Dân
Luận
14/03/2016
Trước cuộc bầu cử Quốc Hội vào tháng 5 tới, hơn 20 ứng
cử viên độc lập đã ngỏ ý tham gia tranh cử. Xét theo tiến trình “đề cử” mơ hồ
và bị kiểm soát chặt chẽ ở Việt Nam, những người này không có nhiều cơ hội được
tham gia ứng cử, chứ chưa nói tới chiến thắng một ghế trong quốc hội. Nhưng điều
đó không làm họ chùn bước. Ứng cử viên độc lập được nhiều người biết đến nhất,
ông Nguyễn Quang A, cảm thấy chiến thắng của họ đã ở trong tay. Điều quan trọng
là bóc trần sự gian dối và phi dân chủ quả tiến trình bầu cử, thông qua mạng xã
hội.
Nguyễn Quang A là một
trong số hơn 20 ứng cử viên độc lập đang tìm cách vượt qua vòng “ứng cử” để
tham gia vào cuộc bầu cử Quốc Hội diễn ra vào tháng 5/2016.
“[Mạng
xã hội] rất quan trọng trong thời điểm trước bầu cử. Các ứng cử viên [chính thức,
được sự ủng hộ của chính quyền] có thể tung ra các hoạt động vận động trên báo
chí chính thống, theo một kế hoạch chặt chẽ được xác định bởi Mặt Trận Tổ Quốc.
Nếu tôi được chấp nhận trở thành ứng cử viên, tôi sẽ làm theo những người khác.
Nhưng tôi chưa phải là một ứng cử viên và mạng xã hội là kênh duy nhất tôi có
thể sử dụng. Không có mạng xã hội tôi sẽ không làm được điều gì để tham gia ứng
cử, và đó là lý do tôi đã không tự ứng cử trong các cuộc bầu cử lần trước – lúc
đó tôi không có những công cụ như ngày hôm nay”.
“Mạng
xã hội đã đóng vai trò quan trọng để tôi đạt được mục đích là nâng cao nhận thức.
Xét theo tiêu chí này thì tôi đã đạt được 80% mục tiêu của mình. Nó cũng giúp
tôi vượt qua được bước đầu tiên, cũng là bước dễ dàng nhất, đó là nộp được hồ
sơ ứng cử đại biểu quốc hội. Nhưng còn những bước kế tiếp trong tiến trình đề cử
(được mô tả phía sau đây), tôi không biết mạng xã hội sẽ giúp được gì không.”
Nguyễn Quang A không có một người chuyên điều hành mạng
xã hội cho mình, mặc dù như nhiều ứng cử viên độc lập khác, ông nhận được sự hỗ
trợ từ mạng lưới của mình. Nhiều người tình nguyện giúp ông trong các công việc
“thực tế” như thu thập chữ ký để ủng hộ ứng cử viên độc lập này.
“Những
tình nguyện viên giúp tôi thu thập chữ ký trực tuyến (qua email), và những người
ủng hộ cũng gửi tin nhắn cho tôi qua các kênh khác nhau – email, sms, tin nhắn
FB, v.v… Các chữ ký trực tuyến đã vượt quá mục tiêu tôi đề ra. Những tình nguyện
viên và tôi cũng thu thập chữ ký thực, và ngày hôm nay tôi đã có hơn 2000 chữ
ký như vậy.
Thu thập chữ ký không phải là một phần chính thức của
tiến trình “đề cử”. Nhưng Nguyễn Quang A cảm thấy ông phải đối mặt với nhiều
rào cản khi tự ứng cử, và khi đó các chữ ký này sẽ có tác dụng. Hai bước chính
thức trong tiến trình “đề cử” sẽ xác định ông có được phép tham gia ứng cử.
“Bước
thứ nhất là bạn phải tham gia một cuộc họp có tên là “hội nghị cử tri tại Tổ
dân phố”, được tổ chức bởi Mặt Trận Tổ Quốc, trong đó ít nhất 55 cử tri tham
gia. Ở đó, Mặt Trận Tổ Quốc sẽ thu thập các ý kiến của cử tri. Bước này tạo cho
[Mặt Trận Tổ Quốc] đầy đủ cơ hội để thao túng và loại bỏ các ứng cử viên tương
lai. Trong quá khứ, người ta đã từng sử dụng những “cử tri được mời” để đấu tố
những người tự ứng cử một cách công khai, để số phiếu thuận giảm xuống dưới mức
cho phép.
Bước
thứ hai là Hiệp thương, cũng được tổ chức bởi Mặt Trận Tổ Quốc, để quyết định
danh sách cuối cùng số người tham gia ứng cử. Ở đây họ sẽ loại bỏ bất kỳ ai mà
họ không thích. Họ “hiệp thương” bằng cách bàn bạc trong nội bộ của họ. Nhưng lần
bầu cử này, chúng tôi [những người tự ứng cử] sẽ yêu cầu được có mặt trong buổi
họp hiệp thương. Tuy nhiên chúng tôi chưa biết liệu Mặt Trận Tổ Quốc có chấp nhận
yêu cầu này hay không.”
Những ứng cử viên độc lập, nhiều người là các nhà hoạt
động xã hội có kinh nghiệm, tận dụng mạng xã hội tốt hơn nhiều so với các đại
biểu Quốc hội hiện tại. Nguyễn Quang A cảm thấy các đại biểu quốc hội không có
nhu cầu sử dụng mạng xã hội để giao tiếp với cử tri.
“Những
ứng cử viên do Đảng đề cử tỏ ra thụ động như mọi khi. Cho đến nay có thể họ
cũng không chắc là họ có được đề cử hay không, do đó chúng tôi không có tin tức
gì từ phía họ. Tôi không biết phía bên trong có định hướng gì cho họ hay không
(ví dụ giữ im lặng cho tới khi được đề cử?).
“Tại
sao họ phải quan tâm tới việc nói chuyện với cử tri qua mạng xã hội? Họ không
có động lực để sử dụng mạng xã hội. Người ta chỉ có động lực khi người ta chịu
trách nhiệm trước dân, điều không tồn tại ở Việt Nam hiện nay. Không có sự cạnh
tranh thì không thể có động lực. Chắc chắn mạng xã hội có vai trò ảnh hưởng tới
họ, nhưng động lực phải được thiết kế trong hệ thống để buộc đại biểu quốc hội
gần dân hơn. Đó là điều chúng tôi muốn thúc đẩy ở Việt Nam.”
Nguyễn Quang A cho chúng tôi hy vọng rằng nỗ lực của
ông sẽ khiến các đại biểu quốc hội sử dụng mạng xã hội một cách tích cực hơn.
“Nếu
tôi nằm trong danh sách được đề cử, thông qua được quá trình “đề cử”, thì chắc
chắn sẽ có hy vọng. Nếu không thì tác động sẽ không quá lớn. Nhưng sẽ không bao
giờ là con số không – chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để tạo một tác động
có ý nghĩa.”
“Chúng
tôi sẽ đạt mục đích, bởi vì mục đích tối cao là làm sao để tiếp tục tiến trình
học tập dân chủ mà chúng tôi đã khởi động từ lâu nay – bắt đầu ít nhất là từ Kiến
nghị 72 ba năm về trước. Tiến trình học tập này sẽ dài và khó khăn, và hành động
hiện nay của chúng tôi chỉ là một trong nhiều hoạt động trong tiến trình này.
Tôi sử dụng ngôn ngữ của lý thuyết trò chơi: như tung một đồng xu: Nếu ngửa
(tôi có thể là một ứng cử viên) thì cả hai bên đều thắng (cả chính quyền lẫn
các nhà hoạt động xã hội). Nếu sấp (tôi không thể trở thành ứng cử viên) thì họ
thua bởi vì quần chúng sẽ nhìn thấy sự dối trá trong các thể chế mà họ cho là
dân chủ, trong khi tôi vẫn thắng vì đạt được mục tiêu tăng cường nhận thức của
người dân.
“Chúng
tôi sử dụng mạng xã hội trong lần bầu cử này, ngay cả khi họ loại bỏ tôi khỏi
danh sách ứng cử, để thúc giục mọi người giám sát cuộc bầu cử, để phát hiện và
báo cáo những gian lận, và để đảm bảo việc kiểm phiếu tuân thủ các luật lệ hiện
hành – đó là một phần của tiến trình học tập dân chủ mà chúng tôi phải tiếp tục
thực hiện.”
*
Cuộc phỏng vấn này được thực hiện qua email, bằng tiếng
Anh. Câu trả lời của ông Nguyễn Quang A trong bản tiếng Anh đã được sửa đổi
chút xíu để làm rõ nghĩa hơn. Bản dịch từ tiếng Anh qua tiếng Việt do Dân Luận
thực hiện.
No comments:
Post a Comment