Saturday, February 6, 2016

XUÂN THA HƯƠNG, XUÂN LẠI THA HƯƠNG (Tạ Phong Tần)





Tạ Phong Tần

Bài đã đăng Báo Xuân Người Việt 2016

*
Tha hương trên chính quê hương mình

Tôi đã trải qua 5 lần đón Xuân một mình ở Sài Gòn. Khi mà tất cả mọi người đang sum họp cùng gia đình, bạn bè nao nức đón Xuân sang, thì người khách trọ đơn độc là tôi vẫn ngồi lì bên chiếc computer, cắm mặt vào màn hình và bàn phím. Phong tục tập quán xứ mình, “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”, có ai rảnh rỗi đâu mà chơi với mình. Còn mình thì cũng không dám đến nhà ai, lỡ có chuyện gì người ta lại đổ thừa tại mình xông đất làm xui xẻo cả năm. Bản thân tôi không nói làm gì, nhưng mấy “cái đuôi” theo sau tôi gây cảm giác khó chịu, bức xúc, thúi hẻo cho gia chủ. Từ ngày bước chân lên Sài Gòn, chọn cho mình con đường làm báo tự do, đồng nghĩa với việc chấp nhận cuộc sống thoát ly. Không phải ly hương mà là thoát ly hẳn, ly hương thì còn quay về, còn thoát ly đi không biết đến bao giờ mới có ngày về. Trong một cái xã hội mà sự lừa bịp, dối trá, khủng bố đã được nâng lên thành “nghệ thuật” và “chuyên nghiệp”, thì thoát ly là cách duy nhất mà tôi có thể làm.

Thôi Hiệu người đời Đường ở bên Tàu, thi đỗ Tiến sĩ, làm quan xa xứ. Một hôm đến Hán Dương ghé vào tửu lầu Hoàng Hạc uống rượu, rồi để lại cho đời tuyệt tác Hoàng Hạc lâu lưu truyền hậu thế: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị?/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu”. (Dịch nghĩa: Chiều tối tự hỏi đâu là quê hương? Khói và sóng trên sông khiến cho người nổi mối u sầu). Đã nhiều lần tôi tự hỏi mình: Quê hương của tôi ở đâu? Tại sao tôi không thể trở về? Thà không về để người nhà mình không biết, không nghe, không thấy… đồng nghĩa với không có gì để nói, để khai với nhà cầm quyền. Để bọn “nhà nước của dân” không quấy nhiễu người nhà mình. Tôi không biết tổ quốc tôi có còn là Việt Nam hay là biến thành quận huyện của Tàu, mà tôi và bạn bè tôi chống Tàu, đùng một cái chúng tôi trở thành kẻ thù của cái gọi là “nhà nước của dân (Việt Nam), do dân (Việt Nam nuôi), vì dân (Trung Quốc)”.

Cay đắng thay, tôi đang là công dân lương thiện của một quốc gia “độc lập”, “có chủ quyền” lại trở thành kẻ lang thang trên chính đất nước mình. Sài Gòn dập dìu hoa lệ, một mình ngồi trong phòng trọ mà nhớ đến câu: “Trôi dạt dám mong gì vấn vít/ Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây” (Nguyễn Bính). Có nhà không thể ở, có quê không thể về, có tổ quốc bỗng trở thành vong quốc. Mẹ già đừng khóc mẹ ơi/ Coi như con đã sút nôi lọt lòng.

Xuân tha hương đầu tiên trên đất Mỹ

Từ nhà tù CSVN , đùng một phát được quăng vào Mỹ ở cái tuổi không còn trẻ với hai bàn tay trắng. Nước Mỹ với tôi vừa quen vừa lạ. Quen bởi văn hóa Mỹ, đời sống Mỹ, con người Mỹ, lịch sử Mỹ… tôi vẫn thường đọc trong sách báo. Người Mỹ thân thiện và không thích nhắc đến “quá khứ hào hùng”. Anh hùng hay không anh hùng, xong nhiệm vụ rồi cũng như nhau cả thôi. Nước Mỹ từng có cuộc chiến Nam Bắc phân tranh nhưng chẳng thấy người Mỹ nào “vỗ ngực xưng tên” ta đây là dòng dõi kẻ thắng, cũng chẳng có ai “cay cú” vì thua. Nước Mỹ thanh bình, không có ai rình rập, hãm hại lẫn nhau chỉ vì anh và tôi bất đồng quan điểm.

Ngay từ phút đầu tiên tôi đặt chân đến phi trường Los Angeles, tôi đã gặp một người phụ nữ trẻ nói Việt hơi lơ lớ chạy đến nắm lấy tay tôi một cách nồng nhiệt, giữa đám đông bạn bè, chiến hữu (biết mặt lẫn chưa quen biết) đang chen lấn chào đón tôi, chị cố gắng dúi vào tay tôi tấm card visit và lặp đi lặp lại một câu: “Chúc mừng chị đã đến xứ sở tự do. Tôi là Janet Nguyễn, nếu cần sự giúp đỡ xin chị cứ gọi cho tôi”. Lúc đó, tôi không biết Janet Nguyễn là ai, tôi cám ơn chị, xúc động khi thấy vây quanh tôi là rất nhiều khuôn mặt tôi chưa từng gặp nhưng mọi người chào đón tôi như chào đón một người thân đi xa lâu lắm vừa trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình. Sau này, tôi mới biết chị là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bước chân vào chính trường Hoa Kỳ trong vai trò thượng nghị sĩ tiểu bang California. Giá mà dân biểu ở Việt Nam cũng thân thiện với dân như chị ấy.

Califonia với những ngôi nhà kiểu cũ thâm thấp, xung quanh nhà nào cũng có đất để trồng cây, trồng hoa. Có cảm giác đây là vùng quê trù phú, yên ả, tĩnh mịch. Rất hiếm thấy những ngôi nhà cao tầng, nếu có cũng chỉ là “muỗi” so với nhà cao tầng ở New Yord hay Washington DC. Cộng đồng người Việt hải ngoại sống ở Cali đông đảo, thích nhất là đến bất kỳ nơi nào ở cơ quan công quyền lẫn dịch vụ công cũng đều có nhân viên người Việt nói tiếng Việt trôi chảy đón tiếp bạn và hướng dẫn tận tình.

Tôi gặp những người đại diện chính quyền ở đây như ông Andrew Đỗ – Giám sát viên quận Cam Andrew Đỗ, ông Tạ Đức Trí – Thị trưởng thành phố Westminster. Thật thán phục những người đồng hương nghị lực phi thường, vượt qua nhiều khó khăn về văn hóa, sắc tộc, vươn lên trên một xứ sở không phải là quê hương bản quán của mình. Tôi còn phát hiện ông Tạ Đức Trí là đồng hương Bạc Liêu với tôi. Nhà ông ở Việt Nam cách nhà tôi vài cây số, bước ra đường chân bên này là Vĩnh Lợi, chân bên kia là Bạc Liêu, giống như Graden Grove và Westminster trong Cali vậy. Họ tiếp tôi trong Văn phòng làm việc của họ, lịch sự, giản dị và thân thiện đến mức làm tôi ngạc nhiên. Ông Tạ Đức Trí còn nói đùa: “Đây là phòng làm việc của Thị trưởng, gần cửa ra vào phía sau nhất, rất thuận tiện, mở cửa bước ra một cái là ra ngoài đường được ngay, có chuyện gì mở cửa chạy trốn cho dễ”.

Lần đầu tiên gặp tôi, cả hai ông nói chuyện với tôi đều xưng “em” dù họ đang là quan chức nhà nước. Nói như kiểu ở Việt Nam họ là “người có chức vụ, quyền hạn”, là đối tượng luôn có người muốn làm thân để cầu cạnh, xin xỏ quyền lợi. Ở Việt Nam, chưa có quan chức nào nói chuyện với tôi xưng “em” cả, dù họ nhỏ tuổi hơn tôi. Cũng không có “đại biểu của dân” nào đối xử với tôi như bà Janet Nguyễn. Có việc muốn tìm gặp “đại biểu của dân” cực kỳ khó khăn, mấy chục năm ở Việt Nam, tôi lơ ngơ không biết đại biểu của tôi là ai, tìm họ ở đâu khi có việc cần, không có văn phòng làm việc riêng, không có website riêng, không có địa chỉ email riêng, còn số điện thoại cá nhân của đại biểu được xếp vào loại “bí mật” mà người dân bình thường như tôi không có may mắn biết.

Khó khăn đầu tiên tôi gặp ở Mỹ là khó nhớ tên đường phố. Khác với ở Việt Nam đường phố san sát bảng hiệu tiệm quán từ đầu đường đến cuối đường, bảng hiệu nào cũng ghi chữ to đùng số nhà, tên đường, quận… rất dễ nhớ. Còn ở đây, tên đường chỉ do nhà nước cắm bảng ở đầu đường, đi qua rồi là thôi, bảng hiệu tiệm quán không có tên đường. Nếu lỡ không nhớ xin mời bạn quay xe trở lại đầu đường mà đọc.

Hôm trò chuyện cùng anh David (Nhân viên tham tán chính trị Bộ Ngoại giao Mỹ) trên máy bay, anh này nói: “Chị đến Mỹ rồi sẽ thấy, cái gì ở Mỹ cũng bự gấp ba lần ở Việt Nam”. Quả đúng như vậy, từ cuộn giấy vệ sinh, tô phở, đĩa cơm, cái bánh mì, ly cà phê… đều nhìn muốn ngộp thở.

Cà phê thì cố uống cho hết ly, chớ cơm, phở, bánh mì ăn được một nửa, một nửa đem về nhà ăn bữa tiếp theo. Giá cả ở đây đắt đỏ hơn bên Việt Nam nhiều lần, có thứ gấp ba lần, nhưng cũng có thứ gấp chục lần. Chẳng hạn một nải chuối sứ ở Sài Gòn từ mười đến hai mươi ngàn đồng, ở Mỹ $4, tương đương một trăm ngàn đồng Việt Nam. Tôi đi chợ, không biết trả giá thế nào, cứ “tính tiền bằng đơn vị phở”, món nào hơi có giá trị một chút như dầu gội, giày dép… thấy giá tương tương ba tô phở ($30) hay hơn chút đỉnh thì cứ mua luôn. Có người nói với tôi “Mua như vậy là hố”, nhưng phở bọn mình kéo nhau vô quán làm hết vèo một lúc cả chục tô, mấy món kia xài được vài tháng, sao lại “hố” nhỉ? Nguyên lý này thiệt là “hỉu không nổi”!

Hàng quán của người Việt ở Cali đa dạng và phong phú giống như ở Sài Gòn. Tức là cũng phải có “quán ruột” hợp khẩu vị với mình, nếu không thì “nuốt không trôi”. Hồi tôi còn ở Sài Gòn, muốn ăn tô mì Tàu phải chạy xe máy từ quận 3 tuốt qua quận 5, ăn xong chạy về nhà “mất tiêu” tô mì, mà ăn ở quận 3 thì… khó nói lắm. Có lần tôi và vài anh bạn vào một quán ăn người Việt, tôi thấy thực đơn có món mì khô kiểu Tàu, bèn gọi món này, đem ra nhìn chủ quán “show hàng” rất mướt mắt, ăn vào mới thấy “ngọng”. Anh bạn ngồi gần thấy tô mì cũng tưởng ngon, vừa kêu thêm thì tôi cản lại: “Anh đừng kêu món này, em đang “hối hận tràn trề” đây”. Tuy nhiên, cũng có nơi thức ăn ngon, vừa miệng. Nghĩ đời mình sao mà “khổ” quá, lúc nhỏ ăn được thì không có cái gì để ăn, đói ơi là đói, hai mươi ba tuổi có ba mươi sáu ký lô; bây giờ có quá nhiều thứ ngon để ăn thì phải nhịn thèm, sợ lên cân cũng khổ lắm, khổ thiệt chớ không phải khổ cải lương đâu, tăng huyết áp, đau xương khớp cũng chết.

Nếu như ở Sài Gòn, ra đường gặp người khác có hai phần ba số người bạn gặp nói giọng Bắc, thì ở đây vào khu người Việt, rất ít người nói giọng Bắc, toàn nghe giọng Nam, tưởng mình đang ở miền Tây Nam bộ.

Tôi lại thêm một mùa Xuân tha hương trên đất khách quê người, có điều lần tha hương này hơi bị… “tha” đi quá xa đến nửa vòng trái đất. Graden Grove những ngày cuối tháng 10, mười giờ sáng vẫn mây khói âm u, mặt trời còn trốn kỹ sau những áng mây đen, chiều năm giờ đã sụp tối. “Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?” (Thôi Hiệu, Tản Đà dịch).

Tạ Phong Tần






No comments: