Friday, March 25, 2016

BẢN ÁN PHI LÝ CHO VỤ ÁN ANH BA SÀM (Pv.GNsP)





Pv GNsP tại Hà Nội
Đăng ngày 25.03.2016 - 1:00am

GNsP (25.03.2016) – Kết thúc vụ án Anh Ba Sàm, ông Nguyễn Hữu Vinh chịu mức án 5 năm tù, bà Nguyễn Thị Minh Thúy chịu mức án 3 năm tù.

Ngày 23/03/2016, tại tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã diễn ra phiên tòa xét xử nhà báo, blogger Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự của ông, cô Nguyễn Thị Minh Thúy.

Ông Vinh và bà Thúy bị bắt ngày 05/05/2014 về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ luật hình sự.

Phiên tòa bắt đầu từ 8h30’ sáng kéo dài đến 16h50’, nghỉ trưa một giờ.

Đây là phiên tòa xét xử công khai nhưng chỉ có bà Lê Thị Minh Hà, là vợ của ông Vinh và bà Nguyễn Thị Thuyên, là mẹ của chị Thúy được vào. Thay vào đó tòa án cho rất đông an ninh, công an ngồi chật kín phòng xử án. Bà Hà cho rằng họ làm như vậy để mọi người nghĩ rằng phiên tòa có sự tham gia của nhiều người dân và không muốn người dân vào bên trong chứng kiến phiên tòa. Có nhiều người nhà của ông Vinh và chị Thúy đăng ký từ trước tham dự phiên tòa nhưng đến ngày xét xử họ đều không cho vào.

Tham dự phiên tòa còn có sự tham gia của một số đại diện đại sứ quán Mỹ, liên minh EU, Thụy Điển, Úc, Phần Lan quan sát diễn biến phiên tòa qua phòng chiếu bên ngoài. Ngài Martin Patzelt, nghị sĩ, thành viên Uỷ ban Nhân quyền Quốc hội CHLB Đức – người vừa bay sang tham dự phiên tòa với tư cách quan sát viên cũng đăng ký tham dự phiên tòa nhưng cũng không được vào.

Bên ngoài tòa án, những lúc cao điểm có khoảng hơn 200 người ủng hộ ông Vinh và bà Thúy đứng phía đối diện tòa án phản đối phiên tòa. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, anh Nguyễn Đình Hà, hai ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa 14 khi đang quan sát bên ngoài phiên tòa thì bị an ninh bắt nguội đưa đi. Đoạn đường hai đầu khu vực tòa án bị chặn rào chắn ngăn không cho người tham gia giao thông đi qua.

Sai phạm nghiêm trọng trong quá trình xét xử

Sau khi kết thúc phiên tòa, luật sư Trần Quốc Thuận bào chữa cho ông Vinh và bà Thúy đã cho biết rất nhiều sai phạm trong quá trình xét xử vụ án.

Thứ nhất là vụ án này vi phạm tố tụng hình sự nghiêm trọng từ khi phê chuẩn việc bắt giam. Ngay sau khi bắt giam thì chậm nhất là 24 giờ thì phải có phê chuẩn của viện kiển sát nhưng 8 ngày sau gia đình mới nhận được. Cái đó chúng tôi chứng minh rất rõ trong phiên tòa nhưng viện kiểm sát không trả lời được, cái đó là bắt khẩn cấp nhưng không phải là bắt giam.

Thứ hai là ông Trung tướng Hoàng Kông Tư, Thủ trưởng Cơ quan điều tra và cũng là người bị hại trong vụ án này lại là người ký lệnh bắt khẩn cấp là hoàn toàn sai pháp luật. Viện kiểm sát trả lời là ông Hoàng Kông Tư giao cho ông Đại tá Dũng, là phó thủ trưởng cơ quan điều tra làm việc này.

Tiếp nữa là việc lấy tài liệu trên máy tính xuống không đúng thông tư liên nghành. Việc nghiêm trọng nữa là không trả lời đơn thư tố cáo. Tất cả những sai phạm này được xếp vào loại vi phạm nghiêm trọng bộ luật tố tụng hình sự.

Luật sư Thuận cho biết qua diễn biến phiên tòa thì các luật sư và ông Vinh, cô Thúy đều trả lời rõ ràng là không có liên quan đến hai trang mạng “Dân quyền” và “Chép sử Việt”, coi như là các chứng cứ đều bị đánh bật. Sau đó cơ quan Viện kiểm sát họ không tranh luận nổi , họ nói lẫn lộn giữa chứng cứ và tài liệu, tài liệu và chứng cứ là hai cái khác nhau. Cho nên họ tranh luận không nổi và kéo dài.

Theo điều 13 của luật tố tụng hình sự thì khi không tìm được chứng cứ buộc tội thì phải tuyên bố vô tội. Tôi nghĩ có lẽ là lịch sử phải được ghi lại, nên tôi hy vọng là mức án sẽ được giảm nhẹ. Nhưng cái tạo bất ngờ lớn nhất với các luật sư là bản án. Diễn biến bản án chỉ ghi lại những gì trong bản cáo trạng đã ghi, trong kết luận điều tra đã làm nhưng họ đã làm cái điều trong bản án là bất chấp luật pháp. Bởi vì trong quy định bộ luật tố tụng hình sự đều nói rằng khi nghị án phải căn cứ vào cáo trạng và kết quả tranh luận trước phiên tòa. Nhưng những cáo trạng, chứng cứ các luật sư đưa ra đã đánh bật hết được hội đồng xét xử, các luật sư đã đứng lên nói rằng các chứng cứ, cáo trạng của chúng tôi không được trả lời, đề nghị ghi nhận những ý kiến của chúng tôi là đúng, cái gì viện kiểm sát không trả lời được thì coi như là đúng. Nhưng cuối cùng thì kết quả lại như thế.

Thế nên nghị án này là họ vượt lên trên pháp luật bởi vì nghị án phải được ghi nhận trên bản cáo trạng và tranh luận trước phiên tòa nhưng họ lảng vảng đọc cho qua. Những cái chứng cứ đó trong hồ sơ vụ án thì có nhưng nguyên tắc chứng cứ phải đưa vào trong có trạng và đưa ra trước phiên tòa. Bởi vì theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự thì tòa chỉ được xét xử những vấn đề gì mà viện kiểm sát truy tố ra chứ không được xét xử những gì vượt quá những gì truy tố. Bây giờ, họ lại lấy những chứng cứ không có trong bản cáo trạng, không có trong kết luận điều tra để đem ra đọc khoảng trên 10 trang để buộc tội.

Điều không bình thường là tòa lại là cơ quan buộc tội thay cho cơ quan điều tra và viện kiểm soát. Điều tôi sốc và cho là độc ác là khi họ nhận định về nhân thân gia đình Nguyễn Hữu Vinh có bố mẹ đều là cán bộ lão thành, có nhiều công với đất nước, có nhiều huân, huy chương nên được xem xét. Còn Nguyễn Thị Minh Thúy có hai con nhỏ nên cần được xem xét, chiếu cố … rồi cuối cùng đọc bản án là 5 năm và 3 năm trong khi viện kiểm sát đề nghị từ 4 đến 5 năm thì thành 5 năm, cô Thúy đề nghị từ 24 đến 30 tháng thì thành 3 năm.

Cho nên tôi thấy lời nói của họ giả nhân, giả nghĩa, bất nhẫn. Bản án kết luận trên những bản kết luận không hợp pháp, trên những luật tố tụng bị vi phạm nghiêm trọng. Đó là những tình tiết không bình thường và tôi nghĩ những trường hợp như thế phải được lên án. Cái này là cái thách thức trước cải cách tư pháp, đi ngược lại với cải cách tư pháp như xét xử công minh, bản án phải là khâu trung tâm, phiên toà phải được kết luận trên những gì được tranh luận trước tòa. Bên cạnh đó, cái mà báo chí quốc tế quan tâm là nhân quyền, quyền tự do báo chí, ngôn luận, tự do hội họp… Nhưng cái nhân quyền quan trọng nhất là mạng sống, tự do con người, thì đây là một bản án oan, kết án một người không có tội, không đủ chứng cứ buộc tội. Không biết là cái án này ai chỉ đạo, chỉ đạo với mục đích gì, nhưng cái lớn nhất là phá hoại cải cách tư pháp, phá hoại niềm tin của nhân dân đối với chế độ này, phá hoại nhận xét của quốc tế đối với Việt Nam trong cái đổi mới, cải cách. Theo tôi vấn đề này cần được lên án càng nhiều càng tốt.

Luật sư Hà Huy Sơn cũng cho biết: Với tư cách là người bảo vệ cho ông Vinh và bà Thúy thì tôi cho rằng đây là một bản án bất công, phi lý và vi phạm nghiêm trọng Bộ luật tố tụng hình sự.

Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy trong phiên tòa

Nỗi đau của một người vợ

Bà Lê Thị Minh Hà, vợ của ông Nguyễn Hữu Vinh cho biết bà cảm thấy đau đớn khi chứng kiến phiên tòa.

Phiên tòa diễn ra mà không có người dân được tham gia thì đấy phải là phiên tòa xử kín. Các luật sư bào chữa đã chứng minh trất rõ ràng là chồng tôi vô tội mà tòa án không đưa ra bất cứ một bằng chứng nào phản bác lại được. Họ cứ đọc theo một bản cáo trạng đã có sẵn, tôi cho rằng đây là một bản án định trước và họ chịu sức ép của tòa án nhân tối cao và làm việc như các con rối.

Bà nói rằng Hội đồng xét xử không có kiến thức về Internet trong khi vụ án liên quan chủ yếu đến kiến thức mạng. Thậm chí họ còn không đọc nổi, đọc đúng những từ ngữ phổ thông khi dùng Internet. Như thế thì bất cứ ai dùng mạng cũng có thể bị kết tội sai.

Từng tốt nghiệp trường an ninh và là đồng nghiệp của ông Vinh trước đây, bà cảm thấy sự yếu kém của những người từng là đồng nghiệp với bà. Bà tin rằng tất cả những người trong phiên tòa hôm nay không đồng ý với các sai phạm và kết luận của bản án.

Bà cho biết thêm là ông Vinh trả lời rất tỉnh táo và minh mẫn nhưng có thể có dấu hiệu ông bị phù nề, ông đã viết 58 trang để tựu bào chữa cho mình.

Bà nói rằng ông Vinh và chị Thúy sẽ kháng cáo.

Luật sư Trần Quốc Thuận và bà Lê Thị Minh Hà sau khi kết thúc phiên tòa

Pv GNsP tại Hà Nội




No comments: