cứ thế, tham nhũng vẫn ung dung… cười ngạo nghễ.

--------------------------











No comments: