Thursday, March 24, 2016

NHÂN TAI BẮT NGUỒN TỪ SỰ COI THƯỜNG SINH MẠNG CON NGƯỜI (Song Chi)





http://www.rfavietnam.com/node/3137 Nhân tai bắt nguồn từ sự coi thường sinh mạng con người (P.2)Nhân tai bắt nguồn từ sự coi thường sinh mạng con người (P.1)
Những ngày này đọc báo trong nước toàn chuyện tai họa liên tiếp xảy ra, nào bom nổ ở khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) ngày 19.3, sập cầu Ghềnh (bắc qua sông Đồng Nai) ngày 20.3; cháy chợ Hóa An (Biên Hòa, Đồng Nai) ngày 20.3, cháy nhà máy gạch men Viglacera Thăng Long (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) ngày 20.3, cháy ở khu vực phía sau tòa nhà CT Plaza, đối diện cổng nội địa sân bay Tân Sơn Nhất ngày 22.3, cháy chợ Ngã Tư Sòng (xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) ngày 22.3 …

Trừ vụ bom nổ ở khu đô thị Văn Phú tổng cộng có 5 người chết, 10 người bị thương, các vụ còn lại tuy may mắn không có thiệt hại về người nhưng mức độ thiệt hại về vật chất, tài sản là rất lớn. Vụ sâp cầu Ghềnh chẳng hạn, cần khoảng 300 tỷ VNĐ để khôi phục, vụ cháy chợ ở Quảng Trị thiệt hại hàng tỷ đồng, báo chí đưa tin nhiều tiểu thương thấy hàng hóa của mình bị cháy rụi đã ngất xỉu tại chỗ (“Cháy chợ ở Quảng Trị: Nhiều tiểu thương ngất xỉu”, Dân Việt), vụ bom nổ tổng cộng 94 căn nhà bị hư hỏng, hiện vẫn chưa có con số cụ thể về mức độ thiệt hại (“94 căn nhà bị hư hỏng sau vụ nổ tại Khu đô thị Văn Phú”, (Dân Trí) v.v…
Điều đáng nói là nhà cầm quyền đang phát động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ lần thứ 18 (diễn ra từ ngày 21 đến ngày 25 tháng 3 năm 2016), nhưng các vụ cháy nổ nghiêm trọng vẫn xảy ra.

Mà nếu nhìn lại thì các vụ tai họa trên đều do con người chứ chẳng phải do ông Trời nào gây ra cả.

VÔ TƯ CƯA BOM, MUA BÁN, TÀNG TRỮ CHẤT NỔ TRONG NHÀ, GIỮA KHU DÂN CƯ

Như vụ bom nổ ở khu đô thị Văn Phú là do anh Phạm Văn Cường, cũng là nạn nhân của vụ nổ, dùng đèn khò phá quả bom với mục đích lấy sắt vụn bán, trong quá trình cắt phá nhiệt lượng đã kích nổ gây ra vụ nổ lớn. Theo báo chí, anh Phạm Văn Cường thuê một căn nhà ở khu đô thị này đề hành nghề thu mua phế liệu. Sau khi thu mua phế liệu các loại, anh mang về nơi ở trọ cất giữ và hàng ngày mang phế liệu ra vỉa hè trước cửa nhà đề dùng đèn khò cắt, phá bán sắt vụn.

Ở nước ta, thu mua phế liệu trong đó có cả những vật liệu gây cháy nổ là một công việc để mưu sinh của một số người, và đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những vụ cưa bom, đạn để lấy sắt và thuốc nổ đem bán nhưng bom phát nổ làm bị thương hoặc chết người. Nhưng tại sao cái “nghề” nguy hiểm này lại vẫn tồn tại, dù đã có những cái chết, dù báo chí dư luận đã lên tiếng? (“Kinh hoàng những vụ…cưa bom lấy sắt vụn”, Tiền Phong, “Cưa bom là hành động chỉ có ở VN!”, Pháp Luật Số…)

Có nơi còn hình thành cả “chợ bom”, “làng cưa bom” như “chợ bom” xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An mà sau vụ nổ ở Văn Phú, người ta mới biết sợ (“Chợ bom” đã bớt cưa bom”, Tuổi Trẻ, “Làng cưa bom” ở Quảng Trị”, Zing.vn , “Lái buôn 'bom đạn' ở đất lửa Quảng Trị”, VNExpress, “Kinh hãi 'bom nổ chậm' phế liệu giữa Thủ đô”, VietnamNet…). Càng đọc càng thấy sợ. Ngay giữa những ngôi làng cho tới một số khu dân cư đông đúc giữa Thủ đô, vẫn có những khu buôn bán phế liệu chất đầy những vật dễ gây cháy nổ, nếu lỡ xảy ra cháy, nổ thì hậu quả sẽ như thế nào?

Người dân vì thiếu hiểu biết, vì túng quá nên cứ làm liều đã đành, chính quyền địa phương chắc chắn phải biết tới những chợ bom, làng cưa bom, khu mua phế liệu này, cũng như chính quyền địa phương, cư dân lối xóm chắc chắn phải biết đến công việc thu mua phế liệu của anh Phạm Văn Cường nhưng vẫn không ai có biện pháp ngăn chặn triệt để. Cho đến khi xảy ra chuyện chết người thì Giám đốc Công an Hà Nội mới “yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và công an cơ sở thực hiện rà soát, thu hồi cũng như vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân và cộng đồng.” (“Vụ nổ ở Hà Đông: Yêu cầu không thu mua vật liệu có nguy cơ nổ”, 24 giờ).

Mặc dù vậy, chuyện mua bán, cưa cắt bom, đạn cũ lấy sắt vụn chắc chắn vẫn sẽ còn tiếp diễn, không chỗ này thì chỗ khác.

Tại sao vậy? Tại dân ta nghèo, thiếu hiểu biết, coi thường sinh mạng của mình và của người khác? Tại nhà cầm quyền không giám sát chặt chẽ, không có những biện pháp ngăn cấm triệt để cũng như xử lý thật nặng những hiện tượng vi phạm để làm gương?

Còn nhớ ngày 25.2.2013 một vụ nổ lớn kéo sập 3 căn nhà liền kề trong một con hẻm ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận Phú Nhuận, TP.HCM, 10 người thiệt mạng, trong đó có cả một gia đình gồm toàn bộ 6 người của ông Lê Minh Phương, chuyên viên khói lửa của ngành điện ảnh, chưa kể hàng xóm người dưng cũng bị thiệt mạng theo. Nguyên nhân là do ông Phương trong khi pha chế thuốc nổ bị phát nổ.

Từ đó, dư luận mới bàng hoàng khi báo chí nêu ra những chi tiết về sự “vô tư” của nạn nhân khi chứa cả kho thuốc nổ tại nhà, cho tới những người hàng xóm không rõ có biết là ông Phương làm nghề khói lửa và chứa thuốc nổ tại nhà không và nếu biết thì có trình báo với chính quyền địa phương và đấu tranh đến cùng không hay là cứ chấp nhận sống chung với mối nguy hiểm, và chính quyền địa phương có hay biết, có làm bất cứ hành động gì để khuyến cáo hay không v.v…Nạn nhân đã quá mạo hiểm khi “đánh cược” mạng sống của mình và của cả gia đình đã đành, nhưng việc quản lý của chính quyền địa phương đối với việc lưu trữ, sử dụng chất nổ là quá lỏng lẻo, họ cũng phải có trách nhiệm trong việc để xảy ra tai nạn thương tâm này.

Ở các quốc gia mà mạng sống con người là điều quý giá nhất, trước hết, những người làm nghề tạo khói lửa, cháy nổ cho phim ảnh phải có bằng cấp, chứng chỉ chứng tỏ có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực này chứ không phải như ở VN hầu hết là cứ làm rồi nghề dạy nghề, và sẽ không bao giờ lại có chuyện cho phép người làm nghề được cất giữ, pha chế thuốc nổ tại nhà trong một con hẻm chật chội, nhà này sát nhà kia như vậy. Chính quyền địa phương sẽ bắt buộc họ phải có một cơ sở chứa vật liệu, tàng trữ các chất cháy nổ ở một khu vực cách xa nhà dân.

Đó là chưa nói đến thực tế ở nhiều nước, trong lĩnh vực phim ảnh, các chuyên gia đã tạo ra một loại thuốc nổ không gây sát thương, còn Việt Nam mình chưa có công nghệ này mà vẫn dùng chất nổ thật nên rất nguy hiểm.

Đối với cái “nghề” thu mua phế liệu đặc biệt phế liệu chiến tranh, các vựa phế liệu chiến tranh, chính quyền địa phương phải tuyệt đối cấm nếu ở ngay giữa làng giữa phố, phải có biện pháp di dời ra khỏi khu vực dân cư.

*
*

Nhân tai bắt nguồn từ sự coi thường sinh mạng con người (P.1)
Thu, 03/24/2016 - 17:09 — songchi

CHÁY NHÀ, CHÁY CHỢ, CHÁY CƠ QUAN DO BẤT CẨN

Ở VN khi xây nhà dường như chúng ta chưa chú ý đúng mức đến yếu tố an toàn nếu lỡ xảy ra sự cố gì. Nhất là nhà ở các thành phố lớn, đông dân cư như Sài Gòn, Hà Nội...thường chỉ có một cửa ra vào, các cửa sổ thì thường có song sắt. Nếu xảy ra hỏa hoạn ngay gần cửa ra vào là hết đường thoát. Đã từng có những vụ cháy rất thương tâm, nhà lầu, cháy ở tầng dưới, ngay gần cửa ra vào thế là cả nhà đành la hét chờ chết, hàng xóm nghe tiếng la nhưng cũng bất lực không thể làm gì vì cửa ra vào đã khóa bên trong.

Nên chăng nhà ở thành phố đông dân cư nên có cửa hậu, cửa hông, cửa thoát hiểm, cùng lắm phải có ít nhất vài cửa số có cửa kính để nếu cần là đập bể kính thoát ra, phải có cầu thang thoát hiểm, hoặc chứa sẵn dây thừng, khi cần ở trên lầu cũng có thể mở cửa sở, tuột xuống ra bên ngoài. Mọi căn nhà khi xây phải đảm bào yếu tố an toàn, đường thoát hiểm và chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành liên quan phải có trách nhiệm giám sát điều này.

Những thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội…thường có vô số những con hẻm, nhiều con hẻm cụt, chỉ có một lối ra duy nhất, hoặc quá chật hẹp, ngoằn ngoèo, khi xảy ra sự cố thường rất khó khăn để cứu người. Đã từng có những trường hợp nhà cháy trong hẻm mà xe cứu hỏa không vào được, hoặc kéo dây không tới…

Cháy nhà do bất cẩn đã đành, cháy chợ, cháy cơ quan cũng thế. Trong những vụ cháy chợ Hóa An (Biên Hòa, Đồng Nai), cháy nhà máy gạch men Viglacera Thăng Long (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc), cháy chợ Ngã Tư Sòng (xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị)…kể trên đều là do sự bất cẩn, cầu thả của một ai đó.

Như vụ cháy ở khu vực phía sau tòa nhà CT Plaza, đối diện cổng nội địa sân bay Tân Sơn Nhất ngày 22.3 may mà đám cháy được dập tắt kịp thời, nhưng“Theo P.V VietNamNet tại hiện trường, đây chỉ là vụ đốt rác dọn vệ sinh của công nhân xây dựng tòa nhà sát bên trung tâm thương mại. Vật liệu đốt có lốp xe cũ gây ra khói đen bốc cao, khiến nhiều người lầm tưởng là vụ cháy lớn.” (“Khói đen kịt gần sân bay Tân Sơn Nhất”, VietnamNet). Làm sao mà lại đốt rác, có cả lốp xe cũ ngay sát trung tâm thương mại, sân bay đông người như vậy, nếu lỡ cháy lớn thì sao?

Hình như năm nào ở VN cũng có những vụ cháy trường, cháy chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, quán bar, nhà hàng… với mức độ thiệt hại nhiều hay ít. Và khi xảy ra một vụ thật sự nghiêm trọng, báo chí lại vào cuộc, lại lôi ra bao nhiêu sự “hồn nhiên” sống giữa mối nguy hiểm của người Việt cũng như sự quản lý lỏng lẻo, vô trách nhiệm của giới có thầm quyền. Nhìn đâu cũng thấy có vấn đề về việc thực hiện và áp dụng các tiêu chuẩn an toàn trong xây dựng, phòng cháy chữa cháy.

Ở nhiều ngôi chợ hàng hóa được các tiểu thương bày bán tràn lan, che chắn hầu hết các lối đi, nếu chẳng may xảy ra sự cố cháy thì sẽ rất dễ dẫn đến cháy lan sang các dãy quầy hàng khác; đồng thời việc lấn chiếm các lối đi sẽ gây khó khăn trong việc dập lửa, cứu người bị nạn và tài sản khi có cháy xảy ra; hê thống điện, dây điên còn chằng chịt, chưa có biện pháp đảm bảo an toàn, cửa thoát hiểm đôi khi cũng bị bít kín bởi hàng hóa…

Tại một số quán bar, vũ trường còn nguy hiểm hơn, như một số bài báo đã chỉ ra: “Với thiết kế kín mít đặc trưng, các vũ trường, quán bar khi xảy ra cháy sẽ khiến nhiều người có thể bị chết ngạt, lực lượng chữa cháy rất khó tiếp cận dập lửa” (“6 vụ cháy vũ trường, quán bar kinh hoàng nhất Việt Nam”, báo Giao Thông); “Những lối vào nhỏ hẹp, những phòng hát được tận dụng tối đa diện tích khiến người vào phải có nhân viên dẫn lối nếu không muốn đi lạc, nơi nào cũng ngồn ngộn thiết bị âm thanh, ánh sáng, vật liệu dễ cháy… Đó là nguyên nhân khiến các quán bar, karaoke, vũ trường luôn trong tình trạng báo động về nguy cơ cháy.” ("Liên tiếp cháy ở quán bar, vũ trường gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, CAND). Mà nguyên nhân đều là do bất cẩn của con người, ví dụ như trong lúc hàn xì lửa bắn vào các vật liệu dễ cháy xung quanh chẳng hạn.

Còn những loại tai họa khác, cũng do con người gây ra như không bảo đảm điều kiện an toàn trong lao động, trong xây dựng gây chết người, từ sập công trình đang thi công do chất lượng công trình kém, có những trường hợp người đi đường bị sập những cái hố do thi công sửa chữa đường nhưng lại chỉ đậy điệm qua loa, không có rào chắn, bảng cảnh báo rõ ràng gây tai nạn, hoặc chất lượng đường sá xuống cấp, hư hỏng nặng nề gây ra tai nạn giao thông…

Trong vụ tàu kéo sà lan đâm sập cầu Ghềnh ngày 20.3 vừa qua, bài “Sập cầu Ghềnh: Những cảnh báo bị bỏ qua…” trên báo Tuổi Trẻ viết: “Và khi sự cố xảy ra, người ta mới giật mình khi thấy quá nhiều lỗ hổng từ công tác quản lý nhà nước đến ý thức của người lái tàu, lái sà lan.”

Những lỗ hổng đó là, lái tàu thì không có bằng lái, còn chiếc tàu kéo sà lan đâm sập cầu Ghềnh đã… hết hạn kiểm định gần 3 tháng!

Bài báo viết:
“Thêm nữa, lẽ ra đối với những cây cầu “trăm tuổi” như thế này thì cơ quan quản lý phải xây dựng các trụ chống va đập, vành đai bảo vệ cầu…
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thì nói tỉnh đã lưu ý Bộ GTVT nhưng không hiểu vì sao chưa được giải quyết? Lãnh đạo Bộ GTVT thì bảo thời gian tới bộ sẽ cho khảo sát lại để tiến hành xây dựng các trụ chống va đập.
Đã có quá nhiều sự cố xảy ra với các cây cầu, nhất là những cây cầu có đường sắt đi qua. Riêng cầu Bình Lợi mấy năm qua đã xảy ra hàng chục vụ va đập làm gián đoạn tàu lửa, cũng may nó chưa sập như cầu Ghềnh.
Không cần nghĩ đâu xa, chỉ riêng hiện tượng và nguy cơ từ cầu Bình Lợi đã là những cảnh báo cấp thiết cho cầu Ghềnh và các cây cầu khác, nhưng đáng tiếc nó đã không được người ta để ý tới.”

TÂM LÝ COI THƯỜNG SINH MẠNG CON NGƯỜI

Đối với các loại thiên tai như lụt lội, mưa bão, hạn hán…vẫn thường xảy ra trên đất nước VN, chúng ta đành phải chịu, chỉ cố gắng hạn chế mức độ thiệt hại chừng nào hay chừng đó, nhưng với tất cả những tai họa do con người, lẽ ra sẽ không xảy ra hoặc mức độ sẽ không lặp đi lặp lại như chúng ta thấy lâu nay.

Trong tất cả những trường hợp tai họa mà bài viết này đã nêu ra cũng vậy, đều không chỉ xảy ra một lần. Báo chí truyền thông cũng đã lên tiếng rất nhiều. Lâu lâu có một vụ nghiêm trọng xảy ra báo chí lại xới lên, dư luận lại bức xúc, rồi đâu lại vào đó.

Vấn đề ở đây nằm trong ý thức từ người dân cho tới nhà cầm quyền. Với người dân, là ý thức rất kém về giữ gìn an toàn cho môi trường sống chung, về việc tôn trọng pháp luật, còn với chính quyền các cấp, các cơ quan ban ngành có liên quan, là lơi là trong ngăn chặn, giám sát và xử lý, trừng phạt những trường hợp vi phạm, cũng như có những biện pháp thay thế. Sâu xa bên trong, tất cả đều bắt nguồn từ một nguyên nhân mà cả người dân lẫn nhà cầm quyền đều không thực sự nhận ra: sự coi thường con người.

Trong một xã hội, một chế độ mà con người được coi trọng, và mạng sống con người là quý giá nhất, thiêng liêng nhất, mọi việc làm dù nhỏ nhất của từ người dân cho tới chính quyền, sẽ luôn luôn đặt yếu tố vì con người, bảo vệ con người lên trên hết và bất cứ hành vi, việc làm nào có khả năng gây hại, gây nguy hiểm cho con người phải được ngăn chặn, xử lý ngay lập tức. Đó mới thực sự là một nhà nước “vì dân, do dân và của dân”.

Bao giờ thì chúng ta sẽ bớt đi những tai họa phi lý, những cái chết oan uổng?







No comments: