Wed, 03/16/2016 - 07:12 — VietTuSaiGon
Thời gian bầu cử quốc hội cũng không còn xa. Đương
nhiên, tại Việt Nam, ngoại trừ những ứng viên tự ứng cử đã có những cuộc vận động
tranh cử ở một số nơi và thông qua mạng internet. Cách vận động này hoàn toàn hợp
pháp và có cơ sở, chẳng có gì là sai luật bầu cử. Tuy nhiên, phía nhà cầm quyền
Cộng sản Việt Nam đã có những động thái nhằm loại bỏ các ứng viên tự do. Nguyên
nhân của các động thái này vẫn chưa rõ và sẽ không bao giờ được làm rõ trong chế
độc độc tài. Nhưng dường như ai cũng có thể hiểu được nguyên nhân của nó.
Bởi lẽ, nỗi lo sợ về một chính quyền hay một quốc hội
mà trong đó thành phần đại biểu, cán bộ do dân bầu có mặt dẫn đến hệ quả một bộ
máy nhà nước dân chủ manh nha hình thành và quyền bầu cử cũng như quyền bãi nhiệm
của dân được nâng cao. Đây là chuyện tối kị của nhà cầm quyền độc tài. Bởi họ
không bao giờ muốn người dân can thiệp vào cơ cấu nhà nước, người dân càng
không hiểu biết gì, càng thờ ơ với bộ máy cầm quyền để rồi vâng phục nhà nước
bao nhiều thì đảng Cộng sản, nhà cầm quyền Cộng sản càng thỏa mãn bấy nhiêu!
Và đó là lý do, nguyên nhân để ông Nguyễn Xuân Phúc
đã điều hành một cuộc họp gồm nhiều đảng viên Cộng sản thuộc hàng máu lửa của đảng
với danh nghĩa “Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử
Quốc gia” để “cho rằng trong 47 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội, một
số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động”.
Nguyên văn trích từ báo Tuổi trẻ online: Sáng
15-3, Đoàn giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc, trưởng đoàn giám sát Hội đồng bầu cử quốc gia, đã làm việc với Ủy ban bầu
cử thành phố Hà Nội.
Tại buổi làm việc, Tiểu ban an ninh, trật tự,
an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử Quốc gia, cho biết trong số 47 người tự
ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội, một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản
động trong nước, nước ngoài, thậm chí còn được cung cấp tài chính để vận động,
tranh thủ số phiếu của cử tri.
Ông Nguyễn Văn Phong, trưởng tiểu ban tuyên truyền bầu
cử thành phố Hà Nội, cũng cho biết ngoài một số trường hợp tự ứng cử với mục
đích khác, hồ sơ tự ứng cử tăng cũng là điều đáng mừng. “Nó thể hiện tinh thần dân chủ được đề cao thời gian gần đây. và
một số người mong muốn đóng góp cho xã hội, đất nước nên tự ứng cử” - ông Phong
nói.
Tuy nhiên, theo một thành viên đoàn giám sát, kỳ bầu
cử lần này có phức tạp hơn, và đã hình thành phong trào tự ứng cử. "Việc
ứng cử, đề cử, mở rộng dân chủ nhưng phải đảm bảo chất lượng đại biểu. Tôi đề
nghị Thành ủy, Hội đồng bầu cử của TP xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật,
tạo không khí dân chủ cởi mở, theo hướng chất lượng đại biểu tốt, đại diện cho
nhân dân.
Ngoài ra không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra
cháy nổ, tai nạn, tội phạm trong quá trình bầu cử", Phó Thủ tướng yêu cầu.
(…).
Ở đây có hai vấn đề: Ứng viên tự do vào ghế quốc hội
có một số người có sự ủng hộ của các tổ chức phản động và; Tính công bằng và
khách quan trong bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp trong thể chế
chính trị Cộng sản xã hội chủ nghĩa ra sao?
Ở vấn đề thừ nhất, cần đặt câu hỏi: Thế nào là phản
động? Và nếu như tổ chức phản động đứng sau lưng một ứng cử viên tự do thì có vấn
đề gì?
Hiện tại, các đảng Việt Tân, Khối 8406, tổ chức Dân
Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc và nhiều đảng phái, tổ chức xã hội dân sự khác có phải là
phản động? Sở dĩ tôi phải nêu tên đảng Việt Tân, Khối 8406 và tổ chức Dân Tộc Cứu
Nguy Tổ Quốc vì ba đơn vị này là khắc tinh của đảng Cộng sản Việt Nam. Những
thành viên của ba đơn vị này luôn bị nhà cầm quyền sách nhiễu và xếp họ vào diện
“phản động”.
Đó là trên góc nhìn của đảng Cộng sản. Nhưng, trên
góc nhìn của nhân dân, họ có thể là phản động đối với đảng Cộng sản nhưng họ
không phản động với nhân dân, họ không bán nước cầu vinh, không tham nhũng,
không làm lũng đoạn tài sản của nhân dân, không làm xói mòn tài nguyên quốc
gia, không nhu nhược trước kẻ ngoại xâm, không lấy tiền xương máu, thuế của
nhân dân để xây biệt thự hay biến rừng của quốc gia thành nhà riêng, thành biệt
thự nghỉ mát. Đứng trên khía cạnh đối đãi với nhân dân, ba đơn vị vừa nêu có đủ
tư cách để đại diện cho nhân dân và họ có thừa tâm huyết để phục vụ nhân dân.
Vậy giả sử trong các ứng viên tự do, có người thuộc
các đơn vị, đảng phái đang hoạt động đấu tranh cho tiến trình dân chủ, cho tự
do và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam thì không thể xếp họ vào diện phản động. Bởi ở
đây, họ là đại biểu của nhân dân, do nhân dân tin tưởng và bầu cử vào quốc hội
để nói tiếng nói của nhân dân, để giải trình những thao thức, trăn trở của nhân
dân rồi từ đó tìm ra hướng giả quyết có lợi nhất cho nhân dân.
Nhưng tại sao lại có một cái ‘Tiểu ban an ninh,
trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử Quốc gia’ với những phát biểu hết sức
ngớ ngẩn và phản dân chủ như vậy? Bởi vì đứng trên góc độ bầu cử đại biểu quốc
hội mà nói thì việc các ứng viên có ở trong tổ chức phản động nào là một chuyện
dài. Cái Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội Đồng Bầu cử Quốc gia
phải chứng minh trước nhân dân là những thành phần phản động đã phản động như
thế nào với nhân dân (chứ không phải với đảng Cộng sản) chứ không phải là tổ chức
một cuộc họp rồi phát biểu vu vơ để chụp mũ, sau đó báo chí nhà nước đưa tin để
dập một ứng viên.
Cách làm này vừa phản khoa học lại vừa phản dân chủ,
cho thấy tư duy độc tài, phán xét chụp mũ và nói không có cơ sở vẫn đang là thứ
tư duy chủ đạo, thứ vũ khí để nhà cầm quyền độc tài sử dụng mà triệt tiêu bất
kì đối thủ tiến bộ nào.
Và cái điều mà ông Nguyễn Xuân Phúc đã nói trong hồi
kết cuộc họp rằng: “Việc ứng cử, đề cử, mở rộng dân chủ nhưng phải đảm bảo chất
lượng đại biểu. Tôi đề nghị Thành ủy, Hội đồng bầu cử của TP xem xét, xử lý
theo đúng quy định pháp luật, tạo không khí dân chủ cởi mở, theo hướng chất lượng
đại biểu tốt, đại diện cho nhân dân. Ngoài ra không để bị động, bất ngờ, không
để xảy ra cháy nổ, tai nạn, tội phạm trong quá trình bầu cử" chỉ là trò
nói dối trắng trợn. tay phải đâm vào hông người ta nhưng tay trái lại xoa lưng!
Và ở đây lại phát sinh thêm một vấn đề nữa, tại sao
một cuộc bầu cử, được xem là một ngày trọng đại của nhân dân để nhân dân tự chọn
cho mình người đại diện tốt thông qua lá phiếu bầu vào ngồi ghế quốc hội, nói
thay tiếng nói của mình và cùng những đại diện khác bàn thảo để xây dựng tương
lai đất nước, dân tộc mà lại lo đến chuyện “không để bị động, bất ngờ, không để
xảy ra cháy nổ, tai nạn, tội phạm trong quá trình bầu cử”.
Câu nói này một mặt phản ánh thứ tư duy “vị đảng” của
ông Phúc, nó gần giống với tình trạng Tây Nguyên khô hạn, bà con bị thiếu nước
trầm trọng để tưới cà phê nhưng nhà nước bỏ lơ, nói cho qua chuyện, sông vẫn cạn.
Nhưng để tổ chức một lễ hội đua voi tốn kém và vô bổ, nhà cầm quyền tỉnh Đắc Lắk
đã ra lệnh các nhà máy thủy điện trên sông Srêpôk phải xả nước cho đầy sông để
voi bơi thi! Ông Phúc cũng chẳng hơn gì, chuyện cháy nổ là chuyện nhạy cảm cả mấy
chục năm nay, nhưng ông đặt nặng trong ngày bầu cử, yêu cầu không để xảy ra.
Còn những ngày khác thì sao?
Mặt khác, đâu đó trong sâu thẳm của câu nói ông Phúc
đã ra tiềm ẩn sự sợ hãi, sợ dân chủ, sợ nhân dân. Bởi lẽ, trò đấu tố các ứng
viên tự do sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhân dân. Một bộ phận (không nhỏ) có
hiểu biết trong nhân dân sẽ nhìn cuộc bầu cử sắp tới bằng nửa con mắt. Và chuyện
gì cũng có thể xảy ra. Chính vì vậy ,mà ông Nguyễn Xuân Phúc đã lo lắng cho đảng?!
Nhìn chung, cho đến thời điểm hiện nay, thứ
mà mọi người có thể nhìn rõ nhất và không cần hoài nghi không có gì khác
ngoài sự trí trá trong bầu cử để cố gắng duy trì độc tài và bằng mọi giá loại bỏ
nguyện vọng nhân dân ra khỏi cuộc tranh cử đại biểu quốc hội bằng trò chụp mũ
chính trị, ghép ứng viên vào thành phần phản động.
Và không chừng, trước ngày bầu cử sẽ có những cuộc bắt
bớ, điều tra đối với các ứng viên tự do để “làm rõ tổ chức phản động nào đã ủng
hộ, đứng sau anh/chị vào ứng cử quốc hội”. Trò này rất cũ, rất thiểu năng nhưng
không có nghĩa là người ta không dám làm!
-----------------------------
“Thế lực thù địch” là cách nói
được dùng như một phần của công cụ tuyên truyền, thoát thai từ thuyết âm mưu,
ngày càng được sử dụng phổ biến. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ nước này cáo buộc
“thế lực thù địch” kích động cuộc biểu tình dữ dội tại công viên Gezi vào tháng
5-2013; tại Nga, giới hoạt động xã hội được gọi là “cò mồi CIA”; tại Venezuela,
Hugo Chávez và người kế nhiệm Nicolás Maduro khẳng định “thế lực thù địch có mặt
khắp nơi”. Cách đây không lâu, khi đang công du Việt Nam (cuối tháng 8-2015),
Nicolás Maduro đã cáo buộc Chính phủ Colombia giật dây một cuộc đảo chính lật đổ
mình.
Phát biểu tại Hội thảo an ninh
Munich đầu tháng 2-2016, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói, phương Tây đang âm mưu biến
Nga thành mối đe dọa lớn nhất. Dĩ nhiên đây không phải lần đầu tiên Moscow đề cập
điều này. Năm 1962, những nhà xây dựng thuyết âm mưu của Liên Xô đã khiến dân
nước họ hoảng hốt và… căm thù Mỹ, khi họ “phanh phui” cái gọi là “Kế hoạch
Dulles” (lấy theo tên sếp CIA Allen Dulles). Kế hoạch rất nham hiểm và thâm độc,
báo chí Liên Xô tường thuật, theo đó, tình báo Mỹ đang bí mật phá hủy di sản
văn hóa lẫn đạo đức Liên Xô!
Trả lời phỏng vấn báo Nga
Argumenty I Fakty đầu tháng 2-2016, Leonid Reshetnikov, giám đốc Viện nghiên cứu
chiến lược Nga, nói rằng, “lần đầu tiên Mỹ âm mưu phá hủy nước Nga là năm 1917,
rồi tuyển Đức Quốc Xã để chống Liên Xô cuối thập niên 1930, và cuối cùng tiêu
diệt Liên Xô năm 1991”. Cố vấn an ninh cấp cao của Vladimir Putin, Nikolay
Patrushev, nói rằng Mỹ chưa bao giờ ngưng kế hoạch phân rã nước Nga. Cá nhân
Putin cũng lên án phương Tây cố tình làm suy yếu Nga bằng cách “đánh cắp tài
nguyên thiên nhiên”. Năm 2006, tướng hưu Boris Ratnikov nói với tờ Rossiyskaya
Gazeta rằng mật vụ Nga từng có một bộ phận tuyệt mật chuyên đọc não người. Sau
thời gian theo dõi, họ đã đọc được suy nghĩ của Ngoại trưởng Madeleine Albright
vào năm 1999 và phát hiện rằng “bà ấy có tâm lý ghét người Slav một cách bệnh
hoạn” và “ganh tỵ với sự giàu có tài nguyên thiên nhiên của nước Nga”.
Nơi sử dụng thuyết âm mưu và “thế lực thù địch” nhiều nhất có lẽ là Trung
Cộng. Bộ trưởng giáo dục Viên Quý
Nhân (Yuan Guiren) từng cảnh báo: “Giáo viên và sinh viên trẻ là mục tiêu chủ yếu
của sự trà trộn bởi các thế lực thù địch”. Foreign Policy (25-9-2015) cho biết,
ngày 22-9-2014, Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) tung ra báo cáo, khẳng định
rằng “các thế lực thù địch phương Tây” đã phóng đại số nạn nhân chết vào thời
Cách mạng Văn hóa “để phủ nhận tính chính danh của đảng ta” (các nghiên cứu cho
biết, có khoảng 30-45 triệu người chết trong thời kỳ “Đại nhảy vọt”).
New York Times (31-10-2013) cho
biết thêm, CASS cùng với Đại học Quốc phòng Quốc gia và quân đội Trung Quốc đã
hợp tác sản xuất bộ phim tuyên truyền “Giảo Lượng Vô Thanh” (“Silent Contest”),
với nội dung rằng Mỹ luôn âm mưu phá hoại Trung Quốc từ bên trong, bằng các
chương trình học bổng Fulbright, bằng các “trò” trao đổi văn hóa, bằng các tổ
chức phi chính phủ, dẫn đến tình trạng “diễn biến hòa bình” trong một bộ phận
không nhỏ tầng lớp trí thức. Hậu quả, ngày càng có nhiều trí thức Trung Quốc
“thỏa hiệp với Mỹ”.
Dĩ nhiên các cuộc bạo loạn Tân
Cương “rõ ràng” là do “cảnh ngoại địch đối thế lực” (“thế lực thù địch từ bên
ngoài”) gây ra cả, tương tự các cuộc đình công, tương tự cuộc biểu tình đòi bầu
cử dân chủ tại Hong Kong… Cuối tháng 8-2014, cựu Viện phó CASS Lý Thận Minh (Li
Shenmin) cảnh báo trên Nhân Dân nhật báo: “Một hệ thống đa đảng và bầu cử trực
tiếp rõ ràng là nằm trong lộ trình được xây dựng bởi các thế lực thù địch nước
ngoài lẫn trong nước, nhằm làm suy yếu sự lãnh đạo của đảng ta, nhằm ra sức
đánh phá sức mạnh của đảng ta và nhân dân ta”.
Trong hầu hết trường hợp, “thế
lực thù địch” được hiểu như là những người dùng tiền mua chuộc người dân để
kích động các phong trào “phá hoại xã hội”. Thành phần đối lập được miêu tả là
những kẻ không yêu nước. Họ hoạt động chỉ vì tiền. Bất tuân dân sự được hiểu là
chống đối chế độ. Đó là cách mà chính quyền tạo ra khoảng cách giữa những người
hoạt động xã hội với số đông dân chúng còn lại. Được miêu tả như những kẻ quá
khích cực đoan, thậm chí khủng bố, họ không có điểm chung với nhân dân trong mục
tiêu tranh đấu của họ. “Thế lực thù địch”, do đó, trở thành kẻ thù của nhân
dân, của quốc gia và đương nhiên, của chế độ. Họ cần được lánh xa và loại trừ. Tuy nhiên, vì được dựng lên từ nỗi
sợ hãi để miêu tả một kẻ thù không có thực nhằm gieo rắc hoang mang, trong hầu
hết trường hợp, người ta không có chứng cứ cụ thể khi nói đến “thế lực thù địch”. “Thế lực thù địch” là một lá
bùa được vẽ ra từ trí tưởng tượng của những kẻ dùng thuyết âm mưu để trấn yểm
chính người dân của họ.
Viết trên Foreign Policy
(3-2-2016), nhà hoạt động Srdja Popovic, từng lãnh đạo phong trào Otpor thời
Slobodan Milošević, nói rằng, cách tốt nhất để đối phó với các cáo buộc “thế lực
thù địch” là sử dụng các hình thức mỉa mai. Tại Serbia, trong những ngày biểu
tình rầm rộ chống Milošević, hàng ngàn sinh viên Serbia đã mặc áo thun in hàng
chữ “Xờ tớ đi, tớ là “thế lực thù địch” đây!”. Trong cuộc biểu tình chống Hosni
Mubarak tại Ai Cập năm 2011, những người biểu tình đã tập trung trước tiệm KFC ở
quảng trường Tahrir và quay video, nói rằng họ đã “bị Mỹ mua chuộc, cho tiền,
cho ăn đùi gà miễn phí” để đi biểu tình. Năm 2012, khi bị cấm biểu tình, người
dân thị trấn Barnaul (Nga) đã mang đồ chơi ra chất đầy quảng trường, buộc nhà
chức trách địa phương cuối cùng phải ban lệnh cấm… “đồ chơi đi biểu tình”, với
lý do “chúng không phải là công dân Nga”! Năm 2015, giới hoạt động xã hội Nga
đã bày tỏ bức xúc trước chất lượng cầu đường bằng cách vẽ sơn biếm khuôn mặt giới
chức địa phương cạnh các ổ gà. Cạnh khuôn mặt họ là những phát biểu và lời hứa
cải thiện tình trạng. Chiến dịch thành công, khi cuối cùng đường sá cũng được sửa
lại tử tế hơn, không phải vì giới chức địa phương trở nên tử tế mà là vì họ muốn
xóa những vết sơn biếm bộ mặt của họ nằm cạnh các ổ gà.
No comments:
Post a Comment