Bùi
Quang Vơm
Chủ nghĩa cộng
sản không tồn tại
Đảng cộng sản nói chung và đảng cộng sản
Việt Nam nói riêng tất yếu phải thay đổi hoặc tiêu vong, nếu thực sự
cái mục tiêu lý tưởng mà nó theo đuổi là xã hội cộng sản chủ
nghĩa chỉ là một ảo ảnh không có thực.
Để hiểu Chủ nghĩa cộng sản có thực tồn tại
hay không, trước hết phải xem chủ nghĩa cộng sản là gì. Đây là vấn
đề có tính lý thuyết lớn, đụng tới lý do ra đời và tồn tại của cả
một phong trào cách mạng thế giới, trong lịch sử đã có lúc là một
nửa nhân loại. Với phạm vi một bài báo, chúng ta sẽ chỉ xem xét nó
trên một vài đặc trưng và cố gắng diễn giải nó một cách ngắn gọn.
Theo Mác, Ănghen và sau này được Lênin tiếp
tục phát triển, chủ nghĩa cộng sản, hay xã hội cộng sản là giai
đoạn phát triển cuối cùng trong tiến trình phát triển của xã hội
loài người, là giai đoạn tiếp theo của sự phát triển tột bậc của
chủ nghĩa tư bản.
Vì là giai đoạn tiếp theo giai đoạn phát
triển tột bậc của chủ nhĩa tư bản, nên chủ nghĩa cộng sản thừa
hưởng nền đại sản xuất công nghiệp đạt tới một năng suất lao động
đủ cao để bảo đảm “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.
Khi đạt tới mức phát triển tột cùng, khi mà
của cải xã hội dã dồi dào tới mức vượt xa nhu cầu, chủ nghĩa tư
bản sẽ tự chuyển hóa thành xã hội cộng sản, hoặc sẽ bị tiêu diệt
theo một cách khác, mâu thuẫn giữa chủ sở hữu tư nhân và lực lượng
lao động vô sản, tại thời điểm này đã phát triển tới cực điểm, dẫn
đến cuộc cách mạng vô sản lật đổ tiêu diệt chính quyền của chủ
nghĩa tư bản, thiết lập nên xã hội cộng sản chủ nghĩa, là một xã
hội không còn sở hữu, sản phẩm không còn tính hàng hóa, không thị
trường, không tiền tệ, không nhà nước, không cảnh sát, không quân đội,
không pháp luật, không tòa án.
Xét về mục tiêu, xã hội cộng sản là một xã
hội mang tính nhân đạo, tất cả là của chung, tất cả đều miễn phí,
không còn bóc lột, không còn khác biệt hưởng thụ, không có chiến
tranh, không có mâu thuẫn đối kháng, không có cưỡng bức, tất cả là
tự nguyện, là đồng thuận…
Nhưng mô hình tổ chức của nó, cơ chế vận
hành của nó được xây dựng một cách tưởng tượng trên các căn cứ không
tưởng, vô định, phản bội lại chính những nguyên lý của biện chứng
lịch sử, một trong ba trụ cột của học thuyết Mác-xit.
1- Duy vật biện chứng Mácxít nói, thế giới
là sự thống nhất của các mặt đối lập. Các mặt đối lập xung đột,
đấu tranh giành giật, tiến tới thủ tiêu lẫn nhau. Đó là động lực
của phát triển, của tiến hóa. Ở xã hội cộng sản không còn tồn tại
mâu thuẫn đối kháng, nghĩa là không còn động lực phát triển, tất cả
đều dừng lại. Xã hội sẽ đông cứng như trạng thái chết nhiệt vũ
trụ. Bản thân xã hội sẽ hết năng lượng và tự sụp đổ vào trong như
một ngôi sao chết, một lỗ đen.
2- Quy tắc làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu
là một quy tắc không tưởng, vì nhu cầu không có giới hạn, và không
có điểm dừng. Cầu sinh ra cung, nhưng cung lại sinh tiếp ra cầu, để
lại sinh ra cung mới, rồi cung mới lại đẻ ra nhu cầu mới, một loại
phản ứng dây chuyền nhiệt hạch, cứ thế tới vô cùng. Tại một thời
điểm nhất định sau một chu trình sản xuất nhất định, cho dù năng
suất lao động cao bao nhiêu, số lượng của cải tạo ra cũng là một con
số cố định, ít nhất trong suốt thời gian của chu trình sản xuất
tiếp theo, trong khi nhu cầu của mỗi con người, nhu cầu tổng thể của
cả hệ thống xã hội là động và vô hạn, mâu thuẫn này tất yếu làm
xã hội tan vỡ.
3- Xã hội không sở hữu cũng là một quy tắc
phản biện chứng. Sở hữu là thuộc tính tạo hóa của con người. Một
trong những khái nệm có ý thức đầu tiên, khi bắt đầu tách khỏi giới
động vật trong quá trình tiến hóa của loài người là khái niệm sở
hữu. Các nhà nhân chủng học đã chứng minh từ “của tôi” là một trong
những từ đầu tiên của con người khi hình thành tiếng nói. Không ai có
thể hình dung một xã hội mà trong đó không còn tồn tại khái niệm
“của tôi”, “của anh”. Mọi loại quan hệ sẽ rối loạn, đổ vỡ.
4- Thủ tiêu sở hữu để từ đó thủ tiêu giai
cấp chỉ thực hiện được đối với các tư liệu vật chất hữu hình,
thông qua công hữu hóa hoặc quốc hữu hóa bằng quyền lực chuyên chính,
nhưng khi tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội là tri thức, là sản
phẩm trí tuệ là loại tư liệu phi vật chất và vô hình, thì Nhà nước
bất lực. Tư liệu sản xuất của nền kinh tế tri thức không thể quốc
hữu hóa, công hữu hóa. Sở hữu trí tuệ là sở hữu tạo hóa. Chỉ có
đấng Tạo hóa mới có quyền lực đối với nó. Vì vậy mà sản phẩm
hàng hóa của nền kinh tế tri thức là sở hữu tư nhân bất khả tước
đoạt. Mô hình xã hội cộng sản buộc phải phá sản. Điều này phản
ánh tư duy chết cứng của cả Mác và Lênin. Trong tiềm thức của các
ông, kinh tế hàng hóa của chủ nghĩa tư bản chỉ và chỉ có từ nền
sản xuất đại công nghiệp. Các ông không thể hình dung rằng, chỉ sau
hơn một thế kỷ, nền kinh tế sản xuất công nghiệp chỉ còn chiếm
khoảng 25%-30%, kinh tế tri thức và dịch vụ đã chiếm 65%-75% tổng GDP
ở các nước công nghiệp phát triển, và có xu hướng chắc chắn tăng
nhiều hơn nữa. Xã hội cộng sản liệu có hiện thực khi chỉ công hữu
hóa được không quá 30% sản phẩm xã hội?
Như vậy, xã hội cộng sản chủ nghĩa không thể
có thực. Nó chỉ như một thứ chuyện cổ tích thần thọai phản ánh
ước nguyện của con người ở tình trạng bất lực.
Karl Marx là người phá hoại và kéo lùi lịch
sử. Luận điểm cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác là luận điểm mâu thuẫn
giữa lực lượng sản xuất có tính chất xã hội hóa ngày càng cao với
quan hệ sản xuất dựa trên sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đối với tư
liệu sản xuất, dẫn đến sự kìm hãm của sức sản xuất. Mâu thuẫn
tích tụ giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản tất yếu dẫn đến
cuộc cách mạng bạo lực, lật đổ chính quyền của chủ nghĩa tư bản.
Theo Mác, đó chính là là động lực cơ bản của phát triển.
Luận điểm này sai, rất sai, sai một cách cơ
bản. Bản chất thuộc tính tự nhiên của hoạt động loài người là tìm
kiếm lợi ích. Bản chất của hoạt động kinh tế là lợi nhuận. Chính
lợi ích và sau này là lợi nhuận mới là động lực tự nhiên của phát
triển.
Trong suốt chiều dài tiến hóa của xã hội
loài người, bất kể biểu hiện bên ngoài dưới hình thái kinh tế-xã
hội nào, cốt lõi xuyên suốt vẫn luôn là tìm kiếm, theo đuổi lợi
nhuận, dưới vô số hình thức khác nhau. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản
xuất và quan hệ sản xuất theo cách gọi của Mác là mâu thuẫn giữa
người lao động và chủ sở hữu lao động, chỉ là mâu thuẫn trong phân
chia sản phẩm, phân chia kết quả hay chính xác là phân chia lợi nhuận
thu được từ quá trình sản xuất. Mâu thuẫn giữa lao động và chủ sở
hữu luôn tồn tại, nhưng không phải là mâu thuẫn đối kháng theo quan
điểm của Mác, vì cả hai đều có lợi ích gắn với kết qủa cuối cùng
của sản xuất, tức là gắn với lợi nhuận cuối cùng, ngôn ngữ kinh tế
hiện đại goị là lợi nhuận ròng. Nếu phân chia thiên quá về phía
chủ, người lao động bị tước đoạt bất công sẽ không còn động cơ tăng
năng suất, nghĩa là giảm lợi nhuận cuối cùng. Nhưng nếu phân chia
thiên quá về phía người lao động, lợi nhuận cuối cùng giảm làm mất
khả năng tái đầu tư mở rộng, sản xuất không phát triển, sinh
ra thất nghiệp, giảm trực tiếp tới thu nhập của người lao động
và trật tự xã hội.
Vì vậy, Phân chia thụ hưởng hợp lý trên nguyên
tắc đảm bảo tối ưu lợi nhuận cuối cùng là luận điểm có ý nghĩa
cách mạng căn bản.
Học thuyết sai lầm về mâu thuẫn của Mác đã
chia thế giới, chia xã hội loài người thành hai phe đối kháng có nhu
cầu phủ định, tiêu diệt lẫn nhau, chính là nguồn gốc của chiến
tranh, của phân hóa và hận thù. Ông còn nói, “Lịch sử phát tiển của
xã hội loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp”. Có thể suy ra
rằng theo ông, Chiến tranh là tất yếu, hay chiến tranh cũng là động
lực của tiến hóa. Về mặt nào đó, chủ nghĩa Mác là nguyên nhân gây
xáo trộn trật tự thế giới, phá huỷ nền tảng vật chất và làm chậm
tiến trình phát triển của xã hội loài người. Sau khi ông “đi”, thế
giới chứng kiến hai cuộc chiến tranh chưa từng có trước đó, và suốt
80 năm, thế giới bị chia thành hai nửa đối kháng nhau, mâu thuẫn với
nhau, để tích tụ dần cho “đủ lượng” để “biến đổi về chất”, thành
cuộc chiến thứ ba, tiêu huỷ hoàn toàn sự sống trên mặt Địa cầu.
Có thể tin được một thứ chủ nghĩa như vậy
không?
Luận điểm về Nhà nước của chủ nghĩa Mác
Lênin là một sai lầm.
Theo phương pháp luận của cả Marx và Lênin, Nhà
nước là sản phẩm của xã hội có giai cấp. Khi tồn tại phương thức sản xuất
bóc lột nó bảo vệ lợi ích giai cấp bóc lột, khi xóa bỏ giai cấp và tư hữu, thì
Nhà nước tự diệt vong. Nhà nước vô sản là công cụ chuyên chính của giai
cấp vô sản để trấn áp mọi sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản và
củng cố thành quả của cách mạng vô sản. Vì vậy Nhà nước đương nhiên
phải có tính giai cấp. Trong xã hội do một đảng chính trị cầm
quyền, nhà nước phải có tính đảng, phải là công cụ của đảng, có
chức năng bảo vệ đảng và chính quyền của đảng.
Đây là luận điểm không đúng. Khi biến thành
công cụ trong tay một giai cấp, Nhà nước tự nó đã không còn tính
chính danh nữa, vì bản chất của nhà nước là Trung tính.
Khi xã hội nguyên thủy phát triển tập trung
dần thành cộng đồng, những va chạm dân sự, những xung đột lợi ích
trở nên phổ biến và phức tạp tới mức không thể tự thương lượng, dẫn
tới nhu cầu phân xử thông qua một trọng tài trung gian. Trọng tài ban
đầu chỉ là một cá nhân có uy tín được cả các bên xung đột chấp
nhận và cam kết tuân thủ phán xử. Đó là quyền lực hợp thức của
trọng tài. Chỉ cần một trong các bên xung đột, tranh chấp không thừa
nhận, vai trò trọng tài và phán xét không còn giá trị hiệu lực.
Cùng với sự phát triển xã hội, quy mô xung đột, tính chất xung đột
lớn và phức tạp dần đòi hỏi trọng tài có quy mô tăng dần từ vài
người thành một nhóm, rồi trở thành một tổ chức, một cơ quan chuyên
nghiệp, tách ra khỏi sinh họat của số đông còn lại. Đây là hình thức
ban đầu của nhà nước với chức năng nguyên thuỷ là trọng tài phân xử
và hoà giải các xung đột trong xã hội. Ở Trung Quốc tới tận thế kỷ
thứ ba sau công nguyên (nhà Hán năm 220- 280), công việc của một quan tri
huyện vẫn chỉ duy nhất là việc xử các vụ kiện cáo trong dân.
Quyền lực của nhà nước dựa trên uy tín chính trị và sự uỷ thừa
quyền trực tiếp của dân chúng.
Cùng với sự phát triển và hoàn thiện dần
của tiến hóa xã hội, nhà nước trở thành bộ máy quản trị kinh tế
hành chính, nhưng chức năng chính của nó vẫn là trung gian điều phối,
hoà giải các xung đột kinh tế và dân sự. Điều phối và hoà giải
trong lĩnh vực kinh tế chính là điều hoà các xung đột xảy ra giữa
các tác nhân kinh tế, trên nguyên tắc hợp lý và đảm bảo lợi ích bao
trùm của tổng thể cộng đồng, nghĩa là trên nguyên tắc đảm bảo lợi
ích của các bên xung đột trên nguyên tắc kiến tạo tăng trưởng và phát
triển ổn định. Điều phối và hoà giải các xung đột dân sự chính là
đảm bảo an toàn, đạo đức, kỷ cương và trật tự xã hội.
Như vậy Nhà nước luôn là và phải luôn là một
cơ quan trung tính, chuyên nghiệp và phi chính trị. Trong xã hội dân
chủ hiện đại, khi chính quyền nhà nước có thể luân chuyển qua tay
các chính thể khác nhau, luân phiên nắm giữ, tuỳ thuộc kết quả bầu
cử, bộ máy nhà nước vẫn không thay đổi chức năng và xáo trộn về
kết cấu.
Nhà nước có tính giai cấp và mang tính đảng
theo tư tưởng Lênin, sử dụng công cụ bạo lực chuyên chính để trấn áp
các đối kháng chính trị, các khác biệt tư tưởng là một nhà nước
cai trị, đối lập lợi ích với số đông bị trị, là nhà nước phản
tiến bộ.
Quá độ là gì?
Quá độ là chuyển tiếp. Theo các tài liệu lý
luận của đảng thì Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thời kỳ
chuyển tiếp từ một hình thức xã hội trước xã hội chủ nghĩa, có
thể là chế độ sơ khai tư bản chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa phát
triển, nhằm hoàn thiện những điều kiện cuối cùng để đi lên xã hội
chủ nghĩa.
Định nghĩa này cho thấy, khi chấp nhận kinh
tế thị trường, không phải đảng cộng sản thừa nhận tính ưu việt của
chủ nghĩa tư bản, mà chỉ lợi dụng sự năng động và tính hiệu qủa
của kinh tế thị trường để tạo dựng gấp rút nền móng hạ tầng kỹ
thuật cho nền sản xuất công nghiệp hiện đại cần cho qúa trình xây
dựng chủ nghĩa xã hội trong tương lai.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ
quá độ 1991 ghi “Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh
phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các
lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu
dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan
xen”. Đây là một luận đề nhằm chính danh hóa chủ trương chấp nhận
hình thức kinh tế tư bản trong một thời gian nhất định, hòng cứu vãn
nguy cơ sụp đổ, nhưng “vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ
nghĩa”.
Nội dung của thời kỳ quá độ được ghi trong
cương lĩnh 1991 là Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra
sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định
hướng xã hội chủ nghĩa.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói có lẽ
phải đến giữa thế kỷ này mới kết thúc giai đoạn qúa độ.
Như vậy, nội dung của thời kỳ quá độ gói
gọn lại là xây dựng nền công nghiệp hiện đại bằng sức mạnh của kinh
tế thị trường. Nhưng nền công nghiệp hiện đại bao gồm những gì, chưa
có ai trong lãnh đạo đảng nói ra, chưa ở đâu, chưa nơi nào, chưa tài
liệu nào đề cập.
Như vậy, đến giữa thế kỷ này, nghĩa là bắt
đầu vào khoảng 35 năm nữa, giai đoạn quá độ sẽ kết thúc, cơ sở kỹ
thuật của chủ nghĩa xã hội đã hình thành, thị trường cùng với kinh
tế tư nhân tư bản chủ nghĩa bắt đầu hết vai trò, bắt đầu quay lại
là kẻ thù của cách mạng, sẽ dần dần phải biến mất. Một chiến
dịch tước đoạt dưới danh nghĩa công hữu hóa sẽ lại được chuẩn bị.
Tất cả các loại hình kinh tế ngoài nhà nước, bất kể là kinh tế tư
nhân tự sản tự tiêu, bất kể là kinh tế gia đình, bất kể là doanh
nghiệp cá thể hay cổ phần, bất kể tiểu chủ hay tiểu thương, buôn bán
nhỏ hay đại gia tập đoàn tư nhân, tất cả sẽ lần lượt bị nhà nước
ép giá mua lại, hoặc bằng công tư hợp doanh, bằng sáp nhập liên doanh,
bằng quốc hữu hóa, bằng trưng thu, trưng mua, thậm chí bằng cả tịch
biên v.v… sẽ chỉ còn kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể do nhà
nước chỉ đạo quản lý là tồn tại. Sẽ là cuộc cách mạng vô sản lần
nữa. Và sẽ lặp lại lần nữa một cuộc thảm sát kinh hoàng, một thảm
họa.
Đó có thể chỉ là một kịch bản tưởng tượng.
Nhưng cũng rất có thể nó đã có sẵn trong đầu các uỷ viên bộ chính
trị, nhất là trong đầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ bút của
Cương lĩnh 2011, bổ sung và phát triển cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ông là người chỉ ra đến
giữa thế kỷ này phải xong giai đoạn quá độ và cũng là người mong
muốn đến cuối thế kỷ này sẽ có xã hội chủ nghĩa hoàn thiện trên
đất Việt Nam, chắc chắn trong đầu ông đã hình thành một kế hoạch
nào đó.
Ông Trọng ạ, đừng, đừng làm cái điều
tôi đã tưởng tượng ra trong cơn hoảng loạn trên kia, tôi xin ông. Tôi
hiểu ông có một niềm tin sắt đá vào sự tốt đẹp một xã hội cộng
sản. Khoan hãy quy tội đó là một niềm tin mù quáng. Hãy nghĩ rằng
chính niềm tin sắt đá đó chứng minh ông là một người lương thiện và
có lòng phục thiện. Chỉ xin ông đừng để cho cái sắt đá trong đầu ông
biến trái tim ông thành gỗ đá vô cảm.
Hơn tám mươi năm các ông cầm quyền, nước Việt
Nam đi qua ba cuộc chiến tranh, 9 năm chống Pháp, 10 năm chống Mỹ, 3 năm
trực tiếp nồi da nấu thịt, cốt nhục tương tàn, một cuộc cải cách
ruộng đất, hai lần đổi tiền, gần 10 năm hợp tác hóa, hai lần cải
tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Ông hãy thử hình dung. Có bao
nhiêu đồng bào của ông bị chết tan xương nát thịt vì bom đạn. Có bao
nhiêu chàng trai, cô gái ngây thơ, vô tội bị chôn vùi trên mọi ngóc
ngách, mọi nẻo đường của đất nước mà không hiểu vì sao, cho cái gì.
Có bao gia đình tan nát, cha mất con, vợ mất chồng, anh em ly tán, loạn
lạc trên hai tuyến đối đầu gí súng vào đầu nhau mà bắn. Có bao nhiêu
cuộc đời tới hai lần chạy trốn các ông, bốn chục năm tha hương vẫn
chưa có đường về. Có bao nhiêu người gửi thân dưới đáy biển mênh mông.
Có bao nhiêu mồ hôi nước mắt bị các ông tước đoạt. Bao nhiêu mồ mả
bị các ông đào xới…Có bao nhiêu oan hồn còn không có nơi trôi
dạt…
Đừng, đừng một lần nữa lại làm ra cuộc thảm
sát. Với tất cả danh dự của một con người, tôi cầu xin ông. Cũng như
tôi, như tất cả, rồi các ông cũng sẽ phải ra đi, hãy để lại chút ít
phúc đức cho con cháu các ông. Và hãy cầu mong khi xuôi tay, chúng ta
đều có thể bình an nhắm mắt.
(phần hai còn tiếp)
*
*
Bùi Quang Vơm
Posted by adminbasam on
11/03/2016
5-
Có mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không?
Mặc dù đổi mới được cho là bắt đầu từ Đại
hội VI năm 1986, nhưng thuật ngữ kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa mãi tới đại hội IX năm 2001 mới xuất hiện, trong văn kiện
của đảng. Suốt thời gian dài 15 năm là sự vật vã, giằng co về nhận
thức. Thị trường bị hiểu là đặc trưng của riêng chủ nghĩa tư bản.
Chấp nhận thị trường là chấp nhận tư bản chủ nghĩa, phản bội lý
tưởng xã hội chủ nghĩa, phản bội chủ nghĩa Mác Lênin. Vì vậy, Đại
hội VIII tháng 6 năm 1996 xác định:
– Kinh tế thị trường không phải là cái riêng
có của chủ nghĩa tư bản mà là thành tựu phát triển chung cuủa nhân
loại.
– Kinh tế thị trường tồn tại khách quan trong
thời kỳ qúa độ lên chủ nghĩa xã hội.
– Cần thiết sử dụng kinh tế thị trường để
xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Đây là bước đệm về nhận thức để đến Đại
hội IX năm 2001, kinh tế thị trường chính thức được thừa nhận là một
chỉnh thể kinh tế, nhưng được ghép thêm cái đuôi Định hướng xã hội
chủ nghĩa để khẳng định đảng cộng sản Việt Nam không phản bội chủ
nghĩa Mác Lênin, không đi chệch sang con đường phát triển tư bản chủ
nghĩa.
Báo cáo chính trị đại hội IX ghi rõ:
“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có
nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ
vai trò chủ đạo.kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền
tảng vững chắc. Chế độ sở hữu công cộng (công hữu) về tư liệu sản xuất chủ yếu
từng bước được xác lập và sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối khi chủ nghĩa xã hội được
xây dựng xong về cơ bản”.”
15 năm sau, Báo cáo chínhn trị đại hội XII,
tháng 01 năm 2016 vẫn xác định “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của
nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Thống nhất nhận thức nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy
luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù
hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện
đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh”; có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp vối trình độ
phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần
kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một
động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Tại sao như vậy, tại sao suốt 30 năm, đảng
cộng sản Việt Nam vẫn không hiểu được, hay cố tình không hiểu bản
chất không tưởng của chủ nghĩa xã hội và hai khái niệm Thị trường
và Chủ nghĩa xã hội là hai khái niệm không thể trộn lẫn. Để hiểu
điều này, cần nhắc lại một chút.
– Kinh tế xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế
kế hoạch hóa tập trung. Nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế kế hoạch
hóa là nguyên tắc cân đối giữa nguồn lực và các mục tiêu xã hội.
Các mục tiêu xã hội được xác định một cách chủ quan và duy ý chí
cho từng giai đoạn, thường là 5 năm, và được thể hiện trên các văn
kiện của Đại hội đảng, như bác cáo chính trị và nghị quyết Đại
hội. Căn cứ trên các mục tiêu được chi tiết hóa bằng những chỉ tiêu
kinh tế xã hội, Chính phủ lập ra kế hoạch thực hiện, dựa trên tài
nguyên quốc gia, các nguồn lực xã hội và năng lực sản xuất của nền
kinh tế mà nhà nước là chủ sở hữu duy nhất. Sản phẩm tạo ra từ
nền kinh tế được phân phối hoàn toàn cho nhu cầu xã hội, vì vậy
không có tính hàng hóa. Về lý thuyết, đây là sự cân đối khép kín
từ sản xuất tới tiêu thụ. Không có thị trường, hệ thống giá chỉ có
tính quy ước, do chính phủ tự đặt ra. Tất cả chỉ là thực hiện các
chỉ tiêu đã được kế hoạch hóa từ trước.
– Kinh tế thị trường là nền kinh tế trong đó
mọi hoạt động kinh tế đều phải tuân thủ các quy tắc phát sinh từ
các quy luật của thị trường, đó là luật cung-cầu, luật cạnh tranh
và quy luật lợi nhuận. Điều kiện để một nền kinh tế được gọi là
kinh tế thị trường cần có:
1- kinh tế hàng hóa, trao đổi hàng hóa
là nhu cầu thiết yếu, là một cơ chế không thể thiếu.
2- sở hữu cá thể, là quyền tối cao của chủ sở hữu trong quan hệ trao đổi.
3- tự do cá nhân, là quyền tự chủ tối cao và tuyệt đối của mọi tác nhân kinh tế trong các quyết định kinh tế.
2- sở hữu cá thể, là quyền tối cao của chủ sở hữu trong quan hệ trao đổi.
3- tự do cá nhân, là quyền tự chủ tối cao và tuyệt đối của mọi tác nhân kinh tế trong các quyết định kinh tế.
Rõ ràng hai mô hình trên là hai mô hình
đối kháng, loại bỏ lẫn nhau, nhưng sau 30 năm , cả hệ thống Hội đồng
lý luận TW cộng với bộ máy Tuyên giáo, có đến hàng trăm giáo sư
tiến sĩ, vẫn không thể đưa ra được lời giải thích. Trả lời thắc mắc
của các cán bộ lãnh đạo tỉnh, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh, ngày 3/5/2014, Bộ trưởng bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh
nói:“Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ
đó mà đi tìm”.
Như vậy, ở đây có điều gì bí ẩn. Một điều
gì đó đang được cố che giấu. Kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa.
Nếu định hướng có nghĩa là hướng tới, thì
chúng ta sẽ hỏi, kinh tế thị trường hướng tới xã hội chủ nghĩa là
thế nào. Nếu ở đây, hai chữ “định hướng” cuả đảng hàm ý đảng sẽ
biến Thị trường dần dần thành Xã hội chủ nghĩa. Có nghĩa những
đặc trưng của kinh tế thị trường, như sở hữu tư nhân sẽ dần dần trở
thành sở hữu nhà nước, kinh tế tư nhân, tư bản sẽ bị thủ tiêu. Như
vậy, chủ trương kinh tế đa thành phần, đa sở hữu chỉ là một cái
bẫy, là sự lừa đảo, chỉ là việc “nuôi cho béo”, nhằm rút kiệt sức
dân cho mục tiêu xây dựng nền móng của chủ nghĩa xã hội trong giai
đoạn quá độ. Đảng không nói sau thời kỳ quá độ này, đảng sẽ quay
lại thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp như thế
nào. Đây còn là một bí mật. Vì nếu xảy ra như cái kịch bản tưởng
tượng ở mục 4 trên kia, thì dù không biết có máu chảy hay không, chắc
chắn là có nhiều nước mắt.
Có khả năng thứ hai, chữ “định hướng” không
có nghĩa là “quá độ”, tức là không có chuyện quay về con đường xã
hội chủ nghĩa. Đảng cộng sản thừa nhận nền kinh tế thị trường như
một định chế của chế độ, một nền kinh tế thị trường đích thực và
đầy đủ như mọi nền kinh tế thị trường trên thế giới. Có nghĩa là
đảng cộng sản Việt Nam thừa nhận sở hữu cá thể và tự do cá nhân
một lần cho suốt đời. Chữ “định hướng” hàm ý điều chỉnh khuyết tật
của nền kinh tế thị trường tự do thuần tuý để hướng tới các mục
tiêu nhân đạo của xã hội. Như vậy, Thị trường sẽ là nơi làm ra của
cải, vì đúng với sở trường là năng động và hiệu quả, dưới tác
động của cạnh tranh và lợi nhuận, Thị trường sẽ là một đảm bảo
tốt nhất cho việc tạo ra lượng của cải nhiều nhất. Phúc lợi sẽ
được phân phối và tái phân phối cho các mục tiêu nhân đạo của xã
hội, tạo ra sự cân đối hài hoà cho toàn bộ xã hội trên nguyên tắc
công bằng, đồng thuận và đảm bảo tăng trưởng. Ở giữa Thị trường và
Xã hội là Nhà nước.
Đây là mô hình mà bộ trưởng Bùi Quang Vinh
đang tìm. Nhưng bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam không biết có
thực lòng muốn tìm không, vì nó đang tồn tại không ở đâu xa, trong khi
cả bộ máy lý lận đảng tìm suốt 30 năm không thấy. Đó là một nghịch
lý, khiến người ta tự hỏi, hoặc trí tuệ đảng có vấn đề, hoặc đảng
đang cố tình lừa dối dân chúng.
Mô hình này là mô hình gọi là “Thị trường
xã hội” là thể chế kinh tế phổ biến ở gần như tất cả các nước
phát triển nhất ở châu Âu lục địa già. Đặc biệt ở các nước bắc Âu,
như Thuỵ điển, Na uy, Phần Lan, Đan mạch, Đức, Bỉ Luxembourg, Pháp, Anh.
Ở những nước này, quyền con người và tự do cá nhân là nguồn gốc và
cũng là mục đích của Luật pháp và của mọi chính sách kinh tế xã
hội. Có nghĩa là Thị trường được bảo hộ để phát triển tối ưu, và
xã hội được thụ hưởng xứng đáng nhất các hiệu quả của tăng trưởng
kinh tế.
Có gì là mâu thuẫn khi đảng cộng sản vẫn
giữ nguyên lý tưởng xã hội chủ nghĩa nhân đạo của mình mà không cần
phải là Mác xít Lêninít. Và có cần phải là cộng sản để thỏa mãn
ước nguyện vừa giàu có vừa công bằng dân chủ văn minh không? Rõ ràng,
quyền con người và tự do cá nhân không hề cản trở ca mục tiêu xã hội
nhân đạo. Chỉ còn điều duy nhất cần, là đảng tự thay đổi.
6-
Tự do kinh tế tất yếu tự do chính trị
– Tự do kinh tế là tự do kiếm sống, tự do mưu
sinh là một biểu hiện của tự do cá nhân, là quyền của Tạo hóa, bất
khả tước đọat. Trong tự do cá nhân có tự do ngôn luận, tự do báo
chí, tự do hội họp, tự do nghiệp đoàn, tư do tôn giáo tín ngưỡng, tự
do tư tưởng.
– Chính trị là tập hợp, là hiệp hội hay tổ
chức của những cá thể cùng có chung, cùng chia sẻ hay cùng tôn thờ
một tư tưởng, một tín ngưỡng. Vì vậy, bản chất của xã hội tự do
là Đa nguyên, nó chỉ bị biến dạng, bóp méo khi bị tước đoạt một
cách bất chính bởi một lực lượng chính trị nào đấy. Sự tước đoạt
đó chỉ tồn tại khi duy trì được áp lực cưỡng chế thông qua các công
cụ quyền lực. Khi dỡ bỏ các áp lực nhân tạo đó, xã hội lập tức
trở về trạng thái vĩnh cửu, tức là quay về bản chất Đa Nguyên của
nó.
– Thị trường là sở hữu tư nhân cộng với tự
do cá nhân, sở hữu trí tuệ trong kinh tế tri thức là một loại tư
liệu sản xuất bất khả công hữu hóa. Sở hữu cá thể các sản phẩm
trí tuệ chính là tự do tư tưởng. Tự do tư tưởng cộng với tự do
nghiệp đoàn là tự do chính trị.
– Kinh tế thị trường có quy luật tự do cạnh
tranh. Luật tự do cạnh tranh quy định quyền tự do nghiệp đoàn của các
tác nhân kinh tế để bảo vệ quyền lợi của mình. Tự do nghiệp đoàn
là tự do lập hội. Hội là tập hợp hay tổ chức của các cá thể có
cùng hoặc chia sẻ một loại lợi ích, có thể là lợi ích vật chất
và có thể là lợi ích phi vật chất, lợi ích tinh thần. Đó chính là
tự do chính trị.
Vì vậy khi thừa nhận tự do kinh tế, đương
nhiên là thừa nhận tự do cá nhân. Thừa nhận tự do cá nhân là thừa
nhận tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng. Tự do tư tưởng cộng với tự do
nghiệp đoàn là tự do đảng phái. Một xã hội đa đảng phái là xã hội
đa nguyên chính trị. Đa nguyên chính trị thì không có độc quyền chính
trị, nghĩa là dân chủ. Như vậy tất cả chỉ là một, một cái gốc.
Cái gốc đó là tự do cá nhân.” Con người sinh ra tự do, Tạo hóa cho họ
những quyền không ai có thể xâm phạm được”.
Các Hiệp định tự do thương mại FTA Việt Nam
ký với các nước và Liên Hịệp châu Âu, TPP với Mỹ và các nước Thái
Bìng Dương, là các Hiệp định được soạn thảo trên căn cứ lợi ích cá
nhân và quyền con người. Cam kết với các Hiệp định này, đảng cộng
sản dường như đã chấp nhận một lộ trình cải tổ. Đây có thể là một
cải cách tiệm tiến hoà bình. Một cách mượn các Hiệp định để hợp
thức hóa dần các thay đổi từ bên trong, kể cả những thay đổi về chất
mà không bị cản trở bởi lý luận học thuyết.
7-
Nhà nước và vai trò của nhà nước.
Trong mô hình cơ cấu xã hội hiện đại bao gồm
Thị trường – Nhà nước – Xã hội. Nhà nước là một định chế Trung
gian, gạch nối giữa Thị trường và Xã hội.
Như chúng ta đã thấy trong phần trước, chức
năng nguyên thuỷ của Nhà nước là Trọng tài, hay Quan toà. Cho dù xã
hội đã qua hàng nghìn năm từ khi trở thành một bộ máy công quyền có
tính chuyên nghiệp, Nhà nước hiện đại không thể chối bỏ chức năng cơ
bản là trung gian phân giải, điều hoà các xung đột giữa các tác nhân
khác nhau trong xã hội. Với chức năng hòa giải, Nhà nước phải không
chịu ràng buộc hoặc gắn kết lợi ích với bất cứ bên nào trong các
bên xung đột. Nhà nước phải là cơ quan không tham gia trực tiếp vào
các hoạt động vì vụ lợi, kể cả lợi ích đó là lợi ích công.
Trong một xã hội công nghiệp, các xung đột
thông thường là những xung đột giữa một bên là doanh nghiệp và một
bên là lao động làm thuê. Những xung đột này, nếu không được giải
quyết thỏa đáng, sẽ gây tổn thương cho bên bị thiệt hại, tác động
tiêu cực tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, giảm lợi nhuận,
giảm khả năng đóng góp của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới
ngân sách nhà nước, từ đó tác động tiêu cực tới các giải pháp phúc
lợi xã hội. Với bản tính vị kỷ, giới chủ doanh nghiệp thông thường
có xu hướng giữ lại cho mình quá phần lợi ích thích đáng. Muốn để
có thể giải quyết được các xung đột này, Nhà nước phải thật sự là
Trung tính, khách quan, không có lợi ích gắn với bên nào, đảm bảo uy
lực đối với cả hai phía. Nhà nước không trực tiếp làm kinh tế. Các
lĩnh vực không có tư nhân tham gia kinh doanh, do không có khả năng sinh
lợi, nhà nước mời thầu với lãi suất định mức tính trước, coi như
một khoản thuế âm.
Trong xã hội dân chủ hiện đại, Nhà nước và
Chính phủ là hai bộ phận tách rời. Chính phủ luôn có khả năng
luân chuyển theo định kỳ bầu cử, thường mang tíng đảng. Trong khi Nhà
nước là công cụ chuyên môn thuần tuý, sẵn sàng phục vụ bất cứ chính
phủ nào, vì vậy, Nhà nước là bộ máy phi chính trị và trung lập,
có kết cấu tinh gọn và chuyên nghiệp nhất.
Mọi chính sách sẽ được thể hiện bằng pháp
luật. Với mỗi chính sách, thay vì ra Nghị định và Thông tư chỉ có
giá trị quy phạm nội bộ và hành chính, Chính phủ ra một luật hay
bộ luật tương ứng. Quy trình phê chuẩn luật vẫn theo nguyên tắc Quốc
hội là cơ quan lập pháp cao nhấtb quyết định bằng bỏ phiếu kín hay
biểu quyết công khai. Nhưng sau khi ban hành luật thì không phải chính
phủ là người duy nhất giám sát mà là tư pháp. Vi phạm pháp luật sẽ
bị truy tố bất kể người đó là ai. Vì một khi đã thành luật thì
cái được bảo vệ là lợi ích bao trùm của cộng đồng là lợi ích cao
nhất, lợi ích tối thượng. Ngay cả vai trò trung tính của Nhà nước
cũng được quy định bằng Luật Nhà nước. Đó là nhà nước Pháp quyền.
Đảng phái hay lực lượng chính trị thắng cử,
có quyền lập ra chính phủ, thường là đảng chiếm được số ghế lớn
nhất trong quốc hội hay cơ quan lập pháp. Đấy chính là đa số phiếu
đảm bảo cho việc phê chuẩn các bộ luật thể hiện đường lối và chính
sách của đảng, theo chương trình đã dẫn đảng đến thắng lợi của trong
chiến dịch tranh cử.
Trong xã hội dân chủ hiện đại, cơ chế điều
chỉnh sự bóc lột thô bạo của chủ nghĩa lợi nhuận thuần tuý không
phải là Nhà nước. Nhà nước không bảo vệ lợi ích của các tác nhân
riêng rẽ trong xã hội. Chức năng đó là của các tổ chức tình nguyện
dân sự hay là xã hội dân sự. Tổ chức dân sự là các tổ chức tình
nguyện không vụ lợi, hoạt động có mục đích bảo vệ quyền lợi của hội
viên. Có các tổ chức đại diện những người lao động làm thuê, nhưng
cũng có các tổ chức dân sự của giới chủ doanh nghiệp. Xung đột giữa
các hội đại diện sẽ được giải quyết thông qua thương lượng dưới sự
giám sát và chứng kiến của nhà nước. Giải tỏa các xung đột trên
lợi ích cộng đồng, nghĩa là không bên nào bị thiệt, hướng tới lợi
ích chung là tăng trưởng. Trong tăng trưởng có lợi nhuận của nhà doanh
nghiệp, có tiền lương của người lao động, có thuế thu nhập và thuế
doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng… giúp tăng ngân sách, từ đó tăng
khả năng phân phối phúc lợi xã hội. Nhà nước sẽ là trung gian tạo
mọi điều kiện cho tăng trưởng, lấy tăng trưởng làm mục đích và quy
tắc cho mọi hoà gỉải. Tăng trưởng bao gồm lợi nhuận của doanh nghiệp
vừa để tăng tích luỹ năng lực mở rộng sản xuất của doanh nghiệp,
vừa thỏa mãn nhu cầu lợi nhuận, khuyến khích đầu tư của chủ doanh nghiệp.
Trong tăng trưởng có tăng lương, tăng thu nhập thực tế của người lao
động, trên cơ sở tỷ lệ ăn chia hợp lý theo nguyên tắc tạo ra tăng
trưởng. Trong tăng trưởng có tăng trưởng năng lực điều phối phúc lợi
xã hội do tăng nguồn thu ngân sách dựa trên của cải tạo ra từ tăng
trưởng kinh tế. Tăng trưởng phúc lợi là tăng trưởng an sinh xã hội,
là tăng trưởng văn hóa và văn minh xã hội, tăng sức mua , tăng khả năng
tiêu thụ từ chính bản thân nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng bền
vững. Đây chính là vai trò kiến tạo tăng trưởng của Nhà nước.
Phản ứng của các tổ chức dân sự từ cả hai
phía lao động và chủ doanh nghiệp, phản ánh chất lượng các bộ luật
hay luật do chính phủ ban hành. Các luật hay bộ luật có tác haị hay
có vi phạm sẽ bị đưa ra toà mà người bị đơn là Chính phủ.
Như vậy, khả năng khắc phục những khuyết tật
của thị trường thuần tuý gồm xã hội dân sự và Nhà nước trung tính,
hay nhà nước kiến tạo là hai trụ cột chính của một xã hội mang
tính chất xã hội chủ nghĩa.
Để có một xã hội có tính xã hội chủ nghĩa
nhất, trong thời điểm hiện nay là mô hình kinh tế Thị trường xã hội
châu Âu. Công thức của nó là Thị trường tự do + Nhà nước Trung tính+
Xã hội dân sự.
Không phải cứ mang tên cộng sản là có được
công bằng và thịng vượng. Nếu để đạt được giàu có và công bằng thì
cách gọi tên chế độ là gì có quan trọng lắm không. Ở Cộng hoà Liên
bang Đức, trong tên nước không có gì là cộng sản. các đảng luân phiên
nhau cầm quyền từ hơn 70 năm nay không có đảng nào là cộng sản, nhưng
đây là nơi có chế độ xã hội nhân đạo và văn minh nhất. Con người
được hưởng thụ hiệu quả tăng trưởng tốt nhất. Đảng cộng sản Việt
Nam cũng sẽ thay đổi, vì không thể không thay đổi, vì thay đổi là tất
yếu.
8-
Việt Nam không thể không thay đổi
Đã đến cái thời điểm mà đề tiếp tục tồn
tại Việt Nam không thể không thay đổi.
*
Dân chủ để bảo vệ chủ quyền
– Dân chủ hóa Việt nam, dựa vào cơ chế Trưng
cầu dân ý để chống laị và làm thất bại âm mưu bành trướng của nhà
cầm quyền cộng sản Trung Hoa.
– Dùng dân chủ Việt Nam làm động lực dân chủ
hóa Trung Quốc như một giải phảp lâu bền và chắc chắn nhất để bảo
vệ chủ quyền.
*Nhu
cầu thay đổi hướng tới dân chủ là thực thế không thể đảo ngược
– Thời kỳ đói khát đã qua. 30 năm cởi trói,
người dân Việt đói khát quá lâu đã lao vào cuộc tìm kiếm giàu có
đã chỉ là những cuộc giành giật giữa dân chúng với nhau đã lắng
xuống. Nhu cầu kiếm sống và làm giàu đã trở nên không còn gay gắt,
một mặt, đời sống đã trở nên dễ chịu với cái đói đã thật sự lùi
xa với gần 90% dân số, một mặt cơ hội giành giật của trời, do chuyển
đổi từ một xã hội mà mọi tài sản, mọi của cải không có chủ sở
hữu thực sự cũng đã cạn và đang dần dần có chủ, xã hội dân sự
Việt Nam đang hồi tỉnh. Với bản năng nhậy cảm , con người Việt nam sẽ
ý thức được nhanh chóng nguyên nhân của mọi nguyên nhân là chế độ. Nhu
cầu phải có một Việt Nam tự do, dân chủ như các nước xung quanh. Việt
Nam phải có tốc độ phát triển và xã hội phúc lợi tiên tiến vượt
hơn hẳn các nước khác, đã là một đòi hỏi có thật và bức thiết.
– Thời đại thông tin với một cộng đồng
công dân tới 40 triệu người, một khi chín muồi các điều kiện, sẽ là
một cuộc cách mạng không gì ngăn cản nổi.
– Một Xã hội dân sự Việt Nam đích thực đã
hình thành, đang phát triển rất nhanh về số lượng chất lượng, đang
trở thành một làn sóng không thể trấn áp được bằng bạo lực.
– Giới trí thức tinh hoa của xã hội Việt Nam
đã có một bước nhảy lớn và quyết định trong nhận thức vai trò của
mình và đang thoát dần sự lệ thuộc ý thức hệ với chế độ sẽ là
một động lực có ý nghĩa quyết định.
– Nhu cầu hoà hợp hoà gỉải dân tộc khỏi
những hận thù quá khứ, giải phóng con đường quy tụ dân tộc đang trở
thành một thúc ép không thể từ chối và lẩn tránh.
Chỉ có thể thay đổi hẳn về chất, thay đổi
một cách hoàn toàn và triệt để, đảng cộng sản mới đáp ứng được
các đòi hỏi thúc bách đó, và mới tránh được bị đào thải bằng một
giải pháp bạo lực đại chúng.
Paris 11/03/2016
No comments:
Post a Comment