Tuesday, March 15, 2016

NHỮNG MẤT MÁT CỦA GẠC MA KHI CŨNG NẰM TRONG VÙNG QUÊN CỦA LỊCH SỬ (Nhật Báo Ba Sàm)





Nhật Báo Ba Sàm
Posted by adminbasam on 14/03/2016

Đôi lời: Đảo qua một vòng, có thể thấy, báo quốc doanh năm nay có sự thay đổi rất lớn khi viết về sự kiện Gạc Ma. Rất nhiều bài báo đã dám gọi đích danh và lên án Trung Quốc, kẻ đánh chiếm Gạc Ma như:  ‘Gạc Ma 1988 là cuộc thảm sát hèn hạ’ (Zing). – Trung Quốc đưa kẻ cướp Gạc Ma trở lại Biển Đông để làm gì? (Soha). –  Gạc Ma– lời nhắc nhở về chủ quyền Tổ quốc(HNM). – Vì sao Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma năm 1988 (VNE).
Khác với những năm trước, rất khó tìm thấy những bài báo lên án mạnh mẽ như thế. Những bài báo này, mới đọc qua cứ tưởng là báo “lề dân” chứ không phải báo “lề đảng”. Có cảm giác như báo “lề đảng” đang xích lại gần với dân hơn trong sự kiện này. Hai bài báo dưới đây cũng là 2 bài đặc biệt trong loạt bài viết về sự kiện Gạc Ma.

____

Những mất mát của Gạc Ma khi cũng nằm trong vùng quên của lịch sử
14-3-2016

Từ trận chiến biên giới năm 1979 đến hải chiến Gạc Ma năm 1988 đều cho thấy những năm tháng đất nước đau thương. Tuy nhiên khác với những liệt sỹ chống Mỹ, những người đã ngã xuống để bảo vệ đất đai cha ông trước quân Trung Quốc xâm lược lại hầu như nằm trong vùng tối SGK lịch sử nước nhà.

Cho đến nay, hầu như diễn biến trận hải chiến tại đá Gạc Ma, Trường Sa chỉ được mọi người biết đến thông qua internet, còn nếu muốn truy tìm trong các văn bản lịch sử chính thống, thật không hề dễ dàng. Nghĩa là, nếu không nhờ những nguồn tin phi chính thống thì sự kiện này có thể đã bị lãng quên.

Nhận định về vùng quên này, trao đổi với báo Tuổi trẻ, Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương, ông Vũ Ngọc Hoàng cho rằng: “Mọi sự thật trong lịch sử, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có những câu chuyện chiến tranh biên giới phía Bắc, Hoàng Sa, Trường Sa hay Gạc Ma đều rất cần thiết phải lần lượt cung cấp trung thực và đầy đủ cho nhân dân, để nhân dân ta hiểu bản chất của vấn đề, để tiếp tục giữ nước và ứng xử phù hợp trong mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với nhân dân Trung Quốc.”

Còn đối với một cựu binh còn sống sót sau đợt thảm sát tại đá Gạc Ma như anh Lê Hữu Thảo cũng chỉ có một mong muốn đơn giản và chính đáng rằng, những đồng đội của anh sẽ được nhắc tên trong sách giáo khoa. “Không phải ai cũng có Internet hay có tiền để đọc báo, xem truyền hình. Chỉ có sách giáo khoa là nơi kết nối, truyền tải và đi sâu vào tiềm thức của mỗi thế hệ” – anh Thảo chia sẻ trên trang Zing News.

Gạc Ma là 1 trong 3 sự kiện liên tiếp diễn ra tại biên giới và hải đảo Việt Nam với 3 cuộc xâm lược của Trung Quốc gây ra thương vong lớn về con người và thiệt hại nghiêm trọng về chủ quyền tổ quốc. Ngày 14/3/1988, Đặng Tiểu Bình đã tận dụng thời cơ điều 3 tàu chiến chuyên dụng, hoả lực mạnh tấn công 3 tàu tải vận không vũ trang của Việt Nam. 3 chiến sỹ công binh đã hy sinh và 64 người được cho là mất tích. Những hình ảnh ghi lại từ phía Trung Quốc cho thấy những người lính đứng bảo vệ đảo bị xả súng không thương tiếc mà đến nay, họ được gọi là “vòng tròn bất tử”. Và đúng là họ đã trở thành bất tử trong tâm khảm của bất kỳ ai đã từng chứng kiến hình ảnh đó.

Nhưng tiếc thay, đó vẫn chỉ được coi là tài liệu chưa được kiểm chứng chính thống. Giống như cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” do tướng Lê Mã Lương chủ biên đã trình bản thảo cho hơn chục nhà xuất bản 2 năm nay vẫn chưa được phép in. Những người thân của liệt sỹ Gạc Ma có thể đối mặt với những khó khăn về vật chất, tuy nhiên lãng quên là một mất mát không thể bù đắp, ông Lê Mã Lương chia sẻ. Và cũng đáng buồn hơn, cả 3 sự kiện xảy ra liên tục trong vòng chưa đến 40 năm qua đều bị lãng quên theo cùng một cách, chỉ vì có những thông tin được cho là “nhạy cảm”. Sự nhạy cảm này nhiều đến mức, người Việt không còn thấy băn khoăn khi nhìn thấy những con tàu lạ ức hiếp, bắn hạ ngư dân, đe doạ chủ quyền Việt Nam trong những ngày này của năm 2016.

Báo Tuổi trẻ: Đã không ít lần báo chí cũng như ngành xuất bản vấp phải những cảnh báo “nhạy cảm” khi công bố thông tin. Ông có thể cho biết những vấn đề nào được coi là nhạy cảm, cần hạn chế thông tin? Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Vũ NGọc Hoàng:  Tôi nghĩ khái niệm “nhạy cảm” được hiểu còn mập mờ lắm, nên làm rõ ra và rất không nên lạm dụng từ “nhạy cảm” để ngăn cản thông tin. Thông tin có quy luật riêng của nó, càng “nhạy cảm” nó càng dễ lan ra, bịt đường này nó đi đường khác. Không thể bưng bít được đâu, tốt nhất là cứ công khai hóa, minh bạch hóa. Càng “nhạy cảm” thì càng phải chú ý cung cấp thông tin trên kênh chính thống, đừng để người khác lợi dụng úp mở để xuyên tạc hoặc là nhân dân hiểu không đúng như sự thật vốn có. Phạm vi vấn đề “nhạy cảm”, không được cung cấp thông tin rộng rãi, nếu có, chỉ nên rất ít thôi, chủ yếu là để bảo vệ các bí mật quốc gia. Còn lại, nói chung, mọi việc đều có thể thông tin miễn là trung thực và có trách nhiệm với dân với nước.
_____

‘Không có chữ Gạc Ma nào trong sách giáo khoa’
14-3-2016

“Đề cập Gạc Ma, sách giáo khoa cần viết ngắn gọn về âm mưu, thủ đoạn đánh chiếm và sát hại 64 bộ đội Việt Nam, từ đó nêu hệ quả của sự kiện này”, thầy Trần Trung Hiếu đề xuất.
Đầu năm 1988, Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp đảo Gạc Ma. 64 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ 604.

28 năm trôi qua, đến nay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, giáo viên Lịch sử, hải chiến Gạc Ma là một trong những sự kiện lịch sử lớn, phải đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường. Những người đã hy sinh cho đất nước phải được tôn vinh xứng đáng.

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An chia sẻ bài viết với Zing.vn về thực tế vị trí của hải chiến Gạc Ma nói riêng, đảo Trường Sa, Hoàng Sa nói chung trong sách giáo khoa hiện hành.

Thiếu sót lớn

Ngày 14/3/1988, quân đội Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) của Việt Nam. 28 năm qua, vì nhiều lý do khác nhau, người ta đã quên dần sự thật lịch sử này. Nhưng, những người thân của các liệt sĩ Gạc Ma và cả đồng đội còn sống sót sau sự kiện vẫn không thể và không bao giờ quên nỗi đau đó. Vết thương chưa lành và vẫn còn đau, bởi sự kiện Gạc Ma đang nhạt dần và có nguy cơ biến mất.

28 năm, thời gian quá dài và quá đủ để chúng ta nhìn nhận lại một sự thật hiển nhiên, dù nó rất phũ phàng và đau xót. Rất đáng để chúng ta phải trăn trở là tại sao một sự kiện như thế nhưng không hề được nói một từ nào trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông hiện hành.

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu (bên phải) cùng giáo sư Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Zing

Rất nhiều tờ lịch treo tường hàng chục năm qua không hề nhắc đến các sự kiện biên giới phía Bắc (17/2/1979), biên giới Tây- Nam và các sự kiện liên quan chủ quyền biển đảo Hoàng Sa (19/1/1974), Gạc Ma (14/3/1988).

Một thực tế cho thấy nhiều học sinh phổ thông thắc mắc vấn đề chủ quyền 2 quần đảo (hiện nay là hai huyện đảo) Hoàng Sa, Trường Sa không được nhắc đến trong sách giáo khoa môn Lịch sử. Và đương nhiên, các sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm như Hoàng Sa (1974), Gạc Ma (1988) cũng không được viết một dòng chữ nào.

Với góc độ giáo viên dạy Lịch sử trường phổ thông, tôi cho rằng đó là thiếu sót lớn, dù người ta cố tình biện minh với bất kỳ lý do gì.

Vấn đề này, sách giáo khoa cần minh bạch thông tin, nói đúng, nói đủ sự kiện. Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974 và Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) hiện nay thuộc quyền chiếm đóng và quản lý trái phép của Trung Quốc.

Nói đến sự kiện này, sách giáo khoa chỉ cần viết ngắn gọn: Âm mưu, thủ đoạn đánh chiếm và sát hại 64 bộ đội Việt Nam ở Gạc Ma, từ đó nêu lên hệ quả của sự kiện này.

Sách giáo khoa cần khẳng định lại rằng cuộc đấu tranh đòi chủ quyển đã mất (Hoàng Sa, Gạc Ma và một số đảo khác) là vấn đề phức tạp, không dễ dàng. Dù xét về phương diện lịch sử và pháp lý quốc tế, Việt Nam đấu tranh đòi lại chủ quyền là hoàn toàn đúng đắn.

Nếu chúng ta cố tình che đậy, né tránh những sự thật hiển nhiên này, sẽ gây ra sự khủng hoảng niềm tin: Học sinh tin vào ai, sách giáo khoa, lời thầy cô giáo hay thông tin trên các phương tiện truyền thông, Internet?

Sách giáo khoa phải tôn trọng và trả lại những sự thật lịch sử. Sự kiện Gạc Ma bị “quên” trong sách giáo khoa là điều khó chấp nhận.

Chúng ta không tưởng nhớ, tri ân đúng nghĩa các liệt sĩ đã hy sinh ở Hoàng Sa, Trường Sa nói chung, Gạc Ma nói riêng thì làm sao giáo dục cho thế hệ trẻ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết trân trọng những giá trị lịch sử, từ đó có thái độ và trách nhiệm với Tổ quốc?

Nhắc lại sự kiện Gạc Ma 28 năm trước không phải nhằm khơi sâu mối thù hằn và sự tàn ác của chiến tranh, phá vỡ quan hệ hợp tác trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa. Nhưng thế hệ trẻ cần biết lịch sử để luôn đề phòng, cũng như tôn vinh, tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân ngã xuống vì Tổ quốc, từ đó sống có trách nhiệm và yêu đất nước mình.

Vị trí của Trường Sa, Hoàng Sa trong sách giáo khoa

Trên thực tế, từ năm 2012 đến nay, sách giáo khoa Lịch sử phổ thông vẫn giữ nguyên như cũ và chưa có thêm dòng chữ nào về chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa.

Ở sách giáo khoa Lịch Sử lớp 7, bài 20: Nước Đại Việt thời Lê sơ (1428-1527), trang 95, hình 44, có Lược đồ Hành chính nước Đại Việt thời Lê sơ, hoàn toàn không vẽ và không giải thích về chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa.

Bài 25: Phong trào Tây Sơn (trang 123, hình 57) có Lược đồ Tây Sơn khởi nghĩa chống các thế lực phong kiến và chống quân xâm lược nước ngoài, có đánh dấu vị trí của Hoàng Sa, Trường Sa như các bản đồ Việt Nam khác, nhưng không có thông tin nói đến chủ quyền của Việt Nam ở các quần đảo này.

Trong bài 27: Chế độ phong kiến nhà Nguyễn (trang 135, hình 6) có Lược đồ các đơn vị hành chính thời Nguyễn (từ năm 1832), đánh dấu Hoàng Sa, Trường Sa như bản đồ Việt Nam khác, nhưng không giới thiệu thông tin nào về chủ quyền của Việt Nam ở các quần đảo này.

Tại sách giáo khoa Lịch sử lớp 9, bài 27: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (1953-1954), trang 122, hình 53, có hình thái chiến trường trên mặt trận Đông Xuân 1953-1954. Dù đánh dấu vị trí của Hoàng Sa, Trường Sa như bản đồ Việt Nam khác nhưng không giới thiệu thông tin về hoạt động của quân dân ta ở Hoàng Sa, Trường Sa trong những năm 1953-1954.

Đến bài 30: Hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1973-1975), trang 163, hình 77, có Lược đồ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đánh dấu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và có vẽ đường mũi tên từ khu vực Cam Ranh ra Trường Sa, nhưng không một lời giải thích. Người đọc không thể hiểu vấn đề lịch sử chủ quyền ở đây như thế nào.

Với sách giáo khoa Lịch sử lớp 10, bài 25: Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa dưới triều Nguyễn, trang 126, hình 49, có Lược đồ các đơn vị hành chính Việt Nam thời Minh Mạng, vẫn đánh dấu vị trí  Hoàng Sa, Trường Sa như các bản đồ Việt Nam khác, nhưng không có lời giải thích về chủ quyền của Việt Nam.

Sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, bài 23: Khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội ở miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973-1975), trang 193, hình 79, có Lược đồ diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giống như lược đồ của sách giáo khoa Lịch sử lớp 9. Học sinh cũng không thể nhận ra lược đồ này “thể hiện rõ quân ta giải phóng đảo Trường Sa từ tay quân đội Sài Gòn”.

Như vậy, hầu hết lược đồ chỉ xác định vị trí của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong khung chung của một bản đồ nền chính thức Việt Nam hiện nay, mà không minh chứng cho vấn đề nào của chủ quyền biển đảo trong lịch sử. 

Ngoài ra, sách giáo khoa Lịch sử phổ thông đều không nhắc đến 2 sự kiện quan trọng liên quan cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền và bảo vệ chủ quyền 2 quần đảo này sau năm 1975. Đó là sự kiện đầu năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ quân đội Việt Nam Cộng hòa và trận chiến Gạc Ma năm 1988.

Tôi là người dạy Lịch sử và các đồng nghiệp cũng rất mong muốn Bộ GD&ĐT, trong khi chờ sách giáo khoa mới, nên kịp thời chỉ đạo các trường, sở GD&ĐT trong cả nước bằng văn bản, để lồng ghép nói về công cuộc bảo vệ biên giới và chủ quyền biển đảo.

Mời xem lại:
____

Mời xem thêm:




No comments: