Saturday, March 19, 2016

SÔNG CỬU LONG KÊU CỨU (Ngô Nhân Dụng)






Ngô Nhân Dụng
Friday, March 18, 2016 6:27:43 PM 

Trong mấy tuần qua trên mạng thông tin lại nổi lên những tiếng kêu cứu vì đồng bằng sông Cửu Long (Mekong) đang bị đe dọa với nạn hạn hán và nhiễm nước mặn. Chính dân Sài Gòn cũng đang chịu nguy cơ thiếu nước dùng sau khi nhà máy lọc nước ở Thủ Ðức phải ngưng bơm nước sông Sài Gòn và Ðồng Nai; vì không đủ thiết bị thanh lọc chất muối lấy từ hai dòng sông này. Ngày 16 Tháng Ba, 2016, Chi Cục Thủy Lợi và Phòng Chống Lụt Bão thuộc Sở Nông Nghiệp tại Sài Gòn kêu gọi dân chúng cho “tăng cường xe bồn cấp nước cho dân, xây bể chứa nước thô trên sông Sài Gòn” và “các hồ đầu nguồn sẵn sàng xả nước đẩy (nước) mặn,...”

Nhưng những lời kêu gọi đó chỉ là một biện pháp “gãi ngứa.” Mối lo lớn nhất, đồng bào trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đang phải gánh chịu, và còn phải chịu trong nhiều thế hệ sắp tới. Nguyên nhân của tai nạn này là do chính quyền Cộng Sản Trung Quốc gây ra. Họ đã và đang xây dựng rất nhiều đập thủy điện tại đầu nguồn sông Cửu Long. Trong khi đó chính quyền Cộng Sản Việt Nam không vận động các quốc gia trong vùng phải tôn trọng quyền sống của người dân ở đồng bằng sông Cửu Long, không đề xướng những hiệp ước được quốc tế bảo đảm. Vì vậy Cộng Sản Việt Nam cũng hoàn toàn lúng túng khi các giới chuyên môn báo dộng về nạn hạn hán và thấm nước mặn, trong khi Trung Cộng bất chấp quyền lợi của dân Việt.

Ðồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước, hiện mỗi năm xuất cảng 5-6 triệu tấn gạo. nuôi sống hàng 25 triệu dân cư. Hiện nay hàng trăm ngàn hecta lúa và các loại cây khác chết khô, hàng triệu người khốn khổ vì thiếu nước ăn uống.

Lưu lượng nước sông Cửu Long đã giảm từ 30% đến 60% và vì Trung Cộng xây nhiều đập trong tỉnh Vân Nam, trữ nước cho các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông. Trung Cộng dự tính xây dựng tại thượng lưu sông Mekong một chuỗi 14 đập nước; hiện đang sử dụng các đập nước đã hoàn tất, như Manwan (1996), Dachaosan (2003), Gonguoqiao (2008) và đập Cảnh Hồng, Jinghong. Hai đập lớn khác là Xiaowan đã hoạt động từ năm 2013, và Nuozhadu sẽ hoàn tất năm 2017, phải mất hàng chục năm mới làm đầy hai hồ trên dài hàng trăm cây số.

Vì số nước trên nguồn về giảm bớt, không còn áp lực như cũ cho nên nước mặn từ ngoài biển đã lấn sâu hơn vào đất liền; dân Việt ở miền Nam đang gánh chịu hai tai họa: Ðất bị khô hạn và ruộng bị nhiễm nước mặn. Năm 1988, nước mặn đã xâm nhập lên vào sâu thêm 70 Km vào vùng đồng bằng sông Cửu Long, hiện vẫn còn tiếp tục gia tăng. Các đập thủy điện với các hồ chứa lớn ở đầu nguồn còn làm giảm lượng phù sa bồi đắp từ 30% đến 40% cho vùng dưới và giảm cả số lượng cát đáy sông, gây tình trạng bờ sông bị sạt lở nhiều nơi.
Như một bản tin trên Người Việt ngày hôm qua loan báo, một viên chức ở Ðại Học Cần Thơ, ông Lê Anh Tuấn, phó giám đốc Viện Nghiên Cứu Biến Ðổi Khí Hậu, phải lên tiếng chỉ trích hành động của đảng Cộng Sản khi đối phó với tai họa đang diễn ra trong vùng sông Cửu Long.

Trước tình trạng hạn hán và ngập nước mặn, chính quyền Cộng Sản Việt Nam cho thấy họ chỉ chú trọng đến khía cạnh chính trị; trong khi bất chấp ý kiến của giới chuyên gia. Ngoại giao Việt Nam đã đề nghị Trung Cộng xả nước từ con đập Cảnh Hồng, tỉnh Vân Nam, để cho thêm nước chảy xuống nước ta. Ngày 15 Tháng Ba, 2016, Trung Cộng đã bắt đầu xả nước từ đập Cảnh Hồng.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc thông báo hành động xả nước như một ân huệ ban cho Cộng Sản Việt Nam, vì “tình hữu nghị cộng sản.” Nhưng chương trình xả nước chỉ kéo dài cho đến ngày 10 Tháng Tư. Theo ông Lê Anh Tuấn việc chờ đợi nước từ nhà máy thủy điện Cảnh Hồng sẽ giúp ngăn mặn, tích trữ để chống hạn là một hy vọng hão huyền. Bởi vì chỉ sau một thời gian ngắn, hồ chứa nước ở đó sẽ cạn. Khoảng cách từ nhà máy thủy điện Cảnh Hồng đến đồng bằng sông Cửu Long lên tới 4,000 cây số, trong nửa tháng, nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng mới về tới đồng bằng Cửu Long. Hơn nữa, khi nước được xả ra thì những vùng khô ở thượng nguồn sẽ hút nước trước tiên; Biển Hồ ở Campuchia sẽ thu nhận nước nhiều nhất. Chỉ có khoảng 3% lượng nước sẽ chảy tới nước ta, sẽ không cứu được hàng trăm ngàn hecta lúa và cây trồng khác đã chết khô sống lại. Ông Lê Anh Tuấn nhận định việc chính quyền Việt Cộng yêu cầu Trung Cộng xả nước giống như “lấy đá ghè vào chân mình.” Bà Phạm Thu Hằng, một phát ngôn Bộ Ngoại Giao, cũng nghi ngờ rằng nếu Việt Nam đề nghị Trung Cộng xả nước thì sau này Campuchia cũng sẽ yêu cầu Việt Nam xả nước từ thủy điện Yaly (Cao nguyên Trung phần) để cứu hạn cho vùng Ðông Bắc của họ.

Ông Mai Thanh Truyết, Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam tại Hoa Kỳ (Vietnamese American Science & Technology Society - VAST) mới nhắc lại, năm 1999 hội đã tổ chức một ngày hội nghị tại Garden Grove, California, để báo động về mối nguy do việc xây dựng các đập thủy điện của Trung Cộng gây ra cho đồng bằng sông Cửu Long; để vận động chính phủ các quốc gia trong lưu vực sông Mekong và các tổ chức quốc tế quan tâm và giải quyết vấn đề này. Gần hai chục năm trôi qua, đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn để cho tai họa ngày càng trầm trọng hơn.

Ông Lê Anh Tuấn thuộc Ðại Học Cần Thơ hy vọng rằng đợt hạn hán và nước mặn xâm nhập năm nay có thể thúc đẩy chính quyền Cộng Sản duyệt xét lại hàng loạt chính sách đã thực hiện trong quá khứ một các tùy tiện, bất chấp các khuyến cáo từ giới chuyên gia. Trong số các chính sách cần thực hiện, ông Tuấn nêu ra một chương trình tháo nước mặn và dẫn nước ngọt vào các vùng ven biển; thoát nước từ hai vùng trũng là Ðồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên để gia tăng diện tích trồng lúa.

Về việc đắp đê, ông Tuấn thấy hiện nay lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn và không có chu kỳ tương đối cố định như trước kia nữa. Vì vậy, vùng Tứ giác Long Xuyên và Ðồng Tháp Mười có lúc tràn ngập nước, bị lụt lội, trong khi chưa đến mùa trồng trọt. Ông nhận xét: Việc xây dựng đê bao để chuyển vận nguồn nước cho việc trồng trọt hoặc chống lụt là một công trình nghiên cứu quan trọng, cần phải mất nhiều năm tính toán lưu lượng nước cần phải chuyển hướng. Ðâu có thể để cho lãnh đạo địa phương quyết định, ra lịnh đắp đê chung quanh địa phận xã để tránh ngập lụt, hậu quả tất nhiên là các xã chung quanh phải gánh chịu?

Nhưng trong những năm qua, hàng ngũ lãnh đạo Việt Cộng chỉ lo tranh giành quyền hành với nhau để chiếm địa vị và cơ hội tham nhũng. Ngay cả những món tiền viện trợ quốc tế cho việc bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long cũng trở thành những món quà cho quan chức cộng sản “rút ruột.” Guồng máy chính quyền Cộng Sản đầy những phần tử chỉ lo tư lợi mà không quan tâm đến công việc chuyên môn. Bất cứ ý kiến, chương trình, dự án nào mà không đem lợi lộc cho chính bản thân họ thì họ sẽ không màng tới. Bản thân người viết bài này đã gặp một chuyên gia Nhật Bản kể kinh nghiệm của ông. Chuyên gia này làm việc cho một công ty có hợp đồng với chính phủ Nhật Bản giúp Việt Nam trong các công trình thủy lợi. Công ty của ông đã đề nghị biếu chính quyền Cộng Sản Việt Nam một số máy đo lưu lượng nước trong các dòng sông. Ðây là những máy mới, theo tiêu chuẩn quốc tế, với kỹ thuật tân tiến, cập nhật nhất. Nhưng sau một vài năm, chuyên viên này trở lại, thì nhận thấy các cơ quan chính quyền Cộng Sản vẫn bỏ những máy móc đó nằm chờ rỉ sét trong nhà kho. Hỏi ra, họ thú nhận rằng họ vẫn quen dùng những máy đo cũ, với kỹ thuật từ thời Pháp thuộc; việc học hỏi sử dụng các máy mới đối với họ vừa rắc rối, vừa tốn thời giờ! Nhưng lý do chính, theo nhận xét của chuyên gia người Nhật, là các quan chức Việt Nam không thấy có mối lợi riêng nào trong việc thay đổi máy móc cả, cho nên họ đã từ chối không dùng các máy móc, kỹ thuật mới, dù được biếu không!

Chúng ta cần phải gửi một thông điệp báo động tới tất cả các cơ quan phát triển quốc tế có trách nhiệm và các quốc gia trong lưu vực sông Mekong. Cần một hội nghị quốc tế về các vấn đề khô hạn và ngập nước mặn tại đồng bằng sông Cửu Long. Hội nghị cần kêu gọi ban hành một lệnh tạm ngưng tất cả các dự án thủy điện ở thượng nguồn, trong khi nghiên cứu một dự án phát triển sông Mekong với tất cả các nước liên quan cùng hợp tác.

Một độc giả báo Người Việt, ông Tom Lee, sau khi đọc bản tin ngày hôm qua về đồng bằng sông Cửu Long, đã nhận xét: “...hiện tượng khô hạn ở đồng bằng sông Cửu Long là 'nhân tai' chứ không phải là 'thiên tai,' bởi vì chỉ do một đảng tàn độc bán nước, hại dân, bức bách dân lành gây ra.” Khi nào chế độ hại dân bán nước ó còn tồn tại thì người dân đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn phải gánh chịu các tai họa do Trung Cộng gây nên.

--------------------------

Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam
Houston 3, 2016

Đinh Hưng
Gửi tới BBC từ Vĩnh Long
31 tháng 7 2015







No comments: