Nguyễn Quang
Posted on March 21, 2016 by editor
— No
Comments ↓
Miền Nam tự do trước đây có những nhân vật xuất hiện
không phải là biểu tượng của sinh viên, trí thức, nhưng là hiện tượng nổi lên
vào thời đó như Phạm Công Thiện và ở đây xin ghi lại vài hành vi trong sinh hoạt
chính trị của giáo sư Lý Chánh Trung, nếu nói theo duy vật biện chứng, qua hiện
tượng để hiểu bản chất, hy vọng với các dấu chỉ nầy có thể hiểu được phần nào bản
chất con người thật của ông Trung.
Công lao của Lý
Chánh Trung với chế độ CSVN. Nguồn: motthegioi.vn
Tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn, giáo sư Lý Chánh Trung
phụ trách môn đạo đức học thuộc Khoa Triết, tôi là sinh viên ban triết học nên
thường xuyên gặp giáo sư tại giảng đường. Những bài giảng của ông không có gì đặc
biệt, ngoài trừ trong lối diễn giải của ông khi chiếc ống tẩu thuốc lá từng
hơi, nhíu môi, nhịp nhàng với những lời châm biếm về những bạo chúa sau luôn
hơn hẳn các bạo chúa trước. Hình ảnh còn lại của ông với sinh viên, đó là chiếc
tẩu luôn trên tay như giúp che lấp phần nào cái mũi hểnh, trống trải của ông.
Bên sau sự trống trải bề ngoài đó ẩn sâu một con người
đăm chiêu với nhiều toan tính mà mắt thường chúng ta không mấy ai nhận ra, ông
đang có những âm mưu gì, ngoài sự nhận xét chung trong những năm tháng tại Văn
Khoa Sài Gòn: ông chỉ là cái bóng của Giáo sư Nguyễn Văn Trung.
Thời gian ông LCT xuất hiện tại Phong trào Pax
Romana, trụ sở tại Tân Định, Lm Nicôla Huỳnh Văn Nghi làm Cha sở về sau là Giám
mục, giáo sư có những phát biểu bênh vực người nghèo, vấn đề Tôn giáo và Dân tộc
được đặt lên qua nhiều lần phát biểu của ông tại đây, nhưng để ý một chút ai
cũng nhận ra, sau những bài phát biểu của ông là cần phải dẹp ngay cái chế độ
Miền Nam, thối nát tham nhũng, tay sai của Đế quốc Mỹ.
Ký giả Nguyễn Vạn Hồng
(tức Cung Văn), nhà văn Sơn Nam, dân biểu Lý Chánh Trung…trong ngày “Ký giả đi
ăn mày” 10/10/1974. Nguồn: Báo Điện Tín
Thật vậy, cho đến khi cái ngày gọi là “Báo chí đi ăn
mày”, ông Lý xuất hiện nhào ra phía trước như giới văn nghệ sĩ sắp chết đói đến
nơi, khi nhìn lại thực tế người dân miền Nam có mấy ai chết đói, nhất là tại
các vùng Quốc gia, khiến mọi người suy nghĩ về những âm mưu chính trị của những
trí thức như ông, nhằm lật đổ chế độ tự do miền Nam với sự xuất hiện của thành
phần thứ ba mà sau đó ông rất hãnh diện, nếu tôi không nhầm, đã từng nghe trực
tiếp về sự tự nhận của ông ở thành phần thứ ba này.
Sinh viên chúng tôi đọc sách của ông, đều cảm nhận rất
nóng, nhưng chỉ đọc đến lần thứ hai, thế là không muốn đọc thêm nữa vì nó mang
tính nhất thời không có các giá trị phổ quát như sách của giáo sư Lê Tôn
Nghiêm, Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Duy Cần.
Những khát vọng tìm về dân tộc của ông như nét đặc
thù của Lý Chánh Trung được trả lời sau ngày cộng sản chiếm miền Nam, nó lộ hẳn
bản chất dân tộc này, khi ông là một trong số các nhân vật trí thức miền Nam được
tuyển chọn đưa ra miền Bắc đầu tiên và sau chuyến đi khi trở về ông tường thuật:
“Chúng tôi đã ôm nhau thắm thiết khi gặp trí thức miền Bắc và cùng nhau trong nổi
vui mừng, nhảy múa đồng ca bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng… Chúng
tôi cũng được tặng các bộ sách quý như Mác Lê Nin toàn tập….”
Tháng 9-1975 (Từ
trái qua): Lý Chánh Trung, Tố Hữu, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm,
Nguyễn Đình Thi – Ảnh: Tuổi Trẻ.
Sinh viên khoa Triết khi nghe lại tường thuật đều rất
ngạc nhiên về hình ảnh những vị giáo sư triết học khả kính, mô phạm của mình
nay cũng nhảy nhót và hát như khỉ nhại lời. Văn phòng khoa Triết cũng vắng dần
từ đây khi các hình ảnh giáo sư, giảng viên của mình phải khệ nệ bưng bê từng
thùng mì tôm, thịt, cá…nhu yếu phẩm chia nhau tại phòng Khoa Triết. Tôi còn nhớ
hình ảnh Giáo sư Lê Tôn Nghiêm mang thùng mì từ lầu một lên lầu ba và thở hổn hển,
thật tội nghiệp và thay vì đi xe hơi như trước kia nay đều dùng xe đạp mi ni.
Một sự kiện khác với giáo sư Lý Chánh Trung, đó là
không lâu sau biến cố 1975, trước sự hoang mang của sinh viên miền Nam, Lm
Hoàng Sỹ Quý, Dòng Tên, đã mời ông LCT đến trung tâm Đắc Lộ để nói chuyện, tại
đường Yên Đổ, sau đó bị chiếm đoạt thành tòa soạn báo Tuổi trẻ, phần tôi với tư
cách là Chủ tịch sinh viên Công Giáo Cư xá Đắc Lộ đã tổ chức cho sinh viên Sài
Gòn tham dự. Theo dự định buổi thuyết trình sẽ kéo dài hai giờ, khoảng một ngàn
sinh viên tham dự, nội dung nói về chế độ mới và vai trò của giới trẻ. Tất cả mọi
người tham dự đều quan tâm, theo dõi một cách nghiêm túc và căng thẳng. Sự kiên
nhẫn của sinh viên vì ai cũng kính trọng các Cha Dòng Tên và cố gắng giữ im lặng
dù bắt đầu đã có phản ứng khó chịu từ khách tham dự.
Đến phần đặt câu hỏi, sinh viên đã nêu những câu hỏi
mà ông Lý không trả lời được, những câu hỏi tôi còn nhớ, đó hình ảnh thực tế
khi việt cộng vào chiếm miền Nam, về lời hứa đi học tập mười ngày sẽ trở về,
sinh viên được tiếp tục học hành nhưng chỉ đến ca hát nghe tuyên tryền rồi trở
về, cuộc sống vô cùng khó khăn và những người miền Nam bị tước đoạt nhà cửa, bị
xô đuổi lên vùng kinh tế mới…. Những câu hỏi như những tiếng nói khiến người
trí thức có lương tri phải động lòng. Thế nhưng, giáo sư Lý Chánh Trung như đã
leo lưng cọp, ông ta đỏ mặt, nổi cáu, vì không trả lời được câu hỏi nào dù là
biện hộ, ông đã nổi nóng và dứng dậy đưa tay hô to như các lãnh tụ cộng sản hay
làm, ông nói: “Bây giờ chỉ có hai con đường, một là theo Cách mạng, hai là sẽ bị
nghiền nát…”. Đến đây cũng là lúc những vật gì có thể ném, liền tới tấp bay vào
người ông, khiến tôi và Lm Quý mỗi bên kè ông ta, quần áo tả tơi, đưa nhanh vào
phòng riêng. Sinh viên vẫn chạy theo với những lời nguyền rủa không tả xiết về
sự vạch mặt một trí thức luôn luôn nói về dân tộc nhưng nay theo cộng sản vô thần,
vô tổ quốc….
Dòng Tên Sài Gòn có lẽ bị bao vây cô lập từ ngày ấy,
cho đến khi toàn bộ chúng tôi bị chụp mũ, bị bắt về tôi tuyên truyền chống phá
cách mạng. Cho đến hôm nay, Dòng Tên Việt Nam vẫn hãnh diện vào thuở đó, không
một linh mục, tu sĩ nào thân cộng, cũng không có một sinh viên Dòng Tên nào là
nội ứng cho cộng sản. Chúng tôi tự hào vì sống dưới chế độ tự do và cuộc chiến
chỉ là một sự tự vệ chính đáng để bảo vệ nền dân chủ còn non trẻ ấy, mới nảy
sinh những hiện tượng như Lý Chánh Trung.
Bên dòng lịch sử, khi đất nước thống nhất, ông Lý trở
thành đại biểu, phó chủ tịch quốc hội cộng sản. Tại Ba Đình, ông đã đọc bài diễn
văn nói về khoa học kỹ thuật như tiền đề phát triển chủ nghĩa xã hội trong giai
đoạn mới. Tiếng nói của Họ Lý, như lý thuyết gia của chế độ, được nghị trường
dưới sự chứng kiến của Lê Duẩn, bí thư trong số các bí thư, ông vua trong các
vua cộng sản, tán thưởng nhiệt liệt. Nhưng cũng sớm như tiếng kêu trên đồng vắng,
một nền giáo dục Ki tô giáo mà ông đã được thụ hưởng, được ưu đãi để thành danh
và nay lọt vào trong đám vô sản lưu manh.
Tôi biết ông có nhiều dằn vặt ưu tư vào cuối đời,
tuy vậy trong một hoàn cảnh nào đó, cách nay gần chục năm, tôi vẫn còn thấy một
lần ông xuất hiện cùng Trần Văn Giàu trên tivi và ca tụng đạo đức của Hồ Chí
Minh. Điều này quả thật là lạ với một giáo sư phụ trách môn đạo đức học vì ngày
nay với các con trẻ khi gõ vào Google đều biết ông Hồ dâm dật, giết vợ, từ con
và hãm hại bao nhiêu phụ nữ… là kẻ sát nhân nhất nhì của thế kỷ hai mươi. ông
Lý Chánh Trung ca tụng một cách ngọt ngào: Hãy sống và nói gương theo Hồ Chủ Tịch…!
Giáo sư Lý Chánh Trung có gia đình, và theo S. Freud,
để hiểu con người, phần ý thức chỉ có ba, bảy phần còn nằm ở tiềm thức. ông vẫn
sống đến cuối đời trong căn biệt thự, trên mảnh đất do nền Đệ Nhất Cộng Hòa cấp
cho các giáo sư Đại học miền Nam, gọi là làng đại học Thủ Đức. ông có người con
là đại úy việt cộng, vợ ông là em ruột bà Bùi Thị Mè, một thứ trưởng trong
chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, tất nhiên là đảng viên cộng sản,
có lẽ chỉ có vợ con ông, nữ anh hùng cách mệnh Thị Mè là hiểu ông nhiều nhất.
Nguyễn
Quang
(Nguyễn Quang Hồng Nhân)
(Nguyễn Quang Hồng Nhân)
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ
DCVOnline.net”
Nguồn: Nguyễn Quang, Hiện Tượng
Lý Chánh Trung. Việt Báo 16/3/2016. DCVOnline hiệu đính và minh họa.
----------------------
Bùi Văn Phú
Gửi
cho BBC từ Hoa Kỳ
19 tháng 3 2016
Giới
trí thức thời Việt Nam Cộng hòa ai cũng nghe biết đến giáo sư Lý Chánh Trung
qua những bài viết gây sôi nổi về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và về tinh
thần tôn giáo nhập thế.
Qua những tập sách, cùng hàng trăm bài báo, ông đưa
ra lý luận triết học, những cái nhìn từ đường phố, qua đó phản ánh quan điểm của
ông là chống lại sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam, là mơ ước một xã công bằng,
không còn cảnh người giầu bóc lột người nghèo.
Trong sinh hoạt của giới trí thức thời đó, giáo sư
Trung không chỉ ngồi trong tháp ngà hay quanh quẩn ở sân trường, nơi giảng đường
đại học để nói những điều lý thuyết mà ông đã dấn thân, xuống đường cùng với những
nhà đối lập, những lãnh đạo tôn giáo, với thanh niên, sinh viên vì mục tiêu độc
lập, tự chủ của đất nước. Ông tham dự ngày Ký giả Ăn mày dưới đường phố Sài
Gòn, ông đến chùa Quảng Hương dự lễ ra mắt của Mặt trận Nhân dân Cứu đói.
Sinh hoạt của các phong trào, mặt trận này sau ngày
30/4/1975 đã được nhiều lãnh đạo thành đoàn xác nhận là những bình phong hoạt động
của cộng sản.
Qua tác phẩm “Tìm về dân tộc”, xuất bản lần đầu năm
1967, khi tình hình chính trị miền Nam đầy rối ren và lính chiến đấu Mỹ đã được
đưa vào Việt Nam, ông lên tiếng cảnh báo về một đất nước đang rơi vào hoàn cảnh
bị đô hộ bởi người Mỹ, sau nhiều năm bị đô hộ bởi thực dân Pháp, cho dù ông đã
được theo học ở các “trường dòng”, tức trường công giáo, từ Taberd ở Sài Gòn,
Thiên An ở Huế và ông đã theo đạo công giáo năm 20 tuổi. Năm 1950 ông đi du học
Bỉ, tại trường Đại học Công giáo Louvain và tốt nghiệp cử nhân ban tâm lý học
và cử nhân chính trị học.
Năm 1956 ông về nước, làm việc tại Bộ Giáo dục với
chức công cán ủy viên rồi lên đến đổng lý văn phòng của bộ này. Ông cũng dạy
triết tại các đại học ở Sài Gòn, Huế, Đà Lạt.
Ông chủ trương một đất nước hoàn toàn độc lập, không
chấp nhận có trường Tây trên lãnh thổ miền Nam, vì cho rằng như thế sẽ đào tạo
ra một lớp người việt vong bản, mất gốc ngay trên quê hương. Ông kêu gọi phụ
huynh cho con em theo học trường Việt cho dù số học sinh quá đông, đến 60 trong
mỗi lớp, và trường sở phương tiện giáo dục còn thiếu thốn.
Rồi những năm sau đó ông lại chê hệ thống giáo dục của
miền Nam khi ông viết trên báo Điện Tín ngày 1/3/1972:
“Ngay trong một môi trường tương đối thuận lợi như
VĐH Đà Lạt, tôi thấy công cuộc giáo dục chẳng đi tới đâu hết cả, ngoài cái việc
cấp phát hằng năm một mớ văn bằng. Những văn bằng mỗi năm thêm mất giá! Chẳng
những mất giá vì trình độ sút giảm mà còn mất giá vì văn chương chữ nghĩa ngày
nay đã rẻ hơn bèo, vì bực thang giá trị đã hoàn toàn đảo lộn, vì chiến tranh đã
bít nghẽn mọi tương lai”. [“Đối diện với chiến tranh” tr. 165. Lý Chánh Trung,
Nxb Trẻ 2000]
Từ những cái nhìn về triết học, tôn giáo, và trên
quan điểm dân tộc giáo sư Lý Chánh Trung đã tham gia vào chính trị, vào các phong
trào tranh đấu.
Trước Tết năm 1968, ông cùng 65 giáo chức đại học ký
tên vào một thư ngỏ với mục đích kêu gọi ngưng bắn giết trên quê hương: “Để có
không khí thích hợp cho những cuộc đối thoại cởi mở giữa những phe tham chiến
và nhất là để cứu hàng ngàn người tiếp tục đổ máu trong khi những người có
trách nhiệm đang đi tìm sáng kiến giải quyết xung đột, chúng tôi thiết tha kêu
gọi các phe tham chiến hãy kéo dài vô hạn định thời gian hưu chiến nhân dịp Tết
Nguyên đán và tìm phương thức tiến ngay đến hòa bình thực sự”. [Báo Sống Mới
ngày 24/1/1968, in lại trong “Đối diện với chiến tranh” tr. 22]
Một tuần sau khi lời kêu gọi được đưa ra, bộ đội cộng
sản Bắc Việt mở những cuộc tấn công vào các tỉnh thành miền Nam ngay trong những
ngày đầu năm âm lịch. Đó là Tổng Tấn công Tết Mậu Thân đã đi vào lịch sử của cuộc
chiến tranh tàn khốc trên quê hương.
Lời kêu gọi đó của những người trí thức, vì thực sự
muốn hòa bình hay việc làm này đã được một ai trong lãnh đạo thành đoàn cộng sản
chỉ đạo, để che đậy cho chiến dịch tấn công quân sự đang được khai triển? Nghi
vấn đó cũng đã được nhiều người đặt ra cho giáo sư Lý Chánh Trung: Ông chỉ là
người trí thức công giáo cánh tả, thuộc Thành phần thứ Ba hay ông được cộng sản
móc nối để hoạt động nội thành?
Trong quá khứ ông đã phát biểu rằng ông không là đồng
chí với người cộng sản mà chỉ đồng hành với họ. Ông được cho là đứng chung với
những nhóm tranh đấu cho một miền Nam không lệ thuộc ngoại bang, không cộng sản.
Nhưng nhìn lại các phong trào tranh đấu chống chính
quyền ở miền Nam, sau ngày 30/4/1975 nhiều cán bộ nội thành đưa ra những bằng
chứng cho thấy nhiều tổ chức cánh tả và Thành phần thứ Ba đã được điều phối bởi
cộng sản.
Những nhân vật chính trị như Ngô Công Đức, Nguyễn
Văn Binh, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Lý Quý Chung; tôn giáo như Phan Khắc Từ,
Trương Bá Cần, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín và thành phần sinh viên học sinh như
Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Dương Văn Đầy, Lê Văn Nuôi, Nguyễn Công Khế, Ngô
Kha, chưa kể đến những người đã quyết định vào bưng theo cộng sản như Trương
Như Tảng, Lê Văn Hảo, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường v.v…
Sau ngày 30/4/1975 giáo sư Lý Chánh Trung đã bị nhiều
sinh viên một thời xem ông là thần tượng phản đối vì thái độ ủng hộ chính quyền
mới của ông trước vấn đề sinh viên không được học hành mà bị bắt buộc phải đi
nghe nhà nước tuyên truyền chính trị, về vấn đề học tập cải tạo kéo dài đối với
quân cán chính miền Nam.
Trong khi đó ông tham gia Mặt trận Tổ quốc, là ủy
viên ban chấp hành trung ương, làm phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ
Chí Minh và được đưa vào Quốc hội các khoá VI, VII và VIII.
Ông chỉ bị thất sủng và sau đó bị loại ra khỏi các
chức vụ nhà nước sau khi ông phát biểu năm 1988 về việc bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng, tức thủ tướng, mà chỉ có một ứng cử viên. Ý của ông là không muốn bầu cử
độc diễn vì trước đây ở Sài Gòn ông đã chống lại ông Nguyễn Văn Thiệu ra tranh
cử chỉ có một mình vào năm 1971.
Khoảng thời gian đó là lúc có chính sách đổi mới về
kinh tế và cởi trói về văn nghệ nên ông còn mời nhà văn Dương Thu Hương đến nói
chuyện về những tác phẩm của bà.
Giáo sư Trung cũng được chú ý đến nhiều khi viết bài
trên báo đưa ra nhận định là môn học chính trị về triết thuyết Mác-Lê không còn
hợp thời đại vì thày thì không muốn dạy và trò cũng không còn muốn học.
Sau khi các chế độ cộng sản ở Đông Âu sụp đổ và Liên
bang Xô-viết tan rã thì ở Việt Nam mọi thứ lại bị xiết lại, với cá nhân ông,
cũng như trong sinh hoạt của giới trí thức, văn học.
Giới trí thức miền Nam cũ mong đợi ông sẽ có những
thái độ với nhà cầm quyền cộng sản trước những bế tắc của xã hội do bởi chính
sách độc tài chuyên chính dựa trên chủ thuyết Mác-Lê, như một số nhân vật đã
lên tiếng là Tướng Trần Độ, linh mục Chân Tín, giáo sư Nguyễn Ngọc Lan, luật sư
Đoàn Thanh Liêm, giáo sư Đoàn Viết Hoạt, luật sư Lê Hiếu Đằng v.v… Nhưng ông đã
không lên tiếng.
Kể từ đầu thập niên 1990 ông hầu như im lặng trước
những vấn đề của thời cuộc.
Đến năm 2000, 50 bài viết của ông từ thời Việt Nam Cộng
hòa được cho phép in lại trong tập “Đối diện với chiến tranh”. Đó là những bài
chọn ra từ 300 bài viết đã được đăng trên các báo ở miền Nam trước năm 1975.
Nhiều người trách thái độ xu thời theo cộng sản của
ông. Theo hồi ký của Võ Long Triều, một người từng là bạn của giáo sư Trung,
thì đó là vì thái độ ham danh lợi của ông.
Dưới thời Việt Nam Cộng hòa giáo sư Lý Chánh Trung
năng nổ xuống đường, có dăm bảy tác phẩm được xuất bản và rất nhiều những bài
chính luận, nhận định về sự đồi trụy văn hóa, bất công xã hội, về nguy cơ bị nô
lệ ngoại bang đã được đăng trên các báo và tạp chí.
Nhưng trong 40 năm sống với cộng sản, ông dường như
im lặng trước một xã hội vẫn đầy bất công, nền giáo dục xuống cấp, hòa hợp hòa
giải dân tộc không có, quyền tự quyết không được tôn trọng là những điều trước
đây ông luôn quan tâm và lên tiếng.
Giáo sư Lý Chánh Trung sinh ngày 23/12/1928 tại Trà
Vinh, mất ngày 13/3/2016 tại Sài Gòn, hưởng thọ 89 tuổi.
Các tác phẩm của ông: Cách mạng và đạo đức (1960),
Ba năm xáo trộn (1967), Tìm về dân tộc (1967), Tìm hiểu nước Mỹ (1969), Những
ngày buồn nôn (1972), Tôn giáo và Dân tộc (1973) và Đối diện với chiến tranh
(2000).
*
Tác giả là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh
San Francisco, California.
No comments:
Post a Comment