Thursday, March 17, 2016

NGƯỜI VIỆT BẮT ĐẦU ĐỘC ÁC VỚI NHAU TỪ LÚC NÀO ? (Bùi Hải)





Bùi Hải
11.11.2015

Thực phẩm bẩn đang giết dần giết mòn người dân Việt, từ trẻ em đến cụ già, từ người nghèo cho đến người giàu, từ doanh nhân cho đến chính khách, từ thầy tu cho đến giới ca sĩ không ai thoát khỏi bàn tay độc ác của nó.

Thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường nổi tiếng một thời – Trần Lập – là một người bản lĩnh.
Nhưng khi anh biết mình bị ung thư trực tràng, ngồi trên xe nhắn tin cho mấy người bạn thân, bàn tay anh vẫn run rẩy.

Dư chấn của tin xấu thật lớn. “Có những cú gọi lại mà hít hơi nén sâu vài nhịp mới nói rõ ràng được” – Trần Lập kể.

Làng giải trí mấy năm nay có không ít bàn tay run rẩy khi nhận tin xấu.

“Xuân Tóc đỏ” Tuấn Dương qua đời vì ung thư vòm họng khi phía trước vẫn còn những vai diễn hứa hẹn. Trưởng thôn Văn Hiệp ra đi vì ung thư phổi, giữa lúc tiếng cười của ông vẫn sang sảng trên sóng truyền hình.
Người mẫu, diễn viên trẻ Duy Nhân từ giã cuộc sống và bỏ lại người vợ vừa cưới, khi anh mới tròn 29 tuổi. Ca sĩ Wanbi Tuấn Anh dừng cuộc chơi trần thế năm 26 tuổi vì ung thư não.
Tác giả của “Xa Rồi Mùa Đông”, nhạc sĩ Nguyễn Nam; ca sĩ Tố Như… cũng đã phải đầu hàng số phận.
May mắn hơn, nghệ sĩ Hán Văn Tình, Hari Won, Anh Vũ, Kim Phượng… đã và đang thoát khỏi lưỡi hái tử thần mang tên ung thư.

Nhưng, rất nhiều dân thường không có được cái may mắn ấy.

Cái chết của những người mà cái tên không xuất hiện một dòng nào trên báo chí, mới vẽ lên bộ mặt khủng khiếp của bệnh ung thư ở Việt Nam.

Mỗi năm, ở dải đất hình chữ S, có thêm 150.000 người mắc ung thư. Và 75.000 người trong số đó phải chết.
Những con số này đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về tỉ lệ mắc và chết vì ung thư. Một trong vài nguyên nhân quan trọng nhất đến từ thực phẩm nhiễm độc.

Trong một kỳ họp quốc hội cách đây hơn chục năm, khi cảnh báo tình trạng báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm có thể gây ung thư, một đại biểu hỏi Bộ Trưởng Bộ Thương Mại Trương Đình Tuyển: “Nhà bộ trưởng mua rau, thịt ở đâu?”.
Ông Tuyển cười không thành tiếng trả lời: Cắp rổ ra chợ, mua về như những người dân bình thường khác.
Câu trả lời ấy, khiến một vài đại biểu không tin. Họ nghĩ, đời nào một bộ trưởng lại phó mặc sức khỏe của mình cho những thực phẩm bị nhiễm độc. VIP là phải dùng thực phẩm sạch.

Nhưng số đại biểu khác thì tin, vì chính họ muốn tìm mua rau sạch, thịt sạch, thì cũng không biết ở đâu bảo đảm. Giống như chuyện ở vùng cao, có nhiều tiền cũng không thể tiêu, vì chẳng có dịch vụ gì đáng giá.

Không biết hiện nay nhà Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn Cao Đức Phát mua rau, mua thịt ở đâu, nhưng cú “lạnh sống lưng” của ông, cũng cho thấy tình trạng không thể tồi tệ hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Đọc thông tin cơ sở ngâm chuối vào thuốc diệt cỏ 2,4D để bán mà tôi thấy lạnh xương sống. Đây là việc quá độc ác, tôi không thể tưởng tượng được” – ông Phát nói.

Những “việc quá độc” ác tương tự, diễn ra đã rất lâu và hàng ngày, nhưng dường như, cùng với thời gian, mức độ độc ác càng lớn.
Một số kẻ bất lương, thậm chí đã mồi chài cán bộ thú y địa phương, đến từng nhà dân gạ bán loại thuốc tăng trọng, tích nước thần kỳ.
Khi bán, cán bộ thú y đó dặn người mua: Chỉ được cho gà, vịt, lợn uống thuốc trước khi bán đúng 1 tháng nhé. Cho uống mà để hơn 1 tháng mới bán, lợn gà vịt có thể bị chết vì không chịu được sự công phá của thuốc.
Thứ chất độc có thể giết chết gia cầm trong vòng một tháng ấy, sẽ bình tĩnh đi vào cơ thể con người thông qua những bữa cơm có thịt.

Một nhà báo ở một tờ báo điện tử lớn, rất vui mừng vì cạnh căn nhà mới mua của anh ở Gia Lâm, Hà Nội, có một khoảng vườn trồng rau ngải cứu.
Anh vốn rất thích ăn rau ngải cứu với lẩu gà. Trong hai tuần đầu về nhà, anh ăn 3 bữa lẩu gà, dĩ nhiên đi kèm ngải cứu xin được ở vườn bên.
Sang tuần thứ 3, một buổi anh đột ngột về nhà sớm vào giữa chiều. Anh nhìn thấy chủ nhà bơm thuốc đẫm vườn ngải cứu.
Hôm sau anh nhìn qua cửa sổ, hoảng hốt thấy vườn ngải cứu hôm qua mới chỉ cao một gang tay, sáng nay đã cao gần ba gang tay và đang được chủ nhà cắt gọn gàng để chở đến những nhà hàng bán lẩu.
Từ hôm đó, ngải cứu – một loại rau tiêu thụ không nhiều – không bao giờ có trong thực đơn của nhà báo ấy.

Không phải chỉ hàng xóm của anh nhà báo mới đầu độc chính đồng bào mình.
Nhiều người nông dân, khi trồng rau bán, thường chừa ra một khoảng rau riêng biệt để cho chính gia đình họ ăn. Họ không bao giờ dám ăn thứ rau đẫm thuốc bảo vệ thực vật mà họ đem đi chợ bán cho người khác

Mỗi ngày, đọc báo, đều có thể thấy những vụ phanh phui thực phẩm bẩn.

Một khách sạn 5 sao bị phát hiện mua nhân bánh Trung Thu không nguồn gốc ở chợ Đồng Xuân.
Một nhà làm bánh gia truyền khiến người mua phải xếp hàng như thời bao cấp, bị đình chỉ vì chế biến quá bẩn.
Rất nhiều thịt dê thối đã được phát hiện khi người ta tuồn chúng vào một nhà hàng lẩu dê danh tiếng.
Nhiều tấn chân gà đông lạnh cả chục năm, nếu không bị bắt giữ, thì sẽ trở thành món khoái khẩu của bao người.
Có những khu chợ bày cả chục can hóa chất độc hại, hóa chất ướp xác, để bán cho những kẻ chuyên đi đầu độc đồng loại.

Chưa bao giờ con đường từ bữa ăn đến bệnh viện lại trở nên ngắn đến như vậy.

Ở bất kỳ một cơ quan nào, dù to hay nhỏ, mỗi năm, người ta đều nghe tin về một đồng nghiệp, hoặc gia đình họ, có người chết vì ung thư.
Thậm chí, một cơ quan truyền thông lớn ở Hà Nội sau khi thấy quá nhiều nhân viên mắc ung thư đã mời thầy địa lý về xem đất lành hay dữ.

