Trí Dũng - VnExpress
Thứ sáu, 18/3/2016 | 11:52 GMT+7
Hàng loạt đập thủy điện Trung Quốc xây dựng trên
sông Mekong làm thay đổi nghiêm trọng dòng chảy, có thể ảnh hưởng đến an ninh
lương thực thế giới.
Đập Nọa Trát Độ cao
261,5 m, đập thủy điện lớn nhất ở thượng nguồn sông Mekong. Ảnh: Flickr
Khi hãng tin Xinhua của Trung Quốc
loan báo rằng đập Nọa Trát Độ, con đập lớn nhất trên thượng nguồn sông Mekong,
đã bắt đầu phát điện tổ máy đầu tiên, tin tức này hầu như không được bất cứ tờ
báo nào ở Trung Quốc và trên thế giới dẫn lại.
Nọa Trát Độ là một trong 6 đập thủy điện lớn mà
Trung Quốc đã xây dựng trên đoạn sông Mekong chảy qua lãnh thổ của mình. Nước
này dự kiến xây dựng một chuỗi 7 đập trên đoạn sông này, và nhiều khả năng sẽ gây
ra những thay đổi nhanh chóng về mực nước và các tác động khác đối với khu vực
hạ lưu, nơi hàng chục triệu dân của 4 nước Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan
sống phụ thuộc rất lớn vào dòng sông này, theo WashingtonTimes.
“Các đập thủy điện của Trung Quốc trên sông Mekong
được xây ở những vùng xa xôi hẻo lánh và nhận được rất ít sự chú ý của truyền
thông phương Tây”, Milton Osborne, chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Lowy, một
tổ chức tư vấn chính sách quốc tế ở Sydney, Australia, nói.
“Thế nhưng, cũng giống như những dự án đập thủy điện
đang được khảo sát ở Lào và Campuchia, những gì đang diễn ra ở Trung Quốc rốt
cuộc sẽ thay đổi khả năng tạo ra lúa gạo và các sản phẩm khác của con sông dài
nhất, quan trọng nhất Đông Nam Á, con sông trọng yếu đối với sinh kế của 60 triệu
người ở hạ lưu”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Dù ít được chú ý, tuyên bố đưa đập Nọa Trát Độ đi
vào hoạt động rất quan trọng, bởi nó phản ánh quan điểm của Bắc Kinh rằng chuỗi
đập mà họ xây dựng trên dòng sông này sẽ không ảnh hưởng đến các nước khác ở hạ
lưu, với lý do chỉ có 13,5% lượng nước sông Mekong chảy qua Trung Quốc, theo
Osborne.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã nhiều lần bác bỏ tuyên
bố này của Trung Quốc. Ông Osborne tin rằng nguồn nước sông Mekong chảy qua
Trung Quốc có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì dòng chảy vào mùa khô
cho các nước ở hạ lưu, và có thể chiếm tới 40% tổng lưu lượng của cả dòng sông.
“Mỗi con đập mà Trung Quốc xây lên đều tạo ra nguy
cơ làm cạn kiệt dòng chảy lớn hơn, đặc biệt là khi cả đập Tiểu Loan và Nọa Trác
Độ đều có vai trò là những đập trữ nước, hạn chế dòng chảy của sông”, ông nói.
Chuyên gia này khẳng định rằng việc Trung Quốc đồng
thời đưa tới 6 con đập vào hoạt động “sẽ gây tác động lâu dài tới vùng hạ lưu”,
trong đó có việc ngăn chặn dòng nước chứa phù sa nhiều dưỡng chất chảy xuôi
dòng sông Mekong.
Tương tự, hai nước ở hạ lưu sông Mekong là Campuchia
và Lào cũng đang lên kế hoạch xây dựng một loạt đập thủy điện trên con sông
này. Trong tương lai gần, sẽ có khoảng 11 đập thủy điện chia cắt dòng sông
Mekong thành từng đoạn nhỏ, và các chuyên gia dự báo rằng, điều này sẽ càng làm
cho tác động của biến đổi khí hậu càng thêm tồi tệ, gây ra những nguy cơ chính
trị và xung đột lớn cho khu vực và cả thế giới.
Ảnh
hưởng sinh kế
Theo các chuyên gia phân tích, sự trỗi dậy của Trung
Quốc cả về kinh tế và quân sự trong những năm gần đây đã gây tác động đến tình
hình khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, không lĩnh vực nào trong sự trỗi dậy
của Trung Quốc lại rõ rệt và gây ra nhiều quan ngại như cơn khát năng lượng của
nước này, buộc Bắc Kinh phải khai thác triệt để thượng nguồn sông Mekong cho mục
đích thủy điện, theo Richard Cronin, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung
tâm Stimson, một tổ chức tư vấn tại Mỹ.
Ngay từ bây giờ, 6 con đập của Trung Quốc đã làm giảm
đáng kể mực nước của hàng trăm km sông Mekong ở hạ lưu, gây ra những tác động rất
tiêu cực cho các nước ở khu vực này, Cronin nói.
Campuchia đã được thấy bị ảnh hưởng bởi “cơn khát”
do các đập thủy điện của Trung Quốc gây ra. Các chuyên gia cho biết trong thời
gian gần đây, hồ Tonle Sap, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và kết nối chặt chẽ
với sông Mekong, bị giảm mực nước đáng kể.
Nhiều người dân ở hạ
lưu sông Mekong khốn khổ vì lượng nước giảm kỷ lục. Ảnh: InternationalRiver
“Nhiều khả năng Biển Hồ của Campuchia sẽ bị thu hẹp
diện tích đáng kể trong mùa mưa, làm suy giảm vai trò quan trọng của nó là nguồn
thực phẩm rất lớn cung cấp cho người dân Campuchia thông qua các loài cá sinh sống
trong hồ”, ông Ossborne cho hay.
Liên minh Nghề cá Campuchia gần đây công bố báo cáo
cho thấy những con đập của Trung Quốc trên sông Mekong đã “ảnh hưởng đến quần
thể cá trong hồ Tonle Sap”. “Khi các đập thủy điện được xây, người dân sống
quanh hồ đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi chúng làm thay đổi nguồn cá, dẫn tới
tình trạng suy giảm số lượng cá liên tục”, báo cáo nhấn mạnh.
Nhưng theo các chuyên gia, có lẽ không nước nào ở tiểu
vùng sông Mekong hứng chịu hậu quả nặng nề như Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn
thứ hai thế giới, với vựa lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc rất lớn vào
nguồn nước từ dòng sông này.
Ông Cronin cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long là nơi
sinh sống của khoảng 18 triệu người Việt Nam, đóng góp tới một nửa sản lượng
lúa gạo cho đất nước, và là nơi dễ bị ảnh hưởng nhất bởi tình trạng nước biển
dâng do biến đổi khí hậu. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn khi sông
Mekong không cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp
và sinh hoạt của người dân.
Trên thực tế, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang
phải trải qua đợt hạn
hán và xâm nhập mặn lịch sử, khiến nước mặn lấn sâu vào đất liền tới 70-90
km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 15 đến 20 km, làm hàng trăm nghìn ha lúa của
người dân bị thiệt hại.
“Việt Nam đang phải đối mặt với mối đe dọa từ hai
phía khi Trung Quốc ngày càng có khả năng can thiệp lớn hơn vào dòng chảy của
sông Mekong bằng các con đập lớn, đồng thời tăng cường sức ép bằng các hoạt động
xây đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông”, ông Cronin nhận định.
Nguy
cơ gây bất ổn
Ông Cronin cho rằng tình trạng cạnh tranh ngày càng
gay gắt giữa các nước để tiếp cận với các nguồn tài nguyên phong phú trên khu vực
Mekong không chỉ gây ra sự xuống cấp nghiêm trọng về môi trường tự nhiên, mà
còn ảnh hưởng đến an ninh và ổn định của cả khu vực và toàn cầu.
Mới đây, truyền thông Singapore và Campuchia đưa tin
Thái Lan đang hút một lượng nước lớn từ sông Mekong để dự trữ, đồng thời sắp
xây một số cửa chắn nước từ các nhánh sông Mekong và xây ba hồ chứa nước dự trữ
phục vụ nông nghiệp nước này.
Theo đó, Thái Lan đã bố trí 4 trạm bơm tạm thời để
hút 47 triệu mét khối nước từ sông Mekong vào sông Huai Luang ở tỉnh Nong Khai,
đồng thời huy động binh lính đào 4.300 giếng và 30 đập trữ nước mới. Somkiat
Prajamwong, quan chức Bộ Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan, cho hay một trạm bơm mới
lớn hơn với công suất 150 mét khối mỗi giây sẽ tiếp tục được xây dựng để hút nước
từ sông Mekong.
Việt
Nam đã bày tỏ quan ngại về kế hoạch hút nước này và cũng đề nghị Thái
Lan cung cấp thông tin cụ thể về dự án chuyển nước từ Huay Luang, một dòng
nhánh của sông Mekong để sử dụng cho nông nghiệp.
Khi Trung Quốc tuyên bố xả nước từ các đập thủy lợi
để giúp vùng hạ lưu chống hạn, các chuyên gia thuỷ lợi cho rằng người dân Việt
Nam không nên quá lạc quan bởi nước trước khi về Việt Nam sẽ bị chặn lại hầu hết
ở Thái Lan, Lào, Campuchia – những quốc gia cũng đang bị hạn hán nặng nề.
Theo nhận định của các chuyên gia, với tình hình hạn
hán như hiện nay, sản lượng lúa gạo của các nước tiểu vùng sông Mekong sẽ sụt
giảm, gây tác động kinh tế toàn cầu. Khi vùng Mekong sản xuất ra ít lúa gạo
hơn, giá cả lương thực ở những nước phải nhập khẩu lúa gạo nhiều khả năng sẽ
tăng cao, kéo theo giá của nhiều mặt hàng thiết yếu khác.
Mất mùa, ngư dân sẽ phải bỏ nghề, trong khi người trồng
lúa nhiều khả năng sẽ chuyển qua các hình thức canh tác khác như nuôi tôm nước
mặn trên những cánh đồng từng trồng lúa. Các chuyên gia cảnh báo rằng giải pháp
ngắn hạn này sẽ hủy hoại khả năng canh tác của nhiều diện tích đất, gây ra hậu
quả khôn lường và lâu dài về môi trường, thậm chí ảnh hưởng đến an ninh lương
thực của thế giới.
Các đập thủy điện đã và sắp được xây dựng trên sông
Mekong. Đồ họa: Michael Buckley
Ủy hội Sông Mekong, một tổ chức quốc tế được lập ra
từ năm 1995 để giám sát và chia sẻ thông tin về hoạt động khai thác nguồn lợi từ
dòng sông này, đã nhiều lần phản đối các hoạt động ảnh hưởng đến dòng chảy của
sông. Thế nhưng, ủy hội này lại không có quyền lực cần thiết để can thiệp, trong
khi các quốc gia thành viên thường chỉ làm theo cách của mình.
Trong khi đó, dù hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng
từ hoạt động xây đập của Trung Quốc, chính phủ nhiều nước lại không mấy mặn mà
với việc lên tiếng phản đối, ông Cronin nói. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu
tài nguyên và nông sản khổng lồ của nhiều nước, trong khi Lào và Campuchia là
những nước nhận được nguồn viện trợ phát triển cơ sở hạ tầng rất lớn từ Trung
Quốc trong những năm gần đây, chuyên gia này chỉ ra.
Việc Trung Quốc không mặn mà với việc công bố thông
tin về các đập thủy điện của nước này càng khiến tình hình tồi tệ hơn, nhưng nó
cũng có thể tác động tiêu cực ngược trở lại với Bắc Kinh. “Việc Trung Quốc
không tính đến lợi ích của các nước láng giềng đang tạo ra tâm lý bất mãn ngày
càng lớn cho các nước ở hạ lưu, khiến Bắc Kinh sẽ gặp khó khăn lớn hơn trong việc
đạt được những mục tiêu dài hạn ở lưu vực sông Mekong nhằm gây ảnh hưởng lớn
hơn lên khu vực này”, Cronin nhấn mạnh.
Trí
Dũng
------------------------
THẢM HỌA MEKONG TỪ MỘT BÁO CÁO NGUY HIỂM CHO ĐẤT
NƯỚC
.
TS Nguyễn Ngọc Trân 31/10/2015 09:29 GMT+7
.
Lê Văn - VietNamNet Cập nhật : 10:23 | 10/11/2015
.
*
*
TÌNH TRẠNG THIẾU NƯỚC Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU
LONG
.
.
CHÍNH PHỦ VN LIỆU CÓ VÔ
CAN TRONG THẢM HỌA TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ? (Mẹ Nấm - Danlambao) 20/3/2016
.
.
.
.
SÔNG CỬU LONG KÊU CỨU
(Ngô Nhân Dụng) 20/3/2016
.
.
.
.
.
.
.
.
Người Đô Thị 11/03/2016 - 11:24 AM
No comments:
Post a Comment