Đinh Ngọc Thu
23/03/2016
Sau ngót nghét 2
năm tìm đủ mọi lý do để trì hoãn việc thả 2 bloggers Ba Sàm và Nguyễn Thị Minh
Thúy vì không đủ chứng cứ giam giữ, hôm nay, 23-3-2016, chính quyền Việt Nam mới
mở được phiên sơ thẩm để đưa hai anh chị ra trước vành móng ngựa. Pháp luật dưới
chính thể độc tài thường là thứ pháp luật cù cưa như thế đấy. Phải cố mà xử cho
được chứ, vì đây là một phiên tòa có ý nghĩa cảnh cáo đối với những người muốn
phát ngôn trung thực trong một xã hội mà mọi người dân đều mong mỏi trước sau
dân chủ phải ló mầm.
Điều đáng nói là
phiên tòa này đã đánh động lương tri những người yêu tự do dân chủ trên toàn thế
giới, khiến một Nghị sĩ Quốc hội CHLB Đức, thành viên UB Nhân quyền của nước Đức,
ông Martin Patzelt, đã phải đánh đường đến Việt Nam để
dự phiên xử được gọi là công khai. Chúng tôi xin chào mừng và cảm ơn ông, và
cũng chờ đợi những tác động của dư luận trong nước và quốc tế đối với kết quả của
một cuộc xử án mà ai cũng thấy ngay từ phút đầu người xử đã lâm vào thế kẹt. chẳng
lẽ đến lúc này rồi mà vẫn không có một tia sáng le lói nào ở cuối đường hầm?
Bauxite
Việt Nam
-----------------------------
Chính quyền Cộng sản Việt Nam sẽ không đạt được bất
kỳ lợi ích nào cho dù phóng thích hay cầm giữ anh Nguyễn Hữu Vinh, cô Nguyễn Thị
Minh Thúy.
Trước nay, họ vẫn bảo rằng, mục tiêu của trừng phạt
là “giáo dục và răn đe”. Thực tế cho thấy, sự trừng phạt nhắm vào nhiều người
khác trước đây, rồi tới anh Vinh và cô Thúy, kể cả những người khác nữa sau
này, sẽ chẳng còn “giáo dục” và “răn đe” được bao nhiêu người giống như trước nữa.
Tất cả đã, đang và sẽ còn thay đổi, vừa nhanh, vừa mạnh
mẽ.
Đã có rất nhiều người nhận ra, muốn vô hiệu hóa
“chuyên chính vô sản” tại Việt Nam thì phải cung cấp đủ thông tin đúng cho đồng
bào của mình. Thông tin là con đường duy nhất giúp thay đổi nhận thức. Khi nhận
thức đã thay đổi thì hành vi cũng sẽ thay đổi. Hình như “phá vòng nô lệ” phải
khởi đầu từ đó.
Anh Vinh là một trong những người nhận rõ điều này.
Năm 2007, anh Vinh làm trang web Ba Sàm. Anh Vinh không đơn độc.
Anh Trần Hoàng cũng nghĩ như vậy và đã giúp anh Vinh.
Tháng 4 năm 2009, anh Trần Hoàng rút lui. Tháng 8
năm 2009, tôi tình nguyện thay vào chỗ anh Hoàng. Cũng như anh Vinh và anh
Hoàng, tôi thấy mình cần phải làm gì đó. Tôi cũng có thể nhặt nhạnh, gom góp
đưa đủ thông tin đúng đến đồng bào của mình như các anh thay vì chỉ bất bình,
chửi đổng rồi thôi.
Chưa bao giờ tôi làm loại công việc nào giống như phụ
anh Vinh – thực hiện Ba Sàm: Không thù lao, không có bất kỳ thứ
phúc lợi nào mà lại không thể ngưng nghỉ. Mỗi ngày từ 14 đến 16 tiếng. Mỗi tuần
bảy ngày. Mỗi tháng đủ 30 ngày. Tôi đã có ý định bỏ cuộc cả chục lần vì áp lực
quá lớn.
Anh Vinh cũng đuối bởi áp lực đối với anh còn lớn
hơn tôi. Không ai có thể cô lập tôi, bắt tôi vì những việc tôi làm, còn anh
Vinh phải đối diện với điều đó từng ngày.
Chúng tôi không thoái bộ chỉ vì một điều, chúng tôi
có thể “cầm nắm, sờ mó” được hiệu quả từ công việc của mình. Đó là những phản hồi
và cả những đóng góp từ phía độc giả. Thậm chí Ba Sàm bắt đầu
được nhân bản, càng ngày càng nhiều.
Ai cũng có thể thấy từ cuối thập niên 2010 đến nay,
tại Việt Nam, sự sợ hãi giảm dần, yêu cầu chính quyền phải thay đổi cách hành xử
công quyền càng ngày càng lớn. Mọi người bớt thì thầm với nhau mà bắt đầu công
khai bày tỏ điều họ nghĩ, xa hơn là điều họ muốn. Chính quyền sợ hãi nhưng sự bạo
ngược giảm nhiều hơn.
Sự lo ngại của chính quyền tỉ lệ thuận với việc Ba
Sàm bị tấn công. Chúng tôi đã từng bị đánh gục nhưng chúng tôi đã tự
gượng dậy vì sự nâng đỡ tinh thần của độc giả.
Mệt mỏi và kiệt sức, tháng 4 năm 2014, tôi đã quyết
định bỏ cuộc. Chính quyền Việt Nam đã thúc tôi mở lại cửa vào Ba Sàm khi
bắt anh Vinh và cô Thúy.
Bây giờ, “bịt miệng” rõ ràng là một mong muốn hão
huyền. Những chỗ như Ba Sàm trên Internet không phải là hàng
chục, hàng trăm, rồi sẽ thành hàng ngàn. Đó là một thứ nhu cầu tự nhiên như hít
thở, ăn, uống. Làm sao có thể cản được?
Đang có thêm những Nguyễn Hữu Vinh và những Ba
Sàm khác. Giống như “niêu cơm Thạch Sanh”. Đây là thứ “niêu” không ai
có thể đập bể. “Bạo lực cách mạng” có thể giúp Đảng CSVN đạt được một số “thắng
lợi” nhưng lịch sử từng cho thấy bạo lực không thể tạo ra phát triển và thịnh
vượng. Đó là quy luật. Cứ ngẫm sẽ thấy, không ai có thể chống lại các quy luật.
Đ.N.T.
Tác giả gửi BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 11:23
No comments:
Post a Comment