Một bác sĩ chuyên chữa ung thư ở Trung Tâm Y Tế Thái Hà, Hà Nội, thường dặn bạn bè đi Mỹ mua giúp cho anh và gia đình nhiều lọ thuốc thải độc.
Anh bảo: “Thực phẩm bẩn tràn lan thế này, môi trường thế này, không có thuốc thải độc thì rồi kéo nhau vào bệnh viện ung thư cả. Ăn ở đâu bây giờ cũng thấy run”.

Có bao nhiêu người dân Việt được đi Mỹ và có bao nhiêu dân thường đủ tiền mua thuốc thải độc? Chắc chắn rất rất rất ít.

Cái run tay của ca sĩ Trần Lập, cảm giác run của người bác sĩ chữa ung thư và cú “lạnh xương sống” của Bộ Trưởng Phát, mới chỉ là một lời cảnh báo, chứ không phải là thuốc thải độc.

Thế thì ai giải độc cho hàng trăm ngàn người ung thư và hàng triệu bệnh nhân khác mỗi năm?

Tác giả Bùi Hải/ Theo facebook

-------------------

Đầu độc nhau mỗi ngày
(VOV giaothong) – Những mầm mống của vô số bệnh tật được bày bán công khai tại các chợ, cửa hàng, có khi cả ở siêu thị. Người đang đầu độc và bị đầu độc mỗi ngày!
Trên các phương tiện truyền thông hầu như ngày nào chúng ta cũng đọc, nghe những tin tức về chuyện vô số loại lương thực, thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại… Nào là thịt heo siêu nạc nhờ nuôi bằng hóa dược đặc biệt, nào các loại rau củ phát triển nhanh và to lớn bất thường nhờ hóa chất Trung Quốc…

Cà phê pha sẵn, cơm tấm, bánh mì bì…
Trên một trang mạng mới đây, cửa hàng hóa chất Kim Biên post quảng cáo: “Cà phê pha sẵn cho quán: “Siêu tiện lợi, siêu lợi nhuận, thơm ngon nức mũi, giá chỉ 1.300 đồng/ly, quán có thể bán từ 12.000 đồng/ly trở lên. Có ba mùi hương Robusta, Moka và Brasil. Giá 150.000 đồng/bình 5 lít. Mua 10 bình trở lên có chiết khấu”. Kèm theo đó là ảnh những bình cà phê màu nâu trông rất bắt mắt.
Thử tưởng tượng chất nước màu nâu “gọi là cà phê” giá 1.300 đồng khuấy từ hóa chất và đường hóa học đó độc hại như thế nào nếu được tiếp tay bởi những người kinh doanh thiếu lương tâm, bán cho khách để kiếm siêu lợi nhuận. Từ những quán cà phê bình dân vỉa hè đến các quán cà phê mang đi mọc khắp nơi trong TP trong vài năm gần đây, cái giá 12.000 đồng/ly theo gợi ý của quảng cáo trên là giá gần như mặc định của các quán loại này ở TP.HCM. Hàng vạn thanh niên mỗi sáng vẫn ngồi quán cà phê, nếu uống loại “cà phê” pha sẵn này, chuyện gì sẽ xảy ra cho sức khỏe họ mai sau? Ở đây không nói đến những quán bán cà phê rang xay nghiêm túc. Kể cả những quán cóc bình dân tuy bán cà phê pha bắp, đậu nành rang nhưng dẫu sao mức độ độc hại cũng không đáng gì so với các loại “cà phê pha hóa chất” nói trên.
Tại các quán cơm tấm, món cơm tấm bì chả rất được ưa chuộng nhưng ít người biết rằng món bì – tức da heo xắt sợi mỏng trắng giòn đó có khi được chế biến từ những da heo hôi thối bốc mùi, được ngâm tẩy rửa bằng thứ hóa chất độc hại để trở thành món bì heo khoái khẩu! Nhiều bài phóng sự đã viết về những đầu nậu chuyên thu gom da heo hôi thối về ngâm vào những thùng phuy hóa chất tẩy trắng, xắt sợi rồi chở đi bỏ mối các quán cơm tấm, xe bánh mì khắp TP…
Tuy nhiên, trong đời sống thị dân tất tả cơm áo vẫn có nhiều người không chạy theo lợi nhuận, dù nghèo vẫn quyết giữ lương tâm trong sạch. Như chị bán bánh mì trước cổng trường đầu ngõ nhà tôi. Chị không mua bì, nem chả có hàn the người ta đem đến bỏ mối, mà chị tự làm hết các nguyên liệu để bán cho bọn trẻ, học sinh. Chị bảo chúng như con mình, nó ăn mấy thứ độc hại mai mốt sinh bệnh tội nghiệp.

“Công nghệ chế biến” siêu đẳng
Chúng ta vẫn thường nghe nói hoặc đọc trên báo chuyện rau muống mỗi ngày lớn lên cả gang tay, giá sống chỉ qua một đêm đã mập ú, dài cả tấc. Nhưng trăm nghe không bằng một thấy. Một lần bản thân tôi chứng kiến một chuyện như phép màu: Hôm đó tôi đi xe đêm từ Huế ra Hà Nội, lúc xe mới chạy tôi thấy một chị xách một cái bao tải loại trung bình lên xe. Vì có cái bao nên chị xin phụ xe cho chị ngồi băng sau cùng, bảo đem ít dưa chuột ra Bắc cho bà con. Xe chạy suốt đêm, gần sáng tôi thấy chị thay cái bao khác lớn hơn, chị đổ đống dưa đó qua. Trời ơi, mới một đêm mà dưa lớn gần gấp đôi. Thấy tôi thắc mắc, chị nói thiệt là có bỏ chút hóa chất cho dưa lớn ra ngoài ấy bán kiếm tiền xe!
Điều rất lạ là sức chịu đựng của người TP giỏi thiệt. Ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, rồi thực phẩm độc hại tràn ngập khắp nơi nhưng người đô thị vẫn bình chân như vại. Một thái độ sống đáng khâm phục. Hỏi những bà nội trợ về chuyện mua sắm đồ ăn thức uống, câu trả lời thường là “biết sao bây giờ”, vì biết mua nơi nào cho chắc an toàn thực phẩm. Nhất là những gia đình lao động nghèo, đâu có điều kiện, thời gian tìm mua thực phẩm an toàn nên phải “sống chung với thực phẩm độc hại” thôi! (Theo: Phapluattp.vn)

*
*
Việt Nam lọt top 5 quốc gia xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất

(khoahoc.tv) – Rác thải nhựa không chỉ gây thiệt hại môi trường, mà còn gây ảnh hưởng lớn lên kinh tế và sức khỏe con người.

Việt Nam là một trong những nước xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất
Theo một nghiên cứu được công bố hồi đầu năm nay, mỗi năm các đại dương trên thế giới đang phải hứng chịu từ 8 đến 9 triệu tấn rác thải nhựa. Con số này cao hơn 33 lần so với các dự đoán trước đây.
Có tới hơn phân nửa số rác thải này đến từ 5 quốc gia châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc với 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 30%. Theo sau Trung Quốc lần lượt là Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka.
Đồng thời, trong nhóm các quốc gia phát triển thì chỉ có Mỹ là nằm trong top 20 với khoảng 77,000 tấn, tương đương gần 1% tổng số rác thải nhựa đổ ra biển.
Như vậy, có thể thấy rằng quy mô kinh tế và mức độ tiêu dùng chỉ là một phần yếu tố quyết định mức độ gây ô nhiễm biển. Điểm quan trọng nhất ở đây chính là việc thu gom, xử lý và tái chế rác thải, điều mà các quốc gia đang phát triển thường hay bỏ ngỏ. Trong khi đó, lượng nhựa được tiêu thụ hàng năm tại châu Á đang được dự kiến sẽ tăng tới 80% trong 10 năm tới, vượt ngưỡng 200 triệu tấn vào năm 2025.

Cái giá của ô nhiễm
Có một điều hết sức đáng sợ là khi đã lọt ra biển thì rác thải nhựa có thể cần tới hơn 400 năm để phân hủy. Vì thế, có tới hơn 90% lượng rác trôi nổi trên mặt biển là rác thải nhựa. Theo kịch bản xấu nhất mà tổ chức bảo tồn Ocean Conservancy và công ty tư vấn McKinsey dự báo, tới năm 2025 trên các đại dương khắp thế giới cứ có 3 tấn cá thì sẽ có 1 tấn rác thải nhựa.
Khi đó, rác thải nhựa không chỉ gây thiệt hại về môi trường, mà còn gây tổn thất lớn cho cả kinh tế lẫn sức khỏe người dân. Về phương diện kinh tế, một bản báo cáo của khối APEC đã cho thấy rác thải biển đang gây thiệt hại gần 1,3 tỷ USD mỗi năm cho các quốc gia trong khối.
Về phương diện sức khỏe, các nghiên cứu y khoa đã cho thấy một khi các loài cá ăn phải các hạt nhựa trôi nổi trên biển, chúng sẽ mắc phải bệnh gan và chết nhanh hơn bình thường. Nguyên nhân dẫn tới điều này là do các hạt nhựa thường chứa các chất độc hại như hợp chất chống cháy và PCB.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy có tới 28% số cá được bán trong các chợ ở Indonesia và 25% số cá trong các siêu thị ở California (Mỹ) có chứa rác thải bên trong cơ thể. Và một khi con người ăn vào các loại cá như vậy, thật không khó để hình dung tác hại ghê gớm và lâu dài lên sức khỏe.

Cần phải hành động ngay từ hôm nay
Theo báo cáo của Ocean Conservancy và McKinsey, nếu 5 quốc gia đang dẫn đầu về việc xả rác thải nhựa ra biển bắt đầu hành động ngay từ hôm nay, các nước này có thể giảm được tới 65% lượng rác thải trước năm 2025, từ đó làm giảm tới 45% tổng lượng rác thải toàn cầu.
Theo đó, Việt Nam có thể bắt đầu khắc phục vấn đề xả rác thải nhựa ra biển bằng cách tăng cường đầu tư cho 4 giải pháp: mở rộng mạng lưới thu gom rác, giảm thiểu việc rò rỉ từ các bãi rác, đốt rác để sản xuất điện và sau cùng là xây dựng các cơ sở tái chế.
Hiện tại, Việt Nam đã đạt được tỷ lệ thu gom chất thải rắn khá cao tại các đô thị (từ hơn 80% tới gần 100%). Tuy nhiên, tại các khu vực ngoại thành và nông thôn, nơi hơn 2/3 dân số Việt Nam đang sinh sống, thì con số này vẫn còn rất khiêm tốn (từ 40 tới 60%). Việc phát triển mạng lưới thu gom tại những khu vực này, cũng như quản lý hiệu quả các bãi rác, chắc chắn sẽ góp phần làm giảm đáng kể lượng rác thải xả ra các kênh và sông rồi từ đó trôi ra biển.
Ngoài ra, việc đốt rác nhựa để sản xuất năng lượng cũng được Ocean Conservancy và McKinsey đánh giá là một giải pháp hợp lý về mặt kinh tế cho Việt Nam, nếu như sử dụng các công nghệ đốt rác tiên tiến bảo đảm được các tiêu chuẩn về an toàn khí thải. Theo đó, rác thải nhựa có thể trở thành một nguồn nhiên liệu thay thế cho than đá trong ngành công nghiệp xi măng. Điều này có thể làm giảm bớt gánh nặng năng lượng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang bắt đầu phải nhập khẩu than.




No comments: