VOA Tiếng Việt
21.03.2016
Hôm
21/3, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia phản đối việc một tàu tuần duyên của Trung
Quốc vi phạm lãnh hải của Indonesia gần một khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.
Vụ việc xảy ra giữa lúc căng thẳng tăng cao ở vùng
biển, nhất là vì hoạt động xây đảo nhân tạo cũng như đòi hỏi chủ quyền của
Trung Quốc về một diện tích rộng lớn của Biển Đông nơi có nhiều tuyến đường biển
quan trọng đi qua.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi nói bà
đã gặp các đại diện đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta sau khi xảy ra sự cố hồi
cuối tuần dính líu đến một tàu tuần duyên Trung Quốc, một tàu đánh cá Trung Quốc
và một tàu tuần tiễu của Indonesia ở khu vực có tên Natuna Sea. Bà Marsudi nói
tại một cuộc họp báo rằng: “Tại cuộc gặp
chúng tôi đã phản đối mạnh mẽ sự vi phạm của lực lượng tuần duyên Trung Quốc đối
với các quyền chủ quyền của Indonesia”.
Sự cố giữa các tàu của hai nước đã làm Indonesia tức
giận. Cùng ngày 21/3, Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti nói với
các phóng viên sau cuộc gặp với các quan chức đại sứ quán Trung Quốc rằng
Indonesia “cảm thấy bị phá hoại” trong nỗ lực của nước này nhằm duy trì hòa
bình ở Biển Đông và “chúng tôi có thể sẽ đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế về luật
biển”.
Trước đó, một quan chức Indonesia nói nhà chức trách
nước này đã cố gắng bắt giữ một tàu Trung Quốc mà họ cho là đánh cá trái phép
trong hải phận Indonesia. Tám người trong thủy thủ đoàn đã bị bắt nhưng tuần
duyên Trung Quốc đã ngăn không cho phía Indonesia chiếm giữ con tàu.
Trung Quốc nói tàu đánh cá đó hoạt động tại “ngư trường
truyền thống của Trung Quốc” và đòi trả tự do cho các ngư dân.
Trung Quốc đòi chủ quyền về hầu hết Biển Đông, một
hành lang hàng hải chiến lược, đồng thời là nơi giàu hải sản và khí tự nhiên.
Nhiều nước trong đó có Việt Nam, Trung Quốc và Philippines có tuyên bố chủ quyền
chồng lấn lên nhau.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Indonesia không tranh chấp
chủ quyền về cụm đảo Natuna và vùng biển quanh các đảo này. Hai nước đều đồng ý
các đảo ấy thuộc tỉnh Riau của Indonesia.
Nhưng căng thẳng thỉnh thoảng vẫn nổ ra giữa hai nước,
thường là vì các tàu cá của Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo ngày 21/3, Phó Tư lệnh Hải quân
Indonesia Arie Henrycus Sembiring nói hải quân sẽ cử các tàu lớn hơn để hỗ trợ
cho các tàu tuần tiễu của nước này ở vùng biển.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia nói nước
này không có kế hoạch tăng cường quân sự ở cụm đảo Natuna xa xôi và giàu tài
nguyên sau sự cố vừa qua.
Theo
News Week, Jakarta Globe.
----------------------------
Thu Hằng – RFI
Đăng ngày 21-03-2016
Ngày
21/03/2016, Jakarta đã phản đối Bắc Kinh việc một tầu hải cảnh của Trung Quốc
xâm phạm lãnh hải Indonesia vào ngày 19/03 trong khu vực đang có tranh chấp chủ
quyền ở Biển Đông. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc trên.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã gặp đại diện
sứ quán Trung Quốc tại Jakarta sau sự cố xảy ra giữa một tầu hải cảnh, một tầu
cá của Trung Quốc với tầu tuần tra Indonesia gần quần đảo Natuna vào ngày
19/03.
Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp đại diện ngoại giao
Trung Quốc, ngoại trưởng Indonesia cho biết : « Tại cuộc họp, chúng tôi
đã chuyển lời phản đối gay gắt việc lực lượng hải cảnh Trung Quốc vi phạm chủ
quyền lãnh thổ của Indonesia ».
Theo bộ trưởng Thủy Sản Indonesia Susi Pudjiastuti,
được hãng tin Reuters trích dẫn, vào ngày 19/03, tầu tuần tra Indonesia đã phải
bắn cảnh cáo một tầu cá của Trung Quốc vi phạm vùng biển Natuna thuộc
Indonesia, nằm giữa bán đảo Malaysia và tỉnh Sarawak (Malaysia) trên hòn đảo
Borneo. Sau đó, lực lượng tuần tra của Indonesia đã bắt giữ chiếc tầu cá
trên cùng với tám thành viên. Nhưng một chiếc tầu hải cảnh Trung Quốc đã can
thiệp để ngăn cản tầu tuần tra Indonesia bắt giữ tầu cá.
Bộ trưởng Thủy Sản cho biết tám thành viên tầu cá
Trung Quốc sẽ được xử lý theo pháp luật của Indonesia. Bà cũng nhấn mạnh : «
Chúng tôi có cảm giác mọi nỗ lực duy trì hòa bình ở Biển Đông của mình bị phá
hoại. Và có thể kiện vụ việc lên tòa án quốc tế về luật biển ».
Cũng trong ngày 21/03, bộ Ngoại Giao Trung Quốc tiếp
tục khẳng định chiếc tầu cá của nước này hoạt động trong « ngư trường
đánh cá truyền thống của Trung Quốc » và yêu cầu Jakarta thả tám ngư
dân bị bắt giữ, đồng thời nhấn mạnh hải cảnh Trung Quốc không xâm phạm lãnh hải
Indonesia.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân
Oánh, nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngắn : « Chủ quyền của quần đảo
Natuna thuộc về Indonesia. Trung Quốc không phản đối điều này. Bất kỳ tranh chấp
hàng hải nên được giải quyết bằng đàm phán và Trung Quốc phản đối việc đánh bắt
cá trái phép ».
Trước sự cố trên, phó tư lệnh Hải Quân Indonesia,
Arie Henrycus Sembiring, thông báo sẽ điều tầu lớn hơn tham gia vào đội tầu tuần
tra trong khu vực.
Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với phần lớn
khu vực Biển Đông và hiện có tranh chấp với nhiều quốc gia trong khu vực. Tuy
nhiên, Indonesia không nằm trong số các nước có tranh chấp với Trung Quốc và
luôn cho mình là « nhà trung gian » giữa Trung Quốc với các
bên có tranh chấp với Bắc Kinh, như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
No comments:
Post a Comment