1/3/2016
Trời tháng năm mau sáng, mới bảnh mắt mà lũ chim
chích ngoài vườn đã lích rích chuyền cành tìm sâu nghe váng cả tai. Tiếng nghé ọ
trong chuồng và tiếng cọ sừng lạch cạch chẳng ăn nhập gì với lũ chim, nhưng lại
tạo nên bản hòa tấu chào ngày mới vui nhộn. Ấm nước vừa đun xong, chú Phương liền
mang ra chỗ chiếc bàn được kê trước thềm để pha chè. Trong khi chờ cho chè đượm,
chú lại tranh thủ hút điếu thuốc lào, rồi lâng lâng nhả khói.
Cái âm thanh buổi sáng sôi động kia lúc này đang
trái ngược với tâm tư của chủ nhân ngôi nhà. Suốt tối qua, chú Phương không sao
ngủ được vì trằn trọc lo nghĩ. Nguyên do là ban ngày đứa con cả đang học đại học
ở thành phố gọi điện về giục bố gửi tiền. Nó nói rằng đã nợ tiền trọ và tiền học
của người ta cả tháng nay rồi. Khổ nổi! Bây giờ chú lại đang chưa biết kiếm đâu
ra tiền để gửi cho con. Đâu chỉ thằng cả, một đứa học cấp hai, đứa út đi mầm
non nữa cũng tốn không biết cơ man nào là tiền. Rồi lại tiền đám cưới, thăm hỏi,
chi phí sinh hoạt hằng ngày, thật là trăm thứ bà rằn. Mấy nếp nhăn trên trán
chú Phương cứ hằn sâu rồi lại giãn ra, nom đến là tội nghiệp. Để giải quyết nổi
bí bách chưa có lối thoát, chú lấy cái chổi đi ra quét sân, một tay thì chắp ra
sau lưng mà nghĩ ngợi rất lung.
Đang suy nghĩ miên man, chợt có tiếng chửi léo xéo cất
lên, thoáng nghe qua chú đã biết ngay là của mụ Nga hàng xóm:
- Đứa nào đổ rác qua vườn nhà bà đây! Tổ cha chúng
mày! Vô ý thức vừa vừa thôi chứ!...
Như bị một luồng điện giật, chú điên tiết vứt cái chổi
xuống sân rồi lao ra chỗ bờ rào, nơi phát ra thứ âm thanh khiêu khích khó chịu
kia. Vị trí này là nơi tiếp giáp chung của cả ba nhà, ngoài chú Phương và mụ
Nga thì còn có thêm nhà ông Kiên nữa. Do địa giới chưa được phân định, cho nên
người ta đóng tạm một hàng cọc bằng gỗ, rồi chăng dây kẽm gai lên đó. Trước
kia, mồ ma bố chú Phương và bố chồng bà Nga còn sống, hai cụ đã có xung đột quyết
liệt với nhau về lãnh thổ. Vì thế mà cuộc chiến biên giới do lịch sử để lại -
mà dân ở đây vẫn hay nói đùa với nhau là giữa người Do Thái Israel và Palestine Ả
Rập - thi thoảng lại bùng phát dữ dội.
Mụ hàng xóm lúc này mặc bộ đồ ngủ mỏng tang, đang đứng
dưới gốc cây bưởi mà ngó nghiêng, chửi rủa. Cặp vú thổn thện của mụ lồ lộ, cái
quần lót màu hồng bên trong cũng ngang nhiên phơi bày, nom đến là khêu gợi.
Chồng bà Nga đi làm xây dựng xa, vài tháng mới về
nhà một lần. Mụ có tính lăng nhăng, nhân tình nhân ngãi rập rình cứ như trẩy hội.
Vì thế mà lối vào nhà nhẵn dấu chân đàn ông, đến nổi cỏ cũng không mọc được.
Đàn ông trong làng này mụ tằng tịu chẳng tha một ai, có lẽ chỉ trừ lão Tân ở cuối
xóm, vì bị mù cho nên không thể tìm thấy đường đến nhà mụ được mà thôi.
Vừa chạy ra đến nơi, phát hiện thấy địch thủ phía
bên kia hàng rào, chú Phương khai pháo ngay:
- Con mụ điêu toa kia! Sáng ra không cho ai nghỉ
ngơi, đã quang quác cái gì thế?...
Mụ cong cớn cặp môi, sấn sổ:
- Bà chửi cái loại vô học, đầu chày đít thớt kia đấy!
Đang chưa hiểu mô tê gì, lại bị chửi ngay một tràng
như tiểu liên bắn vỗ mặt, thế này thì ai mà nhịn cho được cơ chứ? Rồi cứ thế,
chú vỗ hai tay bồm bộp vào ống quần như con gà trống chuẩn bị cất tiếng gáy:
- Cái loại “Mèo mả gà đồng”, hễ vắng chồng là “Đưa
người cửa trước, rước người cửa sau” như mụ thì ta đây khinh nhé! Coi chừng ông
lại đánh cho bép xác ra bây giờ!...
Ông Kiên hàng xóm bấy giờ vẫn đứng lấp ló sau bụi
mùng tơi mà quan sát cuộc cãi vã, bộ ria rậm rạp màu hung của lão che dấu một nụ
cười bí ẩn. Lão ta chỉ đứng nhìn, không can ngăn, cũng chẳng có ý kiến gì cả.
Tuy chậm hiểu, nhưng khi những lời của chú Phương vừa
lọt vào tai, mụ Nga đỏ dừ mặt lên, một tay chống nạnh, tay kia thì chỉ về phía
đối phương mà nhảy tưng tưng. Cặp má béo múp và chỗ bắp thịt nơi hai cánh tay của
mụ lúc này cứ rung rinh theo nhịp điệu thách đố:
- Bà thì thách…thách cái loại khố rách áo ôm như mày
đấy!...
Chú Phương ức quá, hộc lên từng tiếng, bọt mép sùi
ra như con lợn rừng bị truy đuổi. Nghe tiếng chửi nhau mỗi lúc một dồn dập, bà
vợ chú vội chạy ra xem có chuyện gì. Thấy chồng cứ nhón chân muốn nhảy qua phía
bên kia hàng rào, bà hốt hoảng ôm ngang lấy thắt lưng ông mà kéo lại. Bị vợ giữ
chặt, chú Phương chỉ còn nước giơ hai bàn tay to bè thô ráp mà rướn người lên,
như là tàu bay sắp cất cánh, khiến cho hai chiếc dép nhựa tội nghiệp phải chịu
một lực kéo rất mạnh, chỉ chực muốn đứt quai.
Vừa lúc đó, một bóng người bổng từ đâu vụt vào trong
sân, lẹ làng như mèo rình chuột. Rồi có tiếng nói vọng ra:
- Hai bác có ở nhà không đấy?...
Thấy có khách, chú Phương quyết định hưu chiến:
- Lần này ta tạm tha cho mụ nhé! Lần sau thì hãy coi
chừng!...
Tiếng chửi của mụ Nga vẫn the thé vang lên. Nghe thấy
vậy, chú Phương vùng vằng mà toan quay lại nữa, khiến cho bà vợ phải vừa kéo vừa
đẩy thì ông mới chịu đi vào trong nhà.
o0o
Tay cán bộ xã đã ngồi bắt chéo chân trên chiếc ghế
chỗ thềm tự lúc nào, vừa thấy vợ chồng chủ nhà, hắn lởi xởi:
- Chào hai bác! Tôi đến để thu tiền đóng góp..
Chú Phương đang toan hỏi, thì hắn đã nhìn xuống tờ
giấy để trên bàn, đọc một loạt những khoản tiền phải thu như: “Quỹ quốc phòng
an ninh” , “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Quỹ bảo trợ trẻ em”, “Quỹ xóa đói giảm
nghèo”, “Quỹ xã hội - từ thiện”, “Quỹ khuyến học”, “Quỹ chăm sóc người cao tuổi”,
“Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ phòng chống ma túy”…; cộng tất cả cũng lên đến
mấy trăm ngàn.
Đọc xong, hắn nheo cặp mắt ti hí dò thái độ chủ nhà,
rồi cười hề hề:
- Mong hai bác chấp hành đúng chủ trương, chính sách
của đảng và nhà nước cho!...
Đang bực dọc, chú Phương đốp chát luôn:
- Không đóng! Lúc nào cũng đóng với chả góp. Quanh
năm khoản này khoản nọ. Họa có mà đi ăn cướp để đóng cho các ông à? Chúng tôi
cũng đang thiếu thốn đây, có thấy ai cho một đồng nào đâu!…
Bị bất ngờ, tay cán bộ tái mặt:
- Làm gì mà bác nóng tính thế?..
Nhìn thái độ tức giận của chú Phương lúc này, đoán
là dễ có một cuộc xung đột như chơi, hắn cầm vội tờ giấy đứng lên, giật lùi mấy
bước rồi lủi thủi bỏ đi ra cổng, thái độ lộ vẻ hằn học.
Bóng tay cán bộ vừa đi khuất, bà quay sang trách chồng:
- Sao ông lại ăn nói thế kia chứ?
- Nhà nước Cộng Sản này là cái thùng không đáy, bà
không biết à? Bao nhiêu tiền của người dân vào đó rồi cũng trôi tuột hết! – Chú
vung tay tức giận.
Khuôn mặt thiểu não, giọng bà gần như mếu:
- Biết là thế! Nhưng ông làm vậy, họ ghét thì họ lại
gây khó khăn. Ngay như việc mình ra ủy ban xin cái giấy xác nhận cũng khó rồi,
chưa nói đến chuyện lớn lao khác!…
- Tôi mặc kệ! Lành làm gáo, vỡ làm môi. Mình khổ thế
này, còn phải kiêng sợ cái gì nữa?
Rồi mặc cho bà bàng hoàng đứng một mình như trời trồng
giữa sân, ông vào nhà lấy cái mũ cối đội lên đầu, tất tả đi thăm đồng.
o0o
Dỗ cho đứa con nhỏ ăn xong, bà quay sang nhìn chồng,
cất giọng chậm rãi:
- Hay là ông thử đến hỏi vay bác Phong xem sao? Bác ấy
cũng là chỗ thân tình với nhà mình!...
Sự khốn đốn của gia đình lúc này càng khiến cái nét
khắc khổ trên khuôn mặt vị chủ nhà hiện rõ, chú Phương đặt bát đũa xuống bàn,
chau mày:
- Cũng đành phải vậy thôi!
Hai vợ chồng chú đang bàn nhau đi vay nợ tiền để mở
rộng chăn nuôi, nhằm cải thiện tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Vốn là nhà
nông, lâu nay họ chỉ dựa vào ba sào ruộng. Trừ chi phí phân bón, giống và công
lênh thì không còn lãi nữa. Bí quá, bà vợ phải buôn bán thêm ở chợ để có thể nuôi
con ăn học. Tất cả cũng chỉ để đắp đổi qua ngày mà thôi. Bác Phong vốn là chỗ
bà con xa, nhà ở ngay huyện bên. Ăn cơm trưa xong, chú Phương chỉ nghỉ ngơi một
lúc, khi chiếc đồng hồ quả lắc vừa điểm một giờ chiều là đã vội vã lên đường
ngay.
Chập tối chú Phương mới về đến nhà. Sau khi dựng xe
máy xuống sân, chú thất thểu đi vào nhà rồi ngồi phịch xuống ghế. Nhìn cái dáng
điệu như gà mắc mưa của chồng, bà biết là ông không vay được tiền. Tâm tư của một
người vợ, khiến bà thấy thương ông quá. Thật tội nghiệp! Cuộc sống lo toan khiến
ông ấy già trước tuổi, mới ngoài năm mươi mà đã giống như một lão già nhăn
nhúm.
Thấy chồng buồn bực, bà không dám hỏi, chỉ nhìn ông
thăm dò.
- Bác Phong thông cảm cho chúng ta lắm, nhưng hoàn cảnh
cũng giống như nhà mình. Bác ấy lại có những năm người con lận! – Chú dằn mạnh
tay xuống bàn, thanh minh với vợ.
Tình cảnh này thật là đi đến chỗ bế tắc. Không lẽ
bây giờ phải bắt đứa con lớn bỏ dở đại học để về phụ giúp gia đình? Quả thực,
hai cô chú không thể lo đủ chi phí để cho con tiếp tục việc học. Ấy là chưa kể
khi nó học xong, còn tốn một đống tiền để xin việc làm nữa. Nghe người ta nói,
phải mất mấy trăm triệu cơ đấy. Ôi! Nếu như vậy thì công sức lâu nay lại đổ xuống
sông, xuống biển ư? Bất lực, chú vớ lấy điếu thuốc lào mà châm lửa rít một hơi
thật dài, như để quên hết mọi khổ nhục, lo toan đang dày vò.
Chiếc loa công cộng treo trên nóc nhà bắt đầu ra rả
kêu gọi toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Nó ca ngợi đời
sống nông thôn ấm no, hạnh phúc. Họ nói rằng, người dân đang phấn khởi, tuyệt đối
tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của đảng, vào chế độ cộng sản tươi đẹp.
Không chịu được nữa, chú uất ức vùng lên như một con
ngựa bị ghìm cương:
- Nói láo! Rặt một lũ nói láo. Ôi! Xã hội này nó như
một cái cối xay thịt người bà nó ạ!
No comments:
Post a Comment