Friday, March 11, 2016

ĐỢT DI DÂN MỚI TỪ PHƯƠNG NAM (Đỗ Quân)





Đỗ Quân
Thời Báo    -   March 09, 2016

Một cái tin động trời
Trong một biến cố chưa từng thấy trong lịch sử di trú, một chiếc tàu chở nặng 204 công dân Hoa Kỳ cập vào cảng St. John’s, Newfoundland and Labrador, xin “tỵ nạn chính trị”.
Chiếc Pacific Queen, một tàu đánh cá du lịch, đã cập cảng lúc bình minh và một phát ngôn nhân đã trao cho các viên chức hải quan một thỉnh nguyện dài 4 trang xin ‘tư cách tỵ nạn nhân đạo’ cho các hành khách trên tàu.» .
«Chúng tôi đang rất lo lắng về những gì có thể xảy ra sau cuộc bầu cử tổng thống tháng mười một,» người phát ngôn Trudy Wallace đứng dưới mưa trên bến tàu với Sylvie Chouinard, người vợ gốc Canada của bà ta, nói. «Quyền của phụ nữ, quyền sinh sản, cùng quyền hôn nhân đồng tính, những chiếc máy bay do thám của cảnh sát trên trời các thành phố, chênh lệch về tiền lương, cưỡng bức tôn giáo, các đại công ty là con người, phá thai … tất cả sẽ xấu đi với sự hà hiếp của đảng Cộng hòa. Đất nước chúng tôi đang bị các tỷ phú chiếm đoạt.”
Trong khi Canada có số lượng người tị nạn cao hàng thứ ba trên thế giới (sau Mỹ và Pháp), hầu hết những người tị nạn đến từ các nước đang phát triển hay thế giới thứ ba. Afghanistan, Iraq, Somalia và Nigeria đứng đầu danh sách. Chỉ có một số ít người Mỹ xin tị nạn mỗi năm.
Tổng trưởng Di trú và Quốc tịch Jason Kenney nói từ một nhà hàng dim sum tại Ottawa, “Chúng tôi luôn chào đón những người bạn Mỹ của chúng tôi. Nhưng đây là tình huống mới với tất cả chúng ta và chúng ta sẽ giải quyết trường hợp này như chúng ta giải quyết mọi trường hợp yêu cầu tị nạn khác.”

Douglas Burns, một luật sư thuộc đảng Dân chủ từ Tampa Bay nói, “Chúng tôi muốn sống ở Canada, nơi có cùng một lối sống về cơ bản… tôi nghe nói rằng Bud Lite, Pizza Hut, và Target đang sắp sửa đến. Nhưng xứ này khác một cách tuyệt vời về nhiều mặt một cách vô hình. Nó giống như một phiên bản lành mạnh của đất nước chúng ta.”

Trong một dấu hiệu của sự tranh cãi ngày càng tăng, hàng ngàn người đã dùng twitter để đưa ra bình luận. STRONG&FREE đã viết rằng người Mỹ là “các thuyền nhân cơ hội người nên xô ra khỏi nhà”… 

… Các giới chức Canada đã ra ý kiến
​​trái ngược nhau nhưng đã giải quyết các yêu cầu tỵ nạn này theo thể thức nhanh, trong vòng 45 ngày chứ không phải là trung bình 1.038 ngày.
Trong khi đó, 204 người Mỹ dường như yên tâm được sống trên đất Canada và đã ổn định cuộc sống tạm thời trong một phòng tập thể dục, ăn các bữa ăn được cung cấp đều đặn, hưởng dụng sự chăm sóc y tế và nha khoa, dùng các phòng tắm tập thể, xem các show TV đa số là show của Hoa Kỳ, và gửi tin nhắn cho bạn bè và gia đình ở Florida.
204 công dân Mỹ đang được tạm giữ tại một phòng tập thể dục của một trường trung học địa phương, nơi các công dân và doanh nghiệp St. John đã nhảy vào để giúp đỡ họ. Giường bố, chăn gối và thực phẩm đã được cung cấp, và Best Buy đã thiết trí bốn TV màn hình lớn với Rogers cung cấp wi-fi.

Phóng viên Paula Newton và ông Rob Calabrese

Nếu là người theo dõi thời sự về cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, bạn sẽ nghĩ đây là một tin mới, nói lên phản ứng của người Mỹ với khả năng ông tỷ phú Donald Trump sẽ giành được ghế tổng thống Hoa Kỳ. Không bạn ạ. Những đoạn trích vừa kể không phải là tin mới là từ một bản tin được đăng tải ngày 9 tháng 5, 2012 của tờ báo mạng The Lapine, và biến cố ở Mỹ đã khiến cho 204 công dân Huê kỳ trở thành “thuyền nhân” là cuộc bầu cử năm 2012.
The Lapine tự xưng là “Canada’s Best Satirical Online Newspaper”, tờ báo châm biếm trào phúng số 1 của Canada. Thế nên dĩ nhiên, đó chỉ là chuyện đùa.

Và một trò đùa trở thành chuyện thật: Cape Bretonchào đón các bạn
Câu chuyện mấy ngày gần đây về quận Cape Breton của Canada, dù bắt đầu là một trò đùa, đã không phải là chuyện đùa. Hãng thông tấn hàng đầu của Hoa Kỳ và, có lẽ, của toàn thế giới, là CNN đã phải gửi người sang tận Cape Breton để làm một chương trình. Một chương trình đàng hoàng chứ không chỉ là một cái tin vài giây, và đã được phát hình hôm thứ Tư 3/3 trong mục những vấn đề thời sự quốc tế Amanpour của bà Christiane Amanpour, Phóng viên Trưởng văn phòng Quốc tế của CNN.

Homepage của trang mạng www.cbiftrumpwins trong chương trình Amanpour của CNN

Chuyện bắt đầu từ một trò đùa của ông Rob Calabrese, một nhà báo nói – thực sự là một radio DJ của đài phát thanh ở cái hòn đảo hồi nào giờ ít ai biết đến trong tỉnh bang nhỏ xíu Nova Scotia, Canada. Chàng Rob, thấy dân Mỹ lo âu vì khả năng ông tỷ phú có cái miệng như cái ống cống Donald Trump trở thành tổng thống Huê kỳ, bèn giỡn chơi, lập ra trang web đặt tên là Cape Breton if Donald Trump Wins(http://cbiftrumpwins.com) – nếu Trump thắng thỉ dzọt qua đây. Paula Newton là phóng viên được CNN gửi sang hòn đảo này tuần trước, và phóng sự mà cô trình bày trên Amannpour show được đặt tên là Serene Canadian island courts “Trump refugees”.
Rob cho phóng viên Newton biết rằng ông ta chỉ bỏ ra có 28 đô la và nửa giờ để lập nên cái website này. Lúc đầu, ông chỉ muốn đùa cho vui, nhưng không dè chỉ sau vài tuần, trang web của ông ta đã có đến cả triệu người vào thăm (nói theo kiểu dao to búa lớn hiện nay ở VN là “tham quan”). Rồi hàng ngàn người Mỹ đã bày tỏ ý định – nghiêm túc, dọn sang Canada đế sống, if Trump wins.
Rob thú thật, “Đến khi chúng tôi bắt đầu nhận được những câu hỏi nghiêm túc, màn giỡn hớt lập tức biến mất và để trở thành một vấn đề khó xử. Thiên hạ bày tỏ ý muốn dọn đến đây một cách đứng đắn.”

Vài nét về Trump
Chẳng cần phải nhắc lại, và cũng không phải là chủ điểm của câu chuyện tuần này, về thân thế, sự nghiệp cũng như những phát biểu – cũng nói theo kiểu trong nước là “phát ngôn văng mạng” của tỷ phú Donald Trump. Người Mỹ có lý do để muốn độn thổ khi nghĩ đến tương lai được lãnh đạo bởi một tổng thống như ông này (Cũng như cái đỏ mặt của những người Việt trong nước đang bị lãnh đạo bởi ông Tổng Lú, “mình phải thế nào người ta mới mời” của đất nước “dân chủ đến thế là cùng.”)
Ở Mỹ có một tổ chức tên là PolitiFact (PolitiFact.com) chuyên đánh giá các phát biểu của những chính trị gia xem họ nói thật cỡ nào. PolitiFact đã được trao giải Pulitzer Prize for National Reporting năm 2009 2009 về sáng kiến “kiểm tra sự thật trong cuộc vận động bầu cử tổng thống năm 2008 sử dụng các phóng viên và sứ mạng của Mạng toàn cầu (World Wide Web) để xem xét hơn 750 phát biểu chính trị, tách rời những lời hoa mỹ khỏi sự thật để khai sáng cho cử tri.”

Donald Trump: “Look at my hands!”

PolitiFact đặt ra một “máy đo”, gọi là “Truth – O – Meter” để chỉ ra mức độ của sự thật trong các phát ngôn của các chính trị gia Hoa Kỳ, The Politifact, năm 2015 đã tặng cho Trump giải “2015 Lie of the Year” (Lời nói láo của năm 2015.) PolitiFact đã nhận thấy có đến 75% trong tổng số các phát biểu của Trump mà họ đem cân đo đã nằm ở mức “Mostly False” (Đa phần là láo), “False” (Láo toét) hoặc là “Pants on Fire” (Láo quá xá – bắt chước câu trẻ con xỉa xói nhau “Liar, liar pants on fire). Trong số các phát ngôn được đo ở mức “Pants on Fire” của ông ta có nhận xét chính phủ Mễ đưa các thành phần bất hảo qua biên giới vào Hoa Kỳ và lời kể của ông ta về việc ông ta đã thay “hàng ngàn và hàng ngàn người” vỗ tay reo mừng sự sụp đổ của Trung tâm Mậu dịch Thế giới (WTC) ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Cách đây ít lâu, dân Canada cũng có một chính trị gia làm cho người dân thành phố Toronto mắc cỡ mỗi khi có người hỏi đến, đó là ông Thị trưởng Rob Ford của Thành phố Toronto. Nhưng so với Trump, ông Ford còn ngon lành hơn nhiều. Rob Ford chỉ có những khuyết điểm về bản thân, nhưng những việc ông làm cho Toronto rất đàng hoàng, vì quyền lợi của dân, và làm được khá nhiều chuyện cho thành phố lớn nhất Canada.
Ngược lại, chẳng hiểu Trump có làm được cái ôn gì không, những gì ông ta đã và đang nói trong cuộc vận động để giành quyền được đề cử ứng cử viên của đảng Cộng hòa quả thật đáng tởm. Ông ta đã được coi là một tay khích động cỡ không thua Hitler, một tay kỳ thị chủng tộc, một kẻ bất chấp luật pháp và bất chấp đạo đức.
Phát ngôn nhảm nhất và gần đây nhất của Trump là câu nói trong cuộc đấu khẩu, chữ thích hợp hơn chữ tranh luận, để chỉ cuộc debate hôm 4 tháng 3 vừa qua ở Detroit.
Của đáng tội, trước cuộc đấu khẩu, ứng cử viên Marco Rubio đã lại tiếp tục trêu chọc Donald Trump về hai bàn tay nhỏ của nhà tỷ phú, một chi tiết mà người ta đã dùng để trêu ông Trump từ nhiều năm nay. Ở Virginia hôm Chủ nhật trước đó, Rubio nói, “Ông ta (Trump) lúc nào cũng gọi tôi là Little Marco. Tôi thú nhận rằng ông ta cao hơn tôi. Ông ấy cao khoảng 6’2, đó là điều tôi thắc mắc không hiểu tại sao hai bàn tay của ông ta lại chỉ bằng cỡ tay của người cao 5’2. Và quý vị biết là người ta nói gì về những người có bàn tay nhỏ chứ? Người ta không thể tin tưởng họ.
Thế là Trump nổi sùng lên, sau khi Rubio mở màn cuộc đấu khẩu với lời lên án rằng từ cả năm nay, Trump công kích đời tư, cá nhân không chừa ai, từ các ứng cử viên đến người tàn tật, người dân thường, “tôi thấy nếu có người xứng đáng để bị tấn công kiểu đó thì đó là Donald Trump”. Khi đó Trump cáu kỉnh phân trần với cử tọa, “Tôi phải nói là ông ta đã đánh vào bàn tay tôi. Trước nay chưa có ai tấn công vào bàn tay tôi.”, rồi giơ hai tay cho mọi người xem, “Nhìn các bàn tay kia, chúng nó có nhỏ không? Ông ấy nói về hai bàn tay tôi — nếu chúng nó nhỏ, một cái gì đó chắc cũng phải nhỏ. Tôi bảo đảm với quý vị rằng (cái đó) không có vấn đề gì. Tôi bảo đảm thế.

Tỵ nạn Mỹ ở Canada
Chuyện người Mỹ sang Canada tỵ nạn có thật, và đã có từ lâu, cả trước từ ngày Canada lập quốc. Thời cuộc Chiến tranh cách mạng Mỹ (Revolutionary War 1775-1783), còn gọi là cuộc Chiến tranh giành Độc lập của Mỹ, khi 13 tiểu bang thuộc địa của Đế quốc Anh nổi lên chống lại mẫu quốc, đã có hàng chục ngàn người Mỹ thuộc thành phần United Empire Loyalists – những người trung thành với Anh quốc, bỏ nhà cửa, sản nghiệp sang Canada để sống trung thành với Vua Anh.

Tem Canada: Người Mỹ trung thành với Hoàng gia Anh đến Canada

Một số lính Mỹ đào ngũ trốn sang Canada gặp lại nhau tại Ủy ban American Deserters Committee, Montreal, Quebec, ngày 7 tháng 2 năm 1970 (National Archives of Canada (PA 153762))

Rồi đến thế kỷ 19, người da đen nô lệ và người da trắng chống chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ cũng bỏ sang British North America – Canada ngày nay, nơi chế độ nô lệ bị cấm. Họ đi theo một hệ thống dẫn người kín đáo được gọi là “Railroad” dọc theo biên giới. Đa số người da đen thoát cảnh nô lệ định cư ở Ontario. Trong cao điểm 20 năm (hai thập niên 1850, 60) có chừng 30 ngàn người đã thoát sang Canada theo con đường này.
Giai đoạn cuộc chiến tranh Việt Nam là thời gian có cuộc vượt biên vĩ đại của dân Mỹ sang Canada. Từ năm 1965, Canada đã trở thành nơi trú ẩn an toàn của thanh niên trốn quân dịch (draft dodger) và lính đào ngũ (deserter) người Mỹ. Chính phủ Liên bang ước tính rằng thời gian đó có đến 40 ngàn người Mỹ đã “vượt thoát” sang Canada. Trong khi đó, theo BBC “có đến 60,000 thanh niên Mỹ trốn lệnh động viên. “Ước lượng số công dân Mỹ dọn sang Canada vì chống đối cuộc chiến tranh (Việt Nam) trong khoảng từ 50,000 đến 125,000. Cuộc di dư này được coi là “mang động cơ chính trị lớn nhất từ Hoa Kỳ từ sau cuộc di cư của những người thuộc phe bảo hoàng – United Empire Loyalists, đi lên miền bắc để chống lại cuộc Cách mạng Mỹ. Họ lập các cộng đồng lớn ở Montreal, thung lũng Slocan Valley (tỉnh bang British Columbia), và khu đường Baldwin Street (khu chợ Kensington market) ngày nay ở Toronto, Ontario.
Chính phủ Canada không gọi những người này là “tỵ nạn” (refugee) mà cho họ hưởng danh xưng “di dân” (immigrant). Tháng 9 năm 1969, Ottawa dễ dãi công bố rằng các viên chức di trú sẽ không hỏi gì về tình trạng quân dịch của những người đến biên giới xin tư cách thường trú ở Canada. Giai đoạn năm 1971 và 1972, Canada nhận số di dân từ Hoa Kỳ nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Rồi sau khi lệnh động viên chấm dứt năm 1973, mức di trú từ Mỹ sang Canada giảm nhanh, đến 1974 chỉ còn một nửa.
Gần đây, trong thế kỷ 21, số liệu của Bộ Di trú Canada cho thấy số dân Cờ Hoa sang xứ Cờ Lá định cư trong giai đoạn Tổng thống Bush được tái cử (2004 đến 2008) vọt lên thấy rõ. Năm 2000, con số này là 5,800 người, nhưng năm 2008 là 11,200 người. Dĩ nhiên không phải tất cả mọi ngưởi đều có cùng một lý do, và có bất đồng với Bush để chọn Canada, nhưng đây là con số rất đáng chú ý.

Biểu đồ di dân từ Mỹ sang Canada: Nguồn Statistics Canada

Những chứng cớ kể trên, và bản tin tưởng tượng của tờ The Lapine ở đầu câu chuyện, cho thấy không phải đến tháng 2 vừa qua, sau khi ông thần nước mặn Donald Trump vọt lên thắng ở nhiều tiểu bang để trở thành ứng viên sáng giá nhất giành được đề cử của đảng Cộng Hòa Mỹ, mới có chuyện dân Mỹ đòi chạy sang Canada để né nhà tỷ phú được so sánh với mọi thứ và phát ngôn cũng… mọi thứ này.
Đùa chơi, chứ Trump hay không Trump, Canada vẫn chưa phải là đất hứa của người Mỹ, và chắc chẳng bao giờ là đất hứa của người Mỹ.
Nói một cách không phải là tự ti, còn rất nhiều người Mỹ chẳng biết Canada là cái gì ngoài chuyện ở bên đó lạnh lắm và người Canada rất lịch sự, rất hiền và ưa lý luận, khi nói, họ ưa thêm âm “eh” vào cuối câu.
Khi đã an cư lạc nghiệp ở Hoa Kỳ, không mấy ai muốn làm lại cuộc đời ở cái xứ quanh năm chỉ có hai mùa, mùa sửa đường và mùa đông, và kinh tế thì phập phồng trồi lên sụt xuống theo hơi thở của nền kinh tế Mỹ.
Jeffrey Reitz, một giáo sư về di dân học ở trường Munk School of Global Affair, Đại học Toronto nhận định rằng ngày nay, cái vấn đề liên quan đến túi tiền thường được coi trọng hơn vấn đề chính trị, “Cho đến nay, lý do thông thường nhất để người ta di cư giữa Canada và Hoa Kỳ là thị trường lao động.”

Đỗ Quân




No comments: