Friday, March 4, 2016

GIÁO SƯ NGUYỄN NGỌC BÍCH, MỘT TẤM LÒNG VIỆT NAM (Đinh Quang Anh Thái)







Thursday, March 3, 2016 3:40:47 PM 

Bài liên quan

Dạo 20 năm sau này, tôi luôn bị ám ảnh và sợ tiếng chuông điện thoại reo lên giữa khuya. Vì lần nào cũng đều là tin chẳng lành.

Ðêm Thứ Tư, 2 Tháng Ba, 11 giờ 20 phút khuya, chuông điện thoại reo. Phạm Phú Thiện Giao gọi, tin buồn lắm, Trịnh Hội từ Manila báo Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích vừa đột ngột từ trần trên chuyến bay từ Hoa Thịnh Ðốn sang Philippines dự Họp Mặt Dân Chủ; và trên máy bay có cả bà Nguyễn Ngọc Bích là Tiến Sĩ Ðào Thị Hợi và Giáo Sư Ðoàn Viết Hoạt.

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích trong một sinh hoạt tại California. (Hình: Uyên Nguyên/Người Việt)

Tôi cảm nhận rất rõ, da mặt tôi lăn tăn tê dại.

Gọi cho chú Nguyễn Ngọc Linh ở Virginia, chú Linh, bào huynh của Giáo Sư Bích, giọng khàn đặc: “Cô Hợi dùng điện thoại trên máy bay báo tin cách đây khoảng hơn 2 tiếng và cho biết chú Bích vào phòng vệ sinh, khi về lại chỗ ngồi thì lên cơn nhồi máu cơ tim đột tử.”

Hơn hai giờ sáng giờ miền Ðông Hoa Kỳ, tôi đánh thức Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, cô Trương Anh Thụy, và cả anh Nguyễn Xuân Nghĩa, chú Nguyễn Thái Sơn ở Quận Cam, California.

Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, giọng cố bình thản: “Lại thêm một người bạn ra đi, nhưng thôi Bích như thế cũng thanh thản.” Cô Trương Anh Thụy gắn bó mọi sinh hoạt với chú Bích từ thời cả hai cùng du học Mỹ thập niên 50 thì lặng đi, giọng đứt quãng: “Sửng sốt! Ðau buồn!” Chú Nguyễn Thái Sơn nói: “Bích lành và thủy chung với tất cả mọi người. Tấm lòng như thế mà sao lại đột tử!” Anh Nguyễn Xuân Nghĩa nói như hét trong điện thoại: “Cái gì!”

Nhớ, cách đây đúng ba tuần, chú Bích còn cười còn nói khi đại diện Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ giới thiệu bộ sách Nhìn Lại Sử Việt của Sử Gia Lê Mạnh Hùng từ London tại phòng sinh hoạt báo Người Việt.

Nhớ, năm 1973, lần đầu gặp chú Bích vừa từ Mỹ về Sài Gòn đảm nhận chức vụ Tổng Cục Trưởng Cục Quốc Ngoại thuộc Bộ Dân Vận Chiêu Hồi. Nhưng hình ảnh thanh niên rõ nét nhất của chú là những bữa cơm trưa tại nhà cô chú lúc cô làm Viện Trưởng và chú làm Tổng Thư Ký Ðại Học Cửu Long. Chú vui, kể cho đám hậu sinh chúng tôi nghe những ngày sống và học ở ngoại quốc, những lần đối đầu nẩy lửa với các nhóm phản chiến bài xích chính nghĩa bảo vệ vùng đất tự do của quân dân miền Nam.

Nhớ, lúc chiến tranh gây tang tóc cho người dân Phước Long, đám sinh viên chúng tôi đến gặp chú xin yểm trợ, chú khóc nức nở khi nghe kể hoàn cảnh nghiệt ngã của đồng bào chạy loạn.

Nhớ, đêm văn nghệ Hát Cho Tương Lai Thống Nhất ngày 20 Tháng Bảy, 1974, tại rạp Thống Nhất-Sài Gòn, khi các đoàn thanh niên và sinh viên đồng ca “Việt Nam, Việt Nam” của nhạc sĩ Phạm Duy, có đoạn anh em không thuộc lời, chú lao vụt lên sân khấu, giọng vang vang say sưa hát.

Nhớ, thời chú làm Giám Ðốc Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do, mỗi khi chú chấp bút viết một bản văn bằng Anh ngữ, Phó tổng giám đốc đài là nhà báo Dan Southerland phát thốt lên rằng, không thể sửa, dù một dấu phẩy bài chú viết. Không chỉ Anh ngữ, chú còn thông thạo tiếng Pháp, làm thơ Hài Cú tiếng Nhật, đọc tiếng Hoa, hiểu tiếng Ðức và tiếng Spanish đủ để đi mua sắm.

Nhớ, tính chú hiền, chẳng hề một lần to tiếng, trách móc ai.

Nhớ, tâm chú tốt đến độ không nỡ từ chối ai việc gì, dù lớn dù nhỏ. Và cũng vì tất bật hết việc này đến việc kia, nên nhiều lúc chú bị trách yêu là “luộm thuộm.”

Nhớ, thì chú còn biết bao điều để nhớ tới. Và biết bao người nhớ chú.

Nhớ, như Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng nhớ: “Cú điện thoại hai giờ sáng của Ðinh Quang Anh Thái đánh thức tôi, báo tin Nguyễn Ngọc Bích, một người bạn thân, đã chết trong máy bay trên đường đi Phi Luật Tân dự một hội nghị về Biển Ðông. Mấy tuần trước, tại phòng hội báo Người Việt tôi còn thấy Nguyễn Ngọc Bích nói sang sảng trong buổi ra mắt sách ‘Nhìn Lại Sử Việt’ của Lê Mạnh Hùng.”

Buổi sáng, lái xe trên đường Little River Turnpike đi về hướng Washingon, DC, qua lối rẽ vào Pinecrest Vista, tôi sực nhớ đến một người bạn thân khác, Như Phong Lê Văn Tiến, “nhà báo của các nhà báo.” Anh mất đã 15 năm mà mỗi khi nghĩ đến tưởng chừng như mới mất hôm nào. Tháng trước, Ðinh Cường, một tên tuổi của Hội Họa Sĩ Trẻ một thời bùng nổ sáng tạo, cũng ra đi. Bạn bè chết dồn dập quá!

Tôi có cảm tưởng như một người lính trận thấy đồng ngũ trúng đạn, gục chết chung quanh, từng người từng người.

Những người chết là các bạn tôi biết trong thập niên 1960 ở Mỹ hoặc ở Việt Nam. Thời ấy, tôi về Việt Nam với nhiều hy vọng và ước mơ. Chúng tôi chia sẻ với nhau niềm lạc quan và sự tự tin của tuổi trẻ. Bây giờ, những người thuở ấy lần lượt ra đi. Ðối với thế hệ chúng tôi, còn sống hay đã chết, cuộc chiến cũng đã tàn. Thời gian bắn từng viên đạn chính xác vào mỗi người. Người còn lại thương tiếc người đi cho đến khi người cuối cùng gục xuống.

Nhớ, như nhà báo Phan Tấn Hải nhớ: “Tôi tin rằng cái chết của Giáo Sư Bích chỉ vì vỡ tim mà chết: đó là cái chết của một người yêu nước mình tha thiết, chết trên bầu trời Biển Ðông, chết trên chuyến bay từ Mỹ sang Manila để bênh vực cho quê nhà. Và cảm xúc tràn ngập, Giáo Sư Bích vỡ tim mà chết. Chưa từng có ai như thế.”

Cháu nhớ chú Nguyễn Ngọc Bích. Mãi mãi!

TIN LIÊN QUAN







No comments: