Sunday, March 13, 2016

HÀNH TRÌNH THỨ NHẤT : SÀI GÒN, ĐÊM GIỮA ÂM DƯƠNG (Trác Thúy Miêu)





Trác Thúy Miêu
10/03/2016 - 16:50 PM

LTS. Hẳn không ít bạn đọc Người Đô Thị bắt đầu thấy ghiền những câu văn dài dằng dặc mang đầy hình dung từ và chan chứa hoài niệm về một Sài Gòn đã qua của cây viết Trác Thúy Miêu. Từ số này, tác giả đưa chúng ta quay ngược thời gian trong cuộc hành trình qua các kỳ báo để khám phá lại một Sài Gòn ngỡ đã biết, đã quen nhưng thật ra chưa bao giờ tường tận, bằng giọng văn thủ thỉ như kể về mối tình đầu của mình...

Cùng tác giả:
>>> Dung nhan đại thị   (14/02/2016)
>>> Hoài Viễn Châu  (01/02/2016)
>>> Những lấp lánh ngày xưa...    (29/12/2015)
>>> Mì tôm sợi vắn sợi dài…   (05/12/2015) 
>>> Những gánh nhạc rong   (03/10/2015)
>>> Vọng Sài Gòn   (05/08/2015)
>>> Mùi thị dân   (28/06/2015)

*
*
Sài Gòn vốn dĩ không đứng yên .Ảnh: Thanh Tùng

Trong rất nhiều cuộc đàm luận về Sài Gòn, người ta vẫn luôn đặt ra cho tôi một câu hỏi: “Rồi tôi sẽ biết giới thiệu Sài Gòn với người ở xa đến như thế nào, một khi thương xá Tax, Eden, những ngôi cổ tự và cả những công viên bị xóa sổ?”

Tôi cũng được nghe về lời than vãn của một vị giám đốc một công ty du lịch nhà nước cỡ bự rằng “Thú thiệt, Sài Gòn nhỏ xíu, lịch sử cũng non trẻ mà sản vật thì toàn đồ tứ xứ, thắng cảnh thì không có.Tôi cũng chẳng biết phải dẫn du khách đi đâu, làm gì ngoài chụp cho họ mấy cái nón lá, áo thun I Love Saigon và dẫn đi mua tranh sơn mài”.

Hồ đồ, tôi nghĩ, vị này nên trao việc lại cho tôi, hay bất cứ thị dân Sài Gòn nào khác, bởi hành trình của chúng tôi cho một “gói tour” như vậy vẫn chưa dừng lại, mà không cần quá nhiều dữ liệu có thể tìm thấy ngay trên internet.

Bởi Sài Gòn vốn dĩ không đứng yên.

Bởi với Sài Gòn, tòa lầu, cổ thị, món ăn, chốn chơi…tất thảy chỉ là cái cớ, cái nền của những gì làm nên màu sắc bản địa thực thụ, thứ “bùa ngải” gây lưu luyến và hiếu kỳ trọn đời cho người đến, khó quên hơn cho kẻ đi, và ám ảnh trọn đời cho người luôn sống bên mình nó, giữa hân hoan chuyện mới và trầm ngâm tích cũ, những huyền thoại bản xứ vô danh.

Mà điều tuyệt thú, đó là mỗi thị dân đều có riêng cho mình những “gói tour” như vậy, không ai giống ai, mà danh sách hành trình càng dài tha thiết như trầm tích kí ức, lần giở chuyện kỷ niệm tào lao riêng tư, trên cái nền thời cuộc vận hành mà thành hành trình dài vô tận của người đời và đời người.

Mà Sài Gòn đồng bóng hiếu động, nó vận hành nhanh lắm, như người đàn bà vừa thủy chung cũ kỹ, lại vừa bặt thiệp quảng giao, đa mang, theo mùa hợp mốt. Bất cứ lúc nào, người ta cũng có thể nhắc nhau hãy nhìn đi, thâu tóm, tận hưởng và ghi nhớ đi, bởi ngày mai, có thể chỉ một ngày mai đâu đó đây thôi, những điều này sẽ không còn ở nguyên đây nữa, như ả nhân tình rắn mắt, biết đâu sớm mai đã kịp thay chiếc áo lụa màu xa lạ, biết đâu sớm mai đã kịp vô thẩm mỹ viện cho kịp mốt mới. Quyến luyến nét hoa hương lụa mới chỉ mới kịp hằn kí ức đã lại thoăn thoắt đổi thay tới choáng ngợp.

Bởi Nàng cần giữ hoài thanh tân, nuôi hoài trò cút bắt vồ vập như từ đầu.

Mỗi thị dân lại là một Sài Gòn rất riêng, một lối vào sâu thẳm những báu châu của hồi ức đô thị. Ảnh: Doi Kuro 

Sài Gòn nhỏ lắm, người ta đâu có thể đi đâu xa, “nếu cứ đi thẳng về phía trước” như văn hào Saint Exupery từng viết vậy.

Ở Sài Gòn, người ta chỉ có thể đi rất sâu vào nó, như lần dở, vuốt ve từng lớp lụa tà áo giai nhân mà chẳng bao giờ có thể chiếm hữu cho tận cùng phỉ mãn si mê.

Bởi hành trình của riêng tôi đây, hơn 30 chưa tận, nên xá chi một đôi vòng ngao du bát phố, “thả bùa” tương tư cho khách ở xa chiêm ngẫm Sài Gòn thực thụ của ký ức riêng mỗi thị dân, sống vay vào vài tầng trầm tích cuộc đời trong vòng vài giờ, đôi hôm ngọc ngà kỳ thú.

Mà, như đã nói, mỗi thị dân lại là một Sài Gòn rất riêng, một lối vào sâu thẳm những báu châu của hồi ức đô thị.

Điều đó mới chính là thứ làm nên sức rù quến bí ẩn của viên minh châu huyền thoại xứ Viễn Đông.

Quán nửa khuya, đèn mờ theo hơi khói…

Nếu là một hướng dẫn viên du lịch, tôi sẽ bắt đầu hành trình của mình bằng một đêm thức trắng.

Như món “welcoming cocktail” chào mừng lưu khách ở những khách sạn thượng thặng, ta sẽ cùng khai hành bằng cả một bữa thịnh soạn vào đúng khoảnh khắc bắt đầu hành trình khám phá, thứ “đêm trắng” rất riêng của Sài Gòn, thứ nhan sắc Nàng chỉ dành riêng cho kẻ cận kề vào những canh khuya để chiêm ngưỡng, khi những kẻ bỏ cuộc sớm hơn đã thiếp vào cơn ngủ sâu.

Không phải là một night-life xa xỉ giả cách ở một hộp đêm na ná như những gì người ta có thể tìm thấy từ Hương Cảng cho tới Nam Vang, hay con đường đi bộ chưa kịp hình thành ký ức.

Hãy cùng tôi hưởng đêm Sài Gòn bắt đầu bằng bữa khuya “welcoming meal” ở một tiệm mì Tàu, quán cháo, hàng cơm khuất ngõ giáp ranh Sài Gòn – Chợ Lớn, Tân Định – Đakao nào đó, ngắm những minh tinh thượng hạng của xứ phồn hoa tấp về đây cho chút an bình sau ánh đèn sân khấu, ngồi lấp xấp xì xụp bên cạnh mấy bác tài xe khách chuẩn bị lót dạ trước cuốc xe liên tỉnh xuyên đêm. Lắng nghe câu chuyện cuối ngày mệt mỏi xen lẫn tiếng cười khanh khách vọng trong đêm của mấy cô vũ nữ sau giờ tan vũ trường…

Tôi sẽ kể bạn nghe những năm tháng từ rất lâu trước đó, những tiệm mì, quán cơm vô danh này đã từng tồn tại từ trước ký ức thị dân. Chúng không có một ngày khai trương với tưng bừng pháo nổ lân chầu, mà lẳng lặng xuất hiện từ bao đời không hay, thủy chung tồn tại mỗi khi vị khách cũ sực nhớ chợt thèm món quen rỗi cẳng tạt qua, hàng chục năm mà chủ tiệm vẫn réo tỉnh bơ “Như cũ, cô Hai?”, nhớ rành ý thói khách từ cuống rau cải trụng tới dĩa ớt ngâm dấm cay xè đúng điệu.

Đôi khi, chính chủ tiệm cũng không rõ ông bà, cha mẹ họ lần đầu đẩy xe mì, bày ghế cóc ở đây tự bao giờ. Những nếp quán khuya không lịch sử, cũng chẳng bao giờ khơi nới xênh xang thành cao lầu lộng kiếng mát hơi. Nhưng sẽ là những hụt hẫng vô ngôn nếu một ngày tìm lại lối xưa, quán quen không còn ở đó.

Điều thú vị là mỗi thị dân chánh hiệu đều có cho riêng mình những nếp quán về khuya quen thuộc, mà ai cũng cam đoan sống chết rằng quán ruột của mình mới thực là “nhứt xứ”. Rồi thị dân hào phóng tham lam mách nước, chỉ điểm cho nhau, làm phong phú thêm cái điều sành sỏi thú ẩm thực về khuya để kết thúc, hay bắt đầu một đêm trắng Sài Gòn.

Hoặc về Chợ Lớn ngắm tranh kiếng tích Tàu trên xe mì. Cũng một xe ngon ngất ngưởng vậy nép mình trong căn hẻm nhỏ xíu ở Tân Định, kế bên nhà thuốc, hoặc cuối hẻm xóm Hồi Phú Nhuận, ăn xì xụp bên cạnh mấy ông anh bận đồ như người Chà và buồn bụng ra kiếm tô bò viên.

Một xe mì Tàu ở Sài Gòn với nhiều tranh kiếng tích xưa. Ảnh: Doi Kuro 

Sang cả xông xênh thì ta chưng cho bảnh rồi tạt vô Tân Hải Vân, Hoàng Long, A Bửu khét tiếng khu trung tâm, ngó dân thượng lưu của đời sống “by night” điểm danh tụ hội. Giang hồ bản xứ, thương nhân ta Tàu cặp nách mấy cô bồ trang điểm kỹ hơn đào kép sắm tuồng, nghệ sĩ thượng thặng, dân “cựu Sài Gòn” ở xa về, cả mấy gia đình trung lưu hiền lành quây quần quanh bàn dimsum sau khi vãn cuộc coi hát phòng trà…

Tôi sẽ tán dóc kể nghe chơi vài vụ thanh toán danh bất hư truyền đã từng diễn ra ngay trên vỉa hè này, lai lịch danh tánh vài vị thực khách ngồi quanh. “Little town little people”, người ta có thể ngồi từ bàn này gật đầu vẫy gọi người quen từ bàn khác, có khi nguyên đêm ngồi gật đầu chào hỏi tới sáng, miếng há cảo nguội ngắt từ bao giờ.

Bằng không, cho thấm thía đời sống thường nhật của người bản địa, hãy dẹp đi cái thói nhõng nhẽo ngại sợ đồ ăn lạ, hãy theo tôi tới quán cháo khuya khu Tân Định, chỉ mở đúng từ 3 giờ sáng phục vụ dân bình dân ham chơi và người lao động chạy hàng sáng sớm.
Người thức khuya kẻ dậy sớm cứ vậy san sát trong mịt mù khói ấm như một phiên chợ âm dương hàng đêm vào cái giờ nhập nhoạng.

Những khuôn mặt vừa thức dậy chuẩn bị cho một ngày lao động, cận kề những phấn son đã kịp rời rã mỏi mệt vào cuối ngày. Mà món giò cháo quẩy ở đây bao giờ cũng nóng hổi giòn rụm.Vài bước qua cầu chữ Y, biết đâu ta có thể cùng nhau đón bình minh ngày mới ở quán cà phê “bít tất” đã nghiễm nhiên trở thành huyền thoại địa phương từ hơn sáu chục năm đổ lại.

Không xa khỏi khu Tân Định, nếu ưng chắc bụng hơn, hãy ghé thăm thú “địa danh” Cơm Tấm Ma, mới qua khỏi Cầu Bông đã thấy đường chân trời mịt mù sương khói bởi chiêu vừa nước vừa quạt cật lực cho khói thơm phong kín một đoạn đường đổ về Bà Chiểu, mà nghe truyền thuyết tiếu lâm về chiếc bảng hiệu cọc cạch đã bị xóa hay được thêm chữ “i” sau chữ Ma để thành Cơm Tấm Mai. Hoặc vòng vèo về tuốt chợ Thủ Thiêm phía mảnh ghép bên kia của thành phố cách một con sông.

Từ khi đôi tuyến phà qua sông vắng bóng, lối về chợ đã không còn sầm uất như xưa, nhưng biết đâu, đã lâu không về, nếp quán cơm khuya vô danh mà thấm thía vị ngon món nghèo, vừa thưởng thức cái món nổi tiếng vừa để ăn khuya vừa là đồ ăn sáng, dòm hun hút vô ngôi chợ xập xệ không bóng người như những xác nhà hoang, đèn đường dát vàng loang lổ, nghe tiếng nhạc bolero phát ra từ xe kẹo kéo đầu đường, thấm thía vẻ đẹp của mảng tối bên kia sông Sài Gòn.

Chỉ vài bước tản bộ ra khỏi lối chợ, ta lại cùng nhau ngợp vào vầng sáng tân đô thị bên này sông, khu quận 2 với những khu biệt thự trắng phau như bầy thiên nga trắng lốp ẩn tịch giữa những khuôn viên sang trọng, sát vách với những mảng đồng hoang đã khoanh vùng chờ ngày tuyệt diệt.

Một hẻm bán đồ ăn khuya ở Sài Gòn. Ảnh: Thanh Hảo

Khoan đã, quý khách sẽ hỏi liệu phải tôi đang định bắt đầu cho một tour du lịch ẩm thực của Sài Gòn? Thưa không, ở Sài Gòn, miếng ăn hay nếp quán, thậm chí cả những tòa lầu, chỉ là cái cớ. Mà câu chuyện làm gia vị chính là những con người và cái nếp sống muôn mặt của thời điểm va chạm ngày-đêm, âm-dương, sang-hèn, động-tĩnh, thậm chí, giữa ma và người (tụi tôi hay gọi vui dân thức khuya là “ma đêm”) mới thực sự là chương mở của câu chuyện kể về Sài Gòn chỉ mới bắt đầu.

Hãy cùng tôi ngắm bức đại cảnh thị dân bắt đầu từ khoảnh khắc giao thời thường nhật này, bên bữa ăn lót dạ để kết thúc đêm của người này và bắt đầu ngày của kẻ khác.

Chuyện kể từ bên kia sông…

Một khi đã qua tới “phần bên kia” đô thị, mảnh ghép mới, vốn lam lũ hơn rất nhiều như bức tranh lập thể sáng-tối của Sài Gòn, ta vẫn có thể len lỏi vô tàn dư khu xóm lao động ổ chuột còn lại cuối cùng, bắt chiếc xe ôm ra nhà thờ “lồng đèn” ngồi ngó vọng qua viên minh châu lấp lánh hào hoa bên kia sông, tưởng như hai cõi tách biệt sẽ chẳng bao giờ chạm được tới nhau.

Tôi sẽ kể bạn nghe chỉ đôi chốc nữa, rồi cái ánh sáng lung linh nọ sẽ choàng qua tới tận nơi ta đang ngồi đây, về câu ngạn ngữ địa phương của ngày đáy sông rồi thành ruộng dâu.

Ngó chếch qua kia, một căn nhà ngồ ngộ màu trắng đứng đó một cách phi lý nhứt trên lịch sử kiến trúc đô thị, vốn là tàn tích của khách sạn nổi một thời. Ngày nó cặp bến Bạch Đằng đáng so sánh với ngày chiếc Titanic của giấc mộng văn minh lãng mạn nhổ neo tới Tân Thế Giới, dân Sài Gòn đã đổ xô tới đó trầm trồ ra sao.

Suốt những năm thời kỳ đầu “mở cửa”, sàn nhảy ở đây đã trở thành điểm ghé chân áp chót trong đêm của tất thảy Việt kiều và ngoại kiều thế hệ “khai khẩn thị trường” đầu tiên, không ít người trong số họ vẫn còn sống ở Sài Gòn từ bấy tới nay, mà cũng không ít trong số đó đã trắng tay ngán ngẩm ngậm ngùi ra đi. Ngôi nhà kì cục đó chính là lối cổng vào, lối hành lang trên bờ giờ còn đó chính là đường dẫn vô tiền sảnh.
Để tôi kể nghe có lần chứng kiến một cô gái giang hồ sống bên này Thủ Thiêm qua bên đó chơi, đánh lộn với mấy tay ngoại quốc say xỉn thế nào mà rớt một chiếc giày cổ rất quý, do một người tình ngoại quốc tặng. Chiếc giày bị văng xuống dòng nước đen ngòm thủy triều đang cao. Cổ nhảy ùm xuống làm cử tọa quây coi hết hồn, lặn như rái rồi leo lên bờ kè đá với… chiếc giày còn lại trong tay, thiên hạ vỗ tay rầm trời, lúc đó đâu như 2 giờ sáng. Thời đó những cuộc tình đa quốc gia còn là điều bị kỳ thị, cô gái nọ giờ đã kết hôn, đương nhiên là không phải với anh chàng đã tặng cổ đôi giày đó.

Tới hồi Khách sạn nổi, cũng là khách sạn hạng 5 sao đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn hết hợp đồng mướn bến, nhổ neo dời đi hồi nào chính tôi cũng không hay biết. Dân Sài Gòn nó vậy, hồ hởi với cái sự mới, rồi gắn bó, quyến luyến, và lãng quên… Cứ như đàn bà.

Khách sạn nổi năm sao ngày còn neo đậu Bến Bạch Đằng. Ảnh: TL

Thôi, bỏ câu chuyện này qua một bên, dẫu sao thì bây giờ tiêu chuẩn 5 sao đã đâu còn là sự lạ của Sài Gòn thời nổ bom du lịch như giờ. Sự lạ ngày xưa nay đã chẳng phải là điều kích động gì cho lắm.

Theo tôi, ta có thể bắt xe ra tới một chiếc cầu rất lạ, nó dẫn vô một cánh đồng hoang làm ngõ cụt. Tôi chẳng biết ai xây nó ở đây để làm chi và tự hồi nào. Chẳng có ai vô đây bao giờ, cũng chẳng có cướp giật gì dù khu xóm tứ bề là khu ổ chuột nhưng toàn dân lao động hiền lành. Chỉ thi thoảng ban chiều có người vô câu cá, vài cặp tình nhân chống xe ngồi bắt hoàng hôn, còn giờ này ta ngồi ngắm ánh sáng đô thị từ xa hoặc chờ bình minh thì tuyệt thú.

Bằng không, may mắn, ta có thể hỏi tìm trong xóm, lối ra mấy chiếc cầu cây hay rùng mình dưới chân người đi mà hỏi thăm, biết đâu còn mấy chiếc ghe nhỏ mướn được. Từ hồi xây đường hầm xuyên sông, khai tử phà Thủ Thiêm thì bờ bên kia bến Bạch Đằng cũng không còn cho cặp bến những thuyền chèo thuyền máy của dân bên này sông để chở người, và bắt tour cho khách du lịch xuôi về Thanh Đa nữa.

Mấy công ty du lịch hạng sang họ có ca-nô, thuyền máy ốp gỗ đẹp lắm, đi xông xênh ăn nhậu luôn trên thuyền (có dịp sẽ kể bạn nghe về thú này sau, nếu hứng thú).

Một chuyến đi xuồng dân thăm sông như vầy chỉ 1-2 trăm ngàn đồng, nhưng tiện như xích lô trên cạn bởi tính “dân biểu”, tức dân biểu đi đâu thì đi. Nhưng từ dạo gần đây, dân bên này bỏ nghề chèo đò vì đã có đường hầm. Nhưng tôi tin rồi ta sẽ tìm thấy một chiếc xuồng nào đó còn kiên cường cầm cự để chở người trong xóm qua sông, rồi rong ruổi bao xuồng, ta rẽ vô sâu hơn mạn tay mặt, tìm về phía heo hút hơn của miệt Thủ Thiêm, coi những căn nhà gỗ mái tôn mái lá lúp xúp trên mặt nước, ánh đèn bàn thờ đỏ quạch le lói nhún nhảy…
Đôi khi người ta thấy như đang lạc giữa một scene của bộ phim Apocalypse Now

Bến phà Thủ Thiêm ngày chưa khai tử. Ảnh: Thanh Tùng

Nhanh chân lên, biết đâu ta kịp trở dòng về sớm phía bờ bên kia để tiếp nối phần còn lại của hành trình đêm trắng đầu tiên của Sài Gòn, cùng ngồi hóng chờ tiếng chuông nhà thờ Trần Đình Xu từ những quán cóc khuya trên tàn dư ngôi chợ đầu mối một thời sầm uất khu Cầu Muối, biết đâu tôi kịp kể bạn nghe dăm ba câu chuyện về những tay giang hồ khét tiếng Sài Gòn từng xuất thân từ đây, vụ cháy hồi cuối năm ngoái ở khu xóm chợ Gà-Gạo và câu chuyện tình tứ (tôi thay cho từ “tình nghĩa”) của dân Sài Gòn quyết không để xóm nghèo gặp nạn giữa lòng Sài Gòn mà không ai đưa tay giúp.

Rồi vui chân tôi dẫn về đó mà coi khu xóm mới đã kịp dựng lại khang trang, vừa kịp chờ từ giã đêm âm-dương bằng cái nhịp rộng ràng của thiện dân lao động khu Ta-Tàu này rập rình họp chợ.

Hay xuôi về nhà thờ chánh tòa ngắm bưu điện giờ mở cửa, vừa nghe câu chuyện của ông già bận sơ mi hay rải thóc cho bồ câu, vừa chờ trông đức cha bận đồ lễ sang sảng tay cắp thánh kinh băng qua công trường kịp giờ lễ sớm rồi thảnh thơi, lại thả bộ Đồng Khởi ngang nơi trước kia từng là những Chi Lăng, quán Chùa, Givral, Brodard lừng lẫy.

Quẹo vô cung lộ ngắn có thể nhứt nhì thành phố, đường Nguyễn Thiệp, giờ đó đẹp như bất cứ góc nào ở Tuscany để kịp ngắm những bông cẩm chướng tươi nhứt vừa kịp chưng trên bàn, thưởng thức mùi thơm phức của những khoanh croissant mới ra lò, nhấm nháp ly cà phê sữa đá và nghe những chuyện kể trầm luân của nơi mà tôi từng mệnh danh là “quán cà phê của Kỷ Phục sinh”…

Nhược bằng đã kịp đói bụng và háo hức với món đặc sản rất cliché nhưng chưa bao giờ cũ kỹ, ta tạt vô quán phở Minh hẻm Casino, thưởng thức món bánh cam tráng miệng, đặng tôi kể cho nghe về những sáng Chúa nhật thần thánh thời bao cấp với niềm vui con trẻ, những báu châu ký ức mà chỉ tôi, kẻ thị dân hãnh diện này của Sài Gòn mới có.

Chờ cho nắng lên cao, tới đây là chặng nghỉ ngơi đầu tiên. Hãy lui về khách sạn, kịp cho những kí ức chỉ mới hình thành kịp lên da non và lắng vào, thấm tháp mà hình thành lớp trầm tích kí ức đô thị đầu tiên, của riêng bạn.

Người ta hay hỏi tôi, khá cắc cớ, rằng Sài Gòn toàn dân tứ xứ, biết đâu là dân Sài Gòn thứ thiệt, hay Sài Gòn “gốc”.

Thiệt ra, gốc với gác có chăng là những thứ bắt rễ vô tiềm thức. Có kỷ niệm đời sống ở đây, cho phép kỷ niệm đó ngấm sâu thành hồi ức, mối dây trừu tượng mong manh mà quyến luyến lắm, thứ để dành để thương khi ở, nhớ khi xa, hiếu kỳ khi gặp lại, là đã thành “dân Sài Gòn”.

Cả bạn nữa, du khách, cũng có thể là những người của Sài Gòn thực thụ, một khi sở hữu riêng cho mình những lớp trầm tích ăn sâu vào nếp đời mà thành tập quán, tập quán như đường mòn đi lại nhiều mà thành, đó chính là hồi ức để dành về sau, như người Mỹ hay nói là “get your way around” vậy.

Hành trình trở thành “dân Sài Gòn” của du khách cũng chỉ mới bắt đầu, với lớp trầm tích mỏng manh đầu tiên đang được hình thành về kỷ niệm đêm trắng ở xứ Ngọc Viễn Đông, ghi dấu không chỉ lớp phấn sáp kim cổ kì cục của Nàng, mà trong đó, sẽ có cả những cọ xát “sương sương” với những thường dân và cuộc đời bản địa “thứ thiệt”. Những khuôn mặt, giọng nói đa chủng và thứ món ăn ngộ nghĩnh của họ đó, giờ đã thành kỷ niệm, đã được toàn hữu, tưng tiu như một phần hồi ức riêng tư – thứ quà lưu niệm vô giá sau mỗi cuộc ngao du.

Chặng hành trình đầu tiên vừa kịp kết thúc trước khi cơn nắng dữ dội nhất kịp biến đại lộ Nguyễn Huệ thành cái chảo xi măng phi nghĩa.

Hãy về, cho những vết khắc lấp lánh của đêm trắng kịp dịu dàng kéo da non, chào mừng bạn đến Sài Gòn!

Trác Thúy Miêu



No comments: