Friday, March 25, 2016

GẶP BÁC TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG (Nguyễn Thị Hậu)





Nguyễn Thị Hậu
Viet-Studies 24-3-2016

Lần đầu tiên tôi biết đến công trình của học giả Tạ Chí Đại Trường là khoảng năm 1994. Từ Sài Gòn ra Hà Nội tôi ghé thăm thầy Trần Quốc Vượng. Ngắm nghía những giá sách đầy chật nhà thầy, tôi nhận ra một cuốn mới có cái tựa và cả tên tác giả đều lạ. Đó là cuốn “Thần, người và đất Việt” – cuốn sách mà cho đến giờ tôi luôn nhớ nhầm tựa sách thành “Người, đất và thần Việt” hay “Đất, thần và người Việt”… vì tôi thấy để kiểu gì cũng hay và… có lý.

Bẵng đi rất lâu, tôi cũng không biết gì thêm về tác giả Tạ Chí Đại Trường và những công trình khác của ông. Cho đến khi mạng Internet phát triển ở Việt Nam, nhớ đến cuốn sách hay và tác giả của nó, tôi vào Google tìm kiếm. Thiệt là may, tôi đã tìm thấy nhiều bài viết của ông trên một số Website, rồi sau đó tìm thấy trang Tachidaitruong.com. Vài năm gần đây đã có nhiều cuốn sách của ông được xuất bản trong nước, tôi có thêm cơ hội được “gặp” ông qua các công trình nghiên cứu lịch sử rất thú vị.

Những lần học giả Tạ Chí Đại Trường về Sài Gòn hầu như tôi đều được gặp. Ông đã tặng tôi mấy cuốn sách in lần đầu, lại còn cùng trò chuyện về nhiều vấn đề lịch sử. Qua đó, tôi hiểu rõ hơn vì sao mình lại thích thú đến thế khi đọc các công trình của ông.

Đầu tiên là giọng văn của ông: nghiêm túc, khúc chiết, từ ngữ chính xác mà phong phú, có lúc như mỉa mai châm chọc, nhiều khi “cực đoan” thậm chí  đầy vẻ định kiến khi chê/ phê một ai đó. Nhưng giọng văn ấy cũng rất hóm hỉnh, “có duyên”, lôi cuốn người đọc, cách đặt vấn đề, nhìn ra vấn đề luôn bất ngờ làm cho người đọc muốn tranh luận ngay với ông. Người đọc không chán, cứ xem đến cùng, xem đi xem lại, như trò chuyện, “tranh cãi” với ông nhiều lần vậy. Công trình của ông hấp dẫn người đọc vì đã cho thấy chính kiến khoa học của cá nhân tác giả. Điều này rất quan trọng vì nó cho thấy trách nhiệm của nhà sử học trong việc giải thích lịch sử chứ không chỉ là việc ghi chép lịch sử. Khi vai trò nhà sử học thể hiện trong công trình của họ rõ ràng và chân xác thì sức thuyết phục sẽ cao hơn.

Thứ hai là vấn đề tư liệu trong các công trình của học giả Tạ Chí Đại Trường. Ông tiếp cận các vấn đề, sự kiện lịch sử đầu tiên từ chính nguồn sử liệu vốn/ sẵn có. Có lần ông nói với tôi “Tôi không phát hiện ra sử liệu nào mới cả, tất cả đã có trong “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng như trong các bộ chính sử khác, từ nguồn sử liệu chữ viết đến tài liệu khảo cổ học, từ  tài liệu văn hoá dân gian đến tài liệu ngôn ngữ…”. Như vậy để có thể nhìn ra vấn đề mới, cách đơn giản nhất nhưng cũng là cơ bản và khoa học nhất là ông đã đọc kỹ sử liệu, không chỉ từng câu từng từ mà còn đọc trong sự liên hệ, liên kết các sự kiện, con người mà sử đã ghi chép lại, mà hiện vật khảo cổ, di tích khảo cổ đã phản ánh.  Qua đó ông đã nhận ra, nhìn thấy những gì mà sử gia thời trước không viết ra bằng câu chữ, tức là đọc lịch sử như người cùng thời để hiểu những gì diễn ra đằng sau những câu chữ. Góc nhìn, cách tiếp cận của ông làm cho nhiều vấn đề, nhân vật lịch sử trở nên sáng tỏ hơn – nhất là làm ta hiểu hơn bối cảnh xã hội của sự kiện lịch sử - cái nhìn biện chứng hơn. Các vấn đề ông phát hiện, nêu ra liên quan đến những nhân vật, những triều đại lịch sử mà trước nay ta thường chỉ nhìn thấy mặt chủ đạo (ưu điểm hay hạn chế cơ bản, nổi bật, quan trọng nhất…) của nó. Lâu nay sử học thường dựng nên chân dung các nhân vật lịch sử qua lăng kính chính trị. Nhưng họ còn là những con người “xã hội”, con người “gia đình”, con người “cá nhân”. Khi nhìn nhân vật lịch sử trong “tổng hòa các mối quan hệ xã hội” như vậy sẽ hiểu hơn những hành xử, những thành công thất bại, quan trọng hơn là hiểu nguyên nhân nào hoàn cảnh nào dẫn đến những sai lầm của họ. Có như vậy mới thấm thía “bài học kinh nghiệm” từ lịch sử.

Thứ ba: Các công trình của học giả Tạ Chí Đại Trường thực sự là những công trình liên ngành: tiếp cận một vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, từ nhiều ngành nhiều tư liệu khác nhau, để tìm ra sự thật lịch sử. Nếu những góc nhìn ấy đều cho kết quả giống nhau thì nghiên cứu đúng. Còn nếu mỗi góc nhìn cho thấy những “sự thật” khác nhau, mâu thuẫn với nhau thì hoặc, phải kiểm tra lại tòan bộ tư liệu, hoặc cách đặt vấn đề, cách tiếp cận sai! Như vậy phương pháp liên ngành đòi hỏi người nghiên cứu phải thực sự khách quan và dũng cảm, khi sử dụng kết quả, phương pháp của các ngành khác, bởi vì nó có thể làm phá sản ý đồ nghiên cứu của mình. Vì vậy lâu nay có những công trình nghiên cứu luôn ghi “sử dụng phương pháp liên ngành” nhưng thật ra chỉ sử dụng kết quả nào phù hợp để minh hoạ cho ý tưởng của tác giả.

Trong nghiên cứu lịch sử nắm vững tư liệu lịch sử đó là chiều sâu, sử dụng tài liệu liên ngành đó là chiều rộng để lịch sử hiện lên tòan diện. Các công trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam của học giả Tạ Chí Đại Trường xuất phát từ góc nhìn rộng nhất: từ văn hóa Việt Nam bởi vì lịch sử là một phần quan trọng của văn hoá quốc gia. Lịch sử là đời sống, đặt lịch sử trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, do đó qua công trình của Tạ Chí Đại Trường ta nhận thấy “sử học” và “sự thật” khá gần gũi nhau. Đây cũng chính là lý do mà khi các công trình sử học của ông được xuất bản, đông đảo công chúng đã nhiệt tình đón đọc và thích thú.

Vào năm 2013 công trình nghiên cứu “Thần, Người và Đất Việt” của học giả Tạ Chí Đại Trường đã được giải thưởng “Sách Hay” và năm nay 2014, Quỹ văn hoá Phan Chu Trinh vinh danh “Giải Nghiên cứu trao cho nhà nghiên cứu sử học Tạ Chí Đại Trường vì những đóng góp độc đáo và mới mẻ của ông trong nghiên cứu sử học”.

***
Sau thời gian bịnh nặng ở Mỹ, bác tạ Chí Đại Trường được gia đình đưa về Việt Nam chăm sóc. Cách đây vài tháng tôi có vào thăm ông ở bệnh viện Nguyễn Trãi. Ông còn rất yếu mệt nhưng đôi mắt vẫn tinh nhanh, giọng nói vẫn lạc quan. Ông hẹn mai mốt về nhà sẽ xem lại mấy tư liệu khảo cổ mới mà tôi vừa “mách” để ông bổ sung vào tiểu luận “Trần”. Tôi còn nói vui: bác về nhanh còn làm tiếp phần 2 “Sex và triều đại” cho thời hiện nay nữa chứ! ông cười và nắm tay tôi thân thiết: thôi phần này các anh chị viết tiếp sẽ sinh động hơn tôi, vì là thời của các anh chị.

Nhà sử học nào cũng chỉ sống ở một thời, nhưng công trình sẽ ở lại với nhiều đời khi nhà sử học nhìn và viết về quá khứ không từ sự thiên kiến của ngày hôm nay.

Sài Gòn 25.3.2016

----------------------







No comments